Tháng Bảy 9, 2025
ChatGPT-Image-10_11_49-9-thg-7-2025.png

DNSE đạt 17,33% thị phần môi giới chứng khoán phái sinh trong quý II, giữ vững vị trí top 2 toàn thị trường, theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau hai năm gia nhập thị trường, thị phần môi giới chứng khoán phái sinh của DNSE liên tục tăng trưởng. Số lượng tài khoản chứng khoán phái sinh tính tới hết quý II/2025 của DNSE đạt 73,5 nghìn tài khoản, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2024.

STT Tên thành viên Thị phần %
1 Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS 47,71%
2 Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE 17,33%
3 Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh 5,92%
4 Công ty Cổ phần Chứng Khoán Kỹ Thương 5,68%
5 Công ty Cổ phần Chứng khoán MB 4,95%
6 Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI 3,45%
7 Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT 2,82%
7 Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng 2,41%
9 Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) 2,25%
10 Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT 2,04%

Theo đại diện doanh nghiệp, động lực tăng trưởng thị phần đến từ chiến lược đưa chứng khoán phái sinh trở thành mảng kinh doanh chủ lực, đầu tư đồng bộ về công nghệ, sản phẩm và chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.

Trong đó, sản phẩm phái sinh của công ty thu hút nhà đầu tư bởi các tính năng tự động, tích hợp công nghệ hiện đại, mang lại trải nghiệm giao dịch tối ưu. Các tính năng như cảnh báo lãi lỗ, chốt lời, cắt lỗ tự động theo chiến thuật tùy chọn giúp nhà đầu tư phản ứng kịp thời với biến động thị trường, kiểm soát rủi ro và tối ưu hiệu quả đầu tư.

DNSE cũng phát triển hệ thống quản trị và cho vay Margin Deal, cho phép quản lý danh mục theo từng giao dịch riêng biệt, thay vì tính tổng, giúp minh bạch và kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, DNSE hiện đang áp dụng chính sách miễn phí nộp, rút tiền ký quỹ và phí quản lý tài sản ký quỹ phái sinh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư từ 1/5 đến 30/9.

Đồng thời, công ty kết nối trực tiếp với nền tảng phân tích và giao dịch trực tuyến TradingView, giúp nhà đầu tư có thể giao dịch phái sinh ngay trên “siêu biểu đồ”, tận dụng hàng trăm công cụ kỹ thuật, cá nhân hóa chiến lược đầu tư và giao dịch nhanh chóng mà không cần chuyển đổi tiểu khoản.

Song song đầu tư công nghệ và sản phẩm, DNSE còn xây dựng cộng đồng phái sinh thông qua các hoạt động tương tác như cuộc thi “Lướt sóng phái sinh” thu hút hàng chục nghìn lượt đăng ký.

Tính đến hết quý II/2025, DNSE đang quản lý 1,2 triệu tài khoản chứng khoán. Trong quý I, công ty đạt doanh thu hoạt động 243 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 4.179 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Theo các chuyên gia, nửa cuối năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể khởi sắc nhờ chính sách điều hành ổn định, kỳ vọng nâng hạng thị trường và sự phục hồi của kinh tế. Trong bối cảnh thanh khoản tăng và dòng vốn đầu tư tích cực, nhu cầu với các công cụ giao dịch linh hoạt như chứng khoán phái sinh được dự báo tiếp tục đi lên.

Với định hướng phát triển phái sinh như một trụ cột chiến lược và lợi thế công nghệ, DNSE đang có nhiều cơ hội mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường.


Tháng Bảy 9, 2025

MSB dự kiến phát hành tối đa 520 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 20% trên số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách.

Nội dung này nằm trong Nghị quyết Hội đồng quản trị vừa được ngân hàng công bố nhằm triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên phê duyệt hồi tháng 4.

Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của nhà băng dự kiến tăng thêm 5.200 tỷ đồng, lên 31.200 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức được trích từ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức, sau khi MSB đã hoàn tất việc trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định và bao gồm phần lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Các số liệu được căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tại thời điểm 31/12/2024.

Ngân hàng dự kiến hoàn tất việc chia cổ tức vào quý IV/2025, sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Năm trước, nhà băng cũng đã hoàn thành thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 10.

