Tháng Sáu 26, 2025

Thị trường thực phẩm Halal được dự báo tăng hơn gấp đôi trong 10 năm tới, nhưng hàng Việt sang các nước đạo Hồi vẫn thiếu vắng, nhất là nông sản, thực phẩm tiêu dùng.

Thông tin này được TS Aemin Nasir, giảng viên đại học RMIT, nói tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Halal toàn cầu – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, ngày 25/6.

Ngành Halal gồm những sản phẩm “được cho phép”, “hợp pháp” để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Indonesia và Malaysia là những nước mua hàng Việt nhiều nhất trong 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Tuy nhiên theo TS Aemin, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Hồi giáo đang thiếu vắng thực phẩm tiêu dùng và nông sản (cà phê, rau quả, hạt điều…), trong khi đây là những sản phẩm có nhu cầu cao tại đây.

Ông dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết trong số các sản phẩm Halal, thực phẩm là nhóm được dự báo tăng trưởng mạnh nhất, từ 2.700 tỷ USD năm 2024 lên gần 6.000 tỷ USD vào 2033, tức gấp hơn 2 lần trong 10 năm.

PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, nhận định bất kỳ quốc gia, doanh nghiệp nào “bỏ quên” phân khúc này sẽ mất cơ hội tăng trưởng dài hạn.

Một số sản phẩm có chứng nhận Halal trưng bày tại sự kiện ngày 25/6. Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Không riêng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang “bỏ quên” khách đạo Hồi ở thị trường nội địa. Bà Bá Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch HĐQT HTX Hà Nội Xanh, nói điều đau đầu nhất khi tiếp đoàn từ nước đạo Hồi là tìm quán ăn. “Chúng tôi sau đó lựa chọn ăn chay”, bà Thu nói.

Ông Mahmood Ur Rehman Janjua, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Nam – Pakistan, kể lần đầu đến Yên Bái vào 20 năm trước, ông chỉ có thể uống nước, bởi không tìm được đồ ăn phù hợp. Phát hiện khoảng trống lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Halal tại Việt Nam, ông quyết định đầu tư vào thị trường này với chuỗi nhà hàng Nan n Kabab và Bánh mì Halal.

Hiện thị trường Halal toàn cầu có quy mô với hơn 2 tỷ người Hồi giáo. Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước 2030. Trong đó, dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi.

Để khai thác thị trường tiềm năng này, hai năm trước, Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược, trong đó có đề án về tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành Halal đến 2030; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, cũng như hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không dễ tham gia thị trường Halal. Chi phí để đạt được chứng nhận Halal khá cao, 2.000-5.000USD. Quá trình kiểm tra sau đó nếu cơ quan quản lý phát hiện sai sót, chứng nhận này sẽ bị thu hồi.

Theo PGS. TS Hoàng, thách thức lớn của Việt Nam là việc thiếu vắng hệ sinh thái toàn diện về ngành công nghiệp này, gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở. Chẳng hạn, về hạ tầng logisitcs, việc không có khu lưu trữ, bảo quản riêng cho hàng hóa Halal có thể dẫn tới lây nhiễm chéo với hàng Haram (sản phẩm không tuân thủ tiêu chuẩn Halal). Doanh nghiệp cũng đang thiếu cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ để phát triển, thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal.

Việt Nam đang chậm chân với thị trường Halal, khi các nước láng giềng đã triển khai vài chục năm trước. PGS. TS Hoàng đề xuất nâng đề án quốc gia về ngành Halal thành chiến lược, trong đó quy tụ nguồn lực để phát triển ngành này trong ngắn và dài hạn.

Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng cộng đồng ngành Halal Việt Nam. TS Aemin từ RMIT cho rằng nhận thức và giáo dục về Halal cần được tăng cường, qua các kênh truyền thống hoặc nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Instagram…


Tháng Sáu 26, 2025

Bộ Công Thương đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành lộ trình sử dụng xăng E10, dự kiến từ ngày 1/1/2026.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng về cung ứng xăng dầu ngày 25/6, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cùng các cơ quan khác để tham mưu ban hành lộ trình sử dụng xăng E10.

Theo Bộ trưởng, dự kiến lộ trình bắt đầu sử dụng xăng sinh học E10 từ ngày 1/1/2026. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ thông qua báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định 53/2012 về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với truyền thống.

Cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công được giao đề xuất sửa Quyết định 53. Việc này phải hoàn thành trong tháng 6, đầu tháng 7.

Bộ trưởng cũng đề nghị từ tháng này, cơ quan quản lý sẽ mở chiến dịch truyền thông để toàn xã hội nhận thức và ủng hộ quá trình chuyển đổi việc sử dụng xăng E10.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị về cung ứng xăng dầu, ngày 25/6. Ảnh: VGP

Theo Quyết định 53, từ đầu 2014, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quyết định 53 cũng đưa ra lộ trình dự kiến từ ngày 1/12/2016, xăng E10 được sử dụng tại 7 tỉnh, thành phố và áp dụng trên toàn quốc từ 2017. Như vậy, lộ trình sử dụng xăng E10 đã chậm gần 10 năm.

“Bộ Công Thương nên đề ra quy định về thời điểm cụ thể để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị và sẵn sàng triển khai”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất.

Lãnh đạo Petrolimex cũng ủng hộ việc tổ chức kinh doanh nhiên liệu sinh học. Đồng thời, ông cho biết dự kiến 1/8, Petrolimex sẽ thử nghiệm kinh doanh xăng E10 tại thị trường TP HCM để đánh giá tác động về kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Petrolimex sẽ có văn bản báo cáo Bộ nắm được kế hoạch triển khai của doanh nghiệp”, ông cho biết.

Về nguồn cung, theo ông Trần Minh, Phó cục trưởng Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), cả nước có 6 nhà máy sản xuất cồn. Trong đó 2 nhà máy đang hoạt động ở Đồng Nai và Quảng Nam, sản xuất khoảng 100.000 m3 mỗi năm. Nếu cả 6 nhà máy đi vào hoạt động, lượng sản xuất sẽ là 500.000 m3.

Để đảm bảo nguồn cung khi Lộ trình được ban hành, nguồn cung nhiên liệu sinh học sẽ cần 1-1,5 triệu m3. Như vậy, lượng còn thiếu hụt sẽ được nhập từ nước ngoài, với các nguồn rất dồi dào đến từ Mỹ, Argentina…

Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), hệ thống phối trộn của BSR đảm bảo đủ nguồn cung xăng E5. Còn nguồn E10, họ đang tiến hành cải tạo các bể chứa để phối trộn. Trong khi, đại diện Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) – cho biết họ sẽ khởi động lại nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) nhằm đảm bảo nguồn cung.


Tháng Sáu 26, 2025

Cổ phiếu hãng chip Mỹ lập đỉnh mới khi nhà đầu tư kỳ vọng Nvidia vẫn hưởng lợi lớn nhất từ AI, dù bị siết xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chốt phiên giao dịch 25/6, cổ phiếu hãng chip AI Mỹ Nvidia tăng 4,3% lên 154,3 USD. Đây là mức cao kỷ lục mới, kéo vốn hóa hãng này lên 3.770 tỷ USD – lấy lại ngôi công ty vốn hóa lớn nhất thế giới từ Microsoft.

CEO Nvidia Jensen Huang nhờ đó cũng có thêm 5,5 tỷ USD – nhiều nhất thế giới hôm 25/6. Từ đầu năm, tài sản của ông tăng hơn 20 tỷ USD lên 135 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng Nvidia sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng AI trên toàn cầu. Trong thông báo gửi khách hàng tuần này, Ananda Baruah – nhà phân tích tại Loop Capital viết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta đang bước vào ‘Làn sóng Vàng’ tiếp theo trong quá trình phổ cập AI tạo sinh và Nvidia đang dẫn đầu một chu kỳ tăng trưởng mới với nhu cầu mạnh hơn dự báo”.

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024, hôm 4/6 tại Đài Loan. Ảnh: Khương Nha

Diễn biến của cổ phiếu Nvidia phản ánh việc nhà đầu tư tại Wall Street quay lại xu hướng đầu tư vào AI. Cổ phiếu chip và các hãng công nghệ liên quan AI tăng mạnh vài năm gần đây, nhờ kỳ vọng vào tiềm năng của lĩnh vực này.

Nvidia hiện dẫn đầu về chip xử lý đồ họa (GPU) – dùng trong các mô hình ngôn ngữ lớn và xử lý tác vụ AI. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của cổ phiếu này năm nay vẫn gây bất ngờ, trong bối cảnh hãng khó có doanh thu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi tháng 4, Nvidia về cơ bản đã bị cấm bán chip H20 tại Trung Quốc, dù đây là sản phẩm được phát triển nhằm đáp ứng các quy định trước đó. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có kế hoạch bãi bỏ một cơ chế cấp phép xuất khẩu. Nvidia cho biết các thay đổi chính sách này sẽ khiến hãng thiệt hại 8 tỷ USD doanh thu và phải xóa sổ 4,5 tỷ USD hàng tồn kho.

