Tháng Một 14, 2025

Thị trường quay đầu giảm gần 28 USD một ounce trong phiên đầu tuần, do giá đôla Mỹ lên cao nhất 2 năm.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/1, giá vàng thế giới giao ngay giảm xuống 2.662 USD một ounce. Trong khi cuối tuần trước, giá còn chạm đỉnh một tháng.

Thị trường đảo chiều khi USD tăng vọt lên đỉnh 2 năm nhờ báo cáo việc làm sôi động của Mỹ tuần trước. Báo cáo này củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục thận trọng trong cắt giảm lãi suất năm nay.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Đồ thị: Kitco

“Báo cáo việc làm tốt hơn dự báo giúp đồng đôla và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Hệ quả là vàng đi xuống”, Bob Haberkorn – chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures nhận định.

Phiên 13/1, Dollar Index – đo sức mạnh của đôla Mỹ với 6 tiền tệ lớn – lên cao nhất kể từ tháng 11/2022. USD tăng giá khiến vàng đắt đỏ với người mua ngoài Mỹ. Hoạt động chốt lời sau khi giá tuần trước tăng cũng góp phần khiến kim loại quý bị bán tháo, Haberkorn cho biết thêm.

Tuần tới, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các chính sách bảo hộ thương mại của ông được dự báo thổi bùng lạm phát và có thể châm ngòi chiến tranh thương mại. Vàng có thể hưởng lợi trong kịch bản này, với vai trò công cụ trú ẩn.

Nhà đầu tư hiện chờ báo cáo lạm phát, số liệu thất nghiệp và doanh số bán lẻ Mỹ công bố tuần này. Các báo cáo này giúp họ có thêm manh mối về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo chính sách của Fed.

“Nếu lạm phát vẫn ở mức cao, khả năng Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm là rất thấp”, Fawad Razaqzada – nhà phân tích thị trường tại City Index nhận định. Hiện tại, thị trường dự báo Fed chỉ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) năm nay – thấp hơn so với kỳ vọng 40 điểm cơ bản tuần trước. Lãi suất cao sẽ khiến công cụ không trả lãi như vàng kém hấp dẫn.

Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng mất giá. Bạc giảm 2,6% về 29,6 USD một ounce. Bạch kim mất 1,4% về 950 USD và palladium hạ 0,5% còn 943,5 USD.

Theo VnExpress


Tháng Một 13, 2025

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu giảm xuống 434 USD một tấn, thấp nhất 4 năm, khiến giá lúa trong nước cũng đi xuống, gây khó cho doanh nghiệp, nông dân.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy từ cuối năm 2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ 624 USD một tấn xuống còn 434 USD – thấp nhất từ năm 2021. Với giá này, Việt Nam là quốc gia có giá gạo rẻ nhất trong top 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Giá gạo 5% của các quốc gia trên lần lượt là 479, 440 và 448 USD một tấn.

Giá gạo xuất khẩu lao dốc khiến giá lúa tháng 1 cũng giảm liên tục. Lúa thường tại ruộng có giá bình quân hơn 6.400 đồng một kg, giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 12/2024; lúa thường tại kho bình quân 7.400 đồng một kg, giảm hơn 400 đồng.

Ông Hoàng, nông dân trồng lúa ở Cần Thơ, cho biết lúa Đông Xuân tại khu vực này sau Tết mới thu hoạch, nhưng bà con lo lắng nếu giá tiếp tục giảm, vụ này gia đình ông có thể thua lỗ vì chi phí đầu vào tăng cao.

Theo ông Hoàng, giá lúa giảm sâu nên thương lái e ngại ký hợp đồng với nông dân. “Năm ngoái, thời điểm này thương lái liên tục đặt cọc giá cao, nay không thấy ai hỏi mua. Nhiều thương lái đã nghỉ Tết từ sớm”, ông Hoàng nói.

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi

Lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang cho biết doanh nghiệp đang hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đó. Còn các hợp đồng cho lúa gạo cuối quý I, II năm 2025 đang trì hoãn vì chưa thu mua gạo mới từ nông dân. Mặt khác, giá gạo biến động liên tục nên doanh nghiệp lo lỗ nếu mua lúa với giá cao.

“Chúng tôi đang quan sát tình hình thị trường và nhu cầu thực tế để thu mua lúa với giá hợp lý,” ông này chia sẻ.

Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm sâu đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu, giúp tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên họ chưa vội mua lúc này và đang chờ giá xuống.

Ngoài ra, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, có thông tin Philippines đang đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhiều hơn. Các khách hàng tư nhân từ Philippines thường mua gạo của Việt Nam với số lượng hạn chế vì cân đối tài chính, quay vòng vốn hay trả nợ ngân hàng khiến thị trường lắng xuống.

Sắp tới, khi vụ Đông Xuân 2024-2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Theo các doanh nghiệp, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cũng như thế giới có khả năng còn giảm sâu trong năm 2025, bởi áp lực gạo giá rẻ từ Ấn Độ. Gạo cấp thấp giảm mạnh có thể kéo phân khúc chất lượng cao, gạo thơm giảm theo, nhất là khi nguồn cung này được tăng cường.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung lúa gạo toàn cầu trong năm nay sẽ tăng đáng kể, với sản lượng dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 530 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.

Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi Basmati, dự kiến xuất khẩu 21-22 triệu tấn gạo trong năm 2025, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.

Ngoài Ấn Độ, các quốc gia như Ai Cập, Guyana, Nhật Bản và Venezuela cũng đóng góp vào sự gia tăng sản lượng, trong khi Philippines là ngoại lệ với dự báo sản lượng giảm. Để duy trì và mở rộng thị phần, các nước xuất khẩu cần linh hoạt trong chiến lược tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới.

Theo VnExpress


Tháng Một 10, 2025

Ngoài lý do quân sự hấp dẫn ông Trump, Greenland ngày càng có giá trị về kinh tế nhờ giàu khoáng sản, thuận lợi hàng hải, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump từng tuyên bố Mỹ nên mua đảo Greenland. Thông điệp này được Tổng thống đắc cử lặp lại những ngày gần đây, cùng với ý tưởng dùng sức mạnh kinh tế để sáp nhập Canada, lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.

Là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch từ 1814, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người. Đảo có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, gấp hơn 3 lần bang Texas.

Greenland chịu kiểm soát phần nào từ Copenhagen về chính sách đối ngoại. Hòn đảo này có vị trí chiến lược tại Bắc Cực, nằm ở phía đông Canada và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Nơi đây đặc biệt quan trọng trong đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga, theo Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.

“Mỹ muốn đảm bảo rằng không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland, vì nó có thể trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ”, Pram Gad nói với CNN.

Băng trôi trên vịnh Disko, Ilulissat, phía tây Greenland, tháng 6/2022. Ảnh: AFP

Ngoài lý do quân sự, Greenland ngày càng có giá về mặt kinh tế, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway thuộc Đại học London cho rằng điều có thể hấp dẫn ông Trump hơn nữa là các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland.

Ngoài dầu và khí đốt, cuộc khảo sát năm 2023 cho biết 25 trong số 34 loại khoáng sản được Ủy ban châu Âu coi là “nguyên liệu thô quan trọng” được tìm thấy ở đảo này. Chúng gồm lượng lớn vật liệu được sử dụng trong pin, xe điện và turbin gió như than chì, lithium, đất hiếm. Các loại vật liệu này sử dụng trong ngành xe điện, năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị quân sự.

Hiện Trung Quốc thống trị sản xuất đất hiếm toàn cầu và đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Trump và các cố vấn của ông ấy rất lo ngại về sự kìm kẹp mà Trung Quốc dường như đang có”, Dodds nói.

Do Trái Đất ấm lên, các tảng băng và sông băng rộng lớn của Greenland đang nhanh chóng tan chảy, có thể cho phép khoan dầu và khai thác khoáng sản như đồng, lithium, niken và coban. Ước tính 11.000 dặm vuông (28.500 km2) các tảng băng và sông băng của đảo này đã biến mất trong ba thập kỷ qua, tức gần bằng diện tích bang Massachusetts của Mỹ.

Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch công bố một báo cáo nêu chi tiết về tiềm năng khoáng sản của Greenland. Họ kết luận hòn đảo Bắc Cực này có “điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các mỏ quặng, gồm nhiều khoáng sản thô quan trọng”.

Chưa nói đến việc băng tan giúp hoạt động khai thác dễ dàng hơn, Phillip Steinberg, Giáo sư địa lý tại Đại học Durham (Anh) cho rằng biến đổi khí hậu khiến tài nguyên của hòn đảo “cần thiết hơn”.

Vị trí của đảo Greenland. Đồ họa: BBC

Giá trị kinh tế nữa của Greenland là hàng hải. Tuyến đường vận tải biển Northwest Passage chạy dọc bờ biển và bản thân hòn đảo là một phần của khu vực chiến lược hàng hải Greenland-Iceland-Anh.

Đáng chú ý, băng càng tan giúp các tuyến càng ngắn và hiệu quả. Thời gian di chuyển của tàu thuyền ở Bắc bán cầu cũng có thể kéo dài thêm trong mùa hè. Ví dụ, việc di chuyển qua Biển Bắc Cực từ Tây Âu đến Đông Á ngắn hơn khoảng 40% so với đi qua Kênh đào Suez. Theo Hội đồng Bắc Cực, vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực tăng 37% trong thập kỷ đến năm 2024, một phần là do băng tan.

Giáo sư Dodds đánh giá thực tế điều kiện dọc theo các tuyến đường quanh hòn đảo vẫn nguy hiểm, nhưng theo bản năng ông Trump nhận ra được các cơ hội giao thông khi băng tan. Tháng 11/2024, Trung Quốc thể hiện quan tâm đáng kể đến một tuyến đường mới qua Bắc Cực và quyết định hợp tác với Nga để phát triển các tuyến hàng hải khu vực này.

Robert C. O’Brien, một trong những cố vấn an ninh quốc gia trước đây của ông Trump nói rằng Tổng thống đắc cử nhiều lần gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”, nhưng hậu quả của nó lại là một trong những lý do khiến ông muốn biến Greenland thành lãnh thổ thuộc Mỹ.

“Greenland là một xa lộ từ Bắc Cực đến tận Bắc Mỹ và Mỹ. Về mặt chiến lược, Bắc Cực rất quan trọng, nơi sẽ trở thành chiến trường quan trọng trong tương lai vì khi khí hậu ấm lên, khu vực này trở thành con đường giúp cắt giảm sử dụng Kênh đào Panama”, Robert C. O’Brien nói với Fox News.

Cho đến nay, các tài nguyên của Greenland đa phần vẫn “ngủ yên”. Hòn đảo cấm khai thác dầu và khí đốt vì lý do môi trường. Ngành khai thác mỏ bị cản trở bởi thủ tục hành chính rườm rà và sự phản đối của người dân bản địa. Điều này khiến kinh tế nơi đây phụ thuộc vào đánh bắt cá – chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu.

Greenland đang tìm cách thúc đẩy độc lập bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi ngành khai thác hải sản. Họ mở một sân bay mới ở thủ phủ Nuuk vào tháng 11 năm ngoái như một phần của kế hoạch phát triển du lịch. Nhưng họ vẫn phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng năm chưa đến một tỷ USD từ Đan Mạch.

Theo giáo sư Dodds, tình huống này đặt ra một câu hỏi thú vị. “Greenland sẽ làm gì nếu Trump đề nghị trợ cấp một tỷ USD mỗi năm để có một liên kết khác với Mỹ?”.

Một số chính trị gia Greenland đưa ra ý tưởng về một liên kết đặc biệt, tương tự thỏa thuận Mỹ với Quần đảo Marshall. Về cơ bản, đó là kiểu Greenland có chủ quyền nhưng cũng được Mỹ hỗ trợ tài chính, để đổi lấy các thỏa thuận về một số lợi ích chiến lược cho Washington.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Greenland Kleist-Johannesen bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thành công của liên kết này. “Tôi không nghĩ rằng điều này có bất kỳ lợi ích nào”, ông nói.

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ theo đuổi thương vụ mua lại Greenland đến mức nào khi nhậm chức. “Không ai biết liệu đó chỉ là sự khoe khoang, lời đe dọa để có được thứ gì khác hay điều ông ấy muốn làm”, Pram Gad nói.


Tháng Một 9, 2025

Chuyên gia cho rằng hàng Việt ít khả năng bị Mỹ áp thuế riêng nhưng nguy cơ tăng điều tra phòng vệ thương mại, đi cùng bài toán thâm hụt.

Năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hàng hóa đạt 119,6 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Thống kê. Các mặt hàng chủ lực sang đây gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học.

Kim ngạch sang nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu năm qua, ở mức 405,53 tỷ USD. Đến nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này.

Sang 2025, thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam khó đoán hơn, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức vào 20/1. Ông từng dọa tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico, Canada, phổ quát toàn cầu 10-20% và quan tâm nhiều đến việc Mỹ thâm hụt thương mại lớn với các đối tác.

Cho đến nay, một số chuyên gia duy trì lạc quan rằng Việt Nam ít có khả năng phải chịu một quyết định áp thuế riêng nhưng phải cảnh giác về thâm hụt với Mỹ.

“Ít có khả năng ông Trump áp thuế trực tiếp lên hàng Việt Nam, nhưng thâm hụt thương mại nhiều chỉ sau Trung Quốc và Mexico là điểm cần thận trọng”, ông Kyle Freeman, Trưởng bộ phận tư vấn kinh doanh quốc tế công ty Dezan Shira & Associates dự báo tại hội thảo “Chính sách mới của Mỹ: Những tác động đến thương mại và đầu tư” diễn ra tại TP HCM sáng 8/1.

Dự báo các kịch bản thuế quan. Trong đó, khả năng xảy ra và tác động xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ của Dezan Shira & Associates; dự báo tăng trưởng xuất khẩu chung 2025 của VnDirect. Đồ họa: Viễn Thông

Đề ra 4 kịch bản chính sách thuế của ông Trump, ông Kyle Freeman cho rằng khả năng dễ xảy ra nhất là thuế lên hàng Trung Quốc, Mexico và Canada tăng. “Chúng ta vẫn có cơ hội hơn nữa để xuất khẩu thêm vào Mỹ”, ông bình luận.

Còn theo 3 kịch bản của công ty chứng khoán VnDirect, xuất khẩu Việt Nam 2025 vẫn tăng được khoảng 8% nếu Mỹ tăng 60% thuế hàng Trung Quốc và phổ quát 10-20%. Tăng trưởng có thể cao hơn mức này nếu chỉ áp thuế 60% hàng Trung Quốc. Ngược lại sẽ thấp hơn 8% khi có thêm điều kiện thuế phổ quát và hàng Việt Nam bị áp thêm thuế riêng.

Trong phân tích phát hành tháng trước, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VnDirect cho rằng Việt Nam có thể tránh được chính sách thuế quan hà khắc. Tuy nhiên, nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại có thể tăng do thặng dư thương mại tương đối cao. Trong 11 tháng đầu 2024, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 95,4 tỷ USD, tăng 26,7%.

Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, ông Trump có thể thực hiện hoặc giảm mức độ các cam kết trong cương lĩnh tranh cử sau khi nhậm chức. Nhưng quan điểm chung của ông vẫn sẽ nhất quán, tức thúc đẩy đàm phán song phương và xây dựng đồng minh.

Trong bối cảnh khó lường, liệu hàng Việt có duy trì lợi thế hay bị áp thuế cao hơn vẫn cần cảnh giác. “Thâm hụt thương mại đang là rất cao và làm sao giải quyết vấn đề này là điều Việt Nam cần quan tâm”, ông nói.

Vẫn có một số giải pháp để hạn chế rủi ro cho hàng Việt sang Mỹ năm nay, theo các chuyên gia. “Bán hàng qua Mỹ là việc vẫn làm nhưng cần có thêm chính sách kết hợp, để vừa bán hàng vừa tăng hợp tác đầu tư vào Mỹ, điều mà họ rất quan tâm”, TS Huỳnh Thế Du khuyến nghị.

Đồng thời, trong nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần cẩn thận để tránh trở thành một điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ.

Ở điều hành vĩ mô, ông Du chỉ ra 3 áp lực khác mà giới chức cần quan tâm gồm: tỷ giá; thuộc “danh sách theo dõi” về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ và chưa được nước này công nhận là nền kinh tế thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) Bob Bauer khuyên Việt Nam cần tăng minh bạch về nguyên liệu. “Việt Nam cần khẳng định giá trị xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm của mình nhiều hơn nữa”, ông nói. Theo chuyên gia này, doanh nghiệp nên tập trung vào những việc trong tầm kiểm soát của mình như chất lượng, an toàn thực phẩm, chi phí sản xuất và vận chuyển để duy trì tính cạnh tranh.

Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Không chỉ có thách thức, Việt Nam cũng có cơ hội giao thương mới, nhờ các chính sách điều hành khác của ông Trump. Trong diễn đàn tháng trước, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia chỉ ra kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp và tăng đầu tư hạ tầng, năng lượng, quân sự của ông Trump có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng tại Mỹ, làm tăng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, ý định nới lỏng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) cũng mở thêm lựa chọn nhập khẩu LNG của Việt Nam. Hay như việc giảm các quy định về xanh hóa cũng thuận lợi cho doanh nghiệp Việt có lộ trình đủ kịp để đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

Ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng kinh doanh Mỹ – Việt Nam cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động của chính sách thương mại mới của chính quyền mới của Mỹ. Đến nay, không ai biết chính xác chính sách đó nói chung và thuế quan mới sẽ thế nào.

“Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên chuẩn bị và lên kế hoạch cho nhiều phương án khác nhau để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Mỹ”, ông nói.

Theo VnExpress


Tháng Một 6, 2025

Ban chỉ đạo Chính phủ yêu cầu bộ ngành, địa phương giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản tổng kết thực hiện Nghị quyết 18, trong đó nêu rõ mục tiêu giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Văn bản này quy định các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc giảm biên chế cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức. Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế, gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm quyết định danh sách những người phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Định kỳ hàng tuần, các cơ quan phải báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng lên Bộ Nội vụ để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Công chức thực hiện thủ tục hành chính cho người dân tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc sắp xếp. Mỗi người cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện chủ trương của Đảng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ và nhân dân.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Nghị định 178, người nghỉ hưu trước tuổi nếu có đủ 10 năm làm việc (hoặc 5 năm đối với vùng đặc biệt khó khăn) và đủ thời gian đóng BHXH sẽ được hưởng ba chế độ. Thứ nhất là trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm. Nếu nghỉ trong vòng 12 tháng, trợ cấp bằng một tháng lương hiện hưởng cho mỗi tháng nghỉ sớm. Với thời gian nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi, mức trợ cấp giảm xuống 0,5 lần mức trợ cấp ban đầu.

Thứ hai, người nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương. Trợ cấp bằng 5 tháng lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm, nếu nghỉ từ 2 năm đến dưới 5 năm. Với người nghỉ sớm từ 5 năm đến 10 năm, mức trợ cấp giảm xuống 4 tháng lương cho mỗi năm nghỉ sớm.

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi thuộc diện xét khen thưởng quá trình cống hiến nhưng chưa hoàn thành nhiệm kỳ hoặc thời gian giữ chức vụ, sẽ được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng để xét khen thưởng. Những trường hợp không thuộc diện này sẽ được xem xét các hình thức khen thưởng khác dựa trên thành tích.

Nghị định cũng bổ sung cơ chế hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động nghỉ việc, khuyến khích đi công tác tại cơ sở, nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hiệu quả và đồng bộ.

Theo VnExpress


Tháng Một 5, 2025

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, vé phổ thông chặng TP HCM – Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.

Dữ liệu khảo sát giá vé của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy ngày 22/1 (tức ngày 23 tháng chạp), chặng TP HCM – Vinh, TP HCM – Hải Phòng, TP HCM – Thanh Hóa hay chặng bay trục chính như TP HCM – Hà Nội, giá vé hạng phổ thông cơ bản đang được các hãng niêm yết 2,9 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí. Ngày 25/1 (ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ), nhiều chặng bay như TP HCM – Đà Nẵng, TP HCM – Huế, TP HCM – Nha Trang, TP HCM – Thanh Hóa, TP HCM – Vinh đều đã hết vé.

Giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ (từ 21 tới 28/1), tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP HCM đến các tỉnh thành tăng nhanh và gần lấp đầy. Trong đó tỷ lệ đặt chỗ trên một số đường bay đã đạt 90 đến 100% như Hà Nội đi Buôn Mê Thuột, TP HCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Quảng Bình.

Nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc tăng cao dẫn đến các hãng hàng không phải thực hiện nhiều chuyến bay rỗng từ miền Bắc và miền Trung quay đầu về TP HCM. Vì thế giá vé ở chiều ngược lại từ Buôn Mê Thuột, Huế, Thanh Hóa, Pleiku, Đồng Hới, Chu Lai… đi TP HCM đang khá thấp. Ngày 22/1, 25/1, 27/1, cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều niêm yết mức giá chỉ từ 90.000 đồng.

Với chặng bay từ Hải Phòng, Vinh, Hà Nội đi TP HCM, Vietjet Air tung ra giá vé khuyến mãi từ 0 đồng. Bamboo Airways và Vietravel Airlines cung ứng giá vé hấp dẫn, từ 25.000 đồng trên các chặng từ Đà Nẵng, Hà Nội đi TP HCM.

Máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Khác với chặng bay đi/đến TP HCM, ở giai đoạn trước Tết, trên chặng bay du lịch như Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Phú Quốc, giá vé chiều đi và về không có sự chênh lệch đáng kể, dao động gần một đến 3 triệu đồng tùy chặng.

Ngày 25/1, trên một số chặng bay như Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Phú Quốc… đã hết vé hạng phổ thông của một số hãng. Ngày 2/2, kết thúc kỳ nghỉ lễ, tình trạng hết vé được ghi nhận tại nhiều chặng từ Buôn Mê Thuột, Huế, Nha Trang, Thanh Hóa, Pleiku, Đồng Hới, Vinh, Chu Lai… đi TP HCM. Cũng trong ngày này, trên các chặng bay từ các điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc… về Hà Nội một số hãng đã hết vé.

Để chuẩn bị cho cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các hãng hàng không trong nước đã lên kế hoạch bổ sung tàu bay trên đường bay nội địa và quốc tế. Vietjet Air dự kiến bổ sung 6 máy bay, Vietnam Airlines thêm 5. Bamboo Airways cũng bổ sung một chiếc Airbus A320. Dịp này, các hãng sẽ cung ứng hơn 6,9 triệu ghế trên các đường bay quốc tế và nội địa, bình quân 227.000 ghế mỗi ngày, tăng 4% so với Tết 2024.

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Tuy Hòa triển khai phương án khai thác 24/24h, đảm bảo đáp ứng nhu cầu bay đêm của hãng hàng không.

Cục cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng phương tiện, tăng tần suất xe buýt để phục vụ hành khách, đặc biệt là khách trên các chuyến bay đêm đi, đến cảng.


Tháng Một 2, 2025
233a0127-1735707475-1735707512-4669-1143-1735787727.jpg

Khách đi metro ngày 1/1 hơn 275.000 lượt, gấp 6 lần so với kế hoạch, nâng tổng số lượt người sử dụng tàu điện lên gần 1,4 triệu trong 11 ngày đầu khai thác.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 – đơn vị vận hành), khách đi metro ngày đầu năm cao nhất từ khi tuyến tàu điện hoạt động hôm 22/12 do nhu cầu dịp Tết Dương lịch tăng cao.

Hàng dài người chờ lên tàu tại ga trên cao Bình Thái, ngày 1/1. Ảnh: Quỳnh Trần

Tổng lượt khách như trên vượt gấp 6 lần so với kế hoạch trong ngày 1/1 (khoảng 41.661 lượt). Hôm qua metro tăng cường số lượt tàu với 247 chuyến, cao hơn 47 chuyến so với ngày thường. Khách tăng cao nên từ 10h48 phút đến 22h, tần suất giãn cách mỗi chuyến được điều chỉnh xuống còn 8 phút thay vì 10-12 phút.

HURC1 cũng cho biết tổng lượt khách trong 11 ngày đầu tuyến tàu điện khai thác đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 332% so với kế hoạch. Từ ngày đầu khai thác đến nay, tàu điện chạy 2.229 chuyến, bình quân mỗi ngày 200 chuyến. Hai hôm cao điểm 31/12 và 1/1 khách tăng cao đón Tết Dương lịch nên số chuyến được tăng cường thêm.

Metro Bến Thành – Suối Tiên miễn vé đến ngày 20/1 nên thời gian qua phần lớn khách đi trải nghiệm. Sau thời điểm này, khách có thể chọn các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng. Khách có thể lựa chọn nhiều phương thức như quét mã QR ứng dụng HCMC Metro HURC, thẻ mastercard, ngân hàng hoặc căn cước công dân gắn chip…

Metro Bến Thành – Suối Tiên tổng chiều dài gần 20 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông. Trên tuyến có ba ga ngầm nằm ở quận 1 và 11 ga trên cao, phần lớn dọc theo đại lộ Võ Nguyên Giáp – xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hoàn thành sau 12 năm xây dựng.

Lộ trình Metro số 1 qua 14 nhà ga. Đồ họa: Khánh Hoàng

Theo VnExpress


Tháng Một 2, 2025

Một số mặt hàng, dịch vụ tiếp tục được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến ngày 30/6, theo Nghị định 180 do Chính phủ vừa ban hành.

Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT được áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%. Các lĩnh vực không được giảm gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Cơ sở kinh doanh tính VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế 8% với hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh (gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ trong diện được giảm.

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi, TP HCM ngày 29/11/2024 Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Bộ Tài chính, việc kéo dài thời gian giảm VAT tới hết tháng 6 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 4.175 tỷ đồng một tháng). Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến 2.500 tỷ mỗi tháng và khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ.

Tuy nhiên, giảm 2% thuế VAT sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, từ đó kích cầu, tăng tiêu dùng, theo các chuyên gia. Bộ Tài chính cũng cho rằng việc này sẽ giúp sản xuất – kinh doanh sớm phục hồi, từ đó, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, nền kinh tế.

Chính sách giảm thuế VAT được thực hiện từ 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi. Ba năm qua, giá trị khoản hỗ trợ từ chính sách này lên tới 123.800 tỷ đồng.


Tháng Một 1, 2025

TP Thủ Đức chi tiền bồi thường cho 50 hộ đầu tiên bị ảnh hưởng bởi hai đoạn Vành đai 2 với tổng số tiền khoảng 200 tỷ đồng, ngày 31/12.

Đây là đợt đầu Thủ Đức chi trả cho các hộ sau khi duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm hai đoạn Vành đai 2 qua địa bàn. Hai dự án tổng chiều dài hơn 6 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng. Tổng mức đầu tư hai đoạn này hơn 13.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ.

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết trong ngày có khoảng 50 hộ đã nhận đền bù qua tài khoản. Sau đợt này, từ nay tới trước Tết Âm lịch địa phương tiếp tục chi trả với số tiền 2.500-3.000 tỷ đồng. Các trường hợp nhận đền bù ở giai đoạn này phần lớn thuộc diện đất nông nghiệp và người dân có đất ở đã đồng thuận phương án bồi thường. Sau Tết, các hộ còn lại tiếp tục được TP Thủ Đức chi đền bù, mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng vào quý 2/2025 để giao đơn vị thi công.

Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù làm hai dự án Vành đai 2 ở TP Thủ Đức, chiều 31/12. Ảnh: Gia Minh

“Quá trình bồi thường cũng có một số khó khăn như có hộ đang vướng phân chia tài sản, đất có tranh chấp. Một số trường hợp cũng còn thắc mắc về diện tích, đơn giá, tuy nhiên số lượng này không nhiều nên địa phương đang cố gắng đẩy nhanh”, ông Dũng nói.

Đến Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức làm thủ tục nhận đền bù, bà Võ Hồng Xuân, 40 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, cho biết tổng số tiền được bồi thường cho hơn 740 m2 đất nông nghiệp gia đình được nhận 5 tỷ đồng. Mức giá này, theo bà là còn thấp nhưng đồng thuận để dự án vành đai sớm triển khai sau nhiều năm quy hoạch. Người phụ nữ dự định dùng số tiền này mua một mảnh đất khác để ổn định cuộc sống.

Tổng diện tích thu hồi đất làm hai dự án Vành đai 2 nêu trên hơn 61 ha với khoảng 1.166 trường hợp bị ảnh hưởng. Mức giá bồi thường, hỗ trợ cho các hộ được TP Thủ Đức đưa ra cao nhất khoảng 111,5 triệu đồng mỗi m2 đất ở, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Kế đến là đất ở có vị trí mặt tiền các tuyến Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Bi gần 102 triệu đồng mỗi m2…

Phối cảnh Vành đai 2 đoạn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng hoàn thành giai đoạn một. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải

Mức giá đền bù đất ở thấp nhất tại khu vực là hơn 26 triệu đồng mỗi m2, áp dụng cho đất trong các tuyến nhỏ như đường 22 (phường Phước Long B), đường 147 (phường Phước Long B và Tăng Nhơn Phú B). Với đất nông nghiệp, mức bồi thường cao nhất là hơn 9,4 triệu đồng mỗi m2 cho đất trồng cây lâu năm tại một số tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp…

Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết sau khi hai dự án vành đai 2 đoạn qua địa bàn được HĐND TP HCM duyệt chủ trương hồi tháng 7/2023, các thủ tục chuẩn bị cùng phương án bồi thường, tái định cư được địa phương thực hiện gấp rút để đẩy nhanh tiến độ. Số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án rất lớn, trong đó nhiều hộ giải toả, di dời vì mục tiêu chung của thành phố.

“Những hộ bàn giao mặt bằng sớm, TP Thủ Đức sẽ ưu tiên cho lựa chọn nền tái định cư ở khu nhà ở Đại Nhân, khu dân cư Đông Tăng Long theo nhu cầu, nguyện vọng”, ông Quyết nói.

Hướng tuyến các đoạn còn lại chưa khép kín thuộc Vành đai 2. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Vành đai 2 dài 64 km bao quanh TP HCM được quy hoạch cách đây 17 năm, đến nay mới hoàn thành 50 km. Ngoài hai dự án nêu trên, một đoạn khác cũng ở TP Thủ Đức, dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đoạn còn lại (đoạn 4) ở phía nam thành phố, dài 5,3 km nối quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.


Tháng Mười Hai 30, 2024

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các nhà khoa học thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, bứt phá vượt lên chính mình phấn đấu đứng đầu khu vực và top đầu thế giới.

Đề nghị được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong buổi gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12 tại Hà Nội.

Đề cao vai trò của đội ngũ tri thức, nhà khoa học trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ông khẳng định trí thức và nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong trong việc khai sáng dân trí, xây dựng lý luận cách mạng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12. Ảnh: Lưu Quý

Ông nhắc đến việc các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD. Một số lĩnh vực như ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vắc-xin và sinh phẩm, Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới

“Ứng dụng công nghệ mới đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su”, ông nói.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đánh giá việc thực hiện sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học “còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và đầu tư”.

Theo Tổng Bí thư, số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá. Chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát, chưa đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của thực tiễn của đời sống xã hội. Nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng; đội ngũ kế cận chưa thực sự được quan tâm vun đắp, bồi dưỡng; đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng.

Trước 200 đại biểu là các trí thức, nhà khoa học hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

“Trong đó, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới”, ông nói. Ngoài ra, ít nhất ba tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới.

Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc top đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực. Theo ông, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.

Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà khoa học, trí thức dự Hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị mới đây sẽ là động năng mới cho đội ngũ tri thức, nhà khoa học, đề nghị họ nghiên cứu, tập trung sớm triển khai. Tổng Bí thư cho biết trước tết sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 57 này.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đề nghị chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

“Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông nói.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng đề nghị cần quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại.

Nhắc đến việc có nhà khoa học phải cắm sổ đỏ gia đình để phục vụ đam mê, ông cho rằng “phải có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học, trí thức”, ngoài ra cũng “không thể để đề tài nghiên cứu trong ngăn tủ được”, mà cần chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó tăng nâng cao năng suất lao động.

Tại sự kiện, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, trí tuệ nhân tạo, đến từ các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu cũng trình bày nhiều vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, như các thủ tục, cơ chế khiến các nhà khoa học không có nhiều thời gian làm việc chuyên môn, họ cũng gặp khó về nguồn lực đầu tư, về việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ngoài ra, nhiều đề xuất mới cũng được đưa ra để phát triển ngành khoa học công nghệ Việt Nam.

TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu mô hình tổng công trình sư cho các dự án lớn, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều dự án như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân.

Theo ông Quân, tổng công trình sư sẽ là các nhà khoa học có uy tín, có trình độ và có khả năng tập hợp những người giỏi nhất. Khi đó, họ có thể nhận nhiệm vụ từ Nhà nước, tập hợp những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó để cùng làm, bao gồm cả những nhà khoa học trong nước và nước ngoài. “Từng bước, họ sẽ sáng tạo ra công nghệ của Việt Nam và sẽ làm được những dự án về công nghệ lớn. Như vậy nền khoa học công nghệ Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng của thế giới”, ông Quân nói.

Theo VnExpress


Call Now Button