Thanh toán không tiền mặt: Cần cơ chế chia sẻ dữ liệu

Tháng Năm 18, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_thethanhtoan-e1558165687709.png

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định: Muốn áp dụng thanh toán điện tử rộng rãi cho các dịch vụ, cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Tiền mặt- thói quen khó bỏ

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết thương mại điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).

Cũng từ thực tế đó, ngành ngân hàng luôn thể hiện mong mỏi “đưa mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile”. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, đó là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều.

Thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhấn mạnh: Thứ nhất, thói quen của người tiêu dùng đang là rào cản lớn nhất. Hiện 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu. Thứ hai là nhiều doanh nghiệp ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới. Và thứ ba là chưa có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia.

Quy tắc 3-1-0: làm được không phải dễ

Theo ông Dũng, những dịch vụ ngân hàng chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn. Quy tắc này, hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. “Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ”, ông Dũng nhận xét.

Về vấn đề sử dụng dữ liệu, ông Dũng cho rằng rào cản nằm ở sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông… cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan.

Ngoài những rào cản về mặt cơ chế, ông Dũng cho rằng một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng. Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước. Ông cho rằng cải thiện lòng tin của khách hàng sẽ tạo ra sự thay đổi trong quy trình thanh toán thương mại điện tử.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, tháng 6/2019, NHNN sẽ là cơ quan Bộ đầu tiên tại Việt Nam đề xuất lên Chính phủ về xây dựng cơ chế sandbox (khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát).

Hiện nay, tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch rất nhiều, vì vậy ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP TPBank cho rằng, ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố… Ông Hưng đề xuất: Nếu Chính phủ có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở để các ngân hàng khai thác thì có thể hạn chế được nhiều. Hiện nay TPBank mới tra cứu được các thông tin về mã số thuế, bảo hiểm xã hội. “Tuy nhiên, mặc dù thông tin đó đúng nhưng việc người mang thông tin đó đến ngân hàng làm thủ tục có đúng hay không thì chúng tôi không chắc chắn được. Nếu có thêm các yếu tố về sinh trắc học như vân tay, mống mắt… thì tỷ lệ giả mạo sẽ giảm nhiều”, ông nói.

Theo ông Hưng, TPBank là đơn vị đầu tiên triển khai ngân hàng điện tử hoạt động ngày đêm không cần giao dịch viên. Ngân hàng cũng phải mất hơn nửa năm để thuyết phục cơ quan quản lý cho phép xác thực khách hàng từ xa qua hệ thống điện tử. Nhờ đó, TPBank cũng thu thập được vân tay, giọng nói, gương mặt. “Đó là những sinh trắc không làm giả được. Và sau này chúng tôi sẽ phân tích dữ liệu đó và vận dụng. Đến nay, khách hàng có thể dùng vân tay đó để đi rút tiền mà không cần mang theo thẻ, không sợ bị làm thẻ giả để rút tiền tại ATM”, ông Hưng nói. Tuy nhiên, theo đại diện TPBank, nếu sử dụng dữ liệu theo cơ chế bắc cầu, dùng thông tin từ một đơn vị khác thì chỉ cần một đơn vị làm không đúng sẽ bị ảnh hưởng cả hệ thống.

Ông Đào Minh Tuấn – Vietcombank cho rằng, việc chia sẻ dữ liệu có rào cản nhất định vì dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao. Do đó, đại diện nhà băng cho rằng với yếu tố này cần có sự tham gia của Nhà nước. Ngoài ra, theo ông, cần có những quy chuẩn về công nghệ khi triển khai. Ông lấy ví dụ, hiện mỗi trạm BOT lại áp dụng một chuẩn mực khác nhau khi thu phí nên khó khăn cho các ngân hàng.

N.Phương

Theo DNSG Online

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button