Việt Nam: “Thỏi nam châm” của ngành bán dẫn thế giới

Tháng Chín 4, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_viet_nam_thoi_nam_cham_cua_nganh_ban_dan_the_gioi-e1726186106620.jpg

So với Đài Loan hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn.

Khi về thăm trường đại học cũ của mình tại Việt Nam, cô Trần Thị Ngọc Gương không ngờ rằng tất cả các sinh viên lại tò mò về ngành của cô đến vậy: Thiết kế chip.

Một sinh viên tâm sự rằng, vừa chuyển sang chuyên ngành của cô; một sinh viên khác hỏi cô về những vấn đề khó hiểu về mạch thiết kế phần cứng, một thứ mà cô chưa từng gặp khi còn là sinh viên.

Hiện tại, những sinh viên trẻ Việt Nam đang nhảy vào lĩnh vực bán dẫn và chính phủ có mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030.

“Tôi không nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ làm việc trong một lĩnh vực hot như vậy”, cô Gương chia sẻ.

Sức nóng này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một là nhu cầu tăng cao đối với các kỹ sư chip trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Sự thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ-Trung gây ra cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhân tài địa phương. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như Mỹ, có nghĩa là các công ty đang tìm kiếm các kỹ sư xa hơn.

Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan, đang mở rộng đội ngũ R&D của mình sang Việt Nam, nơi họ lên kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Công ty có khả năng sẽ tăng số lượng lao động lên tới 100 nhân viên kỹ thuật trong vòng 2-3 năm, Giám đốc tài chính Daniel Wang cho biết.

“Sau khi đánh giá một số điểm đến ở châu Á để mở rộng nhóm R&D, chúng tôi nhận ra rằng việc thu hút nhân tài ở các nền kinh tế công nghệ đã phát triển như Nhật Bản có thể là thách thức đối với công ty có quy mô như Alchip, mặc dù chúng tôi cũng đang mở rộng tại đó”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành Johnny Shen cho biết.

“Nguồn nhân lực kỹ thuật triển vọng của Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ của họ đã trở thành lựa chọn vô cùng hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người luôn khao khát học hỏi và đóng góp.”, ông Shen chia sẻ thêm.

GUC và Faraday Technology, hai công ty cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC, cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (tăng trưởng % GDP). Ảnh: Nikkei Asia.

Tương tự như vậy, các công ty Hàn Quốc đang hướng đến Việt Nam, một phần để bù đắp cho tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường quê nhà.

Ngoài trợ cấp cho R&D, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đã kêu gọi một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo nhân viên nước ngoài và nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút họ. Quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thảo luận: Việt Nam.

Việc cung cấp đủ lao động công nghệ trong thời điểm thiếu hụt có thể giúp Việt Nam đạt được một trong những ước mơ ấp ủ từ lâu: nâng cao chuỗi giá trị công nghệ.

Cụ thể, công ty Marvell mô tả Việt Nam là “vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật”. Marvell đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên địa phương lên khoảng 500 vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho các văn phòng tại TP.HCM mà còn một địa điểm mới tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Không giống như các lĩnh vực công nghệ thấp hoặc thâm dụng lao động, hoạt động của Marvell tại Việt Nam đòi hỏi khả năng kỹ thuật tiên tiến.

Synopsys, nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, là một trong những công ty khác tích cực đầu tư vào Việt Nam, nơi hiện có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều thành phố.

Ông Robert Li, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng tại Đài Loan và Đông Nam Á của Synopsys, chia sẻ rằng: “Mức độ quan tâm cao của sinh viên và lực lượng lao động Việt Nam đối với việc đào tạo kỹ thuật bán dẫn, cùng với nguồn tài trợ và các chương trình của chính phủ, đang góp phần đưa đất nước này trở thành trung tâm nhân tài về bán dẫn”.

Ông Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, cho biết nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật trình độ cao tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với nguồn cung, do cuộc chiến công nghệ Trung – Mỹ khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sang Đông Nam Á.

