Rủi ro “ESG mì ăn liền”

Tháng Tám 26, 2024by MINH0
tuvanthuanthanh_rui_ro_esg_mi_an_lien-e1725356292714.jpg

Dữ liệu ESG đang là rào cản chính đối với các doanh nghiệp trong nước.

4 chai nhựa được cắm úp ngược xuống đất tại 4 góc của vườn cà phê rộng chừng 1 ha. Khi hơi nước bám ở mặt trong thành chai dần biến mất, người nông dân Tây Nguyên biết rằng, đã đến đợt tưới cho vườn cà phê.

Con số chưa được quan tâm

Thạc sĩ Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam, cho biết đây là sáng kiến của chính những nông dân Việt Nam và được Công ty Nestlé phổ cập tới các nông hộ liên kết trực tiếp. Ông Khuê ước tính, nhờ ý tưởng trên, lượng nước tưới cho cà phê đã giảm từ 50-60% và số tiền tiết kiệm quy đổi có thể lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Nông dân sử dụng nước ít đi, doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tài nguyên nước tránh được lãng phí lớn và nguồn tiền cũng có thể được nhãn hàng tái đầu tư cho cộng đồng bằng các dự án an sinh xã hội. Đây là kiểu sáng kiến nhỏ có liên quan tới phát triển bền vững ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Với vai trò là người chuyên tư vấn lộ trình thực hành ESG cho doanh nghiệp, ông Khuê cho rằng, để những sáng kiến nhỏ tạo ra thành quả được đong đếm cụ thể như trên, các tập đoàn lớn trên thế giới đều có kho dữ liệu về phát triển bền vững được tập trung hóa, viện dẫn số liệu gắn với từng quy chuẩn quốc tế, kèm thông tin, bằng chứng minh bạch để xác tín. Từ đó, báo cáo ESG đạt độ chính xác khá cao.

Trái lại, rất khó để có thể tìm ra doanh nghiệp Việt thực hiện được đầy đủ các yếu tố trong báo cáo ESG. Nguyên nhân là doanh nghiệp trong nước chủ yếu tập trung kiểm toán về “dòng tiền” trong báo cáo tài chính hằng năm nhưng “dòng vật chất” và “dòng năng lượng” – những yếu tố quan trọng khi thực hành ESG chưa được quan tâm và hạch toán khớp với dòng tiền. Đơn cử, lượng vật liệu sản xuất ra bị tồn kho dài kỳ sẽ được hạch toán vào báo cáo kiểm kê khí nhà kính của năm nào? Điều này có thể làm doanh nghiệp bối rối về mặt số liệu. Nhiều đơn vị lại có tâm thế chờ đợi doanh nghiệp cùng ngành làm, sau đó, sử dụng số liệu trong chuỗi tương thích để lập báo cáo. Do vậy, số liệu ESG có độ đảm bảo không cao.

Báo cáo Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC cũng từng chỉ ra, dữ liệu đang là rào cản chính đối với các doanh nghiệp hoạt động trong nước. Kết quả khảo sát trên của PwC cho thấy, phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam (71%) chưa bắt đầu hoặc chỉ mới bắt đầu hiểu các dữ liệu ESG cần thiết. Thêm vào đó, chỉ 36% doanh nghiệp xác nhận báo cáo ESG của họ được soát xét và xác minh bởi các đối tác độc lập bên ngoài.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam, cho hay, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, song chỉ các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG trong báo cáo thường niên.

Mặc