Tháng Bảy 9, 2025
ChatGPT-Image-10_01_23-9-thg-7-2025.png

Tôi mới thành lập doanh nghiệp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới được ba tháng và còn khá bỡ ngỡ trong việc cập nhật chính sách pháp luật mới về doanh nghiệp.

Tôi được biết từ ngày 1/7/2025, nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp chính thức được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là liệu những thay đổi này có đặt ra thêm nghĩa vụ nào mới cho doanh nghiệp hay không? Chẳng hạn, doanh nghiệp có phải công khai thêm thông tin gì với cơ quan nhà nước?

Rất mong nhận được sự tư vấn cụ thể để tôi thuận lợi trong việc tuân thủ quy định của pháp luật nhằm loại rủi ro pháp lý.


Tháng Bảy 9, 2025

JBS – tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới muốn đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất, phân phối trong khu vực và toàn cầu.

Ngày 6/7, tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước này để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, sản xuất nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến, phân phối thực phẩm…

Gặp Thủ tướng, ông Fábio Maia de Oliveira, đại diện JBS – tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, có văn phòng đại diện tại 24 quốc gia, vùng lãnh thổ – cho biết họ đã lập 2 công ty tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm đông lạnh và sản xuất thuộc da.

JBS đã xuất khẩu lô hàng thịt bò đầu tiên sang Việt Nam và có kế hoạch mở rộng hợp tác đầu tư tại đây. Theo ông Fábio Maia de Oliveira, họ sẵn sàng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, phân phối hàng hóa nông sản, thực phẩm của tập đoàn trong khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo JBS tại Brazil, ngày 6/7. Ảnh: VGP

Việt Nam – Brazil đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024. Trên cơ sở nền tảng quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các doanh nghiệp Brazil, trong đó có Tập đoàn JBS, sẽ tiếp tục quan tâm, mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thị trường tiêu dùng Việt Nam tiềm năng với hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ để JBS vào khu vực ASEAN, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc.

Ông đề xuất JBS tăng hợp tác với các đối tác trong nước để đưa sản phẩm của tập đoàn tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam và khu vực. Đồng thời, ông cũng mong muốn JBS đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đến với thị trường Brazil và mạng lưới thị trường trên thế giới của họ. Việc này nhằm tận dụng tối đa 17 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do với Brazil và với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Thủ tướng đề nghị JBS góp phần thúc đẩy quá trình này, qua đó tạo điều kiện cho họ hoạt động hiệu quả, tiếp tục mở rộng sản xuất, cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nâng năng lực, chuyển giao công nghệ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Công ty FS, ngày 6/7. Ảnh: VGP

Gặp Thủ tướng cùng ngày, ông Daniel Lopes, Phó chủ tịch Công ty FS đề xuất hợp tác chiến lược với Việt Nam về nhiên liệu sinh học.

FS là doanh nghiệp tiên phong tại Brazil chuyên sản xuất ethanol từ ngô, đồng thời là một trong những nhà sản xuất nhiên liệu sinh học carbon thấp hàng đầu khu vực Mỹ Latin.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và thiện chí hợp tác từ phía FS. Ông cho biết Việt Nam đang từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi năng lượng và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Việc phát triển các giải pháp năng lượng bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi, nghiên cứu việc thành lập cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai Chính phủ về nhiên liệu sinh học. Ông đề nghị FS phối hợp với các bộ ngành, địa phương Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học.

Đồng thời, ông đề nghị FS mở rộng hợp tác đầu tư – kinh doanh – thương mại tại Việt Nam, tăng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị nhiên liệu sinh học toàn cầu, tiếp cận xăng E10 với giá phù hợp, cạnh tranh với quốc tế.

