Thương mại điện tử: Cuộc chơi đến hồi gay cấn
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang diễn ra cuộc đấu khá khốc liệt giữa những tay chơi ở cả trong và ngoài nước. Có những cái tên kiên trì trụ lại cùng với việc đổ thêm hàng ngàn tỉ đồng vào thị trường, song cũng có những cái tên đã phải lần lượt ra đi.
Chờ cơ hội ở tương lai
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2015 quy mô thị trường TMĐT cả nước đạt khoảng 4 tỉ đô la Mỹ. Đến năm 2018, thị trường này vươn lên 7,8 tỉ đô la, tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%/năm. Nếu tốc độ tăng trưởng này được duy trì trong hai năm tới thì quy mô thị trường sẽ đạt 13 tỉ đô la vào năm 2020, cao hơn mục tiêu 10 tỉ đô la trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ đề ra.
Tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng theo các chuyên gia, nếu so sánh với quy mô dân số thì thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn còn nhỏ và còn nhiều tiềm năng. Đây chính là lý do mà ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ vào thị trường TMĐT Việt Nam để chờ cơ hội sinh lợi trong tương lai.
Chẳng hạn, tập đoàn VNG đã bán trang 123mua.vn cho FPT; Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã “khai tử” Deca.vn; hay Lingo.vn, Vuivui.vn, Robins.vn… đã ngừng hoạt động.
“Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng”, trang Beyeu.com cay đắng nói lời chia tay thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng TMĐT là “cuộc chơi” dài hơi dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Nói cách khác, đây là cuộc đua đường dài, không thể có thành quả trong ngày một ngày hai.
Tham gia thị trường TMĐT Việt Nam ở giai đoạn đầu (2001), ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, cho biết hiện nay đơn vị này chỉ duy trì trang web chodientu.vn, còn trang ebay.vn do NextTech bắt tay hợp tác với ebay.com (Mỹ) phát triển đã bị dừng đầu tư do Ebay tại Đông Nam Á đang đuối sức.
Ông Bình cho biết gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường này và họ chấp nhận đầu tư chịu lỗ lớn để thu hút khách hàng, chiếm thị phần. Chính điều này khiến cho “cuộc chơi” TMĐT càng trở nên khốc liệt và nhiều doanh nghiệp không còn tiền đầu tư phải bỏ cuộc.
Ai chịu lỗ giỏi hơn?
Nhìn qua kết quả kinh doanh của các trang TMĐT đình đám ở Việt Nam hiện tại, có thể thấy thị trường đang trải một cuộc đua “đốt tiền”. Trong giai đoạn 2015-2016, Lazada lỗ gần 1.000 tỉ đồng mỗi năm; đến năm 2018, mức lỗ của doanh nghiệp này lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này đều được Rocket Internet (trước đây) và hiện là tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đầu tư.
Tương tự, Shopee ra mắt vào tháng 8-2016, lỗ 164 tỉ đồng chỉ trong vài tháng hoạt động của năm đó. Mức lỗ lên hơn 600 tỉ đồng vào năm 2017 và 1.900 tỉ đồng vào năm 2018. Mặc dù đã lỗ 2.700 tỉ đồng trong ba năm qua nhưng mãi đến đầu quí 2-2019, trang TMĐT này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên trang.
Tiki cũng không may mắn hơn. Là doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ, Tiki đã phải gọi vốn từ các cổ đông trong và ngoài nước như VNG, JD.com, Sumitomo… Năm 2018, Tiki huy động được khoảng 920 tỉ đồng vốn đầu tư nhưng lỗ tới 760 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2017. Các chuyên gia cho rằng để tiếp tục chạy đua trong năm 2019 thì doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục gọi thêm vốn.
Mặc dù vậy, sau cuộc đua “đốt tiền” nói trên, các trang TMĐT của Việt Nam hiện đã có chỗ đứng trong khu vực. Cuối năm 2018, theo thống kê của iPrice, trong 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á thì Việt Nam đóng góp tới năm cái tên. Trong đó có hai cái tên đến từ nước ngoài là Lazada và Shopee, còn lại là các trang của doanh nghiệp Việt Nam gồm Tiki, Thegioididong và Sendo.
Cũng theo iPrice, nhóm 10 trang web dẫn đầu về lượng truy cập tại Việt Nam trong quí 1-2019 lần lượt là Shopee, Tiki, Lazada, Thế Giới Di Động, Sen Đỏ (Sendo), Điện Máy Xanh, FPT Shop, A Đây Rồi, CellphoneS và Vật Giá.
Nhận xét về tình hình trên, ông Bình của NextTech Group cho rằng những doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trên thị trường TMĐT là những doanh nghiệp chấp nhận lỗ lớn. Tuy nhiên đây không hẳn là những công ty có thể tồn tại đến cuối cuộc chơi.
“Trong quá khứ, có những doanh nghiệp nổi lên rất mạnh trong chỉ 1-2 năm nhưng sau đó đã phải đóng cửa. Với thực tế như vậy nên không ai dám nói trước điều gì. Đây là cuộc chơi của những đối thủ có tiềm lực tài chính và là cuộc đua đường dài”, ông Bình nói.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn