Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng

Tháng Năm 4, 2023by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_thi_truong_bao_hiem_nhan_tho_nhieu_tiem_nang_tang_truong-e1684081255600.jpg

Thu nhập người dân tăng nhanh là môi trường thuận lợi cho việc phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2021 tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 159.458 tỉ đồng, tăng 22% so với năm trước bất chấp tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 49.549 tỉ đồng, tăng trưởng 18,5%. Việc đẩy mạnh số hóa và tăng cường liên kết với các ngân hàng giúp doanh số bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao.

9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới chỉ tăng 6,35%, đạt 37.677 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỉ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong giai đoạn 2015-2022, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm tăng từ 61 doanh nghiệp lên mức 78 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm phát triển nhanh khi tỉ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm kép (CAGR) của toàn ngành bảo hiểm đạt mức trung bình 20,7%/năm giai đoạn 2015-2022. Đáng chú ý, doanh thu CAGR phi nhân thọ chỉ tăng trưởng 11,98%/năm, trong khi doanh thu CAGR nhân thọ lên đến 26%/năm trong giai đoạn này, nhờ thu nhập người dân tăng nhanh là môi trường thuận lợi cho việc phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm giai đoạn 2021-2025 đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, và giai đoạn 2026-2030 đạt mức 10%/năm. Mục tiêu đến năm 2030, có 18% người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ. “Chúng tôi đánh giá mục tiêu này là phù hợp theo đà tăng của thu nhập người dân kỳ vọng đạt 7.500 USD/năm thời điểm năm 2030”, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Trong khi đó thời gian gần đây, lãi suất có xu hướng giảm mạnh, điều này được đánh giá sẽ làm giảm thu nhập từ tiền gửi ngân hàng của các công ty bảo hiểm. Ngoài ra, trích lập dự phòng toán học tăng lên sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Về triển vọng dài hạn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tỉ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ đến cuối năm 2021 mới chỉ đạt 11%. “Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới đạt 15%/năm. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn với sự xâm nhập của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, chúng tôi kỳ vọng doanh số ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có tốc độ tăng trưởng ở mức 1 chữ số mỗi năm trong 5 năm tới”, ACBS nhận định.

Nhật Anh

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button