Tháng Tư 18, 2025

Sức mua nhà đất chủ yếu rơi vào sản phẩm mở bán mới trong khi rổ hàng tồn kho tiếp tục ế ẩm do giá cao, vị trí xấu.

Chia sẻ tại buổi báo cáo thị trường quý I mới đây, bà Giang Huỳnh – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu S22M Savills TP HCM – cho biết 3 tháng đầu năm, thành phố có 800 căn hộ mở bán mới (bán lần đầu), cộng thêm hơn 4.200 căn tồn kho từ các đợt trước, nâng tổng nguồn cung sơ cấp (chủ đầu tư rao bán) lên 5.000 căn, tăng 2% so với cùng kỳ 2024.

Theo bà Giang, do nhiều yếu tố mà lượng giao dịch căn hộ trong quý vừa qua chỉ đạt 1.400 căn, tương đương hấp thụ được 28% trên tổng nguồn cung. Trong đó hàng tồn kho tiếp tục “ế” với tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 23%, các sản phẩm mở bán mới ghi nhận mức hấp thụ trên 61%.

Xu hướng trên cũng xảy ra với phân khúc nhà liền thổ. Theo Savills, quý vừa qua thành phố có 698 căn mở bán sơ cấp, trong đó nguồn cung mới có 89 căn, chiếm khoảng 13%, còn lại 87% là hàng tồn kho. Tỷ lệ hấp thụ ghi nhận trong quý chỉ đạt 10%, tương đương 69 căn nhà liền thổ được giao dịch, phần lớn là sản phẩm mới, còn hàng tồn kho ít được quan tâm.

Diễn biến tương tự cũng được hãng tư vấn bất động sản Knight Frank Việt Nam ghi nhận. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, TP HCM có 619 căn hộ mở bán mới và hơn 3.600 sản phẩm tồn kho từ các đợt trước, tổng nguồn cung sơ cấp vào khoảng 4.200 căn hộ. Giao dịch ghi nhận được là 689 căn và 80% sức mua rơi vào các dự án mở bán mới, trong khi rổ hàng tồn không tiêu thụ được.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến quý IV/2024, lượng tồn kho bất động sản trong các dự án vẫn còn khá lớn, với khoảng 17.058 sản phẩm (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền). Còn số liệu thống kê từ VietstockFinance với 103 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản tính đến cuối năm 2024 là hơn 491.000 tỷ đồng. Đây là mức tồn kho cao kỷ lục trong hơn 2 thập niên qua. Tồn kho được tính từ thời điểm sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng không bán hoặc chưa bán được.

Bất động sản khu Tây TP HCM, với các dự án chung cư, nhà phố, đất nền. Ảnh: Quỳnh Trần

Lý giải nguyên nhân khiến thanh khoản hàng tồn kho kém, bà Giang Huỳnh cho biết bên cạnh yếu tố mùa vụ, các sản phẩm cũ hiện có mức giá bán cao, phần nhiều là các căn diện tích lớn, vị trí không đẹp nên khó tiếp cận cả người ở thực lẫn nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Sơn Hoàng, Phó giám đốc định giá và tư vấn Knight Frank Việt Nam, cho hay hơn 90% rổ hàng tồn kho chào bán sơ cấp trong quý thuộc loại trung cao cấp, giá bán bình quân khoảng 3.648 USD mỗi m2 (hơn 91 triệu đồng), vượt tài chính số đông người mua. Rổ hàng tồn kho phân khúc bình dân (dưới 55 triệu đồng mỗi m2) hiện chỉ chiếm 10% và chủ yếu là loại hình 3 phòng ngủ, diện tích lớn kéo tổng giá bán căn hộ tăng lên hơn 3 tỷ đồng.

“Người mua nhà có xu hướng tìm kiếm các lựa chọn hợp túi tiền hơn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Điều này khiến hàng tồn kho có giá cao càng khó bán”, ông Sơn Hoàng nói.

Một khảo sát về tâm lý người mua nhà của chuyên trang Batdongsan cũng chỉ ra, gần 80% người mua có xu hướng lựa chọn các dự án mở bán mới của chủ đầu tư. Bởi các sản phẩm mới có sự đa dạng về diện tích, vị trí và tiềm năng tăng giá tốt hơn hàng tồn.

Dự báo về thị trường các quý còn lại, bà Giang Huỳnh cho biết nguồn cung mới vẫn hạn chế, ước tính gần 7.000 căn. Trong đó 90% sẽ đến từ giai đoạn tiếp theo của bảy dự án hiện hữu và chỉ có bốn dự án mới sẽ mở bán, chiếm tỷ trọng khiêm tốn là 10%. Nguồn cung mới khan hiếm và hàng tồn kho giá cao tiếp tục tăng dẫn đến sự mất cân bằng cung – cầu.

Đánh giá về tồn kho bất động sản, giới chuyên gia cho rằng có hai dạng là sản phẩm đang triển khai và sản phẩm đã hoàn thiện. Nếu sản phẩm chưa hoàn thiện không đáng lo thì loại hình đã hoàn thiện, đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch lại đặc biệt lo ngại. Tồn kho dạng này gây mất tính thanh khoản, trở thành cục nợ cho doanh nghiệp. Mức giá bán cao, dự án pháp lý mập mờ hay rổ hàng có vị trí xấu là những nguyên nhân khiến lượng hàng tồn không mấy được lòng người mua và bị xếp vào kho.

Sự gia tăng tồn kho bất động sản lên mức cao kỷ lục phản ánh tình hình khó khăn của ngành. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm hướng đến nhu cầu số đông và phù hợp với sức hấp thụ thực tế của thị trường.


Tháng Tư 18, 2025

Bất động sản Mặt Trời và Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh (thành viên của Sun Group) làm hai khu đô thị ở TP Phủ Lý với tổng vốn gần 24.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Nam vừa duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hai khu đô thị gồm Tiên Hải và Đông Phú Trứ tại TP Phủ Lý.

Nhà đầu tư trúng thầu Khu đô thị Tiên Hải là Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Mặt Trời (thành viên của Sun Group). Được thành lập vào tháng 7/2019, công ty có trụ sở chính tại số 69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đại diện pháp luật là bà Cao Thị Liên Hoa.

Dự án có tổng diện tích đất hơn 234 ha, giáp cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và sông Châu. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 12.300 tỷ đồng, gồm 739 tỷ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Khu đô thị cung cấp nhiều loại hình nhà ở như liền kề, biệt thự, nhà ở xã hội cùng một số hạng mục như trường học, khu thể dục thể thao, giáo dục, y tế… Quy mô dân số hơn 10.000 người. Tiến độ dự án từ 2024 đến 2032.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang lấy ý kiến, khu đất thực hiện dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, mặt nước, đất giao thông, kênh mương, đất dân cư hiện trạng. Trong đó đất trồng lúa chiếm gần 76% tổng diện tích đất quy hoạch.

Khu đô thị Tiên Hải nằm giáp cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và sông Châu, TP Phủ Lý. Ảnh: ĐTM

UBND tỉnh Hà Nam cũng duyệt Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh là nhà đầu tư trúng thầu Khu đô thị Đông Phú Thứ. Được thành lập vào tháng 2/2005, doanh nghiệp này có trụ sở chính tại tòa Sun City, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Hà Văn Dũng.

Dự án có quy mô hơn 166 ha, giáp với Khu đô thị Tiên Hải. Tổng mức đầu tư dự kiến 11.555 tỷ đồng, gồm 456 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Quy mô dân số hơn 3.700 người. Tiến độ dự án từ 2024 đến 2032.

Khu đô thị cung cấp nhiều loại hình nhà ở như liền kề, biệt thự cao tối đa 5 tầng, nhà ở xã hội cao tối đa 9 tầng cùng một số hạng mục như văn phòng, khách sạn, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại, trường học, khu thể dục thể thao, giáo dục, y tế…

Khu đất thực hiện dự án cũng chủ yếu là đất nông nghiệp, nghĩa trang, kênh mương, đất ở nông thôn, giao thông. Trong đó đất trồng lúa chiếm gần 72% tổng diện tích đất quy hoạch, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang lấy ý kiến.

Hai khu đô thị đều hoạt động 50 năm. Sau khi hoàn thành, Tiên Hải và Đông Phú Thứ sẽ trở thành khu đô thị hỗn hợp, cung cấp đa dạng sản phẩm về nhà ở, lưu trú, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của địa phương.

Cách Hà Nội 50 km, Hà Nam được biết đến là cửa ngõ phía Nam với nhiều tuyến giao thông lớn đi qua như Quốc lộ 1A, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, vành đai 3 và 4. Thời gian qua, tỉnh liên tục bổ sung quỹ đất công nghiệp và đất ở mới. Nhiều chủ đầu tư lớn đã hiện diện tại đây để phát triển khu công nghiệp, khu đô thị như Sun Group, Flamingo, Viglacera, Western Pacific, Hòa Phát…


Tháng Tư 18, 2025

Khi vàng không còn bị Mỹ áp thuế đối ứng, nhà đầu tư vài ngày qua tăng tốc đưa kim loại quý quay về Thụy Sĩ.

Số liệu của Hải quan Thụy Sĩ ngày 17/4 cho thấy nhập khẩu vàng của nước này từ Mỹ là 25,5 tấn trong tháng 3 – cao nhất hơn một năm. Tháng trước đó, con số này chỉ là 12,1 tấn. Ngược lại, vàng xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Mỹ lại giảm 32%, còn 103,2 tấn tháng trước.

Theo số liệu của COMEX, sàn giao dịch hợp đồng phái sinh kim loại lớn nhất thế giới, tại các kho chứa được họ cấp phép, lượng vàng đã bị rút ra 8 ngày liên tiếp. Đây là lần đầu tiên việc này diễn ra trong hơn một năm qua.

Các thỏi vàng được sản xuất tại một nhà máy ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong giai đoạn tháng 12/2024-3/2025, số vàng, bạc và bạch kim trị giá hơn 80 tỷ USD đã được chuyển đến các kho chứa của COMEX. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đầu tháng 3, đã có hơn 600 tấn vàng được chuyển đến các hầm chứa ở New York. Việc này khiến các công ty logistics và nhà máy luyện kim tại Thụy Sĩ bận rộn hơn bình thường.

Khi đó, giới phân tích giải thích khả năng vàng bị áp thuế nhập khẩu đã khiến các ngân hàng, nhà đầu tư và giới buôn tại Mỹ gấp rút chuyển kim loại quý từ nước ngoài về Mỹ. Trước đó, kim loại quý thường được trữ tại Anh và Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, giá vàng tại Mỹ tăng mạnh so với các thị trường khác, tạo cơ hội đầu cơ chênh lệch giá. Việc này cũng góp phần khiến lượng vàng vận chuyển sang Mỹ tăng.

Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển vàng và bạc đến New York dần giảm sút khi Washington miễn thuế đối ứng cho kim loại quý cách đây 2 tuần. Dòng chảy vì thế quay ngược về Thụy Sĩ.

Lượng vàng tại các kho chứa của COMEX hiện còn 43,6 triệu ounce (1.357 tấn), giảm từ đỉnh 45,1 triệu ounce hôm 4/4. Giá trị số vàng này là 8,4 tỷ USD. Dù vậy, một nguồn tin trong ngành luyện kim tại Thụy Sĩ cho biết số vàng rời Mỹ hiện vẫn khiêm tốn, do kim loại quý đang đóng vai trò công cụ trú ẩn trong bất ổn toàn cầu.

Thông thường, Mỹ tiêu thụ 115 tấn vàng thỏi và xu mỗi năm. Điều này đồng nghĩa số vàng trong các kho của COMEX đủ cung cấp trong gần 12 năm nữa, Ross Norman – nhà phân tích độc lập cho biết trên Reuters. “Hiện tại là thời điểm tuyệt vời với lĩnh vực vận chuyển và tinh luyện vàng”, ông nói.


Tháng Tư 18, 2025

Thành phố chi gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách để làm đoạn Vành đai 4 dài hơn 20 km đi qua địa bàn nhằm hình thành tuyến đường lớn nhất phía Nam.

Đây là một trong các thành phần thuộc đường Vành đai 4 đoạn qua TP HCM, được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư sáng 18/4. Toàn tuyến vành đai có tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài đoạn dài khoảng 48 km qua Bình Dương được tỉnh triển khai độc lập, toàn bộ phần còn lại của Vành đai 4 dài gần 160 km sẽ nghiên cứu gộp thành một dự án tổng thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tổng vốn ước tính hơn 120.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Vành đai 4 được đầu tư giai đoạn một với 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp; cùng đường song hành hai bên. Ảnh: Sở Giao thông công chánh TP HCM

Dự án được nghiên cứu triển khai theo hình thức BOT, trong đó nhà đầu tư cân đối hơn 50.600 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách trung ương và các địa phương tuyến đường đi qua.

Tại TP HCM, đoạn Vành đai 4 chạy qua với chiều dài khoảng 20,5 km. HĐND thành phố thống nhất chủ trương triển khai tuyến vành đai, đồng thời đảm bảo cân đối gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách tham gia đầu tư dự án, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Khi được thông qua, Vành đai 4 dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau ba năm, là công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực phía Nam. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông chiến lược liên kết các cao tốc, quốc lộ, sân bay, giúp phát triển kinh tế xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh bởi ba tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76 km, đang thi công, dự kiến hoàn thành năm 2026. Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TP HCM, dài khoảng 64 km, còn một số đoạn chuẩn bị được đầu tư khép kín.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP HCM thông qua chủ trương chi gần 6.300 tỷ đồng ngân sách triển khai dự án cầu – đường Bình Tiên, nối quận 6, 8, Bình Chánh, giúp giảm ùn tắc khu nam, thay phương án đầu tư theo hình thức BOT dự kiến.

Nút giao Bình Tiên – Phạm Văn Chí, quận 6 – điểm đầu dự án cầu đường Bình Tiên. Ảnh: Gia Minh

Dự án cầu – đường Bình Tiên có điểm đầu ở đường Phạm Văn Chí, quận 6, điểm cuối nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh, tổng chiều dài 3,6 km, quy mô 4-6 làn xe. Dự án được chia làm hai dự án thành phần: bồi thường, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng. Thành phần còn lại là xây dựng, tổng kinh phí gần 2.900 tỷ.

Trước đó, dự án cầu, đường Bình Tiên đã được TP HCM tính triển khai từ cách đây hơn 10 năm theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tổng mức đầu tư khi đó 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa được triển khai.

Hướng tuyến dự án cầu và đường Bình Tiên. Đồ họa: Khánh Hoàng

Đầu năm 2018, khi Trung ương chủ trương dừng dự án BT, thành phố cũng cho dừng các công trình dạng này để rà soát. Công trình sau đó tiếp tục được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), nhưng cách này cũng bị cho khó thực hiện. Lý do chính nằm ở phương án tài chính, bởi tuyến đường được xây dựng ngắn, làm BOT và đặt trạm thu phí sẽ khó khả thi.

Theo UBND TP HCM, cầu – đường Bình Tiên nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ trung tâm thành phố phía quận 5, 6 đi quận 8, Bình Chánh và nối trực tiếp với đường Nguyễn Văn Linh (Vành đai 2), liên kết đến Vành đai 3… Tuyến đường này khi đầu tư hoàn thành ngoài tăng kết nối giữa các trục giao thông chính, sẽ giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị cho cả khu vực phía nam.


Tháng Tư 18, 2025

TP Huế và các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn vừa thống nhất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo nghị quyết mới của Trung ương.

