Tháng Năm 18, 2025

Năm 2024, Sun Group báo lãi sau thuế gần 849 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương hơn 2,3 tỷ đồng mỗi ngày.

Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt hơn 848,9 tỷ đồng. Con số này cao gấp 2,6 lần năm 2023. Trung bình mỗi ngày, họ lãi hơn 2,3 tỷ đồng.

Dù tăng mạnh, lợi nhuận trên vẫn chưa bằng mức của năm 2022. Thời điểm đó, Sun Group báo lãi hơn 1.694,3 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, công ty có gần 2.234 tỷ đồng lãi lũy kế. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu cũng tăng 5% lên gần 13.275 tỷ đồng.

Sun Group cho biết điểm sáng trong sức khỏe tài chính của họ ở năm 2024 là tài sản dở dang dài hạn giảm, trong khi tài sản cố định hữu hình tăng lên. Điều này đồng nghĩa các dự án đầu tư lớn đã được công ty hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

“Việc đưa các tài sản mới vào phục vụ hoạt động kinh doanh mang lại giá trị tích cực cho công ty trong việc hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư chiến lược, góp phần củng cố nền tảng tài chính và hoạt động, đồng thời chứng minh khả năng triển khai dự án hiệu quả của Sun Group trong năm qua”, đại diện doanh nghiệp này nói thêm.

Sun Group đang ghi nhận hơn 29.980 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nhẹ 2%. Trong đó, nợ ngân hàng chiếm gần 9.356 tỷ đồng. Công ty cũng đang huy động 3.300 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Đây là số liệu đã được đính chính. Trước đó, doanh nghiệp này từng công bố thông tin lỗ hơn 1.128,4 tỷ đồng. Sun Group cũng trích ý kiến kiểm toán từ Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho rằng báo cáo tài chính hợp nhất đã phản ánh trung thực và hợp lý.

Doanh nghiệp này có 5 lô trái phiếu đang lưu hành toàn bộ. Các khoản vay này sẽ đáo hạn lần lượt từ 2027-2029. Lãi suất được đưa ra ở mức 8,75-10,59% một năm.

Sun Group thành lập năm 2007 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, vui chơi giải trí, đầu tư xây dựng, hàng không. Trong lĩnh vực bất động sản, họ phát triển đa dạng loại hình và phân khúc nhưng thế mạnh là các dự án nghỉ dưỡng, tâm linh. Các dự án lớn hiện có ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai).

Sun Group đang tìm kiếm cơ hội, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị, dân sinh ở nhiều tỉnh thành khác như Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Thuận … với quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu năm nay, Sun Group đề xuất triển khai 3 dự án lớn ở TP Thủ Đức là khu đô thị Trường Thọ, khu thể thao Rạch Chiếc và Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Nếu được chấp thuận, đây là những dự án đầu tiên của họ được triển khai tại TP HCM


Tháng Năm 16, 2025

Ngày 14/5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được những cam kết kinh tế lịch sử trị giá 1.200 tỷ USD trong chuyến công du Qatar.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông – Bắc Phi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phái đoàn tháp tùng đã được Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani chào đón từ khi xuống sân bay quốc tế Hamad và sau đó, được tiếp đón long trọng tại Cung điện hoàng gia Amiri Diwan. Hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc họp riêng kéo dài hơn 2 giờ, lâu hơn so với dự kiến.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Quốc vương Sheikh Tamim đánh giá rằng hai bên đã có các cuộc thảo luận “tuyệt vời”, trong khi Tổng thống Trump mô tả cuộc họp “rất thú vị”, trong đó hai bên đã bàn về các vấn đề đề bao gồm căng thẳng Nga – Ukraine, Iran và quan hệ thương mại song phương. Các nhà quan sát cho biết cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng có khả năng là một phần của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Qatar và Mỹ.

Trong cùng ngày, Tổng thống Mỹ và Quốc vương Qatar đã chứng kiến lễ ký kết tuyên bố chung về hợp tác giữa hai chính phủ, cũng như một số thỏa thuận song phương quan trọng, bao gồm hợp tác hàng không và quốc phòng.

Đáng chú ý nhất là thỏa thuận lịch sử giữa hãng hàng không Qatar Airways với nhà sản xuất Boeing của Mỹ. Theo đó, Qatar Airways đặt mua 210 máy bay thân rộng, thiết lập kỷ lục mới là đơn hàng máy bay lớn nhất trong lịch sử của Boeing. Cụ thể, đơn hàng bao gồm 130 chiếc 787 Dreamliner, 30 chiếc 777-9, cùng với tùy chọn mua thêm 50 chiếc 787 và 777X, sử dụng động cơ của GE Aerospace. Tổng thống Trump cho biết tổng giá trị thỏa thuận là hơn 200 tỷ USD, trong đó 160 tỷ USD riêng cho máy bay. Tuy nhiên, nếu xem xét giá niêm yết của các dòng 777X và 787 Dreamliner, giá trị thực tế của thỏa thuận có thể thấp hơn nhiều so với con số 200 tỷ USD.

Ngoài ra, hai nước cũng đã ký một loạt các thỏa thuận quốc phòng, bao gồm một ý định thư về hợp tác quốc phòng, một thỏa thuận về thiết bị bay không người lái MQ-9B và hệ thống tiêu diệt thiết bị bay không người lái FS-LIDS.

Qatar là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump tới khu vực Trung Đông trong nhiệm kỳ thứ hai. Sau Qatar, Tổng thống Trump dự kiến sẽ thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du vùng Vịnh nhằm tái định hình lợi ích chiến lược.


Tháng Năm 14, 2025

Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Tân Biên và Sao Ta đã trả 33.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) cổ tức tiền mặt cho các nhà đầu tư Thái Lan.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chốt quyền trả cổ tức năm 2024 trong tháng 5. Trong đó, hai doanh nghiệp này sẽ chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cho các cổ đông đến từ Thái Lan.

Người Thái đã đầu tư, thâu tóm nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của VnExpress, từ năm 2012, các công ty đến từ đất nước này đã nhận tổng cộng khoảng 33.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) cổ tức tiền mặt từ các doanh nghiệp Việt, gồm Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Tân Biên (Sovi) và Sao Ta.

Vinamilk, công ty có thị phần sữa lớn nhất Việt Nam, là doanh nghiệp đã trả nhiều cổ tức cho các cổ đông đến từ Thái Lan nhất, khoảng 16.100 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2013. F&N Dairy Investments và F&N Bev Manufacturing – hai đơn vị thành viên của tập đoàn đồ uống Fraser & Neave đang sở hữu khoảng 20,4% vốn Vinamilk đã nhận toàn bộ số tiền trên.

Fraser & Neave được TCC Holdings – công ty thuộc hệ sinh thái kinh doanh của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – mua lại vào năm 2013 với số tiền khoảng 11 tỷ USD. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của các cổ đông Thái tại Vinamilk.

Năm 2024, Vinamilk đã chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 43,5% bằng tiền. Như vậy, Fraser & Neave sẽ nhận về khoảng 1.853 tỷ đồng trong năm nay. Không chỉ dừng lại ở việc sở hữu hơn 20% vốn Vinamilk, trong những năm qua nhóm cổ đông Thái Lan này nhiều lần đăng ký mua thêm hàng chục triệu cổ phiếu VNM. Tuy nhiên, các giao dịch này đều không thực hiện được do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ ba tại Thái Lan với khối tài sản khoảng 11,6 tỷ USD, theo Forbes. Ông đầu tư chính vào mảng sản xuất, phân phối đồ uống và bất động sản. Thương hiệu bia Chang nổi tiếng tại Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú này.

Không chỉ nắm giữ 20% vốn của Vinamilk, người giàu thứ ba Thái Lan còn nắm quyền chi phí phối tại Sabeco. Năm 2017, ThaiBev – công ty thuộc sở hữu của ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 4,8 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng ở thời điểm đó) để mua lại 53,6% vốn của Sabeco từ Bộ Công Thương.

Sau 8 năm đầu tư, ThaiBev đã nhận về hơn 14.000 tỷ đồng cổ tức từ một trong những doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam. Trong đó, năm 2024, công ty Thái Lan nhận về nhiều nhất với 3.436 tỷ đồng.

Ngoài Vinamilk và Sabeco, ông Charoen Sirivadhanabhakdi còn thông qua TCC Holdings còn từng chi 704 triệu USD để mua lại chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam – sau này đổi tên Mega Market.

