Tích hợp mua sắm trực tuyến và cửa hàng truyền thống

Tháng Sáu 12, 2024by MINH0
tuvanthuanthanh_tich_hop_mua_sam_truc_tuyen_va_cua_hang_truyen_thong-e1718892977832.jpeg

Mua sắm đa kênh đang là xu hướng, nhưng việc quản lý nhiều kênh bán hàng một lúc thường tạo tỉ lệ thất thoát lớn nếu không có công nghệ hỗ trợ.

Các chủ cửa hàng trên toàn cầu từng xem thương mại điện tử là mối đe dọa ngày càng lớn. Tuy nhiên, giờ đây nhiều cửa hàng truyền thống đang phát triển mạnh sau khi tích hợp với trải nghiệm mua sắm trực tuyến.

Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ ở các nước sử dụng các cửa hàng của họ để làm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến. Theo hãng nghiên cứu GlobalData, gần 42% đơn đặt hàng thương mại điện tử ở Mỹ trong năm 2023 được xử lý ở các cửa hàng, tăng từ khoảng 27% vào năm 2015,

Nhiều nhà bán lẻ nhận thấy việc thu hút và giữ chân khách hàng nếu không có cửa hàng thực tế là quá tốn kém và khó khăn. Việc sử dụng các cửa hàng làm điểm nhận và trả hàng giúp giảm chi phí nhân công, đóng gói và vận chuyển liên quan đến các đơn đặt hàng trực tuyến. Chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl’s giờ đây xử lý hơn 1/3 lượng đơn hàng trực tuyến tại các cửa hàng. Tỉ lệ này của 2 chuỗi siêu thị Walmart và Target lần lượt là hơn 50% và gần 100%.

Ngày càng nhiều nhà bán lẻ lớn tích hợp trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số tại cửa hàng của họ. Chuỗi cửa hàng thời trang Abercrombie & Fitch, cũng đầu tư mạnh vào công nghệ để thực hiện nỗ lực này. Hiện tại, công ty thiết kế các địa điểm để khách có thể đến lấy những sản phẩm đã đặt mua trực tuyến một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Mới đây, Zebra Technologies Corporation công bố Nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu lần thứ 16. Theo đó gần 80% người mua sắm toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương ủng hộ kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm tại cửa hàng. Tuy nhiên cũng có 82% nhà bán lẻ cho rằng thực trạng gian lận/thất thoát hàng hóa một thách thức đáng kể của hình thức bán hàng đa kênh. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), năm 2022, các nhà bán lẻ đã mất 112 tỉ USD do thất thoát, tăng gần 94 tỉ USD vào năm 2021.

Nghiên cứu của Zebra cho thấy, khi mua sắm đa kênh tiếp tục phát triển, lượng hàng hóa đổi trả cũng tăng theo. Khoảng 70% nhà bán lẻ toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương cho biết, họ đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cải thiện hiệu quả và chi phí quản lý các đơn hàng, đổi trả hàng và quy trình thực hiện đơn hàng trực tuyến. Đó là lý do lĩnh vực công nghệ phân tích dành cho hoạt động bán lẻ đang được doanh nghiệp quan tâm ngày càng nhiều.

Nhân viên tại cửa hàng là đối tượng vui mừng nhất với khoản đầu tư công nghệ này. Trong số các nhân viên xử lý đổi trả hàng từ các đơn hàng trực tuyến, gần 3/4 cho rằng sự đổi trả thường xuyên từ khách hàng là thách thức hàng đầu của họ. Năm nay, việc đổi trả dễ dàng đã trở thành lý do hàng đầu khiến khách hàng chọn mua sắm tại các cửa hàng nhiều hơn.

Zebra nhận định: “Các nhà bán lẻ đang nhận ra rằng cần ứng dụng công nghệ một cách thông minh cho việc xử lý đổi trả hàng. Trong bối cảnh người tiêu dùng mong muốn đổi trả hàng nhanh và thường xuyên hơn, các nhà bán lẻ phải nỗ lực quản lý sự gia tăng chi phí cho khả năng giám sát hàng tồn kho, hậu cần ngược và tỉ lệ đổi trả cao”.

Cẩm Tú

Nguồn: nhipcaudautu

MINH


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button