Tuy vậy, trong báo cáo tài chính quý I công bố tháng trước, Nvidia vẫn ghi nhận doanh thu tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mảng trung tâm dữ liệu tăng 73%. Theo hãng dữ liệu LSEG, các nhà phân tích dự báo doanh thu cả năm tài chính của hãng tăng 53%, lên gần 200 tỷ USD. Trong ĐHCĐ ngày 26/6, Huang cho biết ngoài AI, robot cũng sẽ là cơ hội tăng trưởng lớn của công ty này.


Tháng Sáu 26, 2025

Tổng giá trị giao dịch (GMV) của 4 sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki tại Việt Nam năm 2024 đạt 16 tỷ USD, theo Momentum Works.

Thông tin được đề cập trong Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á lần 3 do công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works (Singapore) vừa công bố. So với 2023, GMV đã tăng 15,9%.

Trong 16 tỷ USD mà người Việt chi tiêu để mua sắm trên 4 sàn, Shopee và TikTok Shop là hai kênh chính, chiếm lần lượt 65% và 28% tổng giao dịch. Momentum Works lưu ý GMV được ước tính bao gồm toàn bộ đơn hàng đã thanh toán, kể cả các đơn bị hủy, hoàn trả hoặc đổi trả.

So với khu vực, giá trị giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đa ngành của Việt Nam cùng đứng thứ 3 với Philippines, thấp hơn Indonesia (56,5 tỷ USD) và Thái Lan (23,5 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường Việt Nam đứng thứ tư, sau Thái Lan (21,7%), Malaysia (19,5%) và Philippines (16,8%).

Trước đó, báo cáo của công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI cho biết GMV trên 4 sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki đạt 13,8 tỷ USD, tăng kỷ lục 40% so với 2023. Con số tổng quan hơn của Bộ Công Thương ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử năm qua đã vượt 25 tỷ USD, cao hơn dự báo 22 tỷ USD của Google, Temasek, Bain & Company trong báo cáo “e-Economy SEA 2024”.

Năm 2025, chi tiêu cho hoạt động mua sắm trên các sàn đa ngành duy trì xu hướng tăng trưởng. Theo thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, quý I, hơn 950 triệu sản phẩm được bán ra trên 4 sàn nêu trên, đạt 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho thấy tín hiệu tích cực trên toàn thị trường bán lẻ trực tuyến. Theo đó, 5 tháng đầu năm, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn online, nền tảng số đã nộp 74.400 tỷ đồng tiền thuế, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuộc đua củng cố thị phần, thời gian gần đây, các nền tảng chạy đua tăng cường tương tác người dùng thông qua nhiều hoạt động online kết hợp offline. Bốn ngày từ 4-7/6, TikTok Shop tổ chức livestream tại Công viên Sáng tạo (Thủ Đức), bán ra hơn 37.000 đơn hàng. Toàn chiến dịch mừng sinh nhật đầu tháng 6, nền tảng này bán hơn 20 triệu đơn, tăng 46% so chương trình năm 2024.

Hay tận dụng cơn sốt xé túi mù, Lazada vừa công bố bắt tay hãng đồ chơi Pop Mart mở bán hai bộ sưu tập giới hạn, tổ chức livestream “đập hộp”. Tháng sau, nền tảng này sẽ “hồi sinh” lại giải chạy Lazada Run sau thời gian gián đoạn.

Trên mặt trận trải nghiệm người dùng, Lazada phát tín hiệu tham gia cuộc đua giao hàng 0 đồng. Đầu tháng 6, Shopee tuyên bố miễn phí vận chuyển mọi đơn hàng (trừ các đơn rất cồng kềnh, giao hỏa tốc và trường hợp đặc biệt khác). Đáp lại, nguồn tin VnExpress cho hay, Lazada đang dự kiến tung chính sách miễn phí giao hàng mới cho gian hàng chính hãng (LazMall).

Cùng với nỗ lực kích cầu của các nền tảng, để tránh thất thu thuế và đưa thị trường vào hoạt động lành mạnh, các chính sách mới đang bắt đầu được triển khai. Từ 1/7, sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân cho người bán (hộ, cá nhân kinh doanh) trên sàn, theo Nghị định 117.

