Trong khi vợ chồng ông chủ mải miết kiện tụng, một “ngựa ô” trong ngành đã vượt mặt Trung Nguyên trở thành bá chủ chuỗi về số điểm bán
Kể từ mốc 2015 – thời điểm hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo lục đục chuyện ly hôn, số điểm bán của Trung Nguyên giảm tới hơn 1.400 cửa hàng chỉ trong vòng 3 năm. Đến năm 2017, chuỗi cà phê giữ ngôi vương về điểm bán không còn là cái tên Trung Nguyên, mà là một cái tên ít nổi khác.
Trong bóng đá, người ta thường hay dùng khái niệm “ngựa ô” để chỉ một đội bóng tầm thường nhưng không ngán sợ những đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều. Trong ngành cà phê, Milano có thể xem là một “ngựa ô” như vậy.
Việc buông lỏng quản lý cấp phép nhượng quyền khiến số điểm bán của Trung Nguyên từ 2.475 quán vào năm 2014 rớt xuống còn 1.024 quán vào năm 2017, nhường vị trí “bá chủ” về điểm bán cho Milano Coffee, theo số liệu cập nhật của Euromonitor.
Số liệu trên đã cộng cả thương hiệu Trung Nguyên lẫn Trung Nguyen Legend – một thương hiệu chuỗi cao cấp của Trung Nguyên ra mắt hồi năm 2015 nhằm lấy lại danh tiếng cho “vua cà phê” một thời, nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận thành công đáng kể nào.
Số lượng điểm bán của các thương hiệu chuỗi Café/Bars. Nguồn: Euromonitor.
Năm 2015 cũng là năm bắt đầu sóng gió của hai vợ chồng ông chủ Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, và kết quả là bà Thảo đệ đơn ly hôn chồng vào cuối năm này.
Theo số liệu của Euromonitor, bên cạnh việc quản lý nhượng quyền lỏng lẻo, lý do số điểm bán của Trung Nguyên sụt mạnh còn do những “tay chơi” nhượng quyền giá rẻ trên thị trường xuất hiện như Milano Coffee, Napoli Coffee và Viva Star.
Việc nhiều quán cà phê đổi biển hiệu “Trung Nguyên” thành biển hiệu “Milano” đã khiến số lượng điểm bán của thương hiệu này tăng vọt.
Euromonitor cho biết tính đến năm 2017, thương hiệu Milano Coffee của Công ty TNHH Cà phê Lê Phan đã có tới 1.045 điểm bán. Tính về số điểm bán, thương hiệu này đã vượt Trung Nguyên, tính về quy mô diện tích thì chưa chắc, bởi Milano đi theo hướng “nhanh” với mô hình quán nhỏ chừng 30m2, trong khi quy mô một cửa hàng của Trung Nguyên lớn hơn nhiều.
Công ty TNHH Cà phê Lê Phan do doanh nhân Lê Minh Cường làm chủ, nhắm tới khách bình dân với định vị cà phê thật, không pha trộn. Anh Cường bước chân vào ngành cà phê từ năm 1996, với việc đứng máy rang xay và bỏ mối cà phê, đến năm 2011 ông mới lập công ty Lê Phan.
Ông Lê Minh Cường là chủ Công ty TNHH Cà phê Lê Phan. Ảnh: DNSG.
Chia sẻ trên Doanh nhân Sài Gòn hồi năm 2013, anh Cường cho biết Milano không lấy phần trăm doanh thu. “Tôi đã quy định bán giá thấp, nếu lấy phần trăm trên doanh thu thì những người nhân rộng mô hình cà phê này sẽ còn gì? Ngay từ lần đầu tiếp xúc, tôi cũng phân tích kỹ cho họ thấy, bán nước một vốn bốn lời là chuyện xưa rồi, nhưng khi lời ít thì cái được là có nhiều khách và một khi họ đã uống quen rồi thì không thể bỏ được mình”, anh Cường chia sẻ.
Trên một trang tin, anh Cường cũng từng chia sẻ quan điểm về câu chuyện thương hiệu. Anh cho rằng với sức mạnh thương hiệu, chỉ cần 1 quán Starbucks đã thu hút cả thành phố khi nó xuất hiện. Còn Milano, muốn thu hút phải mở thêm nhiều nữa, len lỏi vào những con hẻm của thành phố rộng lớn này.
Theo website chính thức của Milano, hiện chuỗi này có 1.400 điểm bán, phủ 52 tỉnh thành.
Tuy là thương hiệu đứng đầu về số điểm bán, Milano không được Euromonitor coi là “kẻ soán ngôi vương” của Trung Nguyên.
Những thương hiệu chuỗi đáng chú ý nhất, theo Euromonitor, hiện là Phúc Long, Highlands, và Starbucks – thương hiệu mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng đăng đàn chê là “Họ không bán cà phê mà bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Theo Trí Thức Trẻ