Đặc biệt, ông đề xuất doanh nghiệp này nghiên cứu để PVN hợp tác với họ đầu tư sản xuất ethanol tại Việt Nam hoặc tại Brazil.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo Công ty Granja Fujikura – trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Brazil, thuộc hệ thống Granja Fujikura có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Ông Wiliam Shuhei Fujikura, Giám đốc công ty Fujikura cho biết năm nay, họ khảo sát Việt Nam và đang hợp tác kinh doanh với Công ty Trọng Khôi để phát triển chăn nuôi chim cút tại thị trường Việt Nam và châu Á. Ông muốn Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện để công ty hợp tác hiệu quả tại Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi chim cút và phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn


Tháng Bảy 7, 2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức hàng đầu đều xác nhận thuế sẽ tăng trở lại từ ngày 1/8, lùi 3 tuần so với hạn chót cũ.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trước báo giới rằng thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump “vẫn đang thiết lập các mức thuế và đàm phán thỏa thuận thương mại”.

Trước đó, đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế ở mức cao, tạm thời chỉ áp dụng mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ. Hạn chót cũ là ngày 9/7. Vì vậy, các nước hiện sẽ có thêm 3 tuần để giải quyết vấn đề này.

Trả lời CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng xác nhận việc này. “Tổng thống Trump sẽ gửi thư báo thuế cho một số đối tác thương mại. Trong đó nói rằng nếu họ không có hành động, từ ngày 1/8, thuế sẽ quay lại mức như đã thông báo ngày 2/4. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta sắp chứng kiến thêm nhiều thỏa thuận mới được hoàn thành nhanh chóng”, ông nói.

Bessent dự báo một số thỏa thuận thương mại có thể được công bố trong vài ngày tới, đồng thời tiết lộ việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển tốt. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ gửi thư cho khoảng 100 quốc gia nhỏ hơn, có kim ngạch thương mại với Mỹ không lớn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kiev, Ukraine ngày 12/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục đưa ra lời đe dọa áp thuế mới. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: “Bất kỳ quốc gia nào đứng về phía các chính sách chống Mỹ của BRICS sẽ bị áp thuế bổ sung 10%. Chính sách này không có ngoại lệ”. BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. BRICS sau đó kết nạp Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia. Ngoài ra, BRICS cũng gồm một số nước đối tác.

Trước đó, trả lời báo giới tại căn cứ liên hợp Andrews ở bang Maryland ngày 4/7, ông Trump đã khẳng định sẽ gửi thư thông báo thuế nhập khẩu cho các nước trong 5 ngày tới. Mỗi ngày gửi đến 10-12 quốc gia. Trong phần lớn các trường hợp, thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.

“Mức thuế có thể dao động từ 10-20% đến 60-70%. Nhưng thư sẽ được gửi từ ngày mai. Chúng tôi đã hoàn tất mẫu nội dung, về cơ bản là giải thích các nước sẽ phải trả thuế bao nhiêu”, ông nói.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết trên CBS rằng Mỹ có thể linh hoạt với những quốc gia đang đàm phán nghiêm túc. “Chúng ta có các hạn chót và cũng có những thứ đang gần đạt được. Vì vậy, có thể một số thứ sẽ được lùi quá thời hạn”, Hassett nói, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống sẽ là người quyết định điều đó có xảy ra hay không.

Trên ABC News, Stephen Miran – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA) – cho biết các nước cần nhượng bộ để có mức thuế nhập khẩu thấp hơn. “Tôi đã nghe được những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán với châu Âu và Ấn Độ. Tôi cho rằng các quốc gia đang nhượng bộ có thể sẽ được gia hạn”, ông nói.

Trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận và bày tỏ hy vọng có thể ký kết một hiệp định với EU. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt thỏa thuận với Nhật Bản.

Ấn Độ và Mỹ dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về một thỏa thuận thương mại nhỏ trong 48 giờ tới, theo kênh truyền hình Ấn Độ CNBC-TV18. Kênh này đưa tin mức thuế trung bình áp lên hàng hóa Ấn Độ xuất sang Mỹ sẽ là 10%.

Thái Lan hiện cũng đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản và hàng hóa công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng mua năng lượng và máy bay Boeing, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói với Bloomberg hôm 6/7.


Tháng Sáu 26, 2025

Bộ Công Thương đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành lộ trình sử dụng xăng E10, dự kiến từ ngày 1/1/2026.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng về cung ứng xăng dầu ngày 25/6, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cùng các cơ quan khác để tham mưu ban hành lộ trình sử dụng xăng E10.

