Startup đua vào vũ trụ
Cuộc đua bay vào vũ trụ đang nóng lên với sự tham gia của ngày càng nhiều startup được rót vốn lớn.
Chuyến bay dưới quỹ đạo với quãng đường 89,5 km chỉ kéo dài trong vài phút ngắn ngủi. Nhưng đối với Ấn Độ, tên lửa phóng bởi Skyroot Aerospace vào ngày 18/11/2022 – tên lửa đầu tiên do một công ty tư nhân phát triển – là một sự kiện mang tính lịch sử. Bởi vì chuyến bay này mở đầu cho vô số chuyến bay tư nhân của Ấn Độ sẽ cất cánh trong những tháng tới.
Hơn một tuần sau đợt phóng tên lửa của Skyroot Aerospace, 3 vệ tinh được sản xuất bởi 2 startup Ấn Độ khác đã được phóng vào vũ trụ. Vệ tinh được sản xuất bởi Pixxel là vệ tinh đầu tiên trong hàng chục vệ tinh cung cấp hình ảnh chi tiết về trái đất. 2 vệ tinh được sản xuất bởi Dhruva Space với mục đích chứng minh cho khách hàng tiềm năng rằng Công ty có thể sản xuất, triển khai và vận hành các vệ tinh thành công. Đợt phóng tên lửa tư nhân thứ 2 của Ấn Độ sẽ do Agnikul Cosmos thực hiện vào tháng 12 này.
Cũng trong tháng 11, tại Trung Quốc, Galactic Energy đã đưa 5 vệ tinh lên quỹ đạo và đó là lần phóng thành công thứ 4 của startup này. Tại Nhật, Space One, được cấp vốn bởi Canon Electronics và IHI Corp, dự kiến phóng 20 tên lửa nhỏ mỗi năm vào giữa thập niên này.
Hàng ngàn đợt phóng vệ tinh nhỏ dự kiến sẽ diễn ra trong vài năm tới khi các công ty xây dựng mạng lưới để cung cấp dịch vụ băng thông rộng cho đến các ứng dụng vệ tinh như theo dõi chuỗi cung ứng hay các giàn khoan ngoài khơi.
Dòng vốn rót mạnh vào ngành này đã trở thành bệ đỡ quan trọng cho nhiều startup. Số liệu của Space Capital cho thấy ngành vũ trụ tư nhân đang cất cánh với khoảng 265 tỉ USD đã được rót vào các startup kể từ năm 2014 (tính đến ngày 3/11/2022). Trong đó, gần 50% rót vào các công ty ở Mỹ và 30% vào các công ty Trung Quốc.
Astranis Space Technologies, chẳng hạn, đã gọi được 250 triệu USD vòng C vào tháng 4/2021. Relativity Space thu hút 650 triệu USD cho dự án mở rộng phát triển tên lửa có thể tái sử dụng Terran R vào tháng 6/2021. ABL Space Systems đã gọi được 200 triệu USD vào tháng 10/2021. Hay tháng 5/2022 SpaceX đã gọi được 1,5 tỉ USD, định giá công ty này ở mức 125 tỉ USD.
Chi phí phóng vệ tinh cho mỗi kg có thể giảm xuống còn gần 10 USD từ mức hàng ngàn USD hiện tại. Ảnh: T.L
SpaceX, do tỉ phú Elon Musk sáng lập vào năm 2002, đang đứng đầu về số lượng vệ tinh được phóng lên vũ trụ. Công ty tư nhân này nổi tiếng với một loạt dự án như cung cấp các chuyến bay chở hàng cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, đi tiên phong trong các vệ tinh Starlink nhằm cung cấp internet băng thông rộng đến cả những vùng hẻo lánh trên thế giới. Tính đến tháng 8/2022 có khoảng 2.800 vệ tinh Starlink của SpaceX đã bay vòng quanh trái đất, dự kiến sẽ tăng lên 12.000 vệ tinh trong vài năm tới. Giữa tháng 9 năm ngoái, SpaceX đã đưa 4 du khách vào không gian trong 3 ngày, đánh dấu chuyến bay thương mại vào vũ trụ đầu tiên mà không có một phi hành gia chuyên nghiệp.
