Tháng Sáu 8, 2025

Các nhà băng đồng loạt cảnh báo hiện tượng giả mạo doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng để lừa đảo, khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác.

Nhiều ngân hàng như BIDV, MB, SHB … cảnh báo về thủ đoạn giả mạo trang web, fanpage, tài khoản mạng xã hội với tên miền, giao diện và logo giống hệt các thương hiệu kinh doanh vàng uy tín, khiến người dùng dễ nhầm lẫn với trang chính thức. Các đối tượng còn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, thay vì chỉ doanh nghiệp kinh doanh vàng như trước đây.

Cảnh báo này được các ngân hàng đưa ra trước thực tế hình thức lừa đảo mua bán vàng “nở rộ” thời gian qua, khi giá kim loại quý trong nước chênh cao so với thế giới, duy trì ở mức trên 10 triệu đồng một lượng và người dân khó mua khi có nhu cầu do nguồn cung hạn chế.

Theo các ngân hàng, thủ đoạn lừa phổ biến là sau khi tạo dựng lòng tin, kẻ gian tung tin giả về giá vàng hoặc bạc, quảng bá chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao, tặng thưởng hấp dẫn. Họ cũng mời gọi đầu tư online, cam kết lãi cao (theo ngày hoặc tuần). Đây là hình thức lừa đảo có dấu hiệu đa cấp hoặc chiếm đoạt tiền, theo các ngân hàng.

Khi nạn nhân “sập bẫy”, kẻ gian tiếp tục gửi tin nhắn, email giả danh để thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi. Thậm chí, họ còn mạo danh người thân, nhân viên công ty vàng, gọi điện hoặc liên hệ qua mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu thức “chim mồi” tung hình ảnh chốt lời cao để kích thích khách hàng, hoặc gửi giấy xác nhận “đã đặt hàng” có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin.

Trước đó, Công ty Vàng bạc đá quý TP HCM (SJC) cũng cho biết đã có một số đối tượng lập trang web, fanpage giả mạo thương hiệu này để lừa đảo, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý.

Vàng miếng tại trụ sở SJC ở quận 3 (TP HCM), tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước tình hình thị trường vàng biến động mạnh, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán.

Ngân hàng SHB khuyến nghị người dân chỉ nên giao dịch tại các điểm được cấp phép chính thức. BIDV đề nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên doanh nghiệp hay ngân hàng.

MB lưu ý khách hàng cần kiểm tra kỹ fanpage, trang web, đường dẫn rõ ràng, thông tin các địa điểm giao dịch được phép mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng trên địa bàn và toàn quốc. Nhà băng này cho rằng nên thực hiện mua bán trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép.

Đồng thời, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân – tài sản số quan trọng, không được tùy tiện cung cấp nếu chưa xác minh rõ ràng. “Mọi sự lơ là, chủ quan đều có thể tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng và chiếm đoạt tài sản”, đại diện SHB nêu.

Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải treo bảng hiệu nhận diện, niêm yết công khai giấy phép để người dân nhận diện là điểm mua bán hợp pháp.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải…


Tháng Sáu 4, 2025

Ông Phạm Thế Anh, chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Việt Nam cân nhắc đánh thuế bất động sản với nhà thứ hai, để hạn chế đầu cơ và găm giữ tài sản.

Tọa đàm đối thoại chính sách về tăng trưởng kinh tế ngày 3/6, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận Việt Nam đang đối mặt các đợt sốt giá bất động sản, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững giai đoạn tới.

Theo ông, các đợt lên giá địa ốc khiến giới đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì rót tiền vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Việc này còn làm tăng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, kéo giá dịch vụ như tiền thuê nhà, hàng hóa, dịch vụ… tăng theo và giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi bởi nhiều lợi ích mà sắc thuế này có thể đem lại”, ông Thế Anh đề xuất.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý đầu năm, lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng 16-32% so với quý trước, trong khi giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng đi lên. Tại cuộc họp tháng trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận thực trạng đáng lo ngại là tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Thị trường địa ốc cũng đang mất cân đối cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng việc đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ hạn chế đầu cơ và găm giữ bất động sản, vốn đang tạo ra các “đô thị ma” và tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp, đẩy giá nhà đất lên cao phi lý.

“Khi chi phí sở hữu căn nhà thứ hai tăng lên do thuế, những người găm giữ sẽ có xu hướng sử dụng hiệu quả hơn bằng cách cho thuê, đưa vào sản xuất kinh doanh, hoặc buộc phải bán bớt”, ông phân tích. Điều này, theo ông Thế Anh, sẽ làm tăng nguồn cung, góp phần hạ nhiệt giá nhà, giúp thị trường lành mạnh và tránh lãng phí tài nguyên.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, trình bày báo cáo tại tọa đàm, ngày 3/6. Ảnh: Phương Linh

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Việt Nam cần có đủ nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng lớn – yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Ở khía cạnh này, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, thuế bất động sản cũng là một trong những khoản thu bền vững mới để tái đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương như công viên, đường sá, bệnh viện, trường học. Hơn nữa, nguồn thu này cũng mở ra cơ hội để Việt Nam cắt giảm các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân – những sắc thuế đang làm giảm động lực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thực tế, đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra nhằm hạ giá nhà. Cách đây 8 năm, Chính phủ từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua. Có nhiều ý kiến phản biện, một trong số đó cho rằng thời điểm đánh thuế khi đó còn quá sớm.

Năm ngoái, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đưa ra đề xuất này trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng, chưa có tín hiệu giảm, nhất là phân khúc chung cư. Chuyên gia đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường gặp không ít thách thức. Giới chuyên môn cho rằng để sử dụng hiệu quả công cụ thuế, cơ quan quản lý cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản. Từ đó, việc xác định nhà thứ hai, ba… và giá trị của chúng mới công khai, minh bạch. Các mức thuế suất cũng cần nghiên cứu kỹ, tránh trùng lặp, thuế chồng thuế khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua.


Tháng Sáu 4, 2025

Vốn hóa Nvidia hiện cao hơn Microsoft khoảng 100 tỷ USD, giúp hãng chip Mỹ trở thành công ty giá trị nhất hành tinh.

Chốt phiên giao dịch 3/6, cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng 2,8%, kéo vốn hóa của công ty này lên 3.450 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu đại gia phần mềm Microsoft chỉ tăng 0,2%, khiến vốn hóa hiện tại là 3.440 tỷ USD.

Việc này giúp Nvidia một lần nữa trở thành công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới. Từ tháng 6/2024, Nvidia, Microsoft và Apple đã thay nhau giữ vị trí này. Lần gần nhất hãng chip Mỹ dẫn đầu là tháng 1 năm nay.

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 tại Đài Loan. Ảnh: Khương Nha

Một tháng qua, cổ phiếu hãng chip AI tăng gần 24%, bất chấp lo ngại về thuế nhập khẩu và các chính sách kiểm soát xuất khẩu sản phẩm công nghệ của chính phủ Mỹ. Tuần trước, Nvidia công bố doanh thu quý I (kết thúc vào tháng 4) đạt 44,06 tỷ USD – tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng với một công ty có quy mô lớn như hãng này.

Ngoài Nvidia, cổ phiếu các hãng chip khác cũng tăng trong phiên 3/6. Broadcom tăng 3%, Micron Technology thêm 4%. Quỹ đầu tư theo dõi cổ phiếu ngành chip VanEck Semiconductor ETF cũng ghi nhận cổ phiếu lên thêm 2%.

Nvidia tăng trưởng mạnh nhờ chip AI – sản phẩn được các công ty như OpenAI sử dụng để phát triển phần mềm ChatGPT. Microsoft, Meta, Google, Amazon, Oracle và xAI cũng là khách hàng lớn của hãng chip Mỹ. Họ hiện vẫn thống trị thị trường chip AI toàn cầu.

Nvidia thành lập năm 1993, ban đầu chuyên sản xuất chip cho game 3D. Sau này, hãng dần phát triển các phần mềm và chip AI tiên tiến. Bước ngoặt của Nvidia đến vào cuối năm 2022, khi OpenAI ra mắt ChatGPT, tạo ra cơn sốt trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu. OpenAI phát triển công nghệ AI tạo sinh dựa trên các chip đồ họa của Nvidia.

Tháng 11/2024, Nvidia được đưa vào Chỉ số Bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) – một trong ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ, thay thế đối thủ Intel.


Tháng Sáu 2, 2025

Nêu giải pháp tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 154 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên. Trong đó, với định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo thẩm quyền.

Giải pháp được đặt ra trong bối cảnh dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 4 đạt hơn 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Con số này tích cực hơn kết quả của cùng thời điểm năm ngoái (tăng 1,21%). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 cho các ngân hàng và dự kiến mức tăng toàn hệ thống khoảng 16%. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho nhà băng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng ra nền kinh tế.

Văn phòng giao dịch một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Tại Nghị quyết 154, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, các dự án, công trình trọng điểm khả thi.

Đồng thời, ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cắt giảm thủ tục cho vay nhằm đáp ứng vốn kịp thời cho các dự án, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, nhất là tăng trưởng xanh.

Chương trình tín dụng quy mô 100.000 tỷ đồng với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ được thúc đẩy. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng được khuyến khích nghiên cứu các gói tín dụng ưu đãi và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà.

Vào quý I, GDP ước tăng 6,93% so với cùng kỳ, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Chính phủ dự báo những tháng còn lại của năm đan xen thuận lợi và khó khăn nhưng thách thức nhiều hơn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh điều hành tín dụng, Nghị quyết 154 đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp như giải ngân 100% vốn đầu tư công; mở rộng và đa dạng hóa xuất khẩu; nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là ăn uống, lưu trú, du lịch để giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay tăng 10-12%.


Tháng Năm 30, 2025

Pierre Cardin Shoes và Oscar Việt Nam vừa thâu tóm hệ thống giày 40 năm tuổi Pierre Cardin Thailand sau 7 năm theo đuổi.

Emall Việt Nam – đơn vị sở hữu hệ thống 100 cửa hàng giày công sở cao cấp Pierre Cardin và Oscar tại Việt Nam – cho biết đã tiếp quản toàn bộ hệ thống giày Pierre Cardin Thái Lan, chuỗi bán lẻ có lịch sử 40 năm và hàng triệu khách hàng tại xứ sở Chùa Vàng.

Không tiết lộ giá trị thương vụ, song nói với VnExpress, ông Phạm Minh Thắng -CEO Emall Việt Nam, cho biết công ty đã mua lại quyền sở hữu hệ thống giày Pierre Cardin tại Thái Lan, bao gồm tài sản, thương hiệu, hệ thống phân phối, nhân sự…

Theo ông Thắng, sau 7 năm xuất khẩu giày mang thương hiệu Pierre Cardin sang Thái Lan, Pierre Cardin Shoes và Oscar Việt Nam đã tiếp quản toàn bộ hệ thống phân phối tại thị trường này. Đại diện Công ty Emall – đơn vị sở hữu Pierre Cardin Shoes tại Việt Nam – cho biết sản phẩm sản xuất trong nước đã sớm được phía Thái Lan đánh giá cao, đủ sức thay thế hàng nội địa và hàng nhập từ Trung Quốc.

“Thái Lan là thị trường bán lẻ hàng hiệu phát triển hàng đầu khu vực. Nếu trụ vững được tại đây, chúng tôi tin có thể vươn ra toàn bộ Đông Nam Á, kể cả những thị trường khó tính như Singapore”, đại diện doanh nghiệp nói. Thương vụ cũng được xem là bước đệm để nâng tầm năng lực cạnh tranh và quay về phục vụ thị trường nội địa tốt hơn.

Cửa hàng Pierre Cardin tại Thái Lan. Ảnh: Pierre Cardin

Việc chuyển giao được khởi động từ tháng 3 sau khi Pierre Cardin Paris đề nghị đối tác Việt Nam tiếp quản hệ thống Thái Lan. Trong hai tháng, Pierre Cardin Việt Nam đã đàm phán với công ty đại diện cũ, làm việc với các nhà bán lẻ lớn như Central, Robinson, The Mall Group và đạt thỏa thuận chuyển giao toàn bộ điểm bán.

Ngày 30/5, hệ thống giày Pierre Cardin Thái Lan chính thức vận hành dưới quyền điều hành của Pierre Cardin Shoes Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu thời trang quốc tế lớn tại Thái Lan do doanh nghiệp Việt trực tiếp điều hành.

Việc tiếp quản 28 cửa hàng giúp doanh thu của Pierre Cardin Shoes Việt Nam có thể tăng gấp đôi. Sau khi thuyết phục thành công các nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan, doanh nghiệp đã được mở thêm nhiều điểm bán mới từ tháng 7, trong đó có các vị trí chiến lược như Central World và Siam Paragon – những trung tâm thương mại biểu tượng của ngành du lịch Thái Lan. Doanh nghiệp đã cử đội ngũ nhân sự xuất sắc nhất sang thị trường này, xem đây là bước đi chiến lược để chinh phục một thị trường tiêu dùng lớn.

Emall là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Pierre Cardin Shoes tại Việt Nam, đồng thời là đối tác chiến lược được Pierre Cardin Paris ủy quyền sản xuất, phát triển thị trường khu vực. Trong hơn 10 năm hợp tác, Emall đã đưa giày Pierre Cardin “Made in Vietnam” vươn ra nhiều thị trường như Thái Lan, Pháp, Ấn Độ, Mexico và Brazil.

Pierre Cardin Shoes Việt Nam là thương hiệu giày công sở cao cấp được sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế, có mặt tại hơn 50 trung tâm thương mại lớn trong nước. Thương hiệu này đang từng bước mở rộng ra khu vực, khẳng định vị thế của sản phẩm Việt trên bản đồ thời trang quốc tế.


Tháng Năm 28, 2025

Đối diện doanh thu giảm 4,3% vào 2024, Chanel kiên trì chiến lược thâu tóm bất động sản và định mở thêm 48 cửa hàng mới năm nay.

Trung tuần tháng 5, Chanel công bố kết quả kinh doanh năm 2024 giảm 4,3% so với 2023, còn 17,9 tỷ euro. Diễn biến này trái ngược kết quả tăng trưởng lần lượt 17% và 16% vào 2022 và 2023. “Sau thời kỳ tăng trưởng theo cấp số nhân, chúng tôi đã chứng kiến các điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức vào năm 2024”, Tổng giám đốc điều hành Chanel Leena Nair nói với Le Monde.

Thuộc sở hữu của anh em tỷ phú Pháp Alain Wertheimer và Gerard Wertheimer, Chanel chứng kiến bước đi lùi lớn hơn so với các thương hiệu thời trang và đồ da của LVMH, với doanh số trung bình giảm 1% năm ngoái. Phong độ của họ cũng kém xa Hermès, thương hiệu tăng trưởng 15% năm 2024, doanh số 15,1 tỷ euro.

Là thương hiệu xa xỉ lớn thứ hai thế giới sau Louis Vuitton – doanh số ước tính gần 24 tỷ euro năm 2024 – Chanel bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại ở hai động lực chính của thị trường xa xỉ toàn cầu là Trung Quốc – nơi chi tiêu của người tiêu dùng đã chững lại kể từ đầu năm 2024 và Mỹ. Doanh số của Chanel giảm 7,1% ở châu Á – Thái Bình Dương và giảm 4,2% ở châu Mỹ, trong khi tăng 0,6% tại châu Âu.

Cửa hàng thời trang xa xỉ Chanel trên Đại lộ số 5 ở Thành phố New York, Mỹ ngày 23/5. Ảnh: Reuters

Thoạt nhìn, nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của Chanel kém sáng sủa là do chiến lược giá quá “hung hăng”, theo cách gọi của Le Monde. Giá túi xách của hãng tăng vọt vào năm 2022 và 2023, với lý do chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Sau khi giá túi tăng 7% hồi 2023 và 3% năm ngoái, Chanel tuyên bố sẽ còn tăng giá năm nay để theo kịp lạm phát. Đến nay, mẫu chiếc túi da cừu chần bông cổ điển 11.12 được bán giá 10.300 euro so với mức 4.800 euro hồi 2019.

Giám đốc tài chính Blondiaux nói thêm rằng giá vàng leo thang cũng có thể dẫn đến giá đồ trang sức của hãng tăng lên. Vì vậy, giá leo thang liên tục có khả năng khiến Chanel mất một phần doanh số bán đồ da, đặc biệt là đối với những khách hàng có sức mua thấp hơn so với nhóm khách hàng lâu năm.

Thực tế, sức mua giảm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Chanel. Biên lợi nhuận hoạt động năm ngoái là 24% so với 32,49% của 2023. Lợi nhuận hoạt động giảm 30%, xuống còn 4,3 tỷ euro vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, nhà mốt xa xỉ và nước hoa này cho rằng sự sụt giảm chủ yếu là do tăng cường đầu tư.”Năm ngoái là giai đoạn đầu tư kỷ lục khi chúng tôi ưu tiên mua bất động sản và nâng cao tay nghề”, Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux giải thích. Tổng cộng, các khoản đầu tư này tăng 43% so với năm 2023, đạt 1,7 tỷ euro.

Trong đó, Chanel dành khoảng 600 triệu USD để gom các mặt bằng đẹp, bên cạnh việc mua cổ phần của các nhà cung cấp và đối tác gia công. Hai thương vụ đáng chú ý năm ngoái là mua lại hai địa điểm.

Thương vụ lớn nhất năm ngoái được cho là tòa nhà tại số 42 Đại lộ Montaigne ở Paris với giá trị không được tiết lộ và chi 133 triệu USD mua tòa nhà 23 phố Cambon nằm gần Vườn Tuileries, Quảng trường Concorde, không xa Cung điện Elysee, nơi ở chính thức của tổng thống Pháp. Một đại diện của Chanel cho biết, thương vụ này diễn ra vào tháng 9, “là một phần của mức đầu tư kỷ lục được thực hiện trong năm, bao gồm cả bất động sản”.

Đến nay, mạng lưới của Chanel có 644 điểm bán, trong đó 284 cửa hàng thời trang. Giống như các thương hiệu xa xỉ khác, Chanel tập trung mua bất động sản để giành quyền kiểm soát các vị trí đắc địa cho các cửa hàng của họ và đảm bảo sự ổn định lâu dài. Theo các chuyên gia, sở hữu bất động sản cho phép họ tự bảo vệ mình khỏi giá thuê biến động và tránh chi phí trang bị cao. Ngoài ra, sở hữu bất động sản giúp duy trì hình ảnh thương hiệu và kiểm soát môi trường bán lẻ, điều rất quan trọng đối với trải nghiệm xa xỉ mà họ hướng tới.

Sang 2025, công ty tư vấn Bain & Company cho rằng thị trường hàng xa xỉ toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó, dự báo suy giảm từ 2% đến 5%. “Biến động kinh tế vĩ mô và địa chính trị chắc chắn là thách thức đối với doanh nghiệp và chúng tôi đã thấy những điều kiện này tác động đến doanh số bán hàng ở một số thị trường”, Tổng giám đốc điều hành Leena Nair nhận định.

Tuy nhiên, Chanel vẫn kiên định chiến lược bơm tiền đầu tư cho mặt bằng và sản xuất. Tổng giám đốc Leena Nair tuyên bố mở rộng đầu tư lên 1,8 tỷ USD, bất chấp thời điểm không chắc chắn. Trọng tâm vẫn là tiếp cận thêm các mặt bằng đẹp.

Theo đó, tập đoàn dự kiến khai trương 48 cửa hàng mới, với gần một nửa ở Mỹ và Trung Quốc, cũng như ở Mexico, Ấn Độ và Canada. Trong đó, 25 cửa hàng chuyên về mỹ phẩm và nước hoa, 7 cửa hàng trang sức và đồng hồ, cùng 6 cửa hàng thời trang. Riêng Trung Quốc, nơi đối thủ Kering đang tái cơ cấu mạng lưới cửa hàng Gucci, sẽ là điểm đến quan trọng trong chiến lược mở rộng này với 15 cửa hàng Chanel mới.

Đồng thời, 600 triệu euro sẽ được dành để mua cổ phần từ các nhà cung cấp và đối tác gia công nhằm đảm bảo sản xuất các bộ sưu tập. Dù có thuế quan tại Mỹ, tập đoàn loại trừ khả năng chuyển sản xuất ra khỏi Pháp, Italy và Thụy Sĩ, nơi họ sản xuất trang phục, nước hoa, trang sức và đồng hồ.

Dù không ngại tiếp tục bơm tiền đầu tư, Chanel cũng tiến hành đồng thời các biện pháp tiết kiệm để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận. Sau khi cắt giảm 70 vị trí hành chính tại chi nhánh Mỹ năm ngoái, Giám đốc tài chính Blondiaux cho biết nhân sự năm 2025 sẽ giữ nguyên. Hiện tập đoàn đang có 38.400 nhân viên.

Đây là những chuẩn bị cần thiết khi tình hình thương mại toàn cầu bất ổn và khó đoán. “Chúng tôi vẫn đang hoạt động trong bối cảnh hết sức không chắc chắn,” ông Philippe Blondiaux nói với Reuters.

Ông nhận thấy “những dấu hiệu tích cực về ổn định” tại Trung Quốc và Hong Kong, nhưng cho rằng vẫn còn “quá sớm để khẳng định” khu vực này đã vượt qua giai đoạn khó khăn, trong khi các cuộc đàm phán về thuế quan đang gây ra “rất nhiều bất ổn.”

Ngoài ra, Chanel sẽ phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm sẵn sàng tranh giành thị phần, điển hình là Dior. Hoạt động mạnh trong các thị trường nước hoa, mỹ phẩm và đồng hồ, Dior được cho là sắp công bố bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới thay thế Maria Grazia Chiuri. Hay như LVMH, sau khi đối mặt với mức sụt giảm doanh số ước tính từ 8% đến 10% trong năm 2024, xuống còn khoảng 14 tỷ euro theo các nhà phân tích tài chính, tập đoàn đang chuẩn bị lấy lại phong độ.


Tháng Năm 22, 2025

Ủy ban Văn hóa – Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu mở rộng việc miễn, hỗ trợ học phí với trẻ mầm non tư thục, học sinh THCS, THPT tại cơ sở tư thục.

Sáng 22/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Ngoài diện được miễn, giảm, hỗ trợ, không phải đóng học phí đã được pháp luật quy định, Nghị quyết bổ sung trẻ em mầm non dưới 5 tuổi và học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc bổ sung diện miễn, hỗ trợ học phí thể hiện sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục. Quy định này phù hợp với Hiến pháp, Luật Giáo dục và chủ trương của Bộ Chính trị.

Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa – Xã hội đồng tình với chính sách trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên qua lấy ý kiến, một số thành viên cơ quan thẩm tra cho rằng pháp luật chưa quy định miễn học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Chính sách này cũng chưa được quy định cho trẻ em mầm non trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn đủ trường công lập; học sinh THCS, THPT trong cơ sở giáo dục tư thục.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các diện thụ hưởng chính sách. Trong trường hợp mở rộng thêm, Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến kết luận để Quốc hội có căn cứ thể chế hóa, quyết định và tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó 21,5 triệu học sinh công lập, 1,7 triệu học sinh ngoài công lập. Số học sinh chia theo cấp học gồm 4,8 triệu trẻ mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.

Theo quy định, học phí học sinh mầm non từ 50.000 đến 540.000 đồng một tháng; học sinh phổ thông từ 50.000 đến 650.000 đồng mỗi tháng tùy bậc học, vùng thành thị hay nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. Mức học phí cụ thể của từng địa phương do HĐND quyết định và nằm trong khung Chính phủ quy định.

Đến nay, ngân sách nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, không thu học phí. Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học công lập; miễn học phí đối với học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn và một số diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế.

Tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9 theo các quy định hiện hành là 22.400 tỷ đồng. Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8.200 tỷ đồng.

Cuối tháng 2, Bộ Chính trị quyết định học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc được miễn học phí từ năm học 2025-2026. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng chính sách phổ cập giáo dục của Nhà nước hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường và có cơ hội học tập. Quá trình này thực hiện từng bước, bắt đầu từ tiểu học, sau đó mở rộng lên các cấp học cao hơn. Nhà nước không chỉ tạo điều kiện để trẻ em được đi học mà còn hướng tới hỗ trợ về tài chính, như miễn giảm học phí và cung cấp suất ăn miễn phí.


Tháng Năm 21, 2025

Sau vài phiên giảm, vàng quay lại mốc 3.300 USD một ounce, khi USD mất giá và nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư tăng cao.

Chốt phiên giao dịch 20/5, giá vàng thế giới giao ngay tăng 62 USD lên 3.290 USD một ounce. Sang phiên sáng 21/5, giá có thời điểm vượt 3.300 USD. Thị trường đi lên khi USD yếu đi và chứng khoán Mỹ mất điểm trong bối cảnh bất ổn kinh tế – chính trị tăng cao.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên 20/5. Đồ thị: Kitco

Dollar Index giảm 0,14% về 99,97 điểm. Đồng tiền này tiếp tục chịu sức ép khi cuối tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ một bậc xếp hạng của Mỹ từ mức cao nhất là Aaa xuống Aa1. Công ty này lo ngại khối nợ ngày càng tăng của chính phủ.

USD mất giá khiến vàng bớt đắt đỏ với người mua bằng các tiền tệ khác. “Mức độ bất ổn trên thị trường vẫn còn cao. Đáng chú ý nhất là việc Moody’s hạ xếp hạng Mỹ, khiến USD yếu đi và vàng được hỗ trợ”, David Meger – Giám đốc Giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng mất điểm phiên 20/5, khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc bỏ phiếu tại Washington về chính sách cắt giảm thuế trong nước mạnh tay của ông Trump. Vàng được coi là công cụ trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế – chính trị.

Ngày 20/5, Anh và Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt mới với Nga mà không đợi sự tham gia của Mỹ. Việc này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà chưa đưa ra một cam kết ngừng bắn tại Ukraine.

“Ngưỡng cản hiện tại của vàng là 3.350 USD. Chúng ta đang trong vùng giá mới là 3.150-3.350 USD một ounce”, Phillip Streible – chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures nhận xét.

Chiến sự Nga – Ukraine cũng tác động đến giá palladium và bạch kim, do Nga hiện là nước cung cấp hàng đầu thế giới về hai kim loại quý này. Khả năng nguồn cung giảm sút kéo giá bạch kim tăng 5% lên 1.048 USD một ounce – cao nhất kể từ tháng 10/2024. Palladium cũng tăng hơn 4% lên 1.015 USD. Bạc đắt thêm 2,1%, chốt phiên 20.5 tại 33 USD một ounce.


Tháng Năm 20, 2025

Lần đầu tiên sau 7 tháng, lãi suất cho vay tham chiếu tại Trung Quốc giảm, khi giới chức muốn xoa dịu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ngày 20/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố lãi suất cho vay tham chiếu (LPR) kỳ hạn 1 năm giảm 10 điểm cơ bản xuống 3%. LPR kỳ hạn 5 năm giảm tương tự, về 3,5%.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2024, các lãi suất này giảm xuống. Phần lớn các khoản vay hiện tại và mới tại Trung Quốc được tính toán dựa trên LPR một năm. Trong khi đó, LPR 5 năm tác động đến lãi vay mua nhà.

Nhân viên một ngân hàng Trung Quốc ở An Huy. Ảnh: Reuters

Trước đó, các nhà băng quốc doanh hàng đầu Trung Quốc cũng thông báo hạ lãi suất tiền gửi thêm 5-25 điểm cơ bản. Đó là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Bank of China. Lãi suất tiền gửi tại các nhà băng này hiện còn 0,05-0,95%. Các nhà băng nhỏ hơn được dự báo có động thái tương tự.

Thông tin hôm nay nằm trong nhóm biện pháp đã được Thống đốc PBOC Pan Gongsheng và các quan chức tài chính khác của Trung Quốc công bố hồi đầu tháng, trước khi cuộc đàm phán của Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Thụy Sĩ.

Sau khi hai nước công bố đạt thỏa thuận giảm mạnh thuế trong 90 ngày, hàng loạt ngân hàng đầu tư toàn cầu đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay. “Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng Bắc Kinh sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%, trừ phi họ tung ra gói kích thích khổng lồ. Hiện tại, họ chỉ chịu ít sức ép hơn về việc tung kích thích và cải tổ mà thôi”, Ting Lu – kinh tế trưởng tại Nomura nhận định.

Từ tháng 9 năm ngoái, giới chức Trung Quốc liên tiếp công bố các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa có hiệu quả đồng đều. Trong khi xuất khẩu vài tháng qua vẫn tăng mạnh, nhập khẩu lại giảm. Hoạt động sản xuất trong tháng 4 xuống thấp nhất 16 tháng. Giá nhà mới không thay đổi trong tháng 4. Số khoản vay mới của các ngân hàng tháng trước cũng thấp hơn dự báo.


Tháng Năm 18, 2025

Năm 2024, Sun Group báo lãi sau thuế gần 849 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương hơn 2,3 tỷ đồng mỗi ngày.

Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt hơn 848,9 tỷ đồng. Con số này cao gấp 2,6 lần năm 2023. Trung bình mỗi ngày, họ lãi hơn 2,3 tỷ đồng.

Dù tăng mạnh, lợi nhuận trên vẫn chưa bằng mức của năm 2022. Thời điểm đó, Sun Group báo lãi hơn 1.694,3 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, công ty có gần 2.234 tỷ đồng lãi lũy kế. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu cũng tăng 5% lên gần 13.275 tỷ đồng.

Sun Group cho biết điểm sáng trong sức khỏe tài chính của họ ở năm 2024 là tài sản dở dang dài hạn giảm, trong khi tài sản cố định hữu hình tăng lên. Điều này đồng nghĩa các dự án đầu tư lớn đã được công ty hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

“Việc đưa các tài sản mới vào phục vụ hoạt động kinh doanh mang lại giá trị tích cực cho công ty trong việc hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư chiến lược, góp phần củng cố nền tảng tài chính và hoạt động, đồng thời chứng minh khả năng triển khai dự án hiệu quả của Sun Group trong năm qua”, đại diện doanh nghiệp này nói thêm.

Sun Group đang ghi nhận hơn 29.980 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nhẹ 2%. Trong đó, nợ ngân hàng chiếm gần 9.356 tỷ đồng. Công ty cũng đang huy động 3.300 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Đây là số liệu đã được đính chính. Trước đó, doanh nghiệp này từng công bố thông tin lỗ hơn 1.128,4 tỷ đồng. Sun Group cũng trích ý kiến kiểm toán từ Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho rằng báo cáo tài chính hợp nhất đã phản ánh trung thực và hợp lý.

Doanh nghiệp này có 5 lô trái phiếu đang lưu hành toàn bộ. Các khoản vay này sẽ đáo hạn lần lượt từ 2027-2029. Lãi suất được đưa ra ở mức 8,75-10,59% một năm.

Sun Group thành lập năm 2007 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, vui chơi giải trí, đầu tư xây dựng, hàng không. Trong lĩnh vực bất động sản, họ phát triển đa dạng loại hình và phân khúc nhưng thế mạnh là các dự án nghỉ dưỡng, tâm linh. Các dự án lớn hiện có ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai).

Sun Group đang tìm kiếm cơ hội, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị, dân sinh ở nhiều tỉnh thành khác như Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Thuận … với quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu năm nay, Sun Group đề xuất triển khai 3 dự án lớn ở TP Thủ Đức là khu đô thị Trường Thọ, khu thể thao Rạch Chiếc và Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Nếu được chấp thuận, đây là những dự án đầu tiên của họ được triển khai tại TP HCM


Call Now Button