MSB dự kiến hoàn thành việc chia cổ tức vào quý IV/2025. Ảnh: MSB

Đại diện MSB cho biết, việc tăng vốn điều lệ lần này nhằm củng cố nền tảng tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế. Số vốn tăng thêm sẽ giúp MSB mở rộng dư địa tín dụng trung và dài hạn, đồng thời đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển hiệu quả các kế hoạch chiến lược đã và đang thiết lập.

Song song đó, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông, khẳng định tính hiệu quả khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.

MSB hiện đang giữ tốc độ tăng trưởng ổn định trong hệ thống ngân hàng nói chung, với chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số, phát triển bền vững cũng như tính linh hoạt trong kinh doanh, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động song song quản trị rủi ro. Việc củng cố nền tảng vốn được xem là một trong những trụ cột quan trọng để MSB tiếp tục tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng, cổ đông, đối tác và cộng đồng.


Tháng Bảy 9, 2025

Mỗi ounce vàng giảm hơn 30 USD, do nhà đầu tư lạc quan Mỹ sẽ đạt thêm thỏa thuận thương mại trước hạn chót 1/8.

Chốt phiên giao dịch 8/7, giá vàng thế giới giao ngay giảm 34 USD xuống 3.300 USD một ounce. Trong phiên, giá có thời điểm xuống 3.290 USD. Nguyên nhân là nhà đầu tư kỳ vọng có thêm thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã gửi thư báo mức thuế đối ứng mới với 14 quốc gia. Trong đó, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á và Nhật Bản và Hàn Quốc, chịu 25%. Dù vậy, thời hạn áp thuế lại được lùi sang 1/8, giúp các nước có thêm 3 tuần để đàm phán với Mỹ. Sau khi nhận thư, nhiều quốc gia cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với Mỹ để xoa dịu gánh nặng thuế nhập khẩu.

Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên 8/7. Đồ thị: Kitco

“Sự quan tâm của nhà đầu tư với thương mại đang tăng lên, khi hạn chót 9/7 đến gần. Chính quyền Trump cũng có động thái tăng sức ép. Tuy nhiên, sự lạc quan vào các thỏa thuận thương mại đã lấn át tâm lý trú ẩn, khiến vàng mất giá”, Peter Grant – chiến lược gia hàng hóa tại Zaner Metals giải thích.

Đồng đôla mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng càng gây thêm sức ép lên kim loại quý. Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn – hiện tăng 0,1% lên 97,5 điểm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng lên cao nhất 2 tuần, khiến vàng kém hấp dẫn vì không trả lãi cố định.

Thị trường hiện chờ biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ công bố trong ngày 9/4. Một số quan chức Fed cũng dự kiến có bài phát biểu trong tuần, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về nền kinh tế và chính sách của cơ quan này.

“Rủi ro lạm phát kéo dài từ thuế nhập khẩu nhiều khả năng khiến Fed tiếp tục hoãn giảm lãi suất sang năm sau. Việc này sẽ gây thêm sức ép lên vàng”, Hamad Hussain – nhà kinh tế học tại Capital Economics cho biết. Hiện tại, nhà đầu tư dự báo Fed giảm lãi suất tổng cộng 50 điểm cơ bản (0,5%) năm nay, bắt đầu từ tháng 10.

Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng mất giá. Bạc giảm 0,3% khi chốt phiên 8/7, còn 36,6 USD một ounce. Bạch kim mất 0,8% về 1.359 USD, trong khi palladium gần như đứng yên tại 1.111 USD.


Tháng Bảy 9, 2025
ChatGPT-Image-10_01_23-9-thg-7-2025.png

Tôi mới thành lập doanh nghiệp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới được ba tháng và còn khá bỡ ngỡ trong việc cập nhật chính sách pháp luật mới về doanh nghiệp.

Tôi được biết từ ngày 1/7/2025, nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp chính thức được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là liệu những thay đổi này có đặt ra thêm nghĩa vụ nào mới cho doanh nghiệp hay không? Chẳng hạn, doanh nghiệp có phải công khai thêm thông tin gì với cơ quan nhà nước?

Rất mong nhận được sự tư vấn cụ thể để tôi thuận lợi trong việc tuân thủ quy định của pháp luật nhằm loại rủi ro pháp lý.