TP Huế sẽ giảm mạnh từ 133 xã, phường, thị trấn xuống còn 40. Nằm ở bờ Bắc sông Hương, quận Phú Xuân 12 phường dự kiến sắp xếp còn 3 phường. Trong đó, 6 phường trung tâm gồm Gia Hội, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Lộc, Thuận Hòa, Đông Ba sẽ thành phường mới mang tên Phú Xuân.

Ở bờ Nam sông Hương, quận Thuận Hóa từ 19 phường hiện hữu, cộng thêm phường Hương Vinh (từ quận Phú Xuân), xã Quảng Thành (từ huyện Quảng Điền) và các xã Phú Mỹ, Phú An, Phú Thuận, Phú Hải (từ huyện Phú Vang), sẽ hình thành 8 phường mới.

Trong đó, phường Thuận An sẽ mở rộng bằng việc sáp nhập hai xã của huyện Phú Vang; phường Hương Phong sẽ có thêm phường Hương Vinh và xã Quảng Thành, đổi tên thành phường Hóa Châu. 6 phường trung tâm của quận Thuận Hóa sẽ hợp nhất thành phường Thuận Hóa; và phường Phú Thượng dự kiến sẽ sáp nhập thêm hai xã lân cận từ huyện Phú Vang.

Trung tâm quận Thuận Hóa và Phú Xuân nằm bên dòng sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Thị xã Phong Điền sẽ giảm từ 12 xuống 5 phường, trong đó sáp nhập thêm hai xã từ huyện Quảng Điền. Huyện Quảng Điền sẽ giảm từ 11 xã xuống chỉ còn 2. Thị xã Hương Trà từ 9 xã, phường sẽ còn 3. Huyện Phú Vang từ 10 xã còn 2. Thị xã Hương Thủy từ 10 xã, phường còn 3. Các huyện vùng ven và miền núi cũng có sự điều chỉnh đáng kể, với huyện Phú Lộc dự kiến giảm từ 27 xã, thị trấn xuống 8, và huyện A Lưới từ 18 xuống 5.

Việc sắp xếp này được xác định dựa trên các yếu tố về lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh và cơ sở hạ tầng, nhằm tối ưu hóa bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý.

TP Huế có diện tích 4.947 km2, dân số 1,236 triệu.

Hòa Bình giảm 105 đơn vị hành chính cấp xã

Tỉnh Hòa Bình dự kiến giảm từ 151 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 46, tương đương mức giảm 69,5%, theo đề án sắp xếp.

Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Thành

Cụ thể, TP Hòa Bình sẽ từ 19 phường, xã xuống còn 4 phường và 1 xã. Huyện Cao Phong từ 10 xuống 3 xã, Lạc Thủy từ 10 xuống 3, Yên Thủy từ 11 xuống 3, Lương Sơn từ 11 xuống 3, Mai Châu từ 16 xuống 5, Tân Lạc từ 16 xuống 5, Kim Bôi từ 17 xuống 5, Lạc Sơn từ 24 xuống 8 và Đà Bắc từ 17 xuống 6 xã, thị trấn.

Hòa Bình có diện tích gần 4.600 km2, dân số hơn 854.000 với 6 dân tộc (Mường chiếm đa số trên 63%). Tỉnh giáp Phú Thọ, Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa, nổi tiếng với công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.

Vĩnh Phúc giảm mạnh hơn 70% đơn vị hành chính cấp xã

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến giảm từ 121 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 36, tương đương mức giảm hơn 70%.

Trong đó, huyện Sông Lô còn 4 xã (Sông Lô, Sông Lô 1-2-3) từ 14 đơn vị. Huyện Lập Thạch còn 5 xã (Lập Thạch, Lập Thạch 1-2-3-4) từ 20 đơn vị. Huyện Tam Đảo còn 3 xã mới từ 9 đơn vị. Huyện Vĩnh Tường còn 6 xã (tên mới đánh số theo huyện, riêng Thổ Tang giữ tên) từ 20 đơn vị.

