Truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua chiếc smartphone
Với chiếc điện thoại thông minh có cài ứng dụng truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể biết được loại thực phẩm mình quan tâm có nguồn gốc, cách thức sản xuất, chế biến như thế nào.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái hay hàng kém chất lượng cùng thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường gây ra không ít lo ngại cho người tiêu dùng. Ba ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm dưới đây có thể giúp người tiêu dùng biết đến nguồn gốc của thực phẩm từ nguồn nuôi trồng cho đến điểm bán hàng.
Te-food Public B2C – xem bản đồ nơi bán thực phẩm
Đây là ứng dụng do Công ty Te-food International phát triển. Người dùng có thể theo dõi đường đi của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn (trang trại, thú y, thương lái, cơ sở giết mổ, chợ đầu mối đến điểm bán lẻ) thông qua quét mã QR dán trên thực phẩm.
Bên cạnh đó, người dùng có thể đọc thông tin về nơi bán sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng bằng cách chọn lựa một trong các danh mục thịt heo, gia cầm hoặc trứng. Thông qua việc truy cập vị trí của người dùng, ứng dụng sẽ đề xuất những nơi bán thực phẩm có nguồn gốc gần khu vực mà người dùng đang định vị để có thể mua thực phẩm một cách nhanh chóng.
Trong bối cảnh thịt heo sạch là vấn đề được nhiều người nội trợ quan tâm, ứng dụng Te-food Public B2C có hơn 450 địa điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc tại TPHCM. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ blockchain cũng giúp người dùng có trải nghiệm truy xuất nguồn gốc thực phẩm đơn giản, thông tin được rõ ràng hơn. Hiện tại, người dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của thịt heo, gia cầm và trứng tại hệ thống siêu thị Aeon, Lotte, Vissan, Mega Market, Co.opmart, Satra Foods…
Ngoài phiên bản cho người dùng, ứng dụng Te-food Public B2C còn có phiên bản dành cho các chủ trang trại để họ đăng ký thông tin thịt heo có nguồn gốc.
iCheck – đọc thông tin đánh giá từ cộng đồng
iCheck là ứng dụng được phát triển bởi một công ty của Việt Nam. Ứng dụng có chức năng xuất thông tin sản phẩm thông qua cách thức quét mã QR hay tem chống giả được dán trên thực phẩm để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, đồng thời thông tin về doanh nghiệp cũng được hiển thị minh bạch. Ngoài ra, người dùng có thể đọc các đánh giá của cộng đồng người dùng về sản phẩm mình quan tâm.
Bên cạnh chức năng chính kể trên, iCheck còn là nơi cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm với lời cam kết sản phẩm được kiểm chứng và xác thực thông tin từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối liên kết với iCheck. Để mua các sản phẩm này, người dùng cần đăng ký tài khoản, sau đó sẽ được chuyển hướng đến tính năng trò chuyện với nhà phân phối.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể viết bình luận, nhận xét và đánh giá về sản phẩm để góp phần cung cấp thông tin cho các người dùng khác.
Khi nghi ngờ về một sản phẩm bất kỳ nào đó, người dùng sẽ được iCheck hỗ trợ kết nối đến các cơ quan chức năng, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) để tổ cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Khi sử dụng iCheck để quét mã sản phẩm, người dùng có thể gặp trường hợp sản phẩm không hiển thị thông tin. Đây là những sản phẩm có nguồn gốc chưa rõ ràng và chưa được xác thực. Vì vậy, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm đó.
VietCheck – nhận thông tin từ doanh nghiệp
Đây là ứng dụng giúp người dùng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua cách thức quét mã vạch, mã QR và hình ảnh được mã hóa trên tem hoặc bao bì sản phẩm. Từ đó, người dùng có thể mua được hàng chính hãng và phát hiện hàng giả, hàng nhái thông qua những cảnh báo từ ứng dụng VietCheck.
Bên cạnh đó, người dùng có thể nhận những thông tin như khuyến mãi, ưu đãi từ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và chia sẻ thông tin về sản phẩm mình quan tâm tới những người dùng khác thông qua tính năng liên kết mạng xã hội.
Tâm Lê
Nguồn: Saigon Times