Tiếp tục kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành bán lẻ
Tổng mức bán lẻ tháng 9/2023 ước đạt 525.000 tỉ đồng, tăng 2,4% so với tháng 8 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ tháng 9 tiếp tục đà tăng trưởng so với cả tháng trước lẫn cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, họ chú ý mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ là tích cực nhưng vẫn chậm đáng kể so với các tháng trước (hầu như luôn trên 10%), sự chậm lại chủ yếu ở nhóm bán lẻ hàng hóa.
Yuanta Việt Nam cho rằng, điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn do bị ảnh hưởng thời gian qua và một lý do khác là người dân tăng tiết kiệm thay vì tiêu dùng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 4.568 nghìn tỉ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sức mua tiếp tục duy trì mạnh mẽ.
“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về tiềm năng mạnh mẽ của ngành bán lẻ trong trung – dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ngành bán lẻ trở lại với tốc độ tăng trưởng nhanh như trước (trên 10%). Một phần nguyên nhân do tỉ lệ thất nghiệp trong quý III/2023 ước tính tăng lên 2,78%. Theo đó, chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian để kinh tế hồi phục, nhu cầu lực lượng lao động dồi dào cũng như sức mua người tiêu dùng thật sự quay lại tốc độ tăng trưởng nhanh như trước đây”, Yuanta Việt Nam nhận định.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cuộc chiến giành giật thị phần vẫn tiếp tục căng thẳng ăn mòn biên lợi nhuận các công ty bán lẻ ICT (công nghệ và truyền thông).
Theo tổ chức này, các chính sách kích thích kinh tế cần thêm thời gian để có tác động rõ rệt. Dù mặt bằng lãi suất giảm tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức khá thấp, hết tháng 8/2023 tăng trưởng chỉ đạt mức 5,3% so với mức 9,5% cùng kỳ năm trước, cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất e ngại trong việc mở rộng trong khi các ngân hàng cũng hướng đến mục tiêu an toàn vốn.
Theo KBSV, lãi suất giảm sẽ phần nào kích thích lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vốn là một khoản doanh thu khá lớn đối với các công ty bán lẻ, đỉnh điểm doanh thu từ trả góp của Thế Giới Di Động chiếm khoảng 40% doanh thu, FPT Retail khoảng 20%. “Chúng tôi đưa ra quan điểm ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi nhờ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên tốc độ hồi phục sẽ chậm và sẽ rõ nét hơn kể từ năm 2024”, KBSV nhận định.
Ngoài ra, tín hiệu hồi phục bắt đầu xuất hiện. Sau khi ban hành nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa kích thích nền kinh tế, tín hiệu hồi phục của ngành đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023, đạt mức 50,5 điểm. Sự phục hồi ngành sản xuất mang đến kỳ vọng thu nhập cải thiện, qua đó tác động tích cực đến ngành bán lẻ.
Nhật Anh
Nguồn: nhipcaudautu