Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỉ đồng
Cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngày 18/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là một giải pháp thiết yếu góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”. Theo số liệu thống kê, hiện nay quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỉ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15.000 tỉ USD trong 5 năm tới.
Mặc dù vậy, cũng theo Phó Thống đốc, cần phải nhìn nhận thẳng thắn một số mặt hạn chế trong hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam gần đây, khi đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội để tổ chức hội nhóm với mục đích truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ, thực hiện hành vi lừa đảo, các công ty mạo danh… những vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Chia sẻ tại Hội thảo về chủ đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã sớm ban hành kế hoạch hành động với 7 nội dung trọng tâm để tiếp cận toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng, đặc biệt ưu tiên đến việc phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả.
Trong nhiều năm, thông qua những văn bản chỉ thị, hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình tín dụng, các gói cho vay tiêu dùng phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành kế hoạch hành động phù hợp với bối cảnh phát triển thực tiễn, chẳng hạn những chương trình nhằm mục đích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực tín dụng (phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký vay trực tuyến, nộp hồ sơ ekYC, ký hợp đồng điện tử qua kênh internet/mobile banking…).
Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phạm Vũ
Nguồn: nhipcaudautu