Nhưng SpaceX đang phải đối mặt với một loạt đối thủ mới đang không ngừng cải tiến công nghệ. Skyroot Aerospace, chẳng hạn, cho biết sẽ đưa vệ tinh lên quỹ đạo trong năm 2023 và dự kiến cắt giảm chi phí phóng tới 50% so với mức hiện tại của các đối thủ lâu năm như Virgin Orbit, Rocket Lab USA Inc. Skyroot đặt mục tiêu phát triển các tên lửa chỉ bằng 1/5 chi phí hiện tại của ngành này. Tên lửa của Skyroot trong đợt phóng thử vào ngày 18/11 sử dụng các thành phần sợi carbon và các bộ phận in 3D. Điều đó đã tăng tính hiệu quả tới 30%, theo Skyroot, cắt giảm được trọng lượng tên lửa và chi phí mua sắm. Với công nghệ in 3D, Skyroot tin rằng có thể xây dựng một tên lửa mới chỉ trong 2 ngày khi Hãng đang tiến tới phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng, một công nghệ tiên phong bởi SpaceX.
Skyroot tin rằng chi phí phóng vệ tinh cho mỗi kg có thể giảm xuống còn gần 10 USD từ mức hàng ngàn USD hiện tại, một mục tiêu có thể giúp nâng cao tính kinh tế của ngành thương mại vũ trụ. Pawan Chandana, đồng sáng lập Skyroot, dự kiến nhu cầu sẽ tăng mạnh đối với dịch vụ phóng của Công ty một khi phóng thành công vào năm tới.
Sự phát triển thần tốc của Skyroot và các công ty vũ trụ tư nhân khác là kết quả từ sự thay đổi lớn trong chính sách của Ấn Độ vào năm 2020. Có thể thấy dù Ấn Độ đã gia nhập ngành vũ trụ từ lâu nhưng vẫn chỉ là một người chơi nhỏ. Bằng chứng là doanh thu từ nền kinh tế vũ trụ của Ấn Độ ước đạt gần 10 tỉ USD mỗi năm, chiếm chỉ khoảng 2% tổng doanh thu của thế giới. Chính quyền của ông Narendra Modi muốn thay đổi điều này, tin rằng sự tham gia mạnh mẽ của các startup sẽ tạo bệ đỡ giúp Ấn Độ thăng hạng trong bảng tổng sắp thế giới. Trước thời điểm năm 2020, các doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể đóng vai trò là các nhà cung cấp cho Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) do Chính phủ điều hành. Theo chính sách mới, cơ quan này giờ cung cấp các nghiên cứu, công nghệ, cơ sở vật chất và thậm chí những cựu nhân viên có kinh nghiệm cho các công ty tư nhân. Một cơ quan mới là IN-SPACe đã được lập nên để phụ trách cuộc chuyển giao này.
Chính sách mới của Ấn Độ đã thu hút rất nhiều hồ sơ đăng ký. Trong đó, 68 công ty muốn sản xuất hàng hóa cho các chuyến bay, 30 công ty muốn sản xuất tên lửa và phụ kiện, 57 công ty muốn phát triển các trạm mặt đất hoặc khai thác dữ liệu từ vũ trụ để phục vụ cho nhiều ngành như theo dõi sản xuất thép cho đến định vị các đàn cá trên biển.
Cũng chính sự cởi mở trong chính sách đã giúp các startup Ấn Độ ghi điểm trong mắt nhà đầu tư. “Cách đây vài tháng, khi nói chuyện với nhà đầu tư, một câu hỏi lớn họ đặt ra cho chúng tôi là liệu Chính phủ có ủng hộ chúng tôi hay không?”, Bharath Daka, đồng sáng lập Skyroot, nói.
Đó là lý do mặc dù hầu hết các startup Ấn Độ đang gặp khó khăn trong huy động vốn do môi trường vĩ mô thế giới không thuận lợi nhưng các startup vũ trụ lại là ngoại lệ. Vào tháng 11, GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, đã rót 50 triệu USD vào Skyroot hay Agnikul đã huy động được 20 triệu USD. “Ngày càng nhiều vốn được rót vào và nhiều người chơi mới tham gia”, Pawan Goenka, đứng đầu IN-SPACe, nhận xét.
Văn Quốc (Tổng hợp)
Nguồn: nhipcaudautu