Huyện Yên Lạc còn 5 xã (tên mới đánh số theo huyện, riêng Tề Lỗ giữ tên) từ 16 đơn vị. Huyện Bình Xuyên còn 4 xã từ 13 đơn vị. Ngoài ra, tỉnh còn có các phường Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Phúc Yên và Phúc Yên 1.

Vĩnh Phúc có diện tích hơn 1.200 km2, dân số trên 1,2 triệu người, giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội.

Cầu Vĩnh Phú nối hai tỉnh Phú Thọ – Vĩnh Phúc. Ảnh: Ngọc Thành

Bắc Kạn giảm gần 66% xã, phường

Tỉnh Bắc Kạn theo đề án sẽ giảm từ 108 đơn vị hành chính xuống còn 37, mức giảm 65,7%. Trong đó huyện Pắc Nặm còn 3 xã từ 10. Huyện Ba Bể còn 5 xã từ 15. Huyện Ngân Sơn còn 5 xã từ 10. Huyện Chợ Đồn còn 6 xã từ 20. Huyện Bạch Thông còn 4 xã từ 14. TP Bắc Kạn còn 3 phường, xã từ 8. Huyện Na Rì còn 6 xã từ 17. Huyện Chợ Mới còn 5 xã từ 14.

Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 4.859 km2, dân số trên 326.000 người, gồm 8 huyện, thị xã với 108 xã, phường, thị trấn, giáp Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tổng thu ngân sách năm 2024 đạt khoảng 930 tỷ đồng.

Theo chủ trương được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Số lượng xã, phường từ hơn 10.000 sẽ rút xuống còn khoảng 5.000.

Dự kiến TP Huế giữ nguyên trạng, Hòa Bình sẽ sáp nhập với Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ (trung tâm tại Việt Trì), Bắc Kạn sáp nhập với Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang (trụ sở tại Tuyên Quang).


Tháng Tư 17, 2025
ChatGPT-Image-09_02_08-17-thg-4-2025.png

Giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới, khi tăng hơn 100 USD trong một phiên, lên trên 3.340 USD.

Chốt phiên giao dịch 16/4, giá vàng thế giới giao ngay tăng 112 USD lên kỷ lục 3.341 USD một ounce. Giá hiện lên 3.343 USD.

Đồng đôla yếu đi và căng thẳng Mỹ – Trung Quốc leo thang khiến nhà đầu tư tìm đến công cụ trú ẩn là vàng. “Vàng vẫn được hỗ trợ đáng kể bởi USD mất giá, bất ổn quanh chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ và nỗi lo suy thoái toàn cầu”, Lukman Otunuga – nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM nhận định trên Reuters.

Ông cho rằng sau khi các mốc tâm lý gần đây bị phá vỡ, nhà đầu tư có thể hướng tới mốc 3.400 USD hoặc 3.500 USD, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, mong muốn chốt lời hoặc khả năng thương mại Mỹ – Trung Quốc có diễn biến tích cực có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo.

Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu điều tra về các khoáng sản cần thiết mà Mỹ nhập khẩu, có thể khiến các sản phẩm này bị áp thuế. Đây là sự leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại toàn cầu. Nhà Trắng cũng cho biết một số sản phẩm từ Trung Quốc có thể phải chịu thuế lên tới 245%.

USD vài ngày qua cũng yếu đi. Tuần trước, giá có thời điểm xuống thấp nhất 3 năm so với rổ tiền tệ lớn. Đồng bạc xanh mất giá khiến vàng bớt đắt đỏ với người mua ngoài Mỹ.

Trong một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức ngày 16/4, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo thuế nhập khẩu đang đẩy nền kinh tế vào con đường tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng lên và lạm phát cao hơn. Ba việc này diễn ra đồng thời và là tình huống Fed chưa từng đối mặt trong khoảng 50 năm qua.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 700 USD một ounce, do căng thẳng thương mại, kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất và lực mua mạnh của các ngân hàng trng ương toàn cầu.