“Chúng tôi nhận thấy rằng trong thời kỳ COVID, nhiều tài năng kỹ thuật địa phương đã chuyển về Việt Nam từ các quốc gia Đông Nam Á khác, chẳng hạn như Singapore. Nhưng vẫn còn nhiều chỗ cho nguồn nhân tài phát triển, vì nhiều công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động”, ông Chen, người đã sống tại Việt Nam nhiều năm, chia sẻ.

Trong thiết kế chip, ông Chen cho biết, “mỗi công ty đang tuyển dụng ít nhất 300 hoặc 500 người cho văn phòng tại Việt Nam”.

Lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Chen cho biết, so với Đài Loan hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với các công ty, trong khi nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế công nghệ tiên tiến hơn đã giúp mở rộng và cải thiện nhóm ứng viên.

Theo trang web cung cấp nguồn lực nghề nghiệp Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam kiếm được trung bình 665 USD/tháng, thấp hơn mức 5.627 USD của các đồng nghiệp ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia.

Ông Chen, đối tác của KPMG, ước tính rằng mức lương ở Việt Nam có thể sớm bắt kịp với mức lương ở Đài Loan do nhu cầu tuyển dụng lao động mạnh mẽ. Mức lương đang tăng mạnh. Những nhân tài trình độ cao sẽ được hưởng mức tăng lương ít nhất 10% mỗi năm.

TP.HCM là lựa chọn hàng đầu của các công ty nước ngoài để thu hút nhân viên do chất lượng cuộc sống và các hoạt động thương mại sôi động của thành phố, ông Chen cho biết. “Sự phát triển của nhóm nhân tài cấp cao tại Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn chớm nở. Chúng tôi dự đoán các công ty sẽ đến Hà Nội như giai đoạn tiếp theo, khi thị trường nhân tài ở đây bão hòa.”, ông Chen chia sẻ thêm.

Nhưng hiện tại, nhu cầu về nhân tài vẫn vượt xa nguồn cung và không chỉ ở Việt Nam.

Malaysia, một trung tâm công nghiệp chip trong những năm 1970 và 1980, đang thúc đẩy xây dựng lại ngành công nghiệp trong nước, đầu tư đang đổ vào từ một số tên tuổi lớn nhất trong ngành, nhưng các nhà quan sát chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt kỹ sư địa phương là một trong những thách thức cản trở giấc mơ của chính phủ. Thái Lan đang tận hưởng một loạt các khoản đầu tư mới vào bảng mạch in, máy tính xách tay và máy chủ nhưng cũng phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài công nghệ địa phương.

Nhật Bản cũng đang cố gắng lấy lại thời kỳ hoàng kim của mình như một cường quốc sản xuất chip, và tình trạng thiếu hụt kỹ sư giàu kinh nghiệm gần như luôn là nỗi lo thường trực của các nhà hoạch định chính sách và nhân vật trong ngành.

Ngay cả Trung Quốc, nơi chính phủ đang hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước, cũng đang gặp thách thức trong việc tuyển dụng đủ kỹ sư vì ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu lựa chọn những công việc được trả lương cao hơn trong lĩnh vực phần mềm hoặc dịch vụ tài chính.

Tại Việt Nam, các Giám đốc Điều hành công ty sản xuất chip và các quan chức nhà nước cho biết, học bổng và thực tập là một số công cụ chính mà họ đang sử dụng để thu hút thêm nhiều kỹ sư vào làm việc.

Seoul AI Hub, một đơn vị nghiên cứu của Chính quyền đô thị Seoul, có kế hoạch cung cấp chương trình thực tập ba tháng cho sinh viên Việt Nam bắt đầu từ tháng 9, kết nối họ với các công ty thiết kế chip của Hàn Quốc. Bộ SME và Khởi nghiệp Hàn Quốc đang hợp tác với Bộ Tư pháp để xây dựng các quy định về thị thực dễ dàng hơn cho người Việt Nam.

Trong khi đó, Washington đang hợp tác với bảy quốc gia, bao gồm Việt Nam, để xây dựng chuỗi cung ứng chip không bao gồm Trung Quốc.

Nguyên Hồ

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button