Tháng Bảy 9, 2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ công bố áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu.

“Hôm nay, chúng ta sẽ áp thuế với đồng”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng hôm 8/7. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời điểm chính xác thuế này có hiệu lực.

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết mức thuế mới dành cho đồng nhập khẩu khả năng được áp dụng vào cuối tháng 7 hoặc ngày 1/8.

Quyết định áp thuế đồng của ông Trump khiến thị trường bất ngờ vì diễn ra sớm hơn và cao hơn dự kiến của ngành. Giá đồng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Comex của Mỹ đã tăng hơn 12% lên mức cao kỷ lục 12.330 USD mỗi tấn. Cổ phiếu của công ty khai thác đồng Freeport-McMoRan tăng 5%, do giới đầu tư kỳ vọng các nhà sản xuất nội địa sẽ được hưởng lợi từ thuế quan mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27/6. Ảnh: AP

Đồng là kim loại được tiêu thụ nhiều thứ ba trên thế giới, sau sắt và nhôm. Mỹ hiện nhập khẩu gần một nửa lượng đồng sử dụng, theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuế đồng là Chile, Canada và Mexico.

Vào cuối tháng 2, ông Trump ra lệnh điều tra về khả năng áp thuế mới với đồng nhập khẩu, bởi lý do liên quan đến an ninh quốc gia. Hạn chót để kết thúc cuộc điều tra là tháng 11 nhưng Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết trên chương trình “Power Lunch” của CNBC rằng cuộc điều tra đã hoàn tất.

“Mục tiêu là đưa sản xuất đồng quay trở lại Mỹ”, ông Lutnick nói. Ông cũng lưu ý rằng động thái của ông Trump sẽ đưa thuế đồng lên ngang bằng với các mức thuế nhập khẩu thép và nhôm, đã tăng lên 50% hồi đầu tháng 6.

Ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nhận định mức thuế 50% sẽ giáng cú mạnh đối với các công ty Mỹ sử dụng đồng, bởi nước này còn nhiều năm nữa mới có thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Mỹ đã nhập khẩu lượng đồng tương đương cả năm tiêu dùng chỉ trong vòng sáu tháng qua, vì vậy kho dự trữ nội địa hiện khá dồi dào. Tôi cho rằng giá đồng sẽ điều chỉnh giảm sau cú tăng vọt ban đầu”, ông Hansen dự báo.

Cũng trong cuộc họp nội các, Tổng thống Trump thông báo sẽ sớm công bố mức thuế “rất, rất cao, khoảng 200%” với dược phẩm nhập khẩu. Các công ty dược sẽ có thời gian một năm rưỡi để bắt đầu sản xuất tại Mỹ, trước khi các mức thuế mới được áp dụng.


Tháng Bảy 9, 2025

Trước sáp nhập, 10 địa phương có GRDP nửa đầu năm tăng hai chữ số, trong đó Bắc Giang và Quảng Ngãi dẫn đầu nhờ động lực chính từ sản xuất công nghiệp.

Nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước đạt 7,52% – mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Theo số liệu của cơ quan thống kê, có 42 địa phương trước sáp nhập có tốc độ tăng cao hơn mức bình quân cả nước, trong đó 30 tỉnh, thành ghi nhận GRDP tăng trên 8%.

Top 10 tỉnh thành có tăng trưởng trên 10%, như Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đa phần trong số này là các tỉnh phía bắc, phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp.

Bắc Giang – địa phương với nhiều khu công nghiệp lớn ở miền Bắc – tiếp tục dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là địa phương duy trì được GRDP mức hai chữ số suốt 5 năm qua.

Động lực chính của tỉnh này vẫn đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng, với 17,5% trong nửa đầu năm. Trong đó, ngành chế tạo chiếm tỷ trọng gần 60% GRDP của tỉnh, tăng 18,35%. Dịch vụ cũng ghi nhận tích cực, phục hồi với mức tăng trên 7%.

Sản xuất công nghiệp cũng là “điểm tựa” giúp Quảng Ngãi bứt tốc, vươn lên thứ 2 về tốc độ tăng trưởng từ vị trí 26 trong quý I.

GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh này đạt 12,4%, mức cao nhất cùng kỳ 5 năm. Trong đó, công nghiệp góp 7,31 điểm phần trăm – tiếp tục thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. “Công nghiệp bứt phá chủ yếu nhờ ‘đôi cánh’ dầu và thép”, cơ quan thống kê tỉnh Quảng Ngãi lý giải.

Thực tế, hai nhà máy là Lọc dầu Dung Quất và Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất – đóng góp quan trọng cho nguồn thu của Quảng Ngãi nhiều năm qua. Nửa đầu năm nay, Hòa Phát Dung Quất hoạt động 100% công suất, sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ. Trong khi, Lọc dầu Dung Quất khép lại 6 tháng với sản lượng cao hơn mục tiêu 16%.

Ngoài ra, một số như sản xuất trang phục, kim loại, sản xuất và phân phối điện, thoát nước và xử lý nước thải – cũng đóng góp tích cực cho kinh tế Quảng Ngãi nửa đầu năm.

Dịch vụ và bất động sản cũng là hai lĩnh vực ghi điểm cho tăng trưởng của Quảng Ngãi. Cụ thể, ngành dịch vụ góp 2,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi, doanh thu các tour du lịch lữ hành tăng cao do nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức tham quan, du lịch cho cán bộ, công chức và người lao động trước khi sắp xếp. Tương tự, dịch vụ kinh doanh bất động sản bắt đầu sôi động từ cuối tháng 3, trước thông tin về đề án sáp nhập địa phương và trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi.

Song song đó, sản xuất, thu nhập của người dân tăng kéo theo nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ tăng đã thúc đẩy doanh thu các ngành dịch vụ cao so với cùng kỳ.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: BSR

Tương tự hai địa phương top đầu, Nam Định và Hải Dương cũng ghi nhận GRDP hai chữ số nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tăng trưởng cao. Cụ thể, GRDP của Nam Định ước đạt 12%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo góp mức tăng 22,12%.

GRDP Hải Dương ước đạt 11,49% – vượt kịch bản đề ra – cũng nhờ “trợ lực” gần một nửa từ công nghiệp chế biến, chế tạo – tăng 18,52% trong nửa đầu năm.

Kinh tế của Đà Nẵng đứng thứ 4, đạt 11,36%, dẫn đầu trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương, vượt Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Đây là địa phương duy nhất trong top 5 có động lực tăng trưởng chính từ du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn – chiếm gần 71% cơ cấu kinh tế của thành phố.

6 tháng đầu năm, du lịch Đà Nẵng phục vụ gần 4 triệu lượt khách lưu trú, một nửa trong số này là khách quốc tế, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong số lý do khiến du khách ưu tiên chọn thành phố biển miền Trung này là điểm đến đầu năm nay nhờ các sự kiện lớn, quy mô được tổ chức. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, một tháng diễn ra vòng loại Lễ hội pháo hoa quốc tế (31/5-30/6), thành phố đón khoảng 1,17 triệu lượt khách du lịch, riêng 5 đêm đầu tiên khoảng 400.000 lượt.

TP HCM và Hà Nội tiếp tục không nằm trong top 30 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Song các địa phương đầu tàu này vẫn đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế cả nước nửa đầu năm.

Trong đó, TP HCM dẫn đầu về mức đóng góp vào GDP cả nước với 17,78%. GRDP của thành phố nửa đầu năm tăng 7,82%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng là mức tăng cao nhất cùng kỳ từ 2020.

Cơ cấu đóng góp giữa các khu vực gần như tương đồng với TP HCM, trong đó dịch vụ tiếp tục dẫn dắt chính, giúp tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 7,63%. Nhờ đó, Thủ đô đóng góp gần 13% vào GDP của 63 tỉnh, thành phố.

Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng 11,97% trong 6 tháng đầu năm và 12,5% cả năm. Kết quả 6 tháng, GRDP thành phố tăng 11,04%, thấp hơn mục tiêu. Theo báo cáo của Chi cục thống kê Hải Phòng, một trong những nguyên nhân do tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt các chính sách thuế của Mỹ và phản ứng của các nước, đã tác động phần nào tới sản xuất công nghiệp – khu vực đóng góp chính vào GRDP của thành phố.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) Hải Phòng ước tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành giảm như khai khoáng, sản xuất, phân phối điện.