Song song, Bộ Công Thương đang dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay thế Nghị định 98. Theo đó, sàn thương mại điện tử sẽ bị xử phạt nếu không định danh người bán, ngăn chặn hàng giả.


Tháng Sáu 26, 2025

VPBank, Sacombank, VietinBank, HDBank cùng nhiều nhà băng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên 10% trong quý II.

Theo báo cáo mới đây từ Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế quý II của các ngân hàng niêm yết tăng khoảng 14,7% so với cùng kỳ. Con số này khả quan so với mức 11% trong 3 tháng đầu năm.

8 ngân hàng được nhóm phân tích của MBS dự báo lãi trên 10%, gồm VPBank, Sacombank, VietinBank, HDBank, Eximbank, LPBank, OCB và VIB. Trong đó, lợi nhuận của VPBank dự kiến tăng tới 39%, đạt 5.046 tỷ đồng. Hay HDBank lãi khoảng 5.171 tỷ đồng, tương đương tăng 25%.

Phần lớn những ngân hàng được nhóm phân tích của MBS nhắc tới cũng “trùng khớp” với danh sách dự báo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Ngoài ra, theo VCBS, hai nhà băng MB và MSB cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng, theo nhóm phân tích từ VCBS. Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM) phục hồi và áp lực trích lập dự phòng giảm bớt cũng là lý do giúp các nhà băng ghi nhận lãi tăng tốt trong quý này.

Chẳng hạn, với VPBank, mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 12% tính tới cuối quý II. Tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) ước khoảng 5,9%, đi ngang so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí trích lập của nhà băng này dự kiến đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với quý trước.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không đồng đều giữa các ngân hàng. Những tổ chức có nền tảng tín dụng mạnh, kiểm soát rủi ro tốt và đa dạng thu nhập (như MB, HDBank, Sacombank) thể hiện khả năng phục hồi nhanh hơn mặt bằng chung.

Không chỉ lợi nhuận, tín dụng cũng tăng tốc trong quý II nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, theo MBS. Tính đến ngày 16/6, chỉ số này tăng khoảng 7% so với đầu năm, cao hơn mức 3,75% cùng kỳ năm ngoái.

“Nhóm ngân hàng tư nhân có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn khu vực quốc doanh”, báo cáo của MBS nêu. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng NIM sẽ không giảm thêm trong quý này.

Trong dự báo đưa ra hồi đầu năm, nhiều chuyên gia từng nhận định các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10-15% năm nay.

Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Khối phân tích Chứng khoán Asean, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết có thể tiếp tục tăng 15-17% trong nửa cuối năm. Kết quả khả quan này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến đạt 16%.

Ngoài ra, việc luật hóa Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu có thể giúp các ngân hàng giảm tỷ lệ nợ quá hạn, tối ưu hoạt động xử lý các khoản nợ có tài sản đảm bảo, đặc biệt với nhóm cho vay bán lẻ. “Tỷ lệ nợ xấu của ngành có thể giảm 0,3% năm nay, về 2,5%”, ông Tâm nói.

Nhờ “sức khỏe” kinh doanh khả quan, cổ phiếu của các ngân hàng vẫn là những mã đáng chú ý, theo các chuyên gia. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà băng như Vietcombank, MB, ACB, VIB… tăng vốn cũng tạo hấp dẫn cho cổ phiếu. Tuy nhiên, nhóm này sẽ không đi lên đồng pha, mà phân hóa từng giai đoạn. Chẳng hạn, hơn hai tháng qua, cổ phiếu nhóm ngân hàng thương mại như Techcombank, Sacombank… tăng giá mạnh, trên 20%, vượt mức đi lên của thị trường. Trong khi đó, một số mã như BID, VCB lại ghi nhận đà giảm.

Ở nửa cuối năm, giới phân tích nhận định các cổ phiếu đã điều chỉnh, tích lũy trong thời gian dài, cùng với mức định giá hấp dẫn sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt. “Nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV, Vietcombank có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nửa cuối năm”, ông Tâm nhận định.


Tháng Sáu 23, 2025

Lo ngại nguồn cung dầu thô tại Iran gián đoạn sau cuộc tấn công của Mỹ cuối tuần trước kéo giá Brent vượt 81 USD.

