Tỷ lệ lấp đầy gần 100%, không có nguồn cung mới trong khi nhu cầu thuê cao khiến mặt bằng bán lẻ ở trung tâm TP HCM ngày càng khan hiếm.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy hầu hết trung tâm thương mại lâu năm trên địa bàn quận 1 như Saigon Center, Parkson Lê Thánh Tôn, Vincom, Diamond Plaza… đều trong trạng thái lấp đầy gần 100% khách thuê. Một số nơi còn vài chỗ trống thì có diện tích thuê nhỏ, vị trí tầng hầm hay khu vực tầng cao.
Đại diện một thương hiệu F&B nổi tiếng tại TP HCM cho biết có kế hoạch mở thêm một cửa hàng tại trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi và mở rộng diện tích thuê tại một địa điểm trên đường Lê Lợi. Tuy nhiên, cả hai nơi này đều không đáp ứng yêu cầu về diện tích thuê.
“Chúng tôi cần mở rộng không gian kinh doanh nhưng đang gặp khó với các dự án ở trung tâm quận 1”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Tương tự, một thương hiệu cà phê lớn mới đây cũng phải thay đổi kế hoạch kinh doanh vì không tìm được mặt bằng thuê phù hợp. “Các trung tâm thương mại ở khu vực đắc địa hiện rất khó tìm mặt bằng. Chúng tôi cần thuê nơi rộng rãi nhưng phần lớn đều kín chỗ”, đại diện chuỗi cà phê nói.
Báo cáo thị trường mới đây của Công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam cũng cho thấy khối đế bán lẻ tại các khách sạn lớn ở quận 1 như Rex Arcade, MPlaza Saigon, Times Square, Terra Royal… đang có tỷ lệ lấp đầy là 100%, không còn mặt bằng trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các trung tâm thương mại cao cấp như Diamond Plaza, Saigon Center, Vincom Center Đồng Khởi…
Theo đơn vị này, tổng nguồn cung bán lẻ của TP HCM đến hết quý III đạt gần 1,5 triệu m2, trong đó 75% ở khu vực ngoại thành. Khu trung tâm (quận 1) không có nguồn cung mới.
Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cũng chỉ ra ba năm qua, khu CBD TP HCM (khu trung tâm hành chính, thương mại) không có dự án bán lẻ mới nào triển khai. Tính đến tháng 10, tổng diện tích bán lẻ của thành phố vào khoảng 1,2 triệu m2, trong đó khu trung tâm chiếm chưa đến 10% nguồn cung.
Ít chịu sự cạnh tranh về nguồn cung trong khi danh sách khách chờ thuê từ nhóm “hàng hiệu” lại khá đông, điều này khiến các chủ đầu tư dự án bán lẻ khu vực trung tâm thành phố luôn tự tin neo giá cao.
Theo Avison Young, quý vừa qua, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm quận 1 khoảng 275-300 USD mỗi m2 một tháng (tương đương 7 triệu đồng mỗi m2). Còn số liệu của Savills cho rằng giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của trung tâm thương mại trọng điểm khu quận 1, quận 3 đang ở mức 230 USD mỗi m2 một tháng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về sức hút của các trung tâm thương mại, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho biết các nơi này luôn là điểm đến được lựa chọn đầu tiên của nhiều nhãn hàng danh tiếng khi đặt chân vào thị trường TP HCM. Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu để có được không gian tại khu vực trung tâm rất khốc liệt, hầu như đều phải đăng ký khá lâu để có chỗ thuê.
Ông David Jackson dẫn chứng, mới đây thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp là Longchamp, Lush và thương hiệu đồ chơi Popmart đều cùng chọn một trung tâm thương mại ở quận 1 để mở cửa hàng đầu tiên dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn hơn tại các dự án ngoại thành.
Đồng quan điểm, bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng phòng dịch vụ mặt bằng bán lẻ CBRE Việt Nam, nhận định khu CBD nói riêng và TP HCM nói chung đều thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung bán lẻ. Nhiều năm qua, thành phố hầu như không có dự án mới và chỉ cải thiện phần nào trong năm nay.
Riêng khu vực quận 1 không có dự án mới nào. Quỹ đất để phát triển dự án ở đây cũng đã cạn dần nên tình trạng khan hiếm sẽ còn tiếp diễn. Sắp tới chỉ có 1-2 khối đế đưa vào vận hành và phần lớn đều đã có khách đặt thuê trước. Vì vậy sẽ ngày càng khó tìm thuê một mặt bằng bán lẻ tại khu vực quận 1, ngay cả các khu lân cận như trung tâm quận 7, quận 3 cũng không còn dễ kiếm.
Mặc dù thị trường bán lẻ trung tâm TP HCM đang được hưởng lợi từ nguồn cung khan hiếm, bà Võ Thị Phương Mai nhìn nhận việc thiếu dự án mới đang khiến các mặt bằng bán lẻ này có tính trải nghiệm kém hơn so với những dự án mới triển khai. Nhiều thương hiệu lớn về mảng thời trang, ẩm thực, phong cách sống đang bắt đầu dịch chuyển dần ra các dự án ở vùng ngoại thành, nơi đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng thuê diện tích lớn nhằm tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.
Dự báo về giá thuê bất động sản bán lẻ thời gian tới, bà Mai cho rằng vẫn khó giảm vì nguồn cung không có sự cải thiện trong khi các thương hiệu lớn có kế hoạch tham gia vào thị trường Việt Nam vẫn muốn giữ chỗ ở những nơi đắc địa. Dẫu vậy, theo bà, mức giá không tăng quá nhiều do thị trường đã ở ngưỡng bão hòa và ngành bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức.
Về ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định phù hợp.
Làm sao tránh ra sân bay, cửa khẩu mới biết nợ thuế?
Ngày 8.11, Bộ Tài chính đã thông tin tới báo chí nhiều nội dung liên quan quy định về tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Theo quy định tại luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 66 và khoản 7 Điều 124.
Đối với người nộp thuế (NNT) mà cơ quan thuế chuẩn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT.
Trước khi ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện một số biện pháp đôn đốc NNT như gọi điện thoại, gửi email, mời NNT lên làm việc, gửi thông báo nợ, gửi quyết định cưỡng chế (nếu có) cho NNT.
Trường hợp NNT phản ánh không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế, Bộ Tài chính chỉ ra có thể do một số nguyên nhân như: NNT chưa biết cách và nơi tra cứu, chưa thường xuyên tra cứu; chưa cập nhật kịp thời cho cơ quan thuế những thay đổi thông tin đăng ký thuế như thông tin về địa chỉ nhận thông báo thuế, email, số điện thoại; bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Để tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết nợ thuế và bị cơ quan thuế tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế khuyến cáo NNT thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế để có kế hoạch nộp thuế đúng hạn, không để tình trạng nợ thuế dây dưa, kéo dài. Chủ động tra cứu thông báo nợ, quyết định cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế gửi NNT.
Đồng thời, NNT cần chủ động cập nhật ngay các thay đổi về địa chỉ nhận thông báo, địa chỉ email, số điện thoại để cơ quan thuế có thể liên hệ hoặc NNT có thể nhận được kịp thời, đầy đủ các thông báo của cơ quan thuế, từ đó NNT có thể xử lý, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
“Trường hợp NNT đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, NNT liên hệ ngay với cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh để được hỗ trợ, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cân nhắc ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị tạm hoãn xuất cảnh
Về việc cân nhắc bổ sung quy định ngưỡng nợ thuế tối thiểu hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ căn cứ tình hình thực tế, thực tiễn thực hiện thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng của các nước trên thế giới để tiếp thu, tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp.
Xung quanh câu chuyện tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, nhìn nhận thời gian qua việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế có phần tràn lan; không có tiêu chí để phân biệt, không có ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp nợ thuế bao nhiêu tiền, bị phạt bao nhiêu lần chậm nộp… thì bị tạm hoãn xuất cảnh.
Nhấn mạnh tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết, song theo ông Tú, phải tính toán cho phù hợp với tình hình thực tiễn. “Bộ Tài chính cần rút kinh nghiệm và tiến hành sửa đổi; phải đưa ra tiêu chí cụ thể, ví dụ trị giá tiền nợ thuế là bao nhiêu thì bị tạm hoãn xuất cảnh; doanh nghiệp đã bị phạt hành chính mấy lần rồi…”.
Sáng 29.10 vừa qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đã trình Quốc hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có luật Quản lý thuế.
Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 7 Điều 66 (về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh) theo hướng quy định chỉ có các đối tượng là người đại diện theo pháp luật của NNT và các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp bị cưỡng chế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ không đề cập tới nội dung ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh của người đại diện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Số lượng các trường hợp phải tạm hoãn xuất cảnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.
Trong trường hợp cần sửa đổi nội dung này, đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.
Theo Tổng cục Thuế, từ cuối năm 2023, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9.2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỉ đồng.
Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỉ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
Mới 10 tháng, đã có nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích của cả năm nhờ đơn hàng phục hồi tốt. Bên cạnh đó, VN cũng vừa đạt mức xuất siêu kỷ lục – trên 23 tỉ USD chỉ trong vòng 10 tháng năm 2024.
Bứt phá nhờ nông sản, dệt may, điện tử, gỗ…
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong tháng 10, xuất nhập khẩu của cả nước tăng gần 12% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Như vậy, trong 10 tháng, VN đã đạt mức xuất siêu kỷ lục 23,31 tỉ USD.
Xuất khẩu rau củ quả đã về đích sớm trước 2 tháng, ẢNH: CHÍ NHÂN
Đáng lưu ý, mới hết tháng 10, tức còn 2 tháng nữa mới kết thúc kế hoạch năm nhưng đã có một số ngành bứt phá, vượt cả kế hoạch của cả năm. Cụ thể là nhóm hàng xuất khẩu nông sản. Sau 10 tháng, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỉ USD, tăng hơn 31%, vượt mốc kỷ lục 5,7 tỉ USD của cả năm 2023. Với mục tiêu cả năm 2024 là 6 – 6,5 tỉ USD thì đến thời điểm này ngành rau quả đã cán đích sớm 2 tháng và đang tự tin hướng đến mục tiêu 7 tỉ USD.
Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả cán mốc kỳ vọng 6 tỉ USD. Theo Hiệp hội Rau quả VN, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 4,2 tỉ USD rau quả VN trong 10 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ và hiện chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau của VN sang các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Canada cũng tăng mạnh với tỷ lệ tăng 2 con số. Đơn cử, trong 10 tháng, rau quả Việt bán sang Thái Lan thu về 225 triệu USD, tăng đến 87% so cùng kỳ, vượt mặt thị trường Mỹ.
Tương tự, xuất khẩu tiêu cũng về đích sớm khi đặt kế hoạch năm 2024 khoảng 1 tỉ USD, song mới 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 1,1 tỉ USD, tăng đến 48% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê trong 10 tháng mang về hơn 4,6 tỉ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỉ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê Việt.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao VN (Vicofa), nhận xét 30 năm làm trong ngành cà phê, đây là năm đầu tiên ông chứng kiến “nhiều chuyện không bình thường” liên quan đến hạt cà phê. Đó là giá cà phê VN hiện đắt nhất thế giới. Thậm chí, có thời điểm giá cà phê Robusta đắt hơn cà phê Arabica. Và lần đầu tiên ông thấy giá cà phê trên sàn London (Anh) vượt ngưỡng 5.000 USD/tấn. “Một mức giá mà nằm mơ cũng chưa thấy. Đáng nói, không chỉ giá cả tăng, tiêu, cà phê hay nhiều hàng nông sản của VN đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường thế giới”, ông Nam nhấn mạnh.
Không chỉ nông sản, số liệu cũng cho thấy các ngành sản xuất chủ lực như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may… đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua nhờ đơn hàng tăng trở lại. Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của VN đạt 51,2 điểm, tăng mạnh so với mức 47,3 điểm hồi tháng 9. Cập nhật thị trường lao động VN quý 3/2024 của nhà tuyển dụng Adecco cũng cho thấy ngành sản xuất, chế tạo trong nước chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 52% so với quý 2. Trong 10 tháng, xuất khẩu dệt may mang về 3,2 tỉ USD, tăng hơn 25%; giày dép xuất khẩu mang về hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 16%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 20% so cùng kỳ.
Hướng đến 800 tỉ USD
Theo Hiệp hội Dệt may VN, hiện đơn hàng xuất khẩu dệt may phục hồi tốt, cải thiện tích cực, mức tăng trưởng khoảng 9% so cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, VN hiện là nhà cung cấp hàng dệt may duy nhất trong 4 nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực, mức tăng 2 con số tại thị trường Mỹ; còn tại thị trường châu Âu, tuy nhập khẩu dệt may giảm 5,5% nhưng hàng từ VN sang vẫn giữ được thị phần và tăng hơn 4%. Đại diện Hiệp hội Dệt may VN dự báo xuất khẩu hàng dệt may của VN sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo chu kỳ thì nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… Mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD của dệt may VN năm 2024 là khả thi.
Xuất khẩu dệt may phục hồi tốt và sẽ tiếp tục khả quan trong giai đoạn cuối năm, ẢNH: NGỌC THẮNG
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế – Học viện Tài chính, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của VN đến thời điểm hiện tại đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan sát cho thấy trong quý cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dốc sức quyết tâm đẩy đà tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt lợi thế về thị trường và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà VN đã ký kết.
“Dù rủi ro trên thị trường thế giới vẫn rất khó lường, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao. Thế nhưng, quan sát cho thấy xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thuộc các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của VN trong hoạt động thương mại, đầu tư”, ông Thịnh nhận định.
Từ đó, chuyên gia này tự tin năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể chạm mốc 800 tỉ USD, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỉ USD của năm 2023. “Xuất khẩu giữ được phong độ và tăng trưởng phần quan trọng nhờ vào khối doanh nghiệp nước ngoài qua quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng. Đến nay, khảo sát cho thấy, VN là một trong những nước đi đầu trong việc nhập sự dịch chuyển đơn hàng. Thế nên, xuất khẩu tăng trưởng là điều rất đáng vui mừng, song vấn đề cần lưu ý và đặt ra cho ngành sản xuất trong nước là phải nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguyên liệu và tỉnh táo trong vấn đề bị lợi dụng để hàng hóa nước ngoài vào VN, lẩn tránh xuất xứ…”, ông lưu ý.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua dự kiến sẽ tăng trở lại.
Xuất khẩu năm 2025 được các chuyên gia dự báo có nhiều thách thức, khiến áp lực tăng trưởng kinh tế năm tới đặt lên vai đầu tư công và tiêu dùng nội địa.
Thông tin này được ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chia sẻ trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Vietnambiz tổ chức ngày 8/11.
Xuất nhập khẩu là một trong những động lực lớn đóng góp vào tăng trưởng năm 2024, nhưng theo chuyên gia của ADB, khó duy trì được đà tăng tốt vào năm tới.
“Năm nay, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhờ nền thấp của năm 2023. Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới hạ nhiệt nên chúng ta sẽ không tìm thấy được tăng trưởng xuất khẩu cho năm tới”, ông Hùng nhận định.
Theo ông, động thái của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng có thể tạo ra thách thức với xuất khẩu. “Các chủ trương của ông Trump nói, chúng ta khó có thể đánh giá liệu nó sẽ được tiến hành ở mức độ nào. Nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng thương mại thế giới. Do đó, xuất khẩu vốn là lĩnh vực đóng góp lớn với kinh tế Việt Nam, cũng sẽ gặp thách thức”, ông Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 8/11. Ảnh: Vietnambiz.
Điều này cũng từng được các chuyên gia bày tỏ trong một số sự kiện gần đây. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định rằng ông Trump từng là tổng thống Mỹ nên có thể thấy cách tiếp cận cứng rắn về thương mại, như thương chiến với Trung Quốc và việc áp thuế cao lên hàng hóa với đồng minh Mỹ. Khi vận động tranh cử, Trump kêu gọi các biện pháp thuế quan leo thang, như tăng thuế hàng Trung Quốc lên 60%, thuế trừng phạt 200% xe nhập khẩu từ Mexico, cùng với thuế quan chung 10% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đề cập rủi ro nhỏ là nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam.
“Theo đó, ngoài việc phát huy lợi thế đối ngoại, chúng ta cũng cần chú trọng kích cầu nội địa, để động lực tăng trưởng trở nên cân bằng hơn”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng khác để tăng trưởng thời gian tới, theo ông, nằm trong tay Chính Phủ, đến từ việc giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách.
Đề cập một yếu tố quan trọng khác từ khía cạnh đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, chia sẻ thực tế rằng 13 trên 15 ngành trên thị trường chứng khoán tăng trưởng đầu tư âm trong vài năm gần đây. Ông cho rằng vấn đề tăng trưởng âm không nằm ở niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm mà là vấn đề thiếu “lòng tham”.
“Tôi cho rằng để những chính sách kích thích đi vào đời sống nhanh nhất, chúng ta cần làm những gì Luật không cấm, chứ không phải chỉ làm những cái được phép làm”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nói trong phiên họp Chính phủ thường kỳ quý III, Chính phủ thảo luận về ba kịch bản tăng trưởng năm 2025, gắn với ba kịch bản điều hành. Theo đó, Chính phủ quyết định chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất – mục tiêu cả năm 7%.
Mục tiêu lạm phát hằng năm cũng được nâng từ 4% lên 4,5%, cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn. Thâm hụt ngân sách mục tiêu dự kiến nâng lên trong giai đoạn sau 2025 so với mức mục tiêu 3% hiện tại.
“Quan điểm điều hành mới cho thấy chúng ta chấp nhận rủi ro cao hơn để tăng trưởng. Từ những quan điểm như vậy, chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ theo hướng mở rộng hơn”, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, nhận định.
Hôm qua (8.11), giá vàng miếng SJC tăng trở lại 1 triệu đồng so với ngày hôm trước. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mở cửa đầu ngày mua vào với mức 82 triệu đồng/lượng, bán ra 86,5 triệu đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC vẫn neo ở mức kỷ lục là 4,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên đến cuối ngày, SJC giữ nguyên giá mua vàng miếng 82 triệu đồng nhưng giảm 500.000 đồng ở chiều bán ra, xuống 86 triệu đồng. Điều này giúp chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC giảm xuống còn 4 triệu đồng/lượng nhưng đây vẫn là mức rất cao trong nhiều năm qua. Như vậy sau khi “bốc hơi” 6 triệu đồng ở chiều mua vào và 3,5 triệu đồng ở chiều bán ra trong ngày trước đó, giá vàng miếng SJC phần nào hồi phục trở lại nhưng tính chung sau 2 ngày vẫn giảm 5 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 3 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng nhào lộn trong 2 ngày qua khiến nhiều người “thót tim”. Giá vàng nhẫn 4 số 9 đầu ngày 8.11 được SJC tăng 1 triệu đồng, lên mức mua vào 82 triệu đồng, bán ra 84,8 triệu đồng và được duy trì hết cả ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn tại SJC vẫn được duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng nhưng chỉ bằng một nửa so với giá mua bán vàng miếng cùng thương hiệu. Giá vàng giảm cắm đầu, nhiều người vẫn bán vì cần tiền xoay xở
Các công ty vàng bạc đá quý cũng nhiều lần thay đổi giá mua bán vàng nhẫn 4 số 9 theo chiều hướng tăng dần trong ngày. Chẳng hạn, đầu ngày giá bán vàng nhẫn của nhiều công ty vẫn dưới 85 triệu đồng/lượng thì đến chiều tăng lên trên
85 triệu đồng. Cụ thể, cuối ngày hôm qua, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào với giá 83,4 triệu đồng, bán ra 85,2 triệu đồng, tăng 700.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày. Tương tự, Tập đoàn Doji mua vào 83,35 triệu đồng, bán ra 85,15 triệu đồng, tăng 2,1 triệu đồng ở chiều mua và tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày… Tính chung sau 2 ngày, mỗi lượng vàng nhẫn đã giảm gần 3 triệu đồng.
Giá vàng thế giới đầu ngày hôm qua phục hồi trở lại, đạt 2.700 USD/ounce nhưng đến cuối ngày lại quay đầu giảm còn 2.687 USD/ounce. Tuy nhiên so với một ngày trước, giá kim loại quý vẫn tăng 25 USD. Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 82,5 triệu đồng/lượng. Như vậy vàng miếng SJC đang mắc hơn thế giới 3,5 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn 4 số 9 trên thị trường cao hơn từ 2,8 – 3 triệu đồng.
Ngược chiều với vàng, giá USD hôm qua vẫn ghi nhận đà giảm cả trên thế giới lẫn trong nước. Chỉ số USD-Index xuống 104,36 điểm, thấp hơn ngày trước đó 0,42 điểm. Trong nước, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giá USD. Chẳng hạn, Vietcombank mua chuyển khoản ở mức 25.130 đồng và bán ra 25.470 đồng, giảm 27 đồng. Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm 100 đồng, mua vào xuống còn 25.500 đồng, bán ra 25.600 đồng. Đồng bạc xanh đi xuống sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giảm lãi suất 0,25% vào sáng 8.11 (giờ VN). Đây là lần giảm lãi suất thứ hai của Fed, đưa lãi suất mục tiêu xuống còn 4,5 – 4,75%/năm.
Tại cuộc họp báo ngay sau công bố giảm lãi suất, Chủ tịch Fed – Jerome Powell – phát đi thông điệp mạnh mẽ về tính độc lập của ngân hàng trung ương trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Fed cũng để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, ông vẫn giữ thái độ thận trọng về định hướng chính sách trong thời gian tới và cho rằng cơ quan này không đi theo một lộ trình định sẵn nào cả mà các quyết định về lãi suất sẽ được đưa ra theo từng cuộc họp…
Lên cao vút, giảm mất hút
Hôm qua, khi giá vàng bật tăng trở lại, lực mua vàng xuất hiện nhiều hơn trong khi bán ra thì nhỏ giọt. Nhiều người dân đến tiệm vàng nhưng thay vì bán ra như hôm trước thì nay lại mua vào. Cô Đào Tuyết (Q.10, TP.HCM) cho biết rất mừng khi thấy giá vàng tăng lại trong ngày 8.11 vì hôm 7.11 cô đã kịp mua 6 chỉ vàng nhẫn tại tiệm vàng Mi Hồng với giá 82,5 triệu đồng. Tương tự, chỉ qua một ngày, chị An (Q.Bình Thạnh) cũng vui mừng vì đã “huề vốn” khi giá mua vàng nhẫn tăng lên 82,5 triệu đồng. Một điểm khá đặc biệt là khi giá vàng giảm, người mua vàng bao nhiêu cũng được chứ không hạn chế 2 chỉ vàng như thời gian trước. Ngược lại, đối với người bán thì đơn vị mua vào có giới hạn.
Giá vàng tăng giảm đầy bất ngờ khiến nhiều người bị thua lỗ
Ảnh: NGỌC THẮNG
Đại diện SJC cho hay trong hôm qua, lượng khách hàng đăng ký mua vàng tăng cao, áp đảo lượng người bán ra và hoàn toàn trái ngược với tình hình của một ngày trước đó. Số người mua vàng tăng lên nhiều vì sợ giá sẽ còn lên cao hơn nữa. Trong 2 ngày qua, Công ty SJC đã bán vàng không giới hạn số lượng cho khách, còn vàng nhẫn thì lên 10 lượng (trước đó có thời điểm bán 3 chỉ vàng). Còn với các ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV… tình trạng đặt mua vàng vẫn tiếp tục gặp khó.
Trưa 8.11, đăng nhập vào ứng dụng Vietcombank để mua vàng, gần như các điểm bán vàng tại TP.HCM đều thông báo “VCB đã nhận đủ lượng khách đăng ký của ngày hôm nay”. Trên các diễn đàn vàng, số thành viên rao bán cũng khá ít và mức giá lên đến 87,5 triệu đồng, hay 88,5 triệu đồng. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với ngày trước đó khi đa số là lời rao bán nhiều hơn mua vào.
Giá vàng “quay xe” trong hôm qua khiến những người đã bán vàng trong ngày trước đó sửng sốt. Chị Nguyễn Thanh (Q.1, TP.HCM) cho biết trong ngày 7.11, chị “cắn răng” đi bán 2 lượng vàng khi thấy giá vàng lao dốc không phanh do sợ tiếp tục giảm. Lúc mua số vàng này có giá 84 triệu đồng/lượng nhưng lúc giá cao hơn vào những ngày trước đó thì chị chưa có nhu cầu bán. Đến cuối tuần này, gia đình chị phải cọc tiền nhà nên theo kế hoạch bán ra 3 lượng vàng. “Lúc đầu thấy giá vàng giảm nhưng cũng dặn lòng chưa bán thì chưa lỗ. Thế nhưng khi giá lao xuống chỉ còn 81 triệu đồng (chiều mua vào) thì tôi không thể nào ngồi yên được, đành mang ra bán, chấp nhận lỗ 9 triệu đồng cho 3 lượng vàng nắm giữ bao lâu vì sợ giá còn xuống sâu nữa. Thế nhưng sáng hôm sau thì hỡi ôi khi thấy giá bật lên lại mức
82 triệu đồng. Chỉ qua 1 đêm mà thiệt hại 3 triệu đồng/lượng. Biết vậy cứ bình tĩnh chờ thêm chút nữa, biết đâu không lỗ nặng”, chị Thanh thẫn thờ. Những người đang nắm giữ vàng cũng rơi vào tình cảnh lo lắng vì không thể biết được hôm qua tăng thì những ngày kế tiếp có giảm trở lại hay không? Đặc biệt, với những người mua vàng ở vùng giá 89 – 90 triệu đồng/lượng thì đến nay lỗ tầm 8 triệu đồng/lượng và luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên. Ngược với nỗi buồn của những người vội bán ra thì những người mua vào khi giá vàng lao dốc lại khá vui khi giá tăng lên…
Khó lường trong ngắn hạn
Diễn biến lao dốc không phanh và tăng trở lại trong 2 ngày vừa qua của giá vàng thế giới lẫn trong nước khiến nhà đầu tư lẫn các chuyên gia bất ngờ. Thậm chí dù nhiều người dự báo giá vàng có thể giảm sau khi ông Donald Trump thắng cử tại Mỹ nhưng cú lao dốc gần
80 USD trong một ngày vẫn ngoài sức tưởng tượng. Riêng vàng miếng SJC tại VN “bốc hơi” 6 triệu đồng trong một ngày và nhanh chóng tăng trở lại vào hôm qua cũng là diễn biến khó dự đoán như thú nhận của rất nhiều người.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, trong vòng 10 năm trở lại đây, trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng tăng giá mạnh nhưng khi có tân tổng thống thì quay đầu rơi vài trăm USD. Tuy nhiên về dài hạn thì giá sẽ tăng lên lại do một số yếu tố hỗ trợ. Chẳng hạn, ngân hàng trung ương các nước sẽ tiếp tục mua vào tăng dự trữ, thêm vào đó nhu cầu từ các thị trường vàng lớn thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tăng.
Trong thời kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, với nhiều khả năng vị tân tổng thống sẽ thực hiện các chính sách để phát triển kinh tế là chính, hỗ trợ giải quyết xung đột giữa các nước, lúc này USD tăng nên vàng giảm. Đây là kịch bản về lâu dài, còn trước mắt thì giá vàng có thể kéo dài các đợt tăng giảm từ 1 – 2 tháng, xoay quanh mức giá 2.600 – 2.700 USD/ounce. Giá vàng trong nước sẽ tăng giảm theo biến động của thế giới. Giá kim loại quý xuống mạnh 5 – 6 triệu đồng/lượng trước đó và nay hồi lại 1 – 2 triệu đồng là chưa đáng kể. Có thể trong ngắn hạn, thị trường vàng sẽ có những cơn sóng mạnh hơn.
Trước bối cảnh đó, người tham gia thị trường vàng cần thận trọng. Đặc biệt là tình trạng người dân mang vàng ra bán mà tiệm vàng không mua vào và chênh lệch giá mua với giá bán bị đẩy lên quá cao có thể lặp lại càng khiến người mua càng thua lỗ nặng. Tình trạng “giá tăng thì mua, giá giảm thì bán” lại tái diễn. Dù giá vàng hiện nay đang ở mức thấp từ 4 – 5 triệu đồng/lượng so với đỉnh gần nhất, cũng là cơ hội để mua nhưng với mức giá chênh lệch giữa mua – bán vàng, các nhà vàng đang đẩy rủi ro cho người mua. Đây cũng là yếu tố cần cân nhắc nếu không muốn vừa mua xong đã lỗ ngay 2 – 4 triệu đồng.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vàng trong nước lao dốc mạnh hơn thế giới hay tăng cao hơn là những rủi ro quá lớn cho người mua vàng. Đặc biệt, mức chênh lệch giữa giá mua với bán lại bị đẩy lên kỷ lục 4 – 5 triệu đồng/lượng là “không thể chấp nhận”. Biến động của giá vàng trong thời gian ngắn sẽ còn khá mạnh và rất khó dự báo. Bởi năm nay có nhiều yếu tố về căng thẳng địa chính trị nên sẽ khác với giai đoạn ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ trước đây. Vì vậy, có thể giá kim loại quý cũng không giảm nhiều như suy nghĩ của nhiều người.
Còn xét về dài hạn, giá vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Đó là xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine hay căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa thể chấm dứt ngay. Thậm chí với những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ có khả năng căng thẳng còn leo thang. “Giá vàng lao dốc ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chủ yếu do các nhà đầu tư chốt lời cộng thêm số người cắt lỗ do sợ đà giảm mạnh. Còn xét về dài hạn thì khả năng tăng giá của vàng vẫn rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Riêng chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh cũng cho rằng giá vàng hiện rủi ro lớn. Giá vàng hiện nay đang trong giai đoạn rung lắc khá mạnh, tăng giảm với biên độ lớn. Vì vậy việc lướt sóng vàng trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn. Còn về trung – dài hạn, kim loại quý vẫn còn đối mặt với áp lực giảm giá nhưng mức giảm sẽ không quá sâu bởi nguồn cung của vàng là hữu hạn.
6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.000 lượng vàng miếng, tương đương 11,5 tấn vàng ra thị trường.
Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, bà Hồng cho biết gần 11,5 tấn vàng đã được cơ quan quản lý bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thông qua đó phân phối lại cho người dân.
Trước đó, từ 19/4 đến 23/5, thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, nhà chức trách đã tung ra thị trường 48.500 lượng vàng miếng, tương đương 1,82 tấn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường 354.100 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng. Thông qua biện pháp can thiệp “ấn định” giá bán gần đây, vàng miếng SJC hiện về sát hơn với thế giới, mức chênh lệch khoảng 3-5 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đánh giá thị trường vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Cơ quan này cho hay một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này, theo cơ quan quản lý, dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý thị trường vàng miếng của Nghị định 24.
Thực tế, giai đoạn 2014-2023, cơ quan quản lý không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Chỉ đến năm nay, họ mới tăng cung theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm hạ nhiệt chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới.
Ngân hàng Nhà nước nhận định, giá thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhu cầu mua chủ yếu tập trung tại hai đô thị lớn Hà Nội, TP HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.
Bên cạnh đó, cơ quan này nói không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.
Ngân hàng bán vàng ở Hà Nội, ngày 3/6. Ảnh: Giang Huy
Thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp để ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cơ quan này cũng khẳng định các đề xuất sửa, bổ sung Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sẽ phù hợp với thực tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và không để biến động giá ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối mua bán vàng miếng.
Cả nước hiện có 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Bên cạnh đó, hơn 6.680 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Hôm qua (6.11), thị trường chứng khoán nhiều nơi tăng cao còn giá vàng lao dốc sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Chứng khoán “xanh mướt”, vàng lao dốc
Thị trường chứng khoán (TTCK) VN khép lại phiên giao dịch hôm qua trong sắc xanh. Chỉ số VN-Index tăng 15,52 điểm, tương đương tăng 1,25%, lên 1.261,28 điểm; HNX-Index tăng 2,91 điểm (1,29%) lên 227,76 điểm và UPCoM-Index cộng thêm 0,87% lên 92,71 điểm. Giá trị giao dịch của thị trường cũng tăng cao, tổng cộng đạt gần 15.869 tỉ đồng, tăng gần 30% so với phiên trước đó. Không chỉ VN, TTCK toàn cầu cũng có một phiên giao dịch hứng khởi.
Chẳng hạn, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên tăng 2,61% lên 39.480,67 điểm; Taiwan Taiex Index của Đài Loan tăng 0,48% lên 23.217,38 điểm; Straits Times Index của Singapore cộng thêm 0,6% lên 3.602,99 điểm…, hầu hết các TTCK châu Âu mở cửa giao dịch đầu phiên (tính đến 18 giờ ngày 6.11 giờ VN) cũng đang “xanh mướt”. Riêng TTCK Mỹ đã có phiên ngập tràn sắc xanh trong ngày 5.11 và các chỉ số tương lai cũng ghi nhận đà tăng, báo hiệu phiên giao dịch 6.11 (đóng cửa vào rạng sáng nay 7.11 giờ VN) cũng khởi sắc.
Ngược lại, đến 16 giờ hôm qua, giá vàng thế giới giảm xuống còn 2.724 USD/ounce, thấp hơn ngày hôm trước 20 USD. Thậm chí trong phiên, giá kim loại quý có thời điểm lao dốc xuống mức thấp 2.717 USD/ounce. Giá vàng giảm mạnh sau nhiều ngày đứng ở mức cao quanh 2.740 – 2.745 USD/ounce. Áp lực chốt lời cũng xuất hiện khi giá vàng “quay xe” lao dốc.
Thị trường chứng khoán tăng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đà lao dốc của giá kim loại quý thế giới đã tác động đến giá vàng tại VN. Mặc dù giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức mua vào 87 triệu đồng/lượng, bán ra 89 triệu đồng như những ngày đầu tuần nhưng vàng nhẫn trên thị trường giảm mạnh. Cụ thể, vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 86,4 triệu đồng/lượng, bán ra 87,9 triệu đồng, giảm 300.000 đồng so với buổi sáng nhưng giảm tổng cộng 600.000 đồng so với một ngày trước đó. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 87 triệu đồng, bán ra 88,2 triệu đồng, giảm 300.000 – 400.000 đồng; Tập đoàn Doji mua vào 87,3 triệu đồng, bán ra 88,4 triệu đồng, giảm 100.000 – 200.000 đồng… Nếu so với vùng đỉnh 89,5 triệu đồng/lượng tuần trước, mỗi lượng vàng nhẫn hiện đã “bốc hơi” hơn 1,5 triệu đồng. Biến động trái chiều của TTCK và giá vàng được nhiều chuyên gia tài chính nhận định là phản ứng của thị trường đối với việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo chuyên gia đầu tư tài chính Phan Dũng Khánh, TTCK Mỹ và cả VN gia tăng sau kết quả nói trên là điều đã được dự báo. Tương tự đối với giá vàng, các nhà đầu tư (NĐT) đã thực hiện chốt lời theo kiểu “tin ra là bán” vì cũng đã đạt được kỳ vọng. Bên cạnh đó, giá USD thế giới tăng cao với chỉ số USD-Index có lúc lên 105 điểm cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng đi xuống. “Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, trong 4 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, giá vàng không có biến động nhiều trong ngắn hạn.
Thay vào đó, mức độ tác động đến giá vàng sẽ mang tính chất trung và dài hạn sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Tuy nhiên, thống kê của Hội đồng vàng thế giới cũng cho thấy giá vàng có biến động tăng giảm khác nhau trong thời gian nắm quyền của mỗi nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Theo đó, trong nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W Bush (hay còn gọi là Bush cha, nhiệm kỳ 1989 – 1993), giá vàng giảm 19%. Đến thời Tổng thống George W. Bush (Bush con, nhiệm kỳ 2001 – 2009), giá vàng tăng tới 215%. Đến thời kỳ của Tổng thống Barack Obama (2009 – 2017), giá vàng tăng 44% và trong 3 nhiệm kỳ tổng thống gần đây, giá vàng đều tăng”, ông Khánh dẫn chứng.
Vàng sẽ còn giảm và chứng khoán nhiều cơ hội đi lên ?
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích diễn biến của TTCK nhiều nơi và thị trường vàng trong phiên hôm qua được xem là ngắn hạn vì đây là 2 thị trường luôn phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi thông tin, đặc biệt là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump. Đây cũng là xu hướng dài hạn bởi trong nhiệm kỳ trước đây và bày tỏ quyết sách sắp tới, ông Donald Trump luôn hướng đến việc phát triển kinh tế Mỹ, làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Tuy nhiên, dù luôn tỏ ra cứng rắn nhưng trong nhiệm kỳ của ông vẫn không phát sinh cuộc xung đột quân sự nào.
Một chính sách quan trọng nữa là ông luôn muốn hạn chế sự bất cân xứng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như với nhiều nước nhưng vẫn tạo điều kiện hai bên cùng có lợi. Riêng đối với VN, quyết sách của ông Trump có thể tạo điều kiện xuất khẩu gia tăng khi kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vấn đề nước này muốn hạn chế chuyện nhập siêu quá lớn từ VN. Song song đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN sẽ tiếp tục tăng cao khi các tập đoàn, nhà đầu tư ngoại vẫn không muốn tập trung ở Trung Quốc để tránh rủi ro trong quan hệ thương mại với Mỹ. Riêng đối với TTCK, dòng vốn đầu tư nước ngoài chưa thể quay trở lại ngay mà có thể cần khoảng 6 – 7 tháng sau.
“TTCK VN đang có nhiều cơ hội tăng tốc nhưng có thể phải đến giữa năm sau điều này mới rõ ràng khi dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh hơn. Đồng thời, dòng vốn của các NĐT trong nước khi đó mới tăng tốc. Vì vậy trong vài tháng tới TTCK có thể cũng còn lình xình quanh mức hiện nay. Riêng đối với giá vàng thì nếu không còn những cuộc xung đột quân sự hay những căng thẳng hiện tại giảm xuống thì cũng không có lý do để tăng cao trở lại”, TS Đinh Thế Hiển cho hay.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh cho rằng trong vài tháng tới, giá vàng sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Thứ nhất, kim loại quý vẫn có đà tăng nhưng chậm lại và đi ngang mà rất khó tăng mạnh. Thứ hai là kịch bản quay đầu đi xuống. Hiện ông Khánh nghiêng về kịch bản đầu tiên. Trong khi đó, USD trên thế giới vẫn có xu hướng tăng cao. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được xem là cơ quan độc lập và chính sách tiền tệ của Fed vẫn tiếp tục xu hướng nới lỏng, giảm lãi suất. Dù mức giảm lãi suất của Fed có thể chậm nhưng các ngân hàng trung ương khác cũng giảm nên USD vẫn mạnh hơn. Khi USD tăng cao sẽ tác động ngược đến giá vàng trong khi TTCK có thể hưởng lợi. Thị trường VN cũng chịu tác động phần nào từ TTCK Mỹ nhưng không nhiều. Hiện tại, yếu tố tích cực cho TTCK trong nước khá nhiều dù vẫn chưa “ngấm” mà cần thêm thời gian nhưng xu hướng dài hạn sẽ tăng nhiều hơn.
(Dân trí) – Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg… trong năm 2025.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025.
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ quay về mức trần trong biểu khung thuế ban hành kèm theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, trừ dầu hỏa. Điều này sẽ tác động làm tăng giá bán lẻ trong nước, theo Bộ Tài chính.
Cũng theo Bộ này, năm 2025, kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến việc hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2025 tương tự như mức đang áp dụng.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) dự kiến trong 2025 vẫn là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít.
Thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng (Ảnh: Thảo Thu).
Từ năm 2026, thuế bảo vệ môi trường dự kiến quay về mức trần, theo quy định là xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 tương đương năm nay, Bộ Tài chính ước tính tổng ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 44.224 tỷ đồng, gồm hơn 40.204 tỷ đồng giảm thuế bảo vệ môi trường và hơn 4.020 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, số giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2023 là khoảng hơn 34.473 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm nay, số giảm ước tính khoảng 28.900 tỷ đồng (chưa bao gồm giảm thu thuế giá trị gia tăng).
Dù biểu lãi suất niêm yết được các ngân hàng công bố một cách chính thức, nhưng lãi suất thực tế lại tuỳ thuộc vào chính sách lãi suất cũng như sản phẩm tiết kiệm của từng ngân hàng.
Theo chính sách lãi suất đối với tiền gửi trực tuyến tại Ngân hàng SeABank, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi lãi suất lên đến 0,5%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến, áp dụng với số tiền gửi từ 100 triệu đồng cho các kỳ hạn 6, 12, 13 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ của nhà băng này, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng là 2,95%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng 3,45%/năm, kỳ hạn 6 tháng 3,95%/năm, kỳ hạn 7 tháng 4,05%/năm, kỳ hạn 8 tháng 4,1%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,15%/năm, kỳ hạn 10 tháng 4,2%/năm, kỳ hạn 11 tháng 4,25%/năm, kỳ hạn 12 tháng 4,7%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,25%/năm, kỳ hạn 18-36 tháng 5,45%/năm.
Với chính sách cộng thêm 0,5%/năm lãi suất dành cho khách hàng gửi từ 100 triệu đồng, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 tháng của SeABank sẽ lên đến 4,45%/năm và lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng lên đến 5,2%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất, theo nội dung tấm biển đang được đặt trước các phòng giao dịch của SeABank, lên đến 5,95%/năm.
Mức lãi suất huy động 5,95%/năm dù cao hơn so với lãi suất niêm yết nhưng chưa phải là lãi suất huy động cao nhất tại SeABank. Ảnh: Hoàng Hà.
Trên thực tế, lãi suất huy động cao nhất khi khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này có thể lên đến 5,25%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, 6,15%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng theo lời giới thiệu của nhân viên SeABank khi gọi điện mời khách hàng gửi tiền.
Do đó, chênh lệch giữa lãi suất niêm yết và lãi suất thực tế tại SeABank có thể lên đến 1,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Thậm chí mức chênh lệch lên đến 1,45% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Không chỉ SeABank, Ngân hàng TMCPÁ Châu (ACB) mới đây cũng gửi email thông báo lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn cao hơn so với lãi suất niêm yết.
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên tới 4,2%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến, trong khi lãi suất huy động trực tuyến theo biểu lãi suất niêm yết chính thức của ngân hàng này chỉ 3,5%/năm.
Không dừng lại ở đó, ACB còn cộng thêm 0,8%/năm lãi suất so với tiền gửi tại quầy cho các kỳ hạn khác.
ACB nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại niêm yết lãi suất huy động thấp nhất hiện nay.
Ngoài ra, một số ngân hàng như PVCombank, GPBank, PGBank,… dù không chính thức tăng lãi suất nhưng cũng đặt các tấm biển quảng cáo lãi suất tiền gửi khá cao phía trước các điểm giao dịch. Mức lãi suất này không được công bố một cách chính thức trong các biểu lãi suất do ngân hàng niêm yết.
Trong khi đó, Ngân hàng MSB ngoài việc niêm yết biểu lãi suất huy động trực tuyến với lãi suất cao nhất 5,6%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12-36 tháng, nhà băng này còn duy trì hai mức “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng VIP và khách hàng bình dân.
“Lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng VIP lên đến 7%/năm với điều kiện khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng.
“Lãi suất đặc biệt” được MSB áp dụng cho khách hàng bình dân là 5,3%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng (trong khi niêm yết chính thức là 4,8%/năm khi gửi trực tuyến). Các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng, và 24 tháng cũng có “lãi suất đặc biệt” 5,9%/năm (niêm yết chính thức là 5,6%/năm).
Bên cạnh đó, MSB còn có một số sản phẩm tiết kiệm mang tính đặc thù, với mức lãi suất 4%/năm (kỳ hạn 12 và 24 tháng). Mức lãi suất này thấp hơn lần lượt 1,3%/năm và 1,6%/năm so với lãi suất huy động tại quầy và lãi suất huy động trực tuyến.
BIỂU LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TRỰC TUYẾN TẠI CÁC NGÂN HÀNG NGÀY 2/11/2024 (%/NĂM)
Công ty TNHH Công Nghệ Shunsin Việt Nam thuộc Foxconn đang xin cấp phép môi trường cho dự án đầu tư 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất, gia công chip.
Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Shunsin cho biết sẽ góp 20 triệu USD để thực hiện dự án. Ngoài ra, vốn vay và huy động là 60 triệu USD, tương đương 75% tổng vốn đầu tư.
Mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công linh kiện điện tử (bản mạch tích hợp) với tổng quy mô công suất 4,5 triệu sản phẩm một năm. Các sản phẩm được xuất khẩu 100% cho Mỹ, EU, Nhật Bản.
Mạch tích hợp (integrated circuit – IC), còn được gọi là chip, là tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn như bóng bán dẫn (transistors), điện trở (resistors), và tụ điện (capacitors), để thực hiện một chức năng nhất định.
Shunsin dự kiến hoàn thành các thủ tục, bao gồm giấy cấp phép xây dựng vào tháng 12, sau đó xây dựng các hạng mục công trình và lắp đặt máy móc thiết bị tới tháng 5/2026. Dự án đặt kế hoạch vận hành thử nghiệm từ tháng 6/2026 và vận hành chính thức từ tháng 12/2026.
Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 44.343,8 m2 trong KCN Quang Châu tỉnh Bắc Giang, được chủ dự án thuê lại của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Đây là công ty con của Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (HoSE: KBC), một đơn vị lớn trong ngành bất động sản công nghiệp.
Khi hoạt động sản xuất ổn định đạt 100% công suất thiết kế, dự kiến dự án cần khoảng 1.450 người, trong đó có 35 người nước ngoài.
Shunsin khẳng định sẽ sử dụng công nghệ khép kín, vốn áp dụng rộng rãi tại nhà máy của họ ở Trung Quốc. Các dây chuyền sản xuất có mức độ tự động hoá cao, hiện đại và an toàn cho người lao động, đảm bảo và vận hành trong thời gian dài, nâng cao năng suất lao động.
Foxconn là tập đoàn gia công linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới của Đài Loan. Tập đoàn này đang trong quá trình chuyển dịch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong một báo cáo gửi tỉnh Bắc Giang, Foxconn cho biết họ muốn mở rộng đầu tư vào Bắc Giang, “dựa trên vào chiến lược dịch chuyển khỏi Trung Quốc của tập đoàn và nhu cầu thực tế của các khách hàng lớn”.
Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của Việt Nam từ tháng 3/2007 và sản xuất đa dạng sản phẩm, từ máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ôtô đến thiết bị bán dẫn.
Một dự án nổi bật của Foxconn tại Bắc Giang là Fukang Technology có vốn đầu tư hơn 12.507 tỷ đồng. Đơn vị này đang xin cấp phép môi trường cho hệ thống xử lý khí thải dây chuyền sản xuất iPad, Macbook tại nhà máy ở tỉnh này.