Tiền nhiều để… nghỉ hưu?

Tháng Chín 10, 2022by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_tien_nhieu_de_nghi_huu-e1663517506183.jpg

Cuộc sống sau khi kiếm đủ tiền và nghỉ hưu có thật sự an nhàn và màu hồng như nhiều người đang nghĩ?

Cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến nhiều người đang hưởng cuộc sống an nhàn ở Anh vỡ mộng. Chi phí sinh hoạt leo thang buộc những người theo phong trào về hưu non trở lại nơi làm việc. 

Tỉ lệ người trên 50 tuổi đang đi làm hoặc đang tìm việc đã gia tăng đáng kể ở Anh so với trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh, có hơn 116.000 người trên 50 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021.

Nhiều người nghỉ hưu đang tận hưởng cuộc sống trong sự bất an. Những kế hoạch về hưu và an hưởng tuổi già của họ giờ đã phá sản.

Đại gia về hưu non

Ông Nguyễn Trung Dũng, một doanh nhân thành đạt, từng nghỉ hưu khi kiếm đủ tiền lo cho cuộc sống của mình khi về già. Kinh doanh thành công trong lĩnh vực thực phẩm, năm 2003, ông Dũng quyết định bán lại công ty của mình cho Tập đoàn Technocom tại Ukraine với giá 6,5 triệu USD.

Lăn lộn trên thương trường Ba Lan từ năm 18 tuổi, ông Dũng quyết định hưởng thụ khoản tiền của mình. Với số tiền kha khá, vị đại gia trong ngành thực phẩm quyết định mua biệt thự cách thành phố đang sống 40 km, ngay cạnh rừng bảo tồn dưới chân núi với diện tích 17.000 m2 để hưởng thụ cuộc sống vương giả, một cuộc sống mà ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.

“Cứ tưởng đó là mục đích kiếm tiền của mình, hóa ra không phải”, ông Dũng nhớ lại. “Khi con người ta có nhiều thời gian, nhiều tiền, xung khắc càng mạnh hơn. Tôi cảm thấy cuộc sống trống rỗng, các niềm vui tiêu tiền chỉ bù đắp được một thời gian đầu”.

Ông Dũng quyết định khởi nghiệp một lần nữa khi về Việt Nam làm việc ở tuổi 50 dù không hề có chút khó khăn về tài chính. Hiện tại, khi đã 60 tuổi, ông Dũng đang làm Tổng Giám đốc một công ty thực phẩm.

“Niềm vui của tôi thật đơn giản. Tôi ở chung cư, đi làm bằng xe máy. Nhưng đây là quãng đời hạnh phúc nhất của tôi”, ông chia sẻ.

Cách nghỉ hưu của ông Dũng có khác so với những gì ông Nguyễn Xuân Châu đang làm. Gần 40 năm lăn lộn trên thương trường và đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý trong các tập đoàn lớn như Him Lam, Novaland, Sacomreal, Sun Group, ông Châu quyết định về hưu ở tuổi 50.

Đối với vị doanh nhân này, về hưu là một bước đệm để ông dần an nhàn hơn với công việc và chuyển sang làm những điều mà bản thân yêu thích. Ông Châu nói nhiều hơn về chuyện đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao và tập trung hơn vào các hoạt động thiện nguyện.

Từ khi mới tốt nghiệp tiểu học, ông đã bắt đầu lăn lộn kiếm sống và trải qua nhiều chông gai để đạt được thành quả như hiện tại. Ở tuổi 50, ông Châu quyết định hướng cuộc đời của mình theo cách thong dong hơn với các hoạt động từ thiện, chăm sóc cho cộng đồng.

Câu chuyện nghỉ hưu sớm của ông Châu không mấy xa lạ với đại đa số người Việt. Thực tế nhiều doanh nhân khi đã có đủ khoản tiền như dự tính đã bán lại công ty hoặc cho thuê lại nhà máy để tận hưởng cuộc sống và chọn những công việc nhẹ nhàng hơn như tư vấn chiến lược, kinh doanh quy mô nhỏ hơn.

Nghỉ hưu theo phong cách Jack Ma

Câu chuyện nghỉ hưu sớm của tỉ phú Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, cũng là một điển hình của việc không nghỉ hưu. Ở tuổi 54, ông Jack Ma tuyên bố sẽ từ chức để theo đuổi đam mê suốt đời của ông là giáo dục.

Với các doanh nhân lớn như ông Jack Ma, việc rời thương trường ở độ tuổi 50 như vậy hiếm khi xảy ra, bởi thực tế đó là độ tuổi “chín” về kinh nghiệm, thành công. Jack Ma nói nghỉ hưu nhưng bản thân làm những công việc giáo dục và làm những công việc yêu thích. Trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, Jack Ma chia sẻ chuyện về hưu của ông không có nghĩa là chấm dứt, mà thực sự là mở ra một thời đại mới với ông. Ông nói sẽ dành nhiều thời gian và tài sản của mình hơn cho giáo dục.

Trào lưu FIRE (Financial Independence, Retire Early) được giới trẻ hưởng ứng và mục đích là về hưu khi ở tuổi 30. Tuy nhiên, nhiều người nghỉ hưu khi 30 tuổi nhưng sau đó lại quyết định đi làm vì số tiền dành dụm đã cạn sau một thời gian nghỉ ngơi đi du lịch hoặc cảm thấy nhàm chán. Kết quả của một cuộc khảo sát do Goldman Sachs Asset Management tiến hành vào cuối năm 2021 cho thấy 25% Gen Z có kế hoạch nghỉ hưu trước tuổi 55.

Nhiều người nghỉ hưu khi 30 tuổi nhưng sau đó lại quyết định đi làm vì số tiền dành dụm đã cạn sau một thời gian nghỉ ngơi đi du lịch hoặc cảm thấy nhàm chán. Ảnh: xframeb

Còn tại Việt Nam, người lao động đang có xu hướng nghỉ hưu sớm mặc dù độ tuổi nghỉ hưu quy định tại đây còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Báo cáo “Thách thức không ngừng” của HSBC cho thấy phần lớn trong số người khảo sát (68%) đã bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.

Thanh Hương

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button