Theo Bộ trưởng, dự kiến lộ trình bắt đầu sử dụng xăng sinh học E10 từ ngày 1/1/2026. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ thông qua báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định 53/2012 về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với truyền thống.

Cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công được giao đề xuất sửa Quyết định 53. Việc này phải hoàn thành trong tháng 6, đầu tháng 7.

Bộ trưởng cũng đề nghị từ tháng này, cơ quan quản lý sẽ mở chiến dịch truyền thông để toàn xã hội nhận thức và ủng hộ quá trình chuyển đổi việc sử dụng xăng E10.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị về cung ứng xăng dầu, ngày 25/6. Ảnh: VGP

Theo Quyết định 53, từ đầu 2014, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quyết định 53 cũng đưa ra lộ trình dự kiến từ ngày 1/12/2016, xăng E10 được sử dụng tại 7 tỉnh, thành phố và áp dụng trên toàn quốc từ 2017. Như vậy, lộ trình sử dụng xăng E10 đã chậm gần 10 năm.

“Bộ Công Thương nên đề ra quy định về thời điểm cụ thể để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị và sẵn sàng triển khai”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất.

Lãnh đạo Petrolimex cũng ủng hộ việc tổ chức kinh doanh nhiên liệu sinh học. Đồng thời, ông cho biết dự kiến 1/8, Petrolimex sẽ thử nghiệm kinh doanh xăng E10 tại thị trường TP HCM để đánh giá tác động về kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Petrolimex sẽ có văn bản báo cáo Bộ nắm được kế hoạch triển khai của doanh nghiệp”, ông cho biết.

Về nguồn cung, theo ông Trần Minh, Phó cục trưởng Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), cả nước có 6 nhà máy sản xuất cồn. Trong đó 2 nhà máy đang hoạt động ở Đồng Nai và Quảng Nam, sản xuất khoảng 100.000 m3 mỗi năm. Nếu cả 6 nhà máy đi vào hoạt động, lượng sản xuất sẽ là 500.000 m3.

Để đảm bảo nguồn cung khi Lộ trình được ban hành, nguồn cung nhiên liệu sinh học sẽ cần 1-1,5 triệu m3. Như vậy, lượng còn thiếu hụt sẽ được nhập từ nước ngoài, với các nguồn rất dồi dào đến từ Mỹ, Argentina…

Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), hệ thống phối trộn của BSR đảm bảo đủ nguồn cung xăng E5. Còn nguồn E10, họ đang tiến hành cải tạo các bể chứa để phối trộn. Trong khi, đại diện Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) – cho biết họ sẽ khởi động lại nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) nhằm đảm bảo nguồn cung.


Tháng Sáu 20, 2025

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết triển vọng đàm phán thuế với Mỹ “tích cực và Chính phủ nỗ lực để mức thuế 46% sẽ không xảy ra”.

Thông tin này được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 20/6.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục đề cập trước bối cảnh Mỹ áp thuế 46% với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam. “Giải pháp trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chiến lược thương mại về dài hạn có thay đổi gì nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì và thúc đẩy thương mại quốc tế bền vững”, ông hỏi.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết hai nước đang trong quá trình đàm phán, với “nỗ lực cao nhất, làm mọi việc để mức thuế 46% mà Mỹ tính áp với hàng Việt không xảy ra”.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng liên tục chỉ đạo, làm việc với các bộ ngành, địa phương để triển khai các giải pháp.

Ông thông tin đoàn đàm phán của Chính phủ đang tích cực đàm phán với phía Mỹ, và “triển vọng đàm phán là tích cực, hai bên hiểu biết nhau hơn và cố gắng đạt mục tiêu đề ra”. Việc này, theo ông sẽ tháo gỡ khó khăn phần nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy vậy, trước biến động khó lường, Phó thủ tướng nói Việt Nam cần chiến lược dài hơi, chủ động tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký với nhiều quốc gia – đây là dư địa phát triển lớn, để không phụ thuộc vào một thị trường.

“Thế giới rất rộng, chúng ta đang tìm kiếm thị trường mới và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này”, ông nói thêm.

Cùng với đó, nền sản xuất trong nước cũng cần thay đổi, theo hướng sản xuất chế biến sâu, chứ không chỉ xuất hàng tươi. Việc này nhằm tạo ra tăng trưởng nhiều hơn. “Đa dạng thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta có thể ứng phó với những biến động khó lường. Trường hợp có rủi ro, Chính phủ sẵn sàng giải pháp về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông nói.

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn, sáng 20/6. Ảnh: Giang Huy

Đầu tháng 4, Tổng thống Donald Trump công bố áp mức thuế cơ bản và thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ các nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Mức thuế hàng nhập khẩu từ Việt Nam là 46%. Một tuần sau, ông Trump quyết định hoãn áp thuế với các nước, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày.

Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập đoàn đàm phán Chính phủ. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đàm phán. Từ đầu tháng 5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã làm việc về đàm phán thương mại song phương với các cơ quan liên quan của Mỹ.

Tại phiên đàm phán trực tuyến tối 19/6 với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói Việt Nam muốn cùng Mỹ xây quy tắc xuất xứ hài hòa, phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, không phân biệt đối xử và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.


Tháng Sáu 20, 2025

Phó thủ tướng kêu gọi công ty năng lượng của Trung Quốc tìm hiểu, đề xuất với Chính phủ hai nước những dự án cụ thể để đáp ứng nhu cầu điện ở miền Bắc Việt Nam.

Tại cuộc gặp lãnh đạo Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương ngày 19/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc tăng kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông sẽ giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc trong kinh tế, thương mại, đầu tư.

Phó thủ tướng cho rằng nhu cầu sử dụng năng lượng của các tỉnh miền Bắc Việt Nam là cơ hội để Mekong – Lan Thương tìm hiểu, đề xuất với Chính phủ hai nước những dự án cụ thể. Việc này cũng giúp doanh nghiệp hai nước hợp tác ổn định, hài hòa lợi ích.

“Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp có chính sách, công nghệ, giải pháp, đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng xanh như điện gió, mặt trời, thủy điện tích năng”, ông Hà nói.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc gặp lãnh đạo Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương, ngày 19/6. Ảnh: VGP

Công ty Năng lượng quốc tế Mekong – Lan Thương là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid – CSG). Họ đã phát triển lưới điện kết nối Trung Quốc với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong – Lan Thương, và một số dự án, chương trình hợp tác tại Việt Nam.

Theo ông Cam Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mekong – Lan Thương, doanh nghiệp này mong muốn tiếp tục thúc đẩy các dự án liên kết lưới điện mới giữa hai nước, mở rộng quy mô giao dịch điện giữa hai bên. Ông cũng đề xuất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tăng giao lưu, tập huấn kỹ thuật về giám sát, vận hành lưới điện thông minh, an toàn.

Phản hồi lại đề nghị này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam ủng hộ các dự án của Mekong – Lan Thương với doanh nghiệp Việt Nam trong kết nối lưới, mua bán điện, chuyển đổi các dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh, sạch, đặc biệt là thủy điện tích năng.

Bên cạnh đó, ông cho rằng trong quá trình hợp tác, công ty cần có phương án chuyển giao công nghệ, thúc đẩy các khu công nghiệp ở khu vực biên giới Việt – Trung để phát huy hiệu quả hơn nữa từ các lưới điện kết nối.

“Các doanh nghiệp cần tính đến lợi ích tổng thể về môi trường, biến đổi khí hậu, chia sẻ nguồn nước, thông tin để sự phát triển không làm tổn hại đến sự bền vững sông Mekong – Lan Thương”, Phó thủ tướng lưu ý.

Cùng ngày, tại cuộc gặp ông Trần Trọng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), Phó thủ tướng cho rằng CCCC hoàn toàn có thể tham gia thi công những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối Việt Nam – Trung Quốc.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Phó thủ tướng cho biết, Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo, nhưng các doanh nghiệp trực tiếp tham gia phải có lộ trình chuyển giao, làm chủ công nghệ, công nghiệp đường sắt cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc này cần dựa trên hợp đồng thương mại, có cam kết rõ ràng theo pháp luật.


Tháng Sáu 19, 2025

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong phiên họp tháng 6, cảnh báo lạm phát lên 3% cuối năm nay.