Từ 1/7, cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính, từ 63 tỉnh, thành về còn 34. Cùng với đó, chính quyền hai cấp (tỉnh, xã/phường) cũng được vận hành. Cơ quan thống kê cho biết họ sẽ công bố số liệu GRDP 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp địa giới hành chính từ quý III.

Với mô hình 34 địa phương, theo tính toán của Bộ Tài chính, có 17 tỉnh thành sau sáp nhập đạt mức tăng trưởng trên 8% trong nửa đầu năm. Số địa phương có GRDP ở mức hai chữ số là 6 tỉnh thành (mới), gồm Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình và Phú Thọ.

Theo địa bàn hành chính mới, GRDP của một số địa phương lên hạng trong khi số khác thấp đi. Chẳng hạn, TP HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu tính lại mức tăng trưởng GRDP chỉ còn 6,56%.

Để thúc đẩy tăng trưởng, đánh giá sát thực tế các địa phương sau sáp nhập, Bộ Tài chính dự kiến cùng tỉnh, thành trình Chính phủ việc điều chỉnh Nghị quyết 25 về giao mục tiêu GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập.

 


Tháng Bảy 9, 2025

JBS – tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới muốn đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất, phân phối trong khu vực và toàn cầu.

Ngày 6/7, tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước này để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, sản xuất nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến, phân phối thực phẩm…

Gặp Thủ tướng, ông Fábio Maia de Oliveira, đại diện JBS – tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, có văn phòng đại diện tại 24 quốc gia, vùng lãnh thổ – cho biết họ đã lập 2 công ty tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm đông lạnh và sản xuất thuộc da.

JBS đã xuất khẩu lô hàng thịt bò đầu tiên sang Việt Nam và có kế hoạch mở rộng hợp tác đầu tư tại đây. Theo ông Fábio Maia de Oliveira, họ sẵn sàng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, phân phối hàng hóa nông sản, thực phẩm của tập đoàn trong khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo JBS tại Brazil, ngày 6/7. Ảnh: VGP

Việt Nam – Brazil đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024. Trên cơ sở nền tảng quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các doanh nghiệp Brazil, trong đó có Tập đoàn JBS, sẽ tiếp tục quan tâm, mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thị trường tiêu dùng Việt Nam tiềm năng với hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ để JBS vào khu vực ASEAN, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc.

Ông đề xuất JBS tăng hợp tác với các đối tác trong nước để đưa sản phẩm của tập đoàn tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam và khu vực. Đồng thời, ông cũng mong muốn JBS đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đến với thị trường Brazil và mạng lưới thị trường trên thế giới của họ. Việc này nhằm tận dụng tối đa 17 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do với Brazil và với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Thủ tướng đề nghị JBS góp phần thúc đẩy quá trình này, qua đó tạo điều kiện cho họ hoạt động hiệu quả, tiếp tục mở rộng sản xuất, cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nâng năng lực, chuyển giao công nghệ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Công ty FS, ngày 6/7. Ảnh: VGP

Gặp Thủ tướng cùng ngày, ông Daniel Lopes, Phó chủ tịch Công ty FS đề xuất hợp tác chiến lược với Việt Nam về nhiên liệu sinh học.

FS là doanh nghiệp tiên phong tại Brazil chuyên sản xuất ethanol từ ngô, đồng thời là một trong những nhà sản xuất nhiên liệu sinh học carbon thấp hàng đầu khu vực Mỹ Latin.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và thiện chí hợp tác từ phía FS. Ông cho biết Việt Nam đang từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi năng lượng và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Việc phát triển các giải pháp năng lượng bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi, nghiên cứu việc thành lập cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai Chính phủ về nhiên liệu sinh học. Ông đề nghị FS phối hợp với các bộ ngành, địa phương Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học.

Đồng thời, ông đề nghị FS mở rộng hợp tác đầu tư – kinh doanh – thương mại tại Việt Nam, tăng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học toàn cầu, tiếp cận xăng E10 với giá phù hợp, cạnh tranh với quốc tế.