Sáng 23/6, giá dầu thô thế giới tăng gần 3% so với cuối tuần trước. Dầu thô Brent và WTI có thời điểm lên 81,4 USD và 78,4 USD – đều cao nhất 5 tháng. Hiện tại, giá hạ nhiệt về lần lượt 79,2 USD và 75,9 USD.

Thị trường đi lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã “xóa sổ” các cơ sở hạt nhân chính của Iran trong đòn không kích quy mô lớn cuối tuần qua. Động thái của Mỹ khiến căng thẳng tại Trung Đông càng leo thang.

Một giàn bơm dầu đang hoạt động tại Triguères, Pháp. Ảnh: Reuters

Iran hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Động thái của Mỹ vì thế càng làm tăng lo ngại Iran trả đũa bằng cách đóng cửa Eo biển Hormuz – nơi vận chuyển khoảng 20% nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Press TV của Iran cho biết Quốc hội nước này đã chấp thuận phương án đóng cửa Hormuz. Trước đây, Iran từng nhiều lần đe dọa làm điều này, nhưng chưa thực hiện.

“Rủi ro ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng dầu mỏ đã tăng lên nhiều lần”, June Goh – nhà phân tích cấp cao tại Sparta Commodities cho biết. Dù còn nhiều tuyến đường ống thay thế, một phần dầu thô vẫn không thể xuất khẩu nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa. Các hãng vận tải sẽ ngày càng tránh xa khu vực này.

Từ khi xung đột leo thang ngày 13/6, giá dầu Brent đã tăng 13%. Dầu WTI đắt thêm gần 10%.

Dù vậy, các nhà phân tích khẳng định việc giá tăng sẽ khó kéo dài nếu nguồn cung không thực sự gián đoạn. Bên cạnh đó, hoạt động bán chốt lời sau đợt tăng giá gần đây sẽ khiến giá dầu khó tăng cao, Ole Hansen – chiến lược gia hàng hóa tại Saxo Bank nhận định.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhiều chỉ số lớn đi xuống, do nhà đầu tư bán tài sản rủi ro. Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện giảm 0,57 %. Kospi (Hàn Quốc) mất 1,16%. S&P/ASX 200 (Australia) hạ 0,7%. Thị trường Trung Quốc hiện chưa mở cửa.

Giá Bitcoin cũng xuống dưới 99,000 USD một đồng – thấp nhất một tháng. Các token khác như Ether, Solana, XPR, Dogecoin cũng lao dốc khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang.


Tháng Sáu 20, 2025

Đô thị Kinh Bắc (KBC) sẽ huy động khoảng 6.000 tỷ đồng từ việc chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 23.900 đồng mỗi cổ phần.

Đây là thông tin được Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) nêu trong Nghị quyết Hội đồng quản trị công mới đây. Số lượng cổ phiếu phát hành mới tương 32,6% số đang lưu hành. Số tiền Đô thị Kinh Bắc dự kiến thu về khoảng 6.000 tỷ đồng, sẽ sử dụng số tiền trên để tái cấu trúc khoản nợ cho các công ty con.

Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày hoàn thành. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

11 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã đăng ký mua cổ phiếu KBC do Đô thị Kinh Bắc phát hành thêm, trong đó, 4 cá nhân mua tổng cộng 147 triệu cổ phần. Danh sách còn có sự xuất hiện của các quỹ lớn như Dragon Capital, Prudential Việt Nam, SGI Capital hay Chứng khoán VPBankS.

Đô thị Kinh Bắc sẽ tổ chức phiên họp thường niên vào sáng 28/6 tại bắc Ninh. Công ty trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng, gấp lần lượt 3,6 lần và 7,6 lần thực hiện năm ngoái.

Quý I năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.117 tỷ đồng, gấp 20,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trừ chi phí, Đô thị Kinh Bắc lãi sau thuế 849 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ ròng hơn 76,7 tỷ đồng.

Tháng 5 vừa qua, công ty Hưng Yên (Hung Yen Hospitality) – đơn vị thành viên của Đô thị Kinh Bắc – đã hợp tác cùng The Trump Organization để thực hiện dự án sân golf, biệt thự và khu nghỉ dưỡng ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Với tên gọi Trump International Hung Yen, dự án có tổng vốn đầu tư gần 39.800 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,5 tỷ USD). The Trump Organization là tập đoàn của gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Tháng Sáu 20, 2025

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết triển vọng đàm phán thuế với Mỹ “tích cực và Chính phủ nỗ lực để mức thuế 46% sẽ không xảy ra”.

