Trung tâm dữ liệu tăng nhiệt

Tháng Sáu 4, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_trung_tam_du_lieu_tang_nhiet-e1717743371156.jpg

Trung tâm dữ liệu trở thành cuộc đua nóng trong nền kinh tế số với các lực đẩy từ A.I, cloud…

Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đánh tiếng lên kế hoạch xây trung tâm dữ liệu (data center – DC) tại Việt Nam nhằm tuân thủ quy định của cơ quan quản lý Việt Nam. Bước đầu Alibaba đang tìm thuê địa điểm để đặt máy chủ tại Việt Nam và đối tác trong kế hoạch này là Viettel và VNPT.

Sự nổi lên của các DC nội

Trước Alibaba, đại diện của Amazon cũng đã đến Việt Nam và thể hiện sự quan tâm đến việc xây dựng các DC trong kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường 100 triệu dân.

Báo cáo của Viettel dự đoán thị trường DC của Việt Nam sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm trong tương lai gần và có thể cao hơn nếu một doanh nghiệp lớn như Alibaba đầu tư vào. Thực tế, theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, năm 2024 Viettel xây dựng các DC lớn để các tập đoàn như Amazon, Microsoft có thể đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Mới đây, Viettel đầu tư DC tại TP.HCM với vốn đầu tư 14.700 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý IV/2025, nâng tổng số DC sở hữu lên con số 13, quy mô 9.000 rack. Đến năm 2030 Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với 34.000 rack.

Những tòa nhà DC với các phòng đầy tủ rack, dây mạng và ánh đèn xanh dịu lại là “bộ não” chịu trách nhiệm lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ của hàng ngàn doanh nghiệp. Cuộc đua đầu tư cho DC đang nóng lên với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, cuộc đua này chứng kiến sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước khi nhiều năm qua đã nhường thị phần cho các đối thủ nước ngoài.

FPT Telecom vừa cất nóc tòa nhà Trung tâm dữ liệu FPT tại Đà Nẵng và dự kiến hoàn thành vào tháng 6. FPT hiện có 4 trung tâm dữ liệu, với 4.000 rack. Hay VNPT cũng nâng tổng số trung tâm dữ liệu hiện có lên con số 8, với 4.619 rack. Cuộc đua DC còn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam như CMC, VNG…

Theo TechSci Research, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo tăng trưởng CAGR 15% giai đoạn 2020-2026 với hơn 2 tỉ USD vào năm 2026. Đà tăng trưởng của DC nhằm đón đầu làn sóng đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây (cloud) và fintech đang phát triển.

Trong khi đó, Việt Nam với định hướng nền kinh tế số, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số dựa trên công nghệ điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (A.I), dữ liệu lớn (Big Data). “Đầu tư trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh.

Cuộc cách mạng A.I cũng thúc đẩy nhu cầu chưa từng có về DC. Theo dữ liệu của LSEG, vào năm 2023, các thương vụ liên quan DC của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt mức cao kỷ lục 3,45 tỉ USD. Microsoft mới đây cho biết họ sẽ đầu tư 2,2 tỉ USD trong 4 năm tới tại Malaysia để mở rộng các dịch vụ đám mây và A.I trên khắp châu Á.

Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư DC khi hiệu suất đầu tư tại đây ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ chính sách thuận lợi. Cushman & Wakefield cho biết Việt Nam có giá đất trung bình thấp nhất khu vực với 168 USD/m2 cho dự án trung tâm dữ liệu. Chi phí xây dựng thấp cũng là yếu tố khiến việc đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu.

 

Cuộc đua của các DC “ngày mai”

Ngoài các nhà đầu tư công nghệ chuyên nghiệp, thị trường DC còn thu hút dòng vốn đầu tư của các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) nói chung, nhà quản lý đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, quỹ tài sản… vì lợi suất ổn định.

Tuy nhiên, nhu cầu về DC đã tăng lên đi cùng cảnh báo về mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng để chạy hệ thống điều hòa nhiệt độ, chất lỏng và không khí… Theo ông Byung Ki Lee, Giám đốc Phát triển dữ liệu của Nokia, với các nước định hướng trở thành Digital Hub (trung tâm số) như Việt Nam, các DC có thể chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ của quốc gia.

Do đó, việc chuyển sang các công nghệ xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường sẽ là nhiệm vụ bắt buộc đối với các DC tại Việt Nam. Theo ông Hoàng Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Viettel IDC, không ít khách hàng khi đặt vấn đề thuê DC đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn xanh, tối ưu năng lượng và giảm phát thải. Vì vậy, các DC thế hệ mới của Viettel đều có kế hoạch hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ 20-30%.

Trong khi đó, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn khi xây dựng DC xanh. Những rào cản lớn là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho loại hình này chưa có. Chưa kể các yếu tố về công suất lưới điện, nhiệt độ khu vực, sự sẵn có của nguồn nước, năng lượng bền vững và tái tạo… cung cấp cho các DC. Điều này có thể khiến Việt Nam có thể tiếp tục tụt hậu trong cuộc đua DC mô hình “ngày mai” có khí hậu nền nhiệt thấp để giảm năng lượng tiêu thụ, ưu tiên sử dụng công nghệ và nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng A.I trong vận hành và khai thác, cùng với việc sử dụng các công nghệ làm mát cao cấp… Hiện tại, với 30 DC, quy mô thị trường DC của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 Malaysia và Indonesia.

Trực Thanh

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button