Siết hạn mức ví điện tử: Thiệt cho thanh toán không dùng tiền mặt
Hạn mức giao dịch qua ví điện tử (VĐT) đang được đề xuất ở mức tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức.
Nên để người dùng tự định đoạt
Tại một hội thảo góp ý do VCCI tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – ông Cấn Văn Lực – cho rằng, hạn mức giao dịch qua VĐT cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người đang tăng và tiêu dùng cá nhân cũng đang gia tăng rất nhanh. Từ đó, hạn mức đặt ra cần tránh không gây kìm hãm thanh toán điện tử.
Trong khi đó, theo góc nhìn của ông Trần Quang Huy – Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, VĐT về bản chất là tài sản của người dùng. Do đó, người dùng cần được quyền định đoạt đối với tài sản của mình.
Cho rằng thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn vì thế cần có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thành Hưng đơn cử: Các giao dịch về đặt vé máy bay hay book tour trong lĩnh vực du lịch thường được thanh toán trực tuyến có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức được đề xuất. Chính vì thế, nếu giới hạn hạn mức thấp sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán điện tử.
Trong báo cáo về số hóa tiền mặt tại ASEAN vừa được ngân hàng Standard Chartered công bố, Việt Nam đứng đầu khu vực về việc sử dụng tiền mặt thanh toán khi mua hàng online, với 90,17%.
Hiện nay, VĐT là một trong các kênh dùng để thanh toán trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Sự ngộ nhận rằng VĐT chỉ dùng để thanh toán các khoản chi tiêu nhỏ, lặt vặt dường như không được các chuyên gia đồng tình. Đa phần ý kiến cho rằng, VĐT để thanh toán các khoản lớn hay nhỏ, hãy để người dùng và thị trường tự quyết định.
Sao chỉ được mở 1 ví/người?
Hiện nay, người dùng Internet Banking và Mobile Banking tại các ngân hàng hoàn toàn có thể tự cài đặt các hạn mức khác nhau từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng/lần giao dịch hoặc trong một ngày và không có qui định hạn mức theo tháng.
Một người dùng hiện nay cũng có thể mở hơn một tài khoản tại một ngân hàng. Từ thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thành Hưng đã tỏ ra băn khoăn trước đề xuất hạn chế mỗi người dùng chỉ được mở một VĐT tại một tổ chức cung ứng. Theo ông Hưng, người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối VĐT khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.
Trong báo cáo về số hóa tiền mặt tại ASEAN cũng chỉ ra rằng, hiện Việt Nam mới có 30,8% dân số có tài khoản ngân hàng. Việc khuyến khích và thúc đẩy không dùng tiền mặt đang được triển khai từ chủ trương chính sách cho đến định hướng kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Việt Nam đã có trên 20 triệu tài khoản đăng kí dùng ví điện tử nhưng mới chỉ có 4,2 triệu ví liên kết với tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên tới thời điểm này, trong số hơn 20 triệu VĐT đã được đăng kí sử dụng thuộc 20 tổ chức vận hành ví, chỉ mới có khoảng 4,2 triệu ví liên kết với tài khoản ngân hàng. Đây là một tỉ lệ còn quá thấp cho dù các tổ chức vận hành ví đã tung ra không ít chương trình kích thích liên kết VĐT với tài khoản ngân hàng.
Trên thực tế, muốn thúc đẩy không dùng tiền mặt thì trọng tâm cần làm thay đổi từ nhận thức đến hành vi chính là các cá nhân người dùng đầu cuối chứ không phải là các tổ chức. Việc nới hạn mức giao dịch VĐT có thể giúp thúc đẩy người dùng mạnh dạn hơn liên kết ví với tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Lao Động