Thông tin này được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 20/6.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục đề cập trước bối cảnh Mỹ áp thuế 46% với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam. “Giải pháp trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chiến lược thương mại về dài hạn có thay đổi gì nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì và thúc đẩy thương mại quốc tế bền vững”, ông hỏi.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết hai nước đang trong quá trình đàm phán, với “nỗ lực cao nhất, làm mọi việc để mức thuế 46% mà Mỹ tính áp với hàng Việt không xảy ra”.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng liên tục chỉ đạo, làm việc với các bộ ngành, địa phương để triển khai các giải pháp.

Ông thông tin đoàn đàm phán của Chính phủ đang tích cực đàm phán với phía Mỹ, và “triển vọng đàm phán là tích cực, hai bên hiểu biết nhau hơn và cố gắng đạt mục tiêu đề ra”. Việc này, theo ông sẽ tháo gỡ khó khăn phần nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy vậy, trước biến động khó lường, Phó thủ tướng nói Việt Nam cần chiến lược dài hơi, chủ động tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký với nhiều quốc gia – đây là dư địa phát triển lớn, để không phụ thuộc vào một thị trường.

“Thế giới rất rộng, chúng ta đang tìm kiếm thị trường mới và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này”, ông nói thêm.

Cùng với đó, nền sản xuất trong nước cũng cần thay đổi, theo hướng sản xuất chế biến sâu, chứ không chỉ xuất hàng tươi. Việc này nhằm tạo ra tăng trưởng nhiều hơn. “Đa dạng thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta có thể ứng phó với những biến động khó lường. Trường hợp có rủi ro, Chính phủ sẵn sàng giải pháp về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông nói.

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Giang Huy

Đầu tháng 4, Tổng thống Donald Trump công bố áp mức thuế cơ bản và thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ các nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Mức thuế hàng nhập khẩu từ Việt Nam là 46%. Một tuần sau, ông Trump quyết định hoãn áp thuế với các nước, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày.

Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập đoàn đàm phán Chính phủ. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đàm phán. Từ đầu tháng 5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã làm việc về đàm phán thương mại song phương với các cơ quan liên quan của Mỹ.

Tại phiên đàm phán trực tuyến tối 19/6 với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói Việt Nam muốn cùng Mỹ xây quy tắc xuất xứ hài hòa, phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, không phân biệt đối xử và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.


Tháng Sáu 20, 2025

Phó thủ tướng kêu gọi công ty năng lượng của Trung Quốc tìm hiểu, đề xuất với Chính phủ hai nước những dự án cụ thể để đáp ứng nhu cầu điện ở miền Bắc Việt Nam.

Tại cuộc gặp lãnh đạo Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương ngày 19/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc tăng kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông sẽ giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc trong kinh tế, thương mại, đầu tư.

Phó thủ tướng cho rằng nhu cầu sử dụng năng lượng của các tỉnh miền Bắc Việt Nam là cơ hội để Mekong – Lan Thương tìm hiểu, đề xuất với Chính phủ hai nước những dự án cụ thể. Việc này cũng giúp doanh nghiệp hai nước hợp tác ổn định, hài hòa lợi ích.

“Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp có chính sách, công nghệ, giải pháp, đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng xanh như điện gió, mặt trời, thủy điện tích năng”, ông Hà nói.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc gặp lãnh đạo Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương, ngày 19/6. Ảnh: VGP

Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid – CSG). Họ đã phát triển lưới điện kết nối Trung Quốc với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong – Lan Thương, và một số dự án, chương trình hợp tác tại Việt Nam.

Theo ông Cam Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mekong – Lan Thương, doanh nghiệp này mong muốn tiếp tục thúc đẩy các dự án liên kết lưới điện mới giữa hai nước, mở rộng quy mô giao dịch điện giữa hai bên. Ông cũng đề xuất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tăng giao lưu, tập huấn kỹ thuật về giám sát, vận hành lưới điện thông minh, an toàn.

Phản hồi lại đề nghị này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam ủng hộ các dự án của Mekong – Lan Thương với doanh nghiệp Việt Nam trong kết nối lưới, mua bán điện, chuyển đổi các dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh, sạch, đặc biệt là thủy điện tích năng.

