Tìm năng lượng mới, cuộc sống mới hậu COVID
Sự phát triển của cuộc sống hiện đại đang ngày càng đẩy nhiều người Việt Nam vào bẫy “chưa già đã bệnh”.
Mặt trái của xã hội hiện đại
Chia sẻ tại sự kiện HEALTHCARE SUMMIT 2023: “Năng lượng mới, cuộc sống mới”, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật và cả dinh dưỡng.
Chúng ta đang có gánh nặng kép bệnh tật: bệnh lây nhiễm như COVID-19 còn phức tạp, còn bệnh không lây nhiễm gia tăng. Trong khi đó, bệnh không lây nhiễm tức các nhóm như ung thư, đái tháo đường… cũng đang ở mức cảnh báo vì chiếm đến trên 70% nguyên nhân tử vong do bệnh. Ngoài ra, chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cũng cao hơn 30-50 lần so với nhóm lây nhiễm.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế của Bệnh viện Hoàn Mỹ, thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Ảnh: Quý Hòa
Nguyên nhân chính là lối sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến người dân có xu hướng vận động ít hơn trong khi ăn uống không điều độ, phản khoa học. Cụ thể theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới, lượng muối nạp vào cơ thể hằng ngày khuyến cáo là dưới 5 g/ngày, người Việt Nam đang tiêu thụ gấp đôi số này. Tương tự như vậy với lượng rau hấp thụ, có đến 60% người trưởng thành không ăn đủ lượng rau khuyến nghị là 300 g/ngày.
Về mặt vận động, khuyến nghị thế giới là người Việt Nam nên hoạt động thể dục thể thao 150 phút/tuần nhưng phần lớn không vận động đủ. Lối sống không lành mạnh từ chính người lớn cũng ảnh hưởng đến trẻ em. Có một thực tế là Việt Nam đang phải khống chế tỉ béo phì ở trẻ em.
“Ngoài ra căng thẳng do công việc cũng dẫn đến việc thay đổi ăn uống, dẫn đến bệnh tật”, bà Hạnh nói.
Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB. Ảnh: Quý Hòa.
Đồng quan điểm, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB cho biết doanh chủ, giới quản lý là giới thường xuyên bị căng thẳng nhất. Thực tế cho thấy nhóm này gặp bác sĩ, tâm lý trị liệu không phải là hiếm vì căng thẳng trong công việc nhưng họ không thể chia sẻ cho ai sợ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, giá trị công ty.
“Cấp thừa hành mong đến thứ 7, sợ ngày thứ 2 thì cấp quản lý, doanh chủ cũng vậy thôi. Rất áp lực”, ông Danh nói.
Tự thay đổi để có cuộc sống hạnh phúc hơn
Bà Vũ Lê Mộng Hà, Phó Tổng Giám đốc Marketing và Hoạch định Giá trị Cam kết Công ty AIA Việt Nam cho biết tuổi thọ trung bình người Việt Nam hiện nay là 75 tuổi, thấp hơn khoảng 10 năm so với Nhật và Singapore.
“Giấc mơ 10 +” là chiến dịch được Công ty thúc đẩy và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính các nhân sự của AIA vì để có cuộc sống khỏe mạnh, chất lượng hơn thì mỗi người phải đánh thức động lực sống khỏe mỗi ngày.
Có một thực tế là những người lớn tuổi trong Công ty có xu hướng quan tâm sức khỏe nhiều hơn so với thế hệ trẻ. Điều này cần phải thay đổi vì phải bảo vệ sức khỏe phải được thực hiện ngay khi cơ thể còn trẻ, khỏe.
“Sự phát triển của công nghệ giúp việc tự chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn nhưng nếu không có động lực từ chính bản thân thì sẽ không có tác dụng”, bà Hà cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Diễm Chi, Giám đốc Điều hành ProCoach đa phần mọi người có xu hướng chăm sóc người thân trước mà quên đi chính mình. Câu nói “Tôi không có thời gian” là lời từ chối quen thuộc của đa số mọi người khi được đề cập đến việc chăm sóc bản thân.
Như trước khi ngủ, thay vì sử dụng điện thoại, mọi người có thể nghe nhạc thư giãn tinh thần trước rồi hãy ngủ. Đa số mọi người đều làm ngược lại là tìm đến giấc ngủ khi thể xác mệt mỏi, điều này là rất dễ gây nên căng thẳng cho bản thân.
Bà Nguyễn Thị Diễm Chi, Giám đốc Điều hành ProCoach. Ảnh: Quý Hòa.
Tương tự như vậy, buổi sáng thay vì sử dụng điện thoại mọi người có thể dành 3 đến 5 phút thời gian cho chính mình, tập hít thở, khởi động các khớp hoạt động thường xuyên trong ngày như cổ tay, khuỷu tay, hông…
“Hãy chăm sóc năng lượng chính mình trước rồi hãy nghĩ đến người xung quanh”, bà Chi nói.
Ở góc độ doanh chủ, cấp quản lý ông Danh của CIB cho biết phải xây dựng văn hóa công ty hạnh phúc. Theo đó đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải hòa mình cùng nhân viên trong từng giai đoạn của công ty khi họp chiến lược phải kích thích tinh thần sáng tạo thay vì áp đặt hay khi tới giai đoạn thực thi chiến lược bán hàng tâm lý chung của cả công ty phải phấn khích và cảm thấy đạt các chỉ tiêu là thử thách cho bản thân thay vì tâm lý bị áp đặt.
Cuối cùng, để cân bằng cuộc sống gia đình và công việc, ông khuyên các doanh chủ hãy để đầu óc thư giãn nhất khi về nhà, có thể là đi bộ quanh nhà 5 phút trước khi vào nhà và dành thời gian để quan sát các thành viên trong gia đình.
“Nhà là nơi đem lại hạnh phúc. Đừng đem áp lực công việc về nhà”, ông Danh nói.
Huy Vũ
Nguồn: nhipcaudautu