Vai trò của tổ chức trong phát triển sự nghiệp cá nhân
Phát triển sự nghiệp cá nhân là mục tiêu và nỗ lực của mỗi người, nhưng cũng là động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực của tổ chức. Do đó, vai trò của tổ chức trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân là rất quan trọng.
Phát triển sự nghiệp cá nhân trong tổ chức
Con người theo đuổi công việc để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, đặc biệt là những đam mê và sở thích riêng. Tuy nhiên, trong xã hội đang phát triển như ở Việt Nam, nhiều khi nhu cầu mưu sinh lấn át cả đam mê trong việc lựa chọn nghề nghiệp của nhiều người, dẫn đến tình trạng rất khó vươn lên đến đỉnh cao thành công của sự nghiệp.
Trong một tổ chức, sự phát triển sự nghiệp của cá nhân, thể hiện qua việc cải thiện khả năng và thành tích khi thực hiện nhiệm vụ, cũng làm tăng năng lực của nguồn nhân lực. Nhân viên cùng với nhà quản trị, với kinh nghiệm và năng lực thích hợp, sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp tổ chức thích ứng với môi trường cạnh tranh luôn thay đổi.
Ở cấp độ tổ chức, giới điều hành chịu trách nhiệm thiết kế chiến lược tổng quát, thiết lập hệ thống phát triển nguồn nhân lực để quản trị và đạt được các mục tiêu đã xác định. Tiếp theo, giới quản trị và nhân viên sẽ hoạch định một số cấp độ và lộ trình trong quá trình phát triển đó.
Nhu cầu phát triển của tổ chức có thể được xác định từ việc hoạch định nguồn nhân lực. Thông qua dự báo nhu cầu và nguồn cung nhân lực cho tổ chức trong tương lai, hoạt động này giúp xác định các năng lực cần thiết của tổ chức và cá nhân.
Để có cơ sở dự báo, nhiều tổ chức sử dụng các phương pháp trắc nghiệm nhân viên về mức độ tự động viên, khả năng lý luận, phong cách lãnh đạo, đặc điểm tương tác và sự ưa thích công việc. Từ đó, tổ chức đề ra các giải pháp phát triển sự nghiệp thích hợp cho họ.
Tổ chức cần làm gì?
Để phục vụ việc phát triển sự nghiệp cá nhân, các tổ chức thường tiến hành đào tạo chuyên môn dành cho nhân viên kỹ thuật, đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ cho nhân viên các bộ phận chức năng và đào tạo kỹ năng quản trị cho những nhà quản trị tương lai. Phương pháp đào tạo phổ biến là kèm cặp, gồm việc huấn luyện và phản hồi hằng ngày từ cấp trên trực tiếp cho nhân viên.
Một cách thức khác là luân phiên công việc (job rotation), giao nhân viên đảm nhận những công việc khác nhau để xem họ phát huy năng lực tốt nhất ở đâu và tăng khả năng nắm bắt vấn đề khác biệt khi được đề bạt lên vị trí cao hơn.
Phân công nhân viên tiềm năng vào các bộ phận quan trọng có thể đem đến cho họ trải nghiệm mở rộng, và có thể giúp họ hiểu rõ hơn về các vấn đề và quá trình điều phối tổ chức. Vị trí phụ tá dưới quyền một nhà quản trị là cơ hội rất tốt cho nhân viên rèn luyện một số kỹ năng.
Hoạch định kế tục là một giải pháp quan trọng để chuẩn bị đội ngũ quản trị kế cận. Con đường sự nghiệp truyền thống trong một tổ chức bao gồm phạm vi các di chuyển theo chiều dọc bên trong bộ phận và di chuyển ngang giữa các bộ phận.
Mỗi con đường thể hiện vị trí thực tế cần đảm nhận và quan hệ giữa các vị trí. Biểu đồ thay thế là công cụ khá hiệu quả của quá trình hoạch định này, thông qua xác định các đặc điểm và yêu cầu phát triển mà mỗi nhân viên cần chuẩn bị cho việc đề bạt sắp tới.
Một số công ty lớn trên thế giới có trung tâm đánh giá, nơi nhà quản trị tiềm năng được yêu cầu thực hành các mẫu tình huống đòi hỏi kỹ năng và hành vi quản trị. Một số tổ chức thành lập các “ban giám đốc trẻ” (junior boards of directors) hoặc “ban quản trị” (management cabinets), ở đó các thành viên có thể được bổ nhiệm và có cơ hội trải nghiệm các vị trí nhiều thách thức hoặc hấp dẫn.
DANH VĂN
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online