Tác động trái chiều từ biến động tỉ giá đến các doanh nghiệp
Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỉ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán VNDirect, tỉ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ăn, thịt, sữa và đường sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Thức ăn chăn nuôi, sản xuất thịt: DBC, BAF, HAG
Do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỉ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Tuy nhiên VNDirect cho rằng BAF và HAGL sẽ ít bị ảnh hưởng bới biến động tỉ giá hơn các công ty cùng ngành. BAF có thể được hỗ trợ giá đầu vào từ Tập đoàn Tân Long trong khi HAGL có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thịt sẽ bị ảnh hưởng do giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng. Tuy nhiên, giá lợn được dự báo tăng 5% so với cùng kỳ vào năm 2023 có thể làm giảm tác động của giá nguyên liệu đầu vào.
Xuất khẩu gạo: LTG, PAN, TAR
Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu đều được thanh toán bằng đồng USD, do đó biến động tỉ giá USD sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng, do đó với những doanh nghiệp nào đã giao hàng rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng. Tuy nhiên, đối với những đơn hàng chưa giao thì khách hàng sẽ e ngại, vì tránh tác động USD tăng họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn khác. Bên cạnh đó, VNDirect cho biết họ cũng nhận thấy LTG đang có khoản nợ ngắn hạn 69 triệu USD (chiếm 49,5% tổng nợ ngắn hạn). Do đó, VNDirect cho rằng chi phí tài chính của LTG sẽ tăng trong bối cảnh tỉ giá hối đoái tăng.
Xuất khẩu thủy sản: VHC, FMC
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ được hưởng lợi khi giá USD tăng cao do phần lớn các giao dịch hiện đều thanh toán bằng USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường chính của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (chiếm khoảng 60%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đối mặt cùng lúc 2 sức ép, đó là giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh với sản phẩm nước khác, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do thiếu hụt nguồn cung.
Sản xuất đường: QNS, SBT
Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện. Năm 2021, SBT đã sản xuất 708.000 tấn đường, trong đó khoảng 210.000 tấn từ mía và phần còn lại là từ đường thô nhập khẩu. Trong khi đó, QNS cũng lên kế hoạch nhập khẩu 5.000 tấn đường thô để tinh luyện đường RE (đường tinh luyện được chế biến từ đường thô hoặc mía hay củ cải đường). Do đó, VNDirect cho rằng QNS và SBT sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động tỉ giá với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho biết họ cũng kỳ vọng giá đường tiếp tục tăng trong 2023. Do đó, giá đường cao hơn có thể bù đắp những tác động của việc tăng tỉ giá hối đoái đối với biên lợi nhuận.
Nhật Anh
Nguồn: nhipcaudautu