Thúc đẩy nhân viên ra khỏi “vùng bình yên”
Nếu thường xuyên đối diện với những xáo trộn, đứng trước những hoàn cảnh mới, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt và tỉnh táo hơn. Ở góc độ quản trị nhân sự, nhân viên sẽ giỏi hơn nếu được thúc đẩy ra khỏi “vùng bình yên”.
Nhân viên có khuynh hướng cảm thấy thoải mái khi mỗi ngày đến công sở được ngồi làm việc ở nơi quen thuộc, làm việc với những nhóm người mà họ đã quen biết, thực hiện những dự án mà họ đã hiểu rõ. Tương tự, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy thoải mái với những ngày làm việc không có xung đột, than phiền hay phải chạy đua với thời gian và nghĩ rằng một môi trường làm việc bình yên như thế sẽ tạo ra những kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, Scott Belsky, Giám đốc sản phẩm của Adobe, tác giả cuốn The Messy Middle: Finding Your Way Through the Hardest and Most Crucial Part of Any Bold Venture (tạm dịch: Trưởng thành từ những khó khăn và thử thách) cho rằng đây là một quan niệm sai lầm, bởi sự thoải mái ấy sẽ sinh ra tự mãn và trì trệ. Khi đó, nhân viên sẽ không còn hứng thú để học hỏi, khám phá những cái mới. Nhân viên sẽ gắn kết với tổ chức hơn khi mới nắm bắt được những điều thu hút họ, nhưng khi đã hiểu rõ các công việc, nhiệm vụ và có thể kiểm soát chúng, họ sẽ có khuynh hướng mất đi sự quan tâm ban đầu.
Theo Belsky, nếu thường xuyên đối diện với những xáo trộn, đứng trước những hoàn cảnh mới, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt và tỉnh táo hơn. Belsky đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các nhà lãnh đạo “khuấy động” môi trường làm việc để tạo ra một đội ngũ nhân sự vững mạnh.
“Khi còn là một nhà quản lý trẻ, tôi nghĩ nhiệm vụ chính của mình là làm cho nhân viên gắn kết với những trách nhiệm hiện tại của họ. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng nhân viên còn muốn có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, ngay cả khi họ đang cảm thấy thoải mái về công việc, vị trí hiện tại.
Nếu bạn không cho họ một cơ hội, hay ít nhất khuyến khích họ đón nhận những thách thức mới thì bạn sẽ làm mất động lực làm việc của những nhân viên trẻ, còn những nhân viên thâm niên nhưng không được thăng tiến cũng sẽ cảm thấy chán và bắt đầu tìm việc ở những nơi khác”, Belsky chia sẻ.
2. Nhân viên sẽ giỏi hơn nếu được thử thách thường xuyên
Thăng tiến cho nhân viên là một cách để đưa họ ra khỏi “khu vực thoải mái” của mình. Tuy nhiên, Belsky cho rằng nhà lãnh đạo cũng có thể làm một số cách khác để khuyến khích nhân viên phát triển.
Ví dụ, General Electric rất nổi tiếng với các chương trình luân chuyển cán bộ từ mảng động cơ sang mảng đèn chiếu sáng. Các chương trình này được xây dựng với mục đích làm lan tỏa các thực tiễn hoạt động tốt nhất đến các đơn vị kinh doanh và phát triển năng lực lãnh đạo cho cán bộ, đồng thời giữ lại nhân tài chủ chốt của doanh nghiệp.
Một số công ty khác giao thêm cho nhân viên “những nhiệm vụ gia tăng” hay những dự án đặc biệt đòi hỏi họ phải sử dụng thêm những kiến thức, kỹ năng không phải là chuyên môn chính của mình, chẳng hạn như phát triển một sản phẩm mới hay một khu vực thị trường mới.
3. Những thay đổi nhỏ có thể tạo ra một tác động lớn
Theo Belsky, nhân viên có thể hưởng lợi từ những thay đổi trong môi trường và các quy trình làm việc. Tác giả khuyên các nhà lãnh đạo nên quan sát nhân viên để tìm hiểu những điều từng tạo ra hứng thú cho họ trong công việc nhưng nay đã trở thành những chuyện bình thường.
Chẳng hạn, những bảng biểu trên tường về kết quả hoạt động kinh doanh từng thu hút sự quan tâm của nhân viên nay có thể trở nên lỗi thời và cần phải được làm mới. Một số cuộc họp có thể trở nên nặng nề, không hiệu quả và cần được thay đổi nội dung, cách thức tổ chức. Hoặc nếu nhân viên chỉ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp thành nhiều nhóm nhỏ thì doanh nghiệp sẽ thiếu đi một môi trường văn hóa mang tính cộng đồng, hợp tác cao.
Trong trường hợp này, Belsky khuyên doanh nghiệp nên cân nhắc thay đổi chỗ ngồi của nhân viên định kỳ 6-12 tháng một lần. “Ngồi làm việc cùng với những đồng nghiệp mới sẽ tạo cho nhân viên cơ hội phát triển những mối quan hệ mới, trao đổi những khía cạnh mới trong công việc”, Belsky giải thích.
ĐÔNG DƯƠNG
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online