Hồi tháng 9/2022, trong một cuộc họp báo tại Thái Lan, ông Thapana Sirivadhanabhakdi, Tổng giám đốc ThaiBev chia sẻ Sabeco là “viên ngọc quý”, một tài sản hiếm có trong số các nhà sản xuất bia ở khu vực. Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khoản đầu tư có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất của người Thái tại Việt Nam là thương vụ Nhựa Bình Minh. Nawaplastic – thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) – đã nắm quyền chi phối Nhựa Bình Minh vào năm 2018 khi mua lại 24,2 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC. Trước đó, công ty con của SCG trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp nhựa lớn nhất trên sàn chứng khoán từ năm 2012.

Ước tính, Nawaplastic đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, công ty Thái Lan này đã nhận về tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Ngoài ra, số cổ phiếu BMP do công ty con của SCG sở hữu có giá trị thị trường khoảng 7.200 tỷ đồng, gấp 3 lần số vốn bỏ ra ban đầu.

SCG là tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Tập đoàn này nắm quyền chi phối loạt công ty tại Việt Nam như Bao bì Tân Biên, Bao Bì Tín Thành, Nhựa Duy Tân…

Ngoài ra, công ty này còn là chủ đầu tư dự án tổ hợp hoá dầu tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà máy có tổng vốn khoảng hơn 5 tỷ USD; công suất thiết kế là 1,4 triệu tấn sản phẩm hóa dầu.

Không chỉ “ưa thích” ngành sản xuất tại Việt Nam, các nhà đầu tư còn tìm kiếm cơ hội ở các mảng khác như tài chính hay bán lẻ. Ví dụ, ở mảng bán lẻ, tập đoàn hàng đầu Thái lan là Central Retail đang sở hữu nhiều thương hiệu như GO! (Big C), Nguyễn Kim… Còn ở mảng tài chính, The Siam Commercial Bank Public Company (SCB) – ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan – mua lại Home Credit Việt Nam hay Krungsri mua lại SHBFinance từ SHB.

“Thái Lan là quốc gia có đóng góp rất lớn cho câu chuyện FDI của Việt Nam”, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam nhận định. Theo một khảo sát của HSBC vào năm 2024, 66% doanh nghiệp Thái Lan được hỏi muốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Đất nước này cũng nằm trong top 3 các doanh nghiệp tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam, ở mức 93%, đứng sau doanh nghiệp sở tại (98%) và Singapore (94%).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế từ năm 1988 đến cuối quý I năm nay, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 13 vào Việt Nam, với số tiền đã chi là hơn 14,7 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Thái chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến – chế tạo, chiếm 74% tổng số vốn đầu tư.


Tháng Năm 12, 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất quy mô 10 làn từ TP Hưng Yên tới TP Thái Bình.

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình sáng 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tuyến đường này nhằm kết nối với các cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Ninh Bình – Hải Phòng. Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình cũng cần hoàn thành trong năm 2026.

Theo Thủ tướng, Thái Bình chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng còn thấp. Địa phương cần đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện mô hình chính quyền 2 cấp và xây dựng trung tâm hành chính công theo hướng chủ động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc sáp nhập không gian phát triển giữa Hưng Yên và Thái Bình sẽ tạo động lực mới cho vùng. Tỉnh cần quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số dựa trên thế mạnh nông nghiệp, phát triển khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, y tế và giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Thái Bình, sáng 12/5. Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo Thái Bình nghiên cứu lấn biển để phát triển khu kinh tế, công nghiệp, bến cảng, trong khi đất liền sẽ ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cần mở rộng kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung và quốc tế qua trục Hải Phòng – Quảng Ninh.

Thủ tướng đồng ý chủ trương và yêu cầu triển khai nhanh dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án nâng cấp Đại học Y Dược Thái Bình thành trường đại học đạt chuẩn quốc tế. Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí với mục tiêu hoàn thành các dự án trong hai năm và xây dựng theo mô hình thông minh.

Cùng ngày, Thủ tướng dự lễ khởi công tuyến cao tốc Nam Định – Thái Bình dài 60,9 km, tổng vốn đầu tư gần 19.800 tỷ đồng. Tuyến đi qua Nam Định (27,6 km) và Thái Bình (33,3 km), có 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/h, rộng 24,7 m, với 23 cầu, 4 cầu vượt và 7 nút giao liên thông.


Tháng Năm 10, 2025

Bất chấp lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn gửi tiền tại ngân hàng như một phương án để đầu tư, tối ưu nguồn vốn.

Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện không cao, quanh 4,5-6% một năm, đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, gửi tiền tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư an toàn nhất ít rủi ro.

Hàng quý, một số công ty có thể thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ việc gửi ngân hàng. Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đang là doanh nghiệp trên sàn sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất cuối quý I/2025, ở mức hơn 39.600 tỷ đồng. Khoản mục này tăng khoảng 3.000 tỷ so với đầu năm. Đơn vị này đã thu về hơn 400 tỷ đồng nhờ việc gửi tiền trong quý đầu năm nay.

Viettel Global là công ty phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Doanh nghiệp này đang hiện diện tại 10 thị trường gồm Lào, Campuchia, Cameroon, Haiti, Myanmar, Mozambique, Peru, Tanzania, Đông Timo và Burundi.

Việc đầu tư ở nhiều nước khác nhau mang lại nhiều rủi ro cho Viettel Global như thua lỗ tỷ giá, bất ổn địa chính trị. Ví dụ, trong quý I/2025 công ty này lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng từ tỷ giá. Tuy nhiên, với việc có lượng lớn tiền gửi, doanh nghiệp này sẽ có nguồn thu hàng trăm tỷ đồng đều đặn mỗi quý.

Không chỉ Viettel Global, một số doanh nghiệp ghi nhận nguồn thu từ tiền gửi có đóng góp lớn vào lớn nhuận trong quý đầu năm nay, ví dụ Petrolimex hay Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Thậm chí, PV Oil có thể đã lỗ nếu không có tiền gửi.

Không chỉ để đầu tư, các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền lớn đem đi gửi còn với nhiều mục đích khác. Công ty cổ phần tập đoàn Hóa chất Đức Giang, một công ty trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, đem tiền đi gửi để vừa đầu tư vừa chuẩn bị cho những dự án lớn.

“Chúng tôi gửi lượng tiền lớn trong ngân hàng để chờ đợi đầu tư những ‘cú đấm thép’ tiềm năng, thay vì đầu tư trái phiếu, tiền ảo hay bất động sản theo xu hướng”, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty nói trong phiên họp thường niên năm 2024. Đến năm nay, doanh nhân này lại khẳng định lại một lần nữa quan điểm này.

Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ nhiều công ty tài chính đã tư vấn cho ban lãnh đạo dùng tiền “nhàn rỗi” để mua trái phiếu, tiền ảo bất động sản với lợi suất hàng chục đến hàng trăm phần trăm. “Tuy nhiên, tôi đã không đồng ý với những kế hoạch đó vì sợ bị ‘bùng’. Chúng tôi được nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất 2% thì gửi tiền cũng có lãi tốt rồi”, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Hóa chất Đức Giang có gần 11.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 66% tổng tài sản. Số tiền này mang về cho doanh nghiệp 134 tỷ đồng tiền lãi trong quý trước, tương ứng mỗi ngày thu về 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ riêng Hóa chất Đức Giang hay Viettel Global, nhiều công ty trên sàn cũng đang gửi hàng chục nghìn tỷ ở ngân hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn cũng đang thực hiện việc này như Vingroup, Hòa Phát, PV Gas, FPT, Vinamilk…

Chuẩn bị cho các dự án lớn cũng là nguyên nhân tập đoàn Hòa Phát đem tiền đi gửi ngân hàng. Tại phiên họp thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch công ty này chia sẻ Hòa Phát sở hữu lượng tiền gửi lớn để làm nguồn vốn thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tập đoàn này muốn cân bằng giữa tiền đi vay và vốn tự có, bởi theo ông Long, doanh nghiệp “lạm dụng” đòn bẩy tài chính có thể hứng chịu hậu quả lớn.

“Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hoà Phát là ‘vua tiền mặt’, nhưng đó không phải là tiền dôi dư. Chúng tôi không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư hay ‘ôm’ bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Hoà Phát nói.

Hòa Phát từng là “vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán trong nhiều năm, ví dụ năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, trong quý vừa qua, số tiền gửi và tiền mặt của tập đoàn này còn khoảng 23.600 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ sau một quý và giảm gần 11.000 tỷ sau một năm do triển khai dự án Dung Quất 2. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này sẽ sử dụng một nửa là vốn tự có, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo.

Còn từ góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết các doanh nghiệp đầu ngành duy trì lượng tiền gửi lớn để tối ưu nguồn vốn “nhàn rỗi”. Việc này giúp các công ty có thu nhập thụ động khi chưa có hoạt động đầu tư mới trong tương lai gần.

Ngoài ra, gửi tiền vào ngân hàng giúp doanh nghiệp phân tán rủi ro khi có nhiều biến số vĩ mô, ví dụ chính sách thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, tiền gửi là một dạng “tài sản đảm bảo” cho các khoản vay tại ngân hàng. Chuyên gia lưu ý báo cáo tài chính thể hiện số liệu lượng tiền gửi tại một ngày cố định cuối mỗi quý nên việc đánh giá tình hình tài chính và dòng tiền chỉ mang tính chất tương đối.


Tháng Năm 10, 2025

Xã phường Hà Nội dự kiến áp dụng lương tối thiểu vùng I và II; TP HCM, Hải Phòng từ vùng I đến III tùy điều kiện kinh tế xã hội cấp cơ sở, theo đề xuất của Bộ Nội vụ.

Tại dự thảo Nghị định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh thành căn cứ điều kiện kinh tế xã hội từng phường, xã để áp dụng mức lương tối thiểu với lao động làm việc theo hợp đồng. Mức này không thấp hơn tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hàng năm.

Công nhân May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) trong giờ vào ca, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Địa bàn áp dụng lương tối thiểu từ ngày 1/7 dự kiến như sau:

Vùng I và II: Xã phường thuộc TP Hà Nội.

Vùng I, II và III: Xã phường thuộc TP HCM và TP Hải Phòng.

Vùng II, III và IV: Xã phường thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau và các thành phố Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Vùng I, II, III và IV: Xã phường thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh.

Vùng III, IV: Xã phường thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk.

Nghị định phân quyền cho chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận báo cáo của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, thỏa ước lao động tập thể và thông báo đóng cửa tạm thời nơi làm việc, trong khi quy định hiện hành nội dung này thuộc về cấp tỉnh, huyện.

Nghị định dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến 28/2/2027. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ được trích dẫn tại nội dung nghị định này mà được sửa đổi, bổ sung, thay thế mới sau ngày 1/7 thì áp dụng theo quy định mới.

Lương tối thiểu hiện hành được áp dụng theo 4 vùng gắn liền với đơn vị hành chính cấp huyện, song từ 1/7 sẽ bãi bỏ cấp này, chỉ còn tỉnh và xã, phường. Lương tối thiểu tháng vùng I hiện là 4,96 triệu đồng; vùng 2 đạt 4,41; vùng 3 là 3,86 và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương tối thiểu giờ tại bốn vùng lần lượt là 23.800 đồng, 21.200 đồng, 18.600 đồng và 16.600 đồng.

Theo tờ trình Bộ Nội vụ gửi Chính phủ ngày 8/5, sau khi sáp nhập, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 6 thành phố trực thuộc trung ương. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập là 3.321, trong đó có 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Có 3.193 xã phường mới hình thành do sáp nhập và 128 xã phường giữ nguyên, giảm 6.714 đơn vị so với hiện nay (66,91%).


Tháng Năm 8, 2025

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 4 đạt hơn 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024.

Thông tin này nêu tại báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước. Theo báo cáo, tín dụng những tháng đầu năm tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên và vào các động lực tăng trưởng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Con số này tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm ngoái (tăng 1,21%). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34% một năm, giảm 0,6% một năm so với cuối năm 2024. Các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Văn phòng giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Giang Huy

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng như ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục vay vốn, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Nhà điều hành cũng chỉ đạo các nhà băng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, các đối tượng được tạo điều kiện vay vốn có cả chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà, nhà thầu xây dựng và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, cơ quan này đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Đồng thời, nhà điều hành tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Theo đó, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát chỉ tiêu này năm nay.


Tháng Năm 7, 2025

Sáng 7/5, Quốc hội sẽ nghe tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sau đó thảo luận nội dung này.

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo sửa đổi là làm rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Hiện nay, Mặt trận được xác định là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên là phối hợp, thống nhất hành động theo Điều lệ Mặt trận, đồng thời bảo đảm tính độc lập của từng tổ chức. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, hệ thống tổ chức của Mặt trận còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Một số nơi, Mặt trận chưa sâu sát cơ sở, xảy ra tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức. Bên cạnh đó, nguyên tắc hiệp thương dân chủ chưa được quy định rõ trong Hiến pháp.

Thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm khẳng định các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận.

Các tổ chức như: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được xác định là tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận. Những tổ chức này được thành lập trên cơ sở tự nguyện, có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong

Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp

Hiến pháp 2013 sửa đổi theo hướng tổ chức chính quyền địa phương thành hai cấp để nâng cao hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển.

Điều 110 của Hiến pháp 2013 hiện quy định hệ thống đơn vị hành chính ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với hơn 10 loại hình khác nhau. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình này đang bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo, gây lãng phí và làm chậm trễ việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về việc thu gọn đầu mối hành chính để tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 đề xuất tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp. Theo đó, các đơn vị hành chính sẽ bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố. Hiến pháp sửa đổi sẽ không quy định chi tiết tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở mỗi cấp như hiện nay. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định thành lập.

Dự kiến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa quy định này, trong đó xã được xác định là đơn vị hành chính ở nông thôn, phường ở đô thị và đặc khu ở hải đảo. Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” nhằm đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp hiện hành.

Ngoài nội dung về tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn bao gồm các nội dung quan trọng khác như quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức chính trị – xã hội và bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam.

Ngoài tờ trình và thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong sáng 7/5, Quốc hội cũng nghe tờ trình các dự án Luật: Tổ chức chính quyền địa phương; Cán bộ, công chức (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Quốc hội dành toàn bộ thời gian buổi chiều để thảo luận ba dự thảo luật và nghị quyết được trình buổi sáng.


Tháng Năm 6, 2025

Sáng 6/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với nhiều chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân làm khoa học.

Theo dự thảo tờ trình, một trong những mục tiêu lớn của dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Tư duy đột phá này được kỳ vọng tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Để làm được điều này, ngân sách nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ ngân sách để làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.

Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra và mức độ đóng góp thực chất. Đồng thời, nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng, ngày 5/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, đi kèm với yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.

Tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập do kết quả nghiên cứu mang lại và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cách đây ba tuần, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nói việc chấp nhận rủi ro không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý mà là tạo điều kiện để các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, mang tính đột phá. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí, trong khi những đơn vị kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Bên cạnh các nội dung trên, dự án Luật cũng chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc điều chỉnh nhu cầu nghiên cứu cơ bản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tạo sự gắn kết giữa các loại hình nghiên cứu và tăng tỷ trọng nghiên cứu có tác động vào thực tiễn.

Dự thảo không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: đào tạo – nghiên cứu – đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và đổi mới sáng tạo bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu sẽ nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Buổi chiều, các đại biểu về tổ thảo luận ba dự án Luật gồm: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).


Tháng Năm 5, 2025

Sáng nay 5.5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Đây sẽ là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện những quyết sách lịch sử của Nghị quyết T.Ư 11 khóa XIII.

Kỳ họp lịch sử

Phát biểu tại họp báo thông tin về kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XV chiều qua 4.5, Tổng thư ký QH Lê Quang Tùng nhấn mạnh: “Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử của QH cũng như của cả hệ thống chính trị. Tại kỳ họp lần này, QH sẽ thực hiện các quyết sách lịch sử về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cũng như đơn vị hành chính các cấp”.

Kỳ họp thứ 9 được đánh giá là kỳ họp lịch sử, triển khai các quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng của đất nước

ẢNH: GIA HÂN

Theo Tổng thư ký QH, qua một thời gian triển khai Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng khóa XII về sắp xếp tinh gọn bộ máy, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị đã có một quyết định rất lịch sử là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Tại kỳ họp lần này, QH sẽ quyết định việc sắp xếp, sáp nhập để cả nước còn 34 tỉnh, thành và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã sau khi kết thúc hoạt động của cấp huyện. Ông Tùng nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi Chính phủ, QH phải chuẩn bị rất nhiều dự án, đề án, từ việc sửa đổi Hiến pháp cho tới các vấn đề tài chính, ngân sách phục vụ cho việc sắp xếp, để đạt được sự đồng thuận cao tại QH, cũng như cử tri, nhân dân.

Thông tin tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn cho biết tại kỳ họp QH sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về KT-XH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Theo đó, QH sẽ xem xét thông qua 3 nghị quyết để tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp; thông qua 34 luật và 11 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, trong đó có nhiều luật phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập tỉnh, xã…

Trao đổi về các nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp QH Nguyễn Phương Thủy cho hay việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tại Kết luận 127 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy QH phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đảng ủy QH sau đó đã có báo cáo với T.Ư, Bộ Chính trị và mới đây, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu QH về việc sửa Hiến pháp.

Về nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này, bà Thủy cho hay việc sửa đổi tập trung 2 nhóm, gồm: quy định về Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị – xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc VN (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng). Thứ hai là quy định về chính quyền địa phương tại chương 9 để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung khoảng 8 trên tổng số 120 điều của Hiến pháp 2013.

Tổng thư ký QH Lê Quang Tùng chủ trì họp báo ngày 4.5

ẢNH: GIA HÂN

“Với nội dung, phạm vi nghiên cứu sửa đổi lần này, Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị QH cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013”, bà Thủy nói và cho biết ngay tại phiên khai mạc sáng nay, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH xem xét quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 để xây dựng dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Theo dự kiến, dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được công bố ngày 6.5 để thực hiện lấy ý kiến nhân dân trong khoảng 1 tháng.

Vẫn theo bà Thủy, sau khi tổng hợp ý kiến nhân dân, Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ báo cáo QH xem xét thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chậm nhất là trước ngày 26.6, để có cơ sở pháp lý để QH xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. “Trong lần lấy ý kiến nhân dân này, Chính phủ đề xuất ngoài cách thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống thì có thể áp dụng hình thức lấy ý kiến trực tuyến qua ứng dụng VNeID. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến nhân dân”, bà Thủy nêu rõ.

Chỉ định chủ tịch tỉnh, xã sau sáp nhập

Cũng tại họp báo, trả lời về việc thể chế hóa của Bộ Chính trị về việc khi sáp nhập tỉnh sẽ không thực hiện bầu bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh mà chỉ định, bổ nhiệm các chức danh này, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết đây là vấn đề đã được cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu. Theo đó, tại Kết luận 150 (về hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới) của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc bầu theo luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.

“Việc chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND là cơ chế trước đây chưa thực hiện nhưng lần sắp xếp này có đặc điểm khác biệt so với việc sắp xếp đơn vị hành chính trước đây”, bà Thủy cho hay và phân tích, trước đây chúng ta có 2 giai đoạn thực hiện sắp xếp cấp xã, cấp huyện là 2019 – 2021 và 2023 – 2025. Tuy nhiên, lần sắp xếp này, ngoài việc sáp nhập tỉnh, xã thì còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện nên các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sáp nhập tỉnh, xã. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ, công chức đang công tác ở cấp huyện làm việc ở các cơ quan, đơn vị mới, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp. “Tuy nhiên, việc chỉ định nhân sự chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với lần thực hiện sắp xếp quy mô lớn này. Những năm sau sẽ thực hiện bầu bình thường, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND”, bà Thủy nêu rõ.

Bà Thủy cũng thông tin, việc chỉ định nhân sự lãnh đạo tỉnh, xã sau sáp nhập cũng sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV để kiện toàn nhân sự nhà nước

Trả lời về việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và tiến hành bầu cử QH khóa XVI, HĐND nhiệm kỳ 2026 – 2031 sớm được xem xét tại kỳ họp lần này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết việc rút ngắn nhiệm kỳ QH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Theo bà Thủy, sau khi Đại hội Đảng kết thúc, thông thường vào tháng 1 thì công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của nhà nước.

“Tuy nhiên, thời gian 4 tháng là khá dài. Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn sớm nhân sự cấp cao của nhà nước, gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng thì Ủy ban Thường vụ QH xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo QH việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ QH khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cho cuộc bầu cử QH, HĐND khóa tới tiến hành gần nhất có thể với Đại hội Đảng toàn quốc. Như thế thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự của nhà nước”, bà Thủy nêu rõ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp thông tin thêm, luật Bầu cử QH và HĐND cũng được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử. Dự kiến, tại kỳ họp 9 lần này, QH sẽ xem xét rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và tiến hành bầu cử QH khóa XVI sớm hơn, vào ngày 15.3.2026. Ngày 6.4.2026, QH khóa XVI sẽ họp kỳ họp thứ nhất.


Call Now Button