Những cơn cuồng mua sắm đã quay trở lại
Một yếu tố thúc đẩy mua hàng là sự phổ biến của dịch vụ mua trước trả sau, việc thiếu tiền mặt không còn là trở ngại mua sắm nữa.
Aria Liu, 17 tuổi, thường xuyên đăng video mua sắm lên kênh YouTube 300.000 người đăng ký của mình. Những đơn hàng quần áo và mỹ phẩm trị giá hàng nghìn USD được cô chia sẻ đến người xem bằng cách phát trực tiếp.
“Tôi mua sắm trực tuyến nhiều hơn rất nhiều. Tôi không biết tại sao, nhưng khi mua sắm trực tuyến tôi cảm thấy tiền bạc là một vấn đề”, cô nói với CNN.
Cô Liu không phải là người duy nhất. Việc chia sẻ “chiến tích mua sắm” đã thịnh hành trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, và thường được biết đến dưới cụm từ “shopping haul”. Nhưng các chuyên gia cho biết, sự kết hợp mạnh mẽ của truyền thông xã hội nơi các thuật toán liên tục đẩy sản phẩm đến trước mắt người dùng; các chương trình mua trước trả sau; và một vòng lặp liên tục của các đợt bán hàng đã khiến việc mua quần áo, mỹ phẩm cùng các mặt hàng khác trở nên phổ biến hơn.
chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc mặc dù nền kinh tế cho thấy dấu hiệu căng thẳng. Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng, chi tiêu bán lẻ trong tháng 7 tăng vọt vượt xa kỳ vọng của các nhà kinh tế, tăng 1% so với mức giảm 0,2% đã điều chỉnh của tháng 6.
Một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mua hàng có thể là sự phổ biến của các dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) như Klarna và Afterpay đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay cả việc thiếu tiền mặt cũng không còn là trở ngại đối với việc mua sắm nữa.
Bà Philippa Ward, Giáo sư tiếp thị tại Đại học Gloucestershire, cho biết: “Những người theo chủ nghĩa duy vật, với tính ngẫu hứng cao trong mua sắm có nhiều khả năng trở thành khách hàng của BNPL”. Bà nói thêm rằng, loại hình tài chính ngắn hạn này có khả năng khuếch đại xu hướng mua sắm bốc đồng.
Nhưng các nhà kinh tế và người ủng hộ người tiêu dùng đã nêu lên mối lo ngại về BNPL. Nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đầu năm nay cho thấy, những người có tài chính eo hẹp, chẳng hạn như điểm tín dụng dưới 620, có khả năng sử dụng BNPL nhiều lần trong năm cao gấp 3 lần so với những người khác ổn định hơn về mặt tài chính.
Các đợt mua sắm có thể mang lại lợi nhuận lớn cho những người có sức ảnh hưởng và nền tảng xã hội và có thể ảnh hưởng lớn đến hành vi của người tiêu dùng. Do đó các nền tảng đang bắt đầu biến việc mua sắm trực tuyến trở nên liền mạch hơn, biến giải trí thụ động thành một thói quen có khả năng tốn kém đây là mối lo ngại đối với những người không đủ khả năng chi trả.
Cô Katie Fang sở hữu lượng người theo dõi trung thành lên tới hơn 5 triệu người trên TikTok, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cho các video “hãy chuẩn bị cùng tôi” trong đó người xem theo dõi thói quen trang điểm của cô.
Ngoài TikTok, người hâm mộ của cô có thể mua các sản phẩm được sử dụng trong video của cô trên ShopMy, một nền tảng được thành lập vào năm 2020 và được những người sáng tạo nội dung sử dụng để quảng cáo sản phẩm. Những công cụ như vậy cũng giúp cho các cuộc mua sắm trở nên dễ thấy hơn bao giờ hết và ngược lại, tăng áp lực xã hội để những người khác tự tham gia.
Nhưng bản thân các nền tảng truyền thông xã hội cũng đang cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực bán lẻ, phát triển từ không gian nơi người dùng phát sinh mong muốn cho các mặt hàng thành nơi họ có thể mua các mặt hàng đó mà không cần rời khỏi trang web.
Chỉ riêng trong năm qua, người dùng đã xem hơn 30 tỉ giờ nội dung liên quan đến mua sắm trên YouTube, công ty này cho biết. Vào năm 2023, công ty đã tìm cách tận dụng vị thế của mình trong thế giới bán lẻ bằng cách ra mắt YouTube Shopping, cho phép người sáng tạo nội dung gắn thẻ sản phẩm từ các thương hiệu được giới thiệu trong video của họ và kiếm hoa hồng khi bán được.
Tương tự, TikTok cũng cho ra mắt nền tảng mua sắm riêng mang tên TikTok Shop vào năm 2023 và đã phát triển lên tới hơn 500.000 người bán tại Mỹ, bao gồm các thương hiệu lớn như L’Oreal và mỹ phẩm e.l.f.
Nhưng ngay cả với tư cách là người có sức ảnh hưởng, cô Fang cho biết không tránh khỏi sự ảnh hưởng của mạng xã hội.
“Tôi cảm thấy gần đây ngành công nghiệp làm đẹp bùng nổ trên TikTok. Có rất nhiều mặt hàng mới mà tôi dễ dàng bị ảnh hưởng”, cô nói. “Khi thấy một thứ gì đó trên TikTok đang thịnh hành, tôi cảm thấy “Ôi trời, tôi cần nó”.
TikTok báo cáo rằng họ chịu trách nhiệm cho 15% số lượt khám phá sản phẩm vào năm 2022, nhờ vào các hashtag như #TikTokMadeMeBuyIt.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 6 của WalletHub, cứ 3 người Mỹ thì có 2 người tin rằng mạng xã hội thúc đẩy việc chi tiêu quá mức. Và đề xuất được cá nhân hóa trực tiếp từ trang web của nhà bán lẻ cũng là công cụ hiệu quả để thúc đẩy người mua sắm thêm nhiều mặt hàng hơn vào giỏ hàng trực tuyến của họ.
Ông Matthias Lehner, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bán lẻ thuộc Đại học Lund ở Lund, Thụy Điển, cho biết: “Các công cụ mạnh mẽ nhất mà các nhà bán lẻ trực tuyến có so với các nhà bán lẻ ngoại tuyến là thuật toán, công cụ xử lý dữ liệu và thông tin về người dùng”.
Và khi ngày càng nhiều công ty tiếp tục đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, các thuật toán nhằm cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Nhưng xu hướng mua sắm đang phải đối mặt với một trào lưu trực tuyến khác: “Underconsumption core”, một phong trào phản kháng được tạo thành từ “những người không có sức ảnh hưởng” phản đối việc mua sản phẩm. Điều này đang nhanh chóng thu hút sự chú ý trên phương tiện truyền thông xã hội như một sự phản đối đối với văn hóa mua sắm dường như không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, theo bà Katrina Caspelich, Giám đốc tiếp thị tại Remake, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nhân quyền và công lý khí hậu trong ngành may mặc, việc giảm thiểu ảnh hưởng không chỉ đơn thuần là một hashtag hay một xu hướng nhất thời. Theo Báo cáo trách nhiệm giải trình về thời trang năm 2024 của Remake, ngành thời trang ước tính phải chịu trách nhiệm cho từ 2-4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, ngày càng có nhiều người lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tiêu thụ quá mức.
Hải Miên
Nguồn: nhipcaudautu