“Đà tăng mạnh có thể khiến thị trường sớm rơi vào điều chỉnh. Tuy nhiên, kịch bản hơn một năm qua cho thấy mức độ điều chỉnh sẽ không lớn”, Ole Hansen – Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết.


Tháng Tư 14, 2025
ChatGPT-Image-09_39_22-14-thg-4-2025.png

Cho rằng bất ổn chưa kết thúc, chuyên gia Phố Wall và nhà đầu tư cá nhân đồng thuận giá vàng còn tăng tiếp, hướng đến 3.300 USD một ounce.

Tuần trước, biến động trên thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục khiến vàng trở thành lựa chọn trú ẩn hàng đầu, đẩy giá tăng hơn 200 USD mỗi ounce chỉ trong 5 ngày. Kim loại quý này mở cửa đầu tuần ở mức 3.032 USD mỗi ounce, nhanh chóng chạm đỉnh 3.245 USD và kết phiên ngày thứ sáu (11/4) quanh vùng 3.237 USD.

Dự báo tuần này, theo khảo sát của Kitco, các chuyên gia Phố Wall đều đồng thuận vàng tiếp tục đi lên. Có đến 15 trong số 16 nhà phân tích dự báo tăng. Không ai nghĩ đến kịch bản giảm và chỉ một ý kiến cho rằng giá sẽ ổn định.

Với nhà đầu tư cá nhân, 275 người tham gia khảo sát trực tuyến (69%) lạc quan về giá vàng. Trong khi, 18% dự đoán giảm và 13% giữ quan điểm trung lập.

Khảo sát dự báo giá vàng tuần 14-18/4. Nguồn: Kitco

Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management cho biết vàng đang có động lực, với nhiều người mua chờ đợi. Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng tại SIA Wealth Management cũng giữ quan điểm tích cực. “USD có xu hướng suy yếu, trong khi các yếu tố bất ổn hỗ trợ vàng chưa biến mất”, ông nói.

Theo Marc Chandler, CEO Bannockburn Global Forex, sự hỗn loạn của thị trường tài chính và đồng đôla suy yếu sẽ đẩy giá vàng lên mức tiếp theo là 3.300 USD và 3.500 USD trong dài hạn.

Sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bất ngờ tăng mạnh tuần trước, Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures cho rằng yếu tố rủi ro lớn nhất hiện tại là khả năng can thiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thị trường trái phiếu, nhưng chưa đáng ngại.

“Từ sau khi ông Trump được bầu làm Tổng thống, Fed dường như để thị trường tự điều tiết và lợi suất dài hạn tăng cao cho thấy thị trường trái phiếu kỳ vọng lạm phát còn tăng. Điều này có lợi cho vàng”, ông nói.

Dù vậy, chuyên gia này khuyên các nhà đầu tư nên cân nhắc chiến lược phòng vệ cho các vị thế mua dài hạn, bởi khi chu kỳ tăng mạnh như hiện nay thường là tiền đề cho những thay đổi xu hướng lớn.

Tuần này, giới đầu tư hướng chú ý về các động thái của các ngân hàng trung ương. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào 16/4. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) công bố quyết định chính sách tiền tệ, với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên. Vào 17/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.


Tháng Tư 14, 2025
ban-do-hanh-chinh-viet-nam-1-729x1024-1.png

Dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị – hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập vừa được công bố kèm theo nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13.

Theo nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành không sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn ,Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

Phương án dự kiến sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau:

Hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Hợp nhất Lào Cai và Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

Hợp nhất Bắc Kạn và Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Hợp nhất Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình, lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Hợp nhất Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Hợp nhất Kon Tum và Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Hợp nhất Gia Lai và Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.

Hợp nhất Ninh Thuận và Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà hiện nay.

Hợp nhất Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Hợp nhất Đăk Lăk và Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đăk Lăk, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Đăk Lăk hiện nay.

Hợp nhất Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và TP HCM, lấy tên là TP HCM, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP HCM hiện nay.

Hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Hợp nhất Tây Ninh và Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Long An.