Ngày 18/6, sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại 4,25-4,5%. Trong thông báo sau cuộc họp, Fed nhận xét thị trường lao động vẫn vững vàng và tỷ lệ thất nghiệp duy trì mức thấp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát ba tháng qua đã hạ nhiệt, nhưng việc này “chỉ phản ánh quá khứ”. “Fed và cả các hãng dự báo bên ngoài đều cho rằng lạm phát đáng kể sẽ xuất hiện trong vài tháng tới. Chúng tôi phải tính đến điều đó”, Powell cảnh báo.

Fed vẫn kỳ vọng giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025. Tuy nhiên, họ dự kiến chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi năm vào 2026 và 2027.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Thậm chí, trong 19 quan chức Fed, 7 người cho rằng không cần giảm lãi suất. Sự chia rẽ này phản ánh sự thiếu chắc chắn xoay quanh chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Powell nhận xét “đây vẫn là thời kỳ rất mù mờ” và các quan chức có thể đánh giá khác nhau về nguy cơ lạm phát dai dẳng hoặc thị trường lao động suy yếu.

Theo dự báo mới, Fed cho rằng triển vọng tăng trưởng sẽ chậm lại. GDP chỉ tăng 1,4% trong năm 2025, giảm so với 1,7% hồi tháng 3. Lạm phát cả năm sẽ ở mức 3%, cao hơn đáng kể so với con số đưa ra hồi tháng 5 (2,4%). Còn tỷ lệ thất nghiệp lên 4,5%.

Sang 2026, lạm phát sẽ ở mức 2,4% và giảm về 2,1% vào năm 2027. Tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng ổn định trong suốt giai đoạn này.

Fed không đề cập đến cuộc xung đột giữa Israel và Iran trong tuyên bố chính sách. Tuy nhiên, Powell cho biết quan chức cơ quan này đang theo dõi tình hình. Ông cho rằng các đợt tăng giá năng lượng do xung đột thường chỉ mang tính tạm thời, không tác động lâu dài đến lạm phát.

“Hiện tại, chúng tôi có đủ cơ sở để chờ đợi và theo dõi thêm diễn biến kinh tế trước khi điều chỉnh chính sách”, Powell nói, đồng thời nhấn mạnh họ sẵn sàng “phản ứng kịp thời với các thông tin mới”.

Thị trường hiện dự báo Fed giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong cuộc họp tháng 9. Cơ quan này đến nay vẫn phớt lờ lời kêu gọi giảm lãi suất ngay lập tức của Tổng thống Trump. Các quan chức cho rằng việc này có thể gây rủi ro cho mục tiêu đưa lạm phát về 2%, nhất là khi tác động từ chính sách thuế mới chưa rõ ràng.

Ngày 18/6, ông Trump tiếp tục gọi Powell là “kẻ ngốc” và kêu gọi giảm lãi suất thêm 2-2,5%. Đây là mức cắt giảm thường chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp về kinh tế.

Năm ngoái, Fed đã hạ lãi suất ba lần, gần nhất là tháng 12/2024. Tuy nhiên, các quan chức đến nay vẫn không cam kết thời gian cụ thể cho các đợt cắt giảm tiếp theo, do chính sách thương mại Mỹ biến động và khó đánh giá mức độ ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu mới lên người tiêu dùng, công ty nhập khẩu và các nước sản xuất.


Tháng Sáu 18, 2025

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất chuyển một số trụ sở dôi dư sau sắp xếp hành chính thành các thư viện mini kết hợp không gian phục vụ cộng đồng với trạm sạc, khu giải khát và nơi gửi xe thông minh.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 18/6, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển) cho rằng sau quá trình bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã, cả nước sẽ có nhiều trụ sở hành chính dôi dư. Ông đồng tình với quan điểm của Chính phủ trong việc tái sử dụng các cơ sở công cho các mục đích phục vụ cộng đồng như giáo dục, y tế, công viên, thiết chế văn hóa – thể thao và đặc biệt là thư viện.

Theo ông Cảnh, nhu cầu đọc sách của người dân vẫn hiện hữu, song nhiều người không có quỹ thời gian cố định cho việc này. Vì vậy, ông đề xuất chuyển một số trụ sở cũ thành thư viện mini, kết hợp không gian nghỉ ngơi, giải khát và trạm sạc phương tiện xanh, để người dân có thể tranh thủ đọc sách trong lúc chờ xe sạc điện.

Mang theo bảng minh họa cho mô hình thư viện mini tích hợp trong không gian đô thị, ông Cảnh cho rằng đây là thời điểm phù hợp để dành một phần trụ sở dôi dư xây dựng các không gian cộng đồng kiểu mới, tích hợp đa chức năng, vừa thân thiện với người dân, vừa hỗ trợ phát triển đô thị thông minh.

Đại biểu Cảnh cho rằng mô hình này có thể triển khai tại các trung tâm xã mới sau sáp nhập, vừa tiết kiệm đất công, vừa tạo không gian học tập, thư giãn, tiếp cận tri thức cho người dân. Mô hình có thể xã hội hóa theo hướng Nhà nước cho thuê đất với ưu đãi để phát triển các thư viện cộng đồng gắn với tiện ích đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất công, ưu tiên cho các hoạt động thiết yếu thay vì cho thuê làm dịch vụ đơn thuần.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển). Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) cho biết, đến hết tháng 12/2024, cả nước vẫn còn 62.700 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Ông đánh giá kết quả sắp xếp, xử lý nhà đất, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn rất hạn chế.

Trong thời gian tới, khi triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện, ông lo ngại số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sẽ còn tăng mạnh, gây thêm áp lực lên hệ thống quản lý.

Đại biểu Luận đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, phân loại, sắp xếp lại các cơ sở dôi dư; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, sửa đổi văn bản hướng dẫn và phân cấp mạnh hơn cho địa phương để xử lý hiệu quả.

Các tài sản thuộc bộ, ngành trung ương, tập đoàn, tổng công ty không còn nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả thấp, ông kiến nghị bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm tận dụng tối đa nguồn lực công, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều trụ sở dôi dư bị bỏ hoang, không bảo quản, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. “Những hình ảnh này gây bất bình trong xã hội, nhất là với những trụ sở bỏ không nằm ngay trung tâm các thành phố lớn”, bà nói.

Bà Ngọc nhấn mạnh từ 1/7/2025, chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động, đặt ra yêu cầu cao hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó việc quản lý tài sản công phải được thực hiện toàn diện, cụ thể.

Vì vậy, bà đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tiến hành tổng rà soát, số hóa toàn bộ tài sản công từ trung ương đến địa phương, đồng thời hoàn thiện thể chế pháp lý để hướng dẫn việc phân loại, chuyển đổi, đấu giá và xử lý tài sản dôi dư hiệu quả, minh bạch.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/7 tới, cả nước còn lại 34 tỉnh, thành phố (gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp xã theo mô hình mới cũng sẽ chính thức vận hành từ thời điểm này.

Trước đó ngày 15/6, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhu cầu sử dụng trụ sở làm việc phù hợp với mô hình mới; đồng thời hoàn tất rà soát, xử lý dứt điểm các trụ sở, nhà đất dôi dư trước ngày 20/6. Trường hợp không có phương án xử lý cụ thể sẽ bị xem xét truy trách nhiệm.

Với những trường hợp đã có thỏa thuận hoán đổi hoặc điều chuyển trụ sở làm việc để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, Bộ Tài chính cho biết có thể tạm bàn giao để sử dụng ngay, đồng thời hoàn tất thủ tục điều chuyển trong vòng 30 ngày kể từ ngày bàn giao. Các loại tài sản khác như ô tô, trang thiết bị… nếu không còn sử dụng cũng cần được báo cáo cụ thể với cơ quan quản lý.


Tháng Sáu 16, 2025

Sáng 16/6, các đại biểu sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 và Luật Nhà giáo.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là xã, phường, đặc khu ngay trong Hiến pháp.

Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng việc quy định quá cụ thể các loại đơn vị hành chính trong Hiến pháp có thể dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung quy định này tương đối thường xuyên bởi loại hình tổ chức đơn vị hành chính cụ thể dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có sự phát triển.

Do đó, Hiến pháp chỉ cần khẳng định rõ việc tổ chức đơn vị hành chính theo mô hình địa phương hai cấp còn tên từng loại đơn vị hành chính sẽ do luật định để đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Đây cũng là bài học thực tiễn được rút ra trong các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây.

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở hiến định để Quốc hội quy định đặc điểm của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, bảo đảm tính minh bạch, tránh tùy nghi trong việc thiết kế cấp chính quyền tại các địa phương.3

Các đại biểu tại hội trường Diên Hồng ngày 11/6. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ủy ban thấy rằng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thể không đồng nhất với một loại đơn vị hành chính lãnh thổ thông thường (tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu). Giữa các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng có sự khác nhau về quy mô, tính chất, cấp quản lý, chế độ, chính sách được áp dụng để phù hợp với các đặc điểm, mục tiêu và ưu tiên, định hướng.

Kinh nghiệm quốc tế và khu vực cũng cho thấy có nhiều mô hình các khu, trung tâm, khu vực được các quốc gia thành lập để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hoặc mục tiêu đặc biệt khác. Do đó, Hiến pháp không nên quy định nội dung này theo hướng đóng khung vào những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể khi chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và khi hội tụ đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể về nội dung này khi quyết định thành lập từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời hạn áp dụng và trình tự kiện toàn bộ máy sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để bảo đảm chặt chẽ; nên giao thẩm quyền chỉ định Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND cấp xã cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Ủy ban cho rằng do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính trong lần này nên cần có các cơ chế đặc biệt để phục vụ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính mới. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành 34 nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của 34 tỉnh, thành phố.

Do đó, cơ chế chỉ định này chỉ áp dụng để thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo nghị quyết nói trên trong năm 2025. Sau đó, cả nước sẽ quay lại thực hiện theo đúng các điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan và cấp có thẩm quyền đang tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát để bảo đảm công tác chuẩn bị và kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính được chặt chẽ, khách quan, công tâm, đúng quy định. Cán bộ được lựa chọn, xem xét để chỉ định phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của công tác cán bộ.

Đối với Luật Nhà giáo, một trong điểm quan trọng là quy định cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm nhà giáo dạy thêm trái quy định pháp luật, cấm dạy thêm học sinh mà nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật không cấm dạy thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm khắc phục tình trạng dạy thêm tràn lan. Yêu cầu nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy hiện đã quy định trong Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo; việc giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông cho cơ quan quản lý giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức nên việc tuyển dụng phải tuân thủ quy định pháp luật về viên chức. Dự thảo Luật chỉ quy định một số yêu cầu mang tính đặc thù trong tuyển dụng nhà giáo như nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, phương thức tuyển dụng phải có thực hành sư phạm…

Về thẩm quyền tuyển dụng, dự luật giao ngành giáo dục quyền chủ động trong tuyển dụng nhà giáo. Đối với thẩm quyền tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định chi tiết.

Sáng 16/6, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua các Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nhà giáo; Việc làm (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Sau đó, các đại biểu nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), thảo luận về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM.


Tháng Sáu 11, 2025

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp tỉnh thành không chỉ dựa yếu tố liền kề, mà tính đến hình thái lãnh thổ và lợi thế biển để thúc đẩy phát triển vùng, tạo động lực kinh tế.

Thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 ngày 11/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cuộc tái cấu trúc bộ máy nhà nước và đơn vị hành chính lần này mang tính toàn diện, đồng bộ, triệt để và đột phá. Chính phủ không chỉ tái cấu trúc không gian tổ chức lãnh thổ mà còn cả thể chế, văn hóa, kinh tế nhằm phát triển bền vững.

Bà cho biết việc sắp xếp được cân nhắc kỹ lưỡng, đa chiều từ diện tích tự nhiên, quy mô dân số đến yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tầm nhìn phát triển và tâm lý xã hội. “Việc sáp nhập không đơn thuần theo yếu tố liền kề mà dựa vào hình thái lãnh thổ, đặc biệt là hướng ra biển lớn để hình thành các trung tâm kinh tế lớn”, bà nói.

Mục tiêu của sắp xếp là khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng, nhất là giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời hình thành các cực tăng trưởng mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, Bộ Chính trị đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, hợp nhất thành 23 đơn vị hành chính mới; giữ nguyên 11 đơn vị đủ điều kiện. Sau sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Việc bỏ cấp huyện và tái cấu trúc hệ thống hành chính đang bước vào giai đoạn “nước rút”, triển khai với tinh thần thần tốc nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, bài bản, khoa học. “Điểm đáng quý nhất là sự đồng thuận rất cao từ hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Phong

Bà cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ 1/7, cả hệ thống chính trị quyết tâm vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, các địa phương cũng nỗ lực thực hiện. Sau khi làm việc với các địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thống nhất quyết tâm vận hành mô hình mới từ thời điểm này, công bố các nghị quyết, quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Với thời gian còn lại rất ngắn, Bộ trưởng kỳ vọng sự đồng thuận cao của Quốc hội sẽ giúp triển khai đồng bộ mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7.

Đề nghị giữ lại tối đa địa danh nổi tiếng khi sắp xếp bộ máy

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất bảo tồn tối đa địa danh có ý nghĩa lịch sử khi sắp xếp bộ máy, như Lam Sơn, Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Ba Đình, Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Nghĩa cho rằng các địa danh nổi tiếng là hồn cốt của dân tộc, gắn liền với chiều dài lịch sử. Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, những địa danh này đã góp phần hình thành nên nhân cách con người Việt Nam. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp đất nước giữ được bản sắc, không bị đồng hóa, dù từng trải qua nghìn năm đô hộ.

Ông nhấn mạnh các địa danh lịch sử cần được xử lý một cách khéo léo trong quá trình sắp xếp để tránh tình trạng biến mất khỏi bản đồ hành chính. “Nếu các địa danh nổi tiếng của đất nước không còn, thì việc dạy con em về truyền thống lịch sử sẽ như dạy ngoại ngữ”, ông Nghĩa ví von.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu sáng 11/6. Ảnh: Quang Phúc

Tại tổ Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cũng bày tỏ trăn trở về việc thay đổi tên gọi và địa danh hành chính khi sáp nhập cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện. Theo bà, sự thay đổi này sẽ tác động sâu rộng đến đời sống người dân và hoạt động giao dịch của doanh nghiệp.

Vì vậy, bà Thủy đề nghị Chính phủ sớm xây dựng các công cụ hỗ trợ cập nhật thông tin thay đổi địa danh hành chính, cũng như chuyển đổi dữ liệu liên quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bà dẫn chứng một số thương hiệu nông sản lâu đời như vải Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Khi bỏ cấp huyện, cần làm rõ các thương hiệu này sẽ thay đổi ra sao hay vẫn được duy trì, để kịp thời có giải pháp phù hợp.

“Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh, nếu từ 1/7 địa chỉ và địa danh thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến logistics. Vì thế, chúng ta cần có giải pháp kịp thời để tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài nước”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu sáng 11/6. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị “cân nhắc kỹ lưỡng”, xem xét giữ lại các thành phố thuộc tỉnh như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt… bởi đây là những đô thị có bề dày lịch sử hàng trăm năm, thậm chí 300-400 năm.

Theo ông, xu thế toàn cầu là tập trung hóa và phát triển các đô thị. Tại Việt Nam, từ sau năm 1975 đến nay, nhiều thành phố thuộc tỉnh đã được hình thành, tạo ra vị thế mới và mở ra cơ hội phát triển cho địa phương. Do đó, ông đề xuất Quốc hội khi sửa đổi Hiến pháp cần cân nhắc các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện và không gian phát triển cho các đô thị cấp tỉnh.

Theo Đề án của Chính phủ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (công bố giữa tháng 4), cấp huyện – vốn là cấp trung gian – sẽ được bãi bỏ. Mô hình hành chính tương đương cấp huyện gồm thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn… sẽ không còn được duy trì.

Hiện cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã và 2 thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Thủ Đức và Thủy Nguyên). Tất cả các đơn vị này hiện đều được xác định là đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Call Now Button