Đặc biệt, ông đề xuất doanh nghiệp này nghiên cứu để PVN hợp tác với họ đầu tư sản xuất ethanol tại Việt Nam hoặc tại Brazil.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo Công ty Granja Fujikura – trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Brazil, thuộc hệ thống Granja Fujikura có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Ông Wiliam Shuhei Fujikura, Giám đốc công ty Fujikura cho biết năm nay, họ khảo sát Việt Nam và đang hợp tác kinh doanh với Công ty Trọng Khôi để phát triển chăn nuôi chim cút tại thị trường Việt Nam và châu Á. Ông muốn Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện để công ty hợp tác hiệu quả tại Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi chim cút và phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn


Tháng Bảy 7, 2025

Giới phân tích chia rẽ về hướng đi của vàng, do không chắc chắn về tác động của “Đạo luật to đẹp”, thỏa thuận thuế hay khả năng Fed giảm lãi.

Tuần trước, giá vàng thế giới vẫn giữ đà tăng, bất chấp hàng loạt số liệu lạc quan về kinh tế Mỹ. Lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro địa chính trị và nợ công Mỹ có thời điểm kéo giá vàng lên 3.365 USD. Tính chung cả tuần, kim loại quý tăng gần 2%, chốt ở 3.334 USD một ounce.

Sang tuần này, xu hướng của vàng được cho là khó dự báo. Trong khảo sát của Kitco với các giám đốc ngân hàng, nhà phân tích và chuyên viên giao dịch, 36% cho rằng giá sẽ tăng, 28% kỳ vọng giảm và 36% nghiêng về khả năng đi ngang.

Diễn biến giá vàng thế giới trong nửa đầu năm 2025. Đồ thị: Goldprice

Adam Button – Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com cho rằng xu hướng bán USD kéo dài sẽ hỗ trợ vàng. “Đồng đôla ban đầu tăng sau báo cáo việc làm, rồi giảm nhanh. Xu hướng bán USD đã thống trị nửa đầu năm. Nếu điều này tiếp tục, vàng sẽ hưởng lợi”, ông giải thích.

Trong khi đó, Adrian Day – Giám đốc Adrian Day Asset Management lại cho rằng các yếu tố như thỏa thuận thương mại, khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng 7, các ngân hàng trung ương giảm tốc mua vàng có thể gây sức ép lên kim loại quý. Dù vậy, mức điều chỉnh “có thể nông và không kéo dài”.

Marc Chandler – Giám đốc Bannockburn Global Forex cũng nghiêng về dự báo giá giảm, do các số liệu lạc quan về kinh tế Mỹ tuần này. Ông cho rằng vàng vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh và có thể quay lại vùng 3.250 USD.

Colin Cieszynski – chiến lược gia thị trường tại SIA Wealth Management thì nhận định 2 tháng qua, giá không có xu hướng rõ rệt. Ông cho biết thị trường hiện dự báo Fed giảm lãi tổng cộng 80 điểm cơ bản (0,8%) năm nay.

“Việc này tương đương 3 lần giảm lãi trong 4 phiên họp còn lại của năm nay”, Cieszynski nói. Nhưng kể cả nếu Fed giảm lãi sớm, chuyên gia này dự báo giá vàng không có thay đổi lớn.

Tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Đó là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Australia, biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed và số đơn xin thất nghiệp hàng tuần Mỹ.


Tháng Bảy 7, 2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức hàng đầu đều xác nhận thuế sẽ tăng trở lại từ ngày 1/8, lùi 3 tuần so với hạn chót cũ.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trước báo giới rằng thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump “vẫn đang thiết lập các mức thuế và đàm phán thỏa thuận thương mại”.

Trước đó, đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế ở mức cao, tạm thời chỉ áp dụng mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ. Hạn chót cũ là ngày 9/7. Vì vậy, các nước hiện sẽ có thêm 3 tuần để giải quyết vấn đề này.

Trả lời CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng xác nhận việc này. “Tổng thống Trump sẽ gửi thư báo thuế cho một số đối tác thương mại. Trong đó nói rằng nếu họ không có hành động, từ ngày 1/8, thuế sẽ quay lại mức như đã thông báo ngày 2/4. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta sắp chứng kiến thêm nhiều thỏa thuận mới được hoàn thành nhanh chóng”, ông nói.

Bessent dự báo một số thỏa thuận thương mại có thể được công bố trong vài ngày tới, đồng thời tiết lộ việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển tốt. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ gửi thư cho khoảng 100 quốc gia nhỏ hơn, có kim ngạch thương mại với Mỹ không lớn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kiev, Ukraine ngày 12/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục đưa ra lời đe dọa áp thuế mới. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: “Bất kỳ quốc gia nào đứng về phía các chính sách chống Mỹ của BRICS sẽ bị áp thuế bổ sung 10%. Chính sách này không có ngoại lệ”. BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. BRICS sau đó kết nạp Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia. Ngoài ra, BRICS cũng gồm một số nước đối tác.

Trước đó, trả lời báo giới tại căn cứ liên hợp Andrews ở bang Maryland ngày 4/7, ông Trump đã khẳng định sẽ gửi thư thông báo thuế nhập khẩu cho các nước trong 5 ngày tới. Mỗi ngày gửi đến 10-12 quốc gia. Trong phần lớn các trường hợp, thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.

“Mức thuế có thể dao động từ 10-20% đến 60-70%. Nhưng thư sẽ được gửi từ ngày mai. Chúng tôi đã hoàn tất mẫu nội dung, về cơ bản là giải thích các nước sẽ phải trả thuế bao nhiêu”, ông nói.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết trên CBS rằng Mỹ có thể linh hoạt với những quốc gia đang đàm phán nghiêm túc. “Chúng ta có các hạn chót và cũng có những thứ đang gần đạt được. Vì vậy, có thể một số thứ sẽ được lùi quá thời hạn”, Hassett nói, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống sẽ là người quyết định điều đó có xảy ra hay không.

Trên ABC News, Stephen Miran – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA) – cho biết các nước cần nhượng bộ để có mức thuế nhập khẩu thấp hơn. “Tôi đã nghe được những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán với châu Âu và Ấn Độ. Tôi cho rằng các quốc gia đang nhượng bộ có thể sẽ được gia hạn”, ông nói.

Trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận và bày tỏ hy vọng có thể ký kết một hiệp định với EU. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt thỏa thuận với Nhật Bản.

Ấn Độ và Mỹ dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về một thỏa thuận thương mại nhỏ trong 48 giờ tới, theo kênh truyền hình Ấn Độ CNBC-TV18. Kênh này đưa tin mức thuế trung bình áp lên hàng hóa Ấn Độ xuất sang Mỹ sẽ là 10%.

Thái Lan hiện cũng đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản và hàng hóa công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng mua năng lượng và máy bay Boeing, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói với Bloomberg hôm 6/7.


Tháng Bảy 3, 2025

Tỷ giá USD/VND sáng nay tăng hết biên độ, lên mức đỉnh mới 26.345 đồng đổi một USD.

Sáng 3/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 25.091 đồng, tăng 21 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.837 – 26.345 đồng.

Các ngân hàng thương mại đầu ngày cũng đồng loạt nâng giá USD lên mức trần được phép, đồng thời cũng là mức kỷ lục mới. Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 25.975 – 25.345 đồng. Còn BIDV, giá USD sáng nay lên 26.006 – 25.345 đồng. Eximbank niêm yết giá USD quanh 25.990 – 26.345 đồng. Như vậy, giá USD tại các ngân hàng hiện tăng hơn 3,1% so với hồi đầu năm.

Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ niêm yết giá mua bán USD quanh vùng 26.370 – 26.470 đồng một USD.

Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh hiện dao động quanh vùng 96,9 điểm, thấp hơn 10% so với đầu năm.

Sự suy yếu trong ngắn hạn của tiền đồng được các chuyên gia lý giải xuất phát từ nhu cầu ngoại tệ tăng lên từ khối doanh nghiệp và chịu áp lực trước kỳ vọng tăng trưởng kém do ảnh hưởng của thuế quan.

Tuy nhiên, theo VDSC, trong nửa cuối năm nay, cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn căng thẳng khi thặng dư thương mại đã giảm dần trong các tháng gần đây. Dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể dịch chuyển khi câu chuyện thuế quan rõ ràng hơn và áp lực tăng trưởng dẫn đến việc thúc đẩy tín dụng và đầu tư công. Từ đó, quan ngại về kỳ vọng lạm phát tăng trong tương lai, sẽ khiến nhu cầu tích trữ USD gia tăng

 


Call Now Button