Hợp nhất Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang, lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Hợp nhất Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Hợp nhất Tiền Giang và Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.

Hợp nhất Bạc Liêu và Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Hợp nhất An Giang và Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Sau khi Trung ương công bố phương án dự kiến, Chính phủ và địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết việc sáp nhập tỉnh, thành, xác định tên gọi, trung tâm hành chính mới, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-6.


Tháng Tư 12, 2025
68b5e14b-7c80-4e5a-9c38-5d54aa21df38.png

Tổng thống Trump cho biết mức thuế chung 10% với đa số các quốc gia chỉ là ‘mức sàn’, và sẽ có những trường hợp ngoại lệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trên chuyên cơ Không lực Một trên đường đến sân bay quốc tế Palm Beach, Florida, ngày 11-4 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11-4 cho biết “mức thuế quan 10% là mức sàn, hoặc gần với mức sàn và có thể có một vài trường hợp ngoại lệ”.

Trước đó ngày 9-4 (giờ địa phương), Tổng thống Trump đăng tải bài viết lên Truth Social thông báo hoãn thuế đối ứng với nhiều quốc gia trong vòng 90 ngày, các nước này theo đó sẽ chịu mức thuế chung 10%.

Tuy nhiên đối với Trung Quốc, ông Trump quyết định tăng mức thuế quan từ 104% lên 125%.

Tính đến hết ngày 11-4, thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc tổng cộng là 145% sau đợt tăng mới nhất – thông tin được Nhà Trắng xác nhận với Đài CNBC.

Về phía Trung Quốc, nước này ngay lập tức trả đũa Mỹ bằng cách tăng mức thuế nhập khẩu lên 125% đối với hàng Mỹ, có hiệu lực từ 12-4.

Giữa cuộc chiến thuế quan căng thẳng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn lạc quan về việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo rủi ro phía Mỹ có thể gặp nếu tiếp tục theo đuổi chiến tranh thương mại.

“Nếu Mỹ vẫn muốn chơi trò tính toán con số với thuế quan, Trung Quốc sẽ không để tâm. Tuy nhiên, nếu Mỹ vẫn cố tình gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng” – Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố.


Tháng Tư 10, 2025
z6490362938563_63cdf3604a2be62f77214c02ff608d5b.jpg

Khi được báo chí hỏi, ông Trump nói sẵn lòng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: AFP

“Chắc chắn rồi! Ông ấy là bạn của tôi. Tôi thích ông ấy” – ông Trump trả lời khi được một phóng viên hỏi liệu ông có cân nhắc nói chuyện hoặc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không.

“Đối với Chủ tịch Tập, tôi thích ông ấy, tôi tôn trọng ông ấy, chắc chắn tôi sẽ gặp ông ấy” – báo Wall Street Journal dẫn lại lời ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 9-4.

Trước đó cùng ngày, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump thông báo sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 104% lên 125%, đồng thời sẽ tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia/vùng lãnh thổ đã không trả đũa Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận trong thời hạn 90 ngày, các nước này sẽ đồng loạt chịu mức thuế 10%. Chính quyền ông Trump giờ đây sẽ đàm phán với các nước này.

“Tôi đã nói với họ rằng nếu các vị trả đũa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi thuế. Và đó là những gì tôi đã làm với Trung Quốc, bởi vì họ đã trả đũa. Vì vậy, chúng ta sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra tuyệt vời” – ông Trump giải thích.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu Washington tiếp tục tung ra các mức thuế cao. Bắc Kinh đã thông báo sẽ áp mức thuế 84% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10-4.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên của mình vào ngày 9-4 kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung leo thang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường mối quan hệ chiến lược với các nước láng giềng bằng cách xử lý thỏa đáng các khác biệt và tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng với ý chí kiên định và phương tiện dồi dào, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả và chiến đấu đến cùng nếu Mỹ nhất quyết tiếp tục leo thang các biện pháp hạn chế kinh tế và thương mại.


Call Now Button