Bên cạnh đó, ông cho rằng trong quá trình hợp tác, công ty cần có phương án chuyển giao công nghệ, thúc đẩy các khu công nghiệp ở khu vực biên giới Việt – Trung để phát huy hiệu quả hơn nữa từ các lưới điện kết nối.

“Các doanh nghiệp cần tính đến lợi ích tổng thể về môi trường, biến đổi khí hậu, chia sẻ nguồn nước, thông tin để sự phát triển không làm tổn hại đến sự bền vững sông Mekong – Lan Thương”, Phó thủ tướng lưu ý.

Cùng ngày, tại cuộc gặp ông Trần Trọng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), Phó thủ tướng cho rằng CCCC hoàn toàn có thể tham gia thi công những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối Việt Nam – Trung Quốc.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Phó thủ tướng cho biết, Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo, nhưng các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phải có lộ trình chuyển giao, làm chủ công nghệ, công nghiệp đường sắt cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc này cần dựa trên hợp đồng thương mại, có cam kết rõ ràng theo pháp luật.


Tháng Sáu 19, 2025

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong phiên họp tháng 6, cảnh báo lạm phát lên 3% cuối năm nay.

Ngày 18/6, sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại 4,25-4,5%. Trong thông báo sau cuộc họp, Fed nhận xét thị trường lao động vẫn vững vàng và tỷ lệ thất nghiệp duy trì mức thấp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát ba tháng qua đã hạ nhiệt, nhưng việc này “chỉ phản ánh quá khứ”. “Fed và cả các hãng dự báo bên ngoài đều cho rằng lạm phát đáng kể sẽ xuất hiện trong vài tháng tới. Chúng tôi phải tính đến điều đó”, Powell cảnh báo.

Fed vẫn kỳ vọng giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025. Tuy nhiên, họ dự kiến chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi năm vào 2026 và 2027.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Thậm chí, trong 19 quan chức Fed, 7 người cho rằng không cần giảm lãi suất. Sự chia rẽ này phản ánh sự thiếu chắc chắn xoay quanh chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Powell nhận xét “đây vẫn là thời kỳ rất mù mờ” và các quan chức có thể đánh giá khác nhau về nguy cơ lạm phát dai dẳng hoặc thị trường lao động suy yếu.

Theo dự báo mới, Fed cho rằng triển vọng tăng trưởng sẽ chậm lại. GDP chỉ tăng 1,4% trong năm 2025, giảm so với 1,7% hồi tháng 3. Lạm phát cả năm sẽ ở mức 3%, cao hơn đáng kể so với con số đưa ra hồi tháng 5 (2,4%). Còn tỷ lệ thất nghiệp lên 4,5%.

Sang 2026, lạm phát sẽ ở mức 2,4% và giảm về 2,1% vào năm 2027. Tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng ổn định trong suốt giai đoạn này.

Fed không đề cập đến cuộc xung đột giữa Israel và Iran trong tuyên bố chính sách. Tuy nhiên, Powell cho biết quan chức cơ quan này đang theo dõi tình hình. Ông cho rằng các đợt tăng giá năng lượng do xung đột thường chỉ mang tính tạm thời, không tác động lâu dài đến lạm phát.

“Hiện tại, chúng tôi có đủ cơ sở để chờ đợi và theo dõi thêm diễn biến kinh tế trước khi điều chỉnh chính sách”, Powell nói, đồng thời nhấn mạnh họ sẵn sàng “phản ứng kịp thời với các thông tin mới”.

Thị trường hiện dự báo Fed giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong cuộc họp tháng 9. Cơ quan này đến nay vẫn phớt lờ lời kêu gọi giảm lãi suất ngay lập tức của Tổng thống Trump. Các quan chức cho rằng việc này có thể gây rủi ro cho mục tiêu đưa lạm phát về 2%, nhất là khi tác động từ chính sách thuế mới chưa rõ ràng.

Ngày 18/6, ông Trump tiếp tục gọi Powell là “kẻ ngốc” và kêu gọi giảm lãi suất thêm 2-2,5%. Đây là mức cắt giảm thường chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp về kinh tế.

Năm ngoái, Fed đã hạ lãi suất ba lần, gần nhất là tháng 12/2024. Tuy nhiên, các quan chức đến nay vẫn không cam kết thời gian cụ thể cho các đợt cắt giảm tiếp theo, do chính sách thương mại Mỹ biến động và khó đánh giá mức độ ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu mới lên người tiêu dùng, công ty nhập khẩu và các nước sản xuất.


Call Now Button