Tiền đề và tiền mặt để tăng trưởng
Để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, đại đô thị TP.HCM tiếp tục cần những cơ chế đặc thù, vượt trội, cũng như nguồn lực đầu tư đúng tầm.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra những con số cho thấy sự sôi động của thành phố này, khi chỉ số về giao thông hầu như chiếm 25-30% cả nước. Thế nhưng, áp lực hạ tầng khiến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho thành phố khoảng 6 tỉ USD mỗi năm. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định: “TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước nhưng tất cả cửa ngõ của thành phố hiện đang ách tắc. Nếu tình hình này không được giải quyết, chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam!”.
Bộ mặt yếu kém của giao thông phần nào nói lên nguyên nhân vì sao TP.HCM đang có xu hướng tụt hậu so với các địa phương khác. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng trưởng 5,6%, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,5%, trong khi cả nước tăng 5,9%.
“Vai trò, vị thế của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm là một nghịch lý”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định. Đồng thời, ông chỉ ra những nguyên nhân chính cản trở đà tăng trưởng của TP.HCM: không chỉ thiếu ngân sách mà còn thiếu tự chủ trong việc điều hành phát triển, thiếu nguồn lực hỗ trợ đúng tầm, thiếu quy hoạch vùng, thiếu liên kết sức mạnh giữa các địa phương trong vùng…
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cũng bổ sung lý do cho “sự thụt lùi” của thành phố. Đó là hạ tầng vùng không được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chi ngân sách trên tổng thu ngân sách của vùng ở mức thấp (25-26% tổng thu)…
Với vị thế là một đại đô thị tại khu vực, TP.HCM được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính và quốc tế, trung tâm logistics, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế… Để đạt được các mục tiêu lớn này, TP.HCM đề xuất được những cơ chế đặc thù nhằm tạo ra một hành lang đủ lớn, đặc biệt là việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho vùng nhiều hơn nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư cho các dự án trọng điểm.
Để trở thành một đại đô thị tại khu vực đúng nghĩa, TP.HCM còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Quý Hòa
Trước đó, trong đề án Điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, TP.HCM nhiều lần kiến nghị việc tăng tỉ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm (2020-2030) cần nâng từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước.
Nghị quyết 54 do Quốc hội ban hành trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù này cho TP.HCM còn nửa vời khiến thành phố chưa được quyền chủ động thực hiện nhiều vấn đề đã cho phép mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp tục có đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đầu tư phát triển thành phố. Trước câu hỏi vì sao TP.HCM cũng như vùng Đông Nam Bộ đã có cơ chế riêng nhưng vẫn đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù, vượt trội, người đứng đầu chính quyền TP.HCM giải thích: “Ở đây không phải xin tiền cho người giàu mà chúng ta tăng thêm nguồn lực, điều kiện để TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm tốt vai trò đầu tàu của mình đối với nền kinh tế của cả nước, từ đây phân bổ nguồn lực cho sự phát triển chung của quốc gia”.
Riêng tại TP.HCM, ước tính với 1% để lại tăng thêm, ngân sách thành phố có thêm 2.000 tỉ đồng, gọi thêm vốn xã hội được 18.000-20.000 tỉ đồng và cả trăm ngàn tỉ đồng nếu tỉ lệ điều tiết lại cho TP.HCM tăng lên 23%… Khoản ngân sách này trước mắt giúp thành phố giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hiện nay, trước khi tiến tới các mục tiêu đưa thành phố trở thành siêu đô thị, vùng động lực kinh tế kết nối khu vực phía Nam.
Để trở thành một đại đô thị tại khu vực đúng nghĩa, TP.HCM còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh hạ tầng hoàn chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thành phố còn cần nhiều giải pháp hữu hiệu giảm ô nhiễm không khí, giảm xả rác, ngập lụt, giảm tội phạm, tăng phúc lợi cho người dân… Vì thế, để đạt được những mục tiêu thực tế trong 5 năm tới, TP.HCM thực sự phải chạy đua xây dựng cơ chế đặc thù trong bối cảnh tốc độ hoàn thiện thể chế đang chậm hơn so với yêu cầu phát triển.
Minh Đức
Nguồn: nhipcaudautu