Mở cửa hàng miễn thuế, đón sóng hàng xa xỉ
Hệ thống cửa hàng miễn thuế đón “sóng kép”: Du khách và tầng lớp trung lưu gia tăng.
Trung tâm bán hàng miễn thuế trong thành phố (Downtown duty free) đầu tiên ở miền Bắc của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) sẽ mở tại Tràng Tiền Plaza, Hà Nội vào quý III. Cụ thể, IPPG cho Lotte PK Duty Free thuê 1.600m2 tầng 6 tại Tràng Tiền Plaza trong thời gian 10 năm.
Đón thêm 2 tỷ USD
Trước đó, IPPG đã hợp tác với Công ty Lotte PK Duty Free để kinh doanh tại các sân bay quốc tế như Cam Ranh, Đà Nẵng và Nội Bài. Liên doanh này đã phục vụ hơn 13 triệu lượt du khách ghé thăm và mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế trong năm 2019. Tiếp theo trung tâm bán hàng miễn thuế tại Tràng Tiền Plaza, IPPG sẽ triển khai một điểm khác tại Đà Nẵng.
Mặc dù chưa đưa ra tính toán về doanh thu đạt được, song tại các điểm bán hàng đã khai thác, Lotte PK Duty Free ước tính sẽ đạt doanh số 100-200 triệu USD sau 10 năm hoạt động. Mục tiêu của Lotte là trở thành đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế hàng đầu tại Việt Nam. Lợi thế của Lotte là có thể tự tìm kiếm được nguồn khách khi có hơn 220 đại lý du lịch trên toàn cầu.
Năm ngoái, gần một nửa lượng khách quốc tế (3 triệu lượt trong tổng 6,8 triệu lượt khách) đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là do Lotte mang tới. Ông Park Seok Won, CEO của Lotte PK Duty Free, khẳng định: “Dù gặp nhiều khó khăn vì COVID-19 nhưng Lotte PK Duty Free tuyệt đối không từ bỏ tiềm năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam”.
Với kỳ vọng hút 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, nếu doanh thu cửa hàng miễn thuế ở sân bay đạt 1 triệu USD, cửa hàng miễn thuế trong khu trung tâm có thể đạt 50 triệu USD và tỷ suất lợi nhuận có thể gấp chục lần. Nếu mỗi lượt khách quốc tế chi 100 USD thì cửa hàng miễn thuế thu về 2 tỷ USD.
Cuối tháng 12/2020, tại số 60A Trường Sơn, quận Tân Bình, Trung tâm thương mại Menas Mall Saigon Airport cũng đi vào hoạt động với sự vận hành của Công ty Savills Việt Nam. Có vị trí cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, Menas Mall mang đến dịch vụ mua sắm, giải trí và ẩm thực. Trong đó đáng chú ý là trải nghiệm mua sắm hàng cao cấp tại các cửa hàng được thiết kế theo phong cách boutique sang trọng. Cùng thời điểm này, Savills Việt Nam thông tin đã tìm kiếm mặt bằng cho 2 cửa hàng flagship (bán sản phẩm chủ chốt của nhà sản xuất) của thương hiệu Louis Vuitton và Christian Dior tại toà nhà International Centre ở Hà Nội.
Nhanh chóng phục hồi
Báo cáo của Savills nhận định: “Thị trường bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách quốc tế giảm. Các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp tại những vị trí đắc địa. Song đi kèm là áp lực về giá thuê ngày càng tăng”.
Ông Anthony Selwyn, Trưởng Bộ phận Bán lẻ toàn cầu của Savills, cho biết thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 38,9% thị phần toàn cầu trong hoạt động khai trương các cửa hàng cao cấp trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng đáng kể so với con số 31,8% của năm 2019.
Trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, việc thuyết phục được các thương hiệu cao cấp nhất thế giới để làm nhà phân phối hay phân phối độc quyền tại Việt Nam là cửa ải lớn nhất mà các công ty như IPPG, Openasia Group hay GlobalLink phải vượt qua. Các tiêu chí cơ bản đối với nhà phân phối hàng hiệu là phải có tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm làm việc với các thương hiệu quốc tế, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, khả năng tiếp cận với các mặt bằng đắc địa. Tình hình khó khăn ở Châu Âu, Châu Mỹ hiện nay giúp doanh nghiệp Việt Nam có phần dễ thương lượng hơn với các thương hiệu hàng xa xỉ của thế giới.
Ngoài ra, trước đây giá hàng hiệu tại Việt Nam đắt hơn 10-15% so với tại các thành phố khác trên thế giới do mức thuế. Tuy nhiên, vào tháng 6, Uỷ ban Châu Âu (EC) và Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Điều này sắp sửa đưa giá bán hàng xa xỉ tại Việt Nam ngang với giá bán tại Paris hay London. Đó cũng là lợi thế cho doanh nghiệp phân phối trong nước.
Theo tính toán của Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm 2020, giảm 6% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng, tăng trở lại hơn 17% trong năm tiếp theo.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu bán hàng xa xỉ là đồ da cao cấp, gần 30%. Kế đến là hàng thời trang, chiếm hơn 25%; đồng hồ và trang sức chiếm 21% và khoảng 24%; còn lại là nước hoa, mỹ phẩm và kính mắt.
Theo báo cáo của McKinsey, người tiêu dùng có khả năng quay trở lại sớm hơn với hàng cao cấp như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với mức tăng trưởng được dự báo từ 1-4% vào năm 2021. Còn báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) ước tính 16% dân số Việt Nam sẽ trở nên giàu có vào năm 2030 so với 5% của năm 2018. BCG nhận định khái niệm “người tiêu dùng giàu có” là đối tượng có sức mua tốt và sẵn sàng tiếp nhận nhiều sản phẩm, dịch vụ cao cấp và xa xỉ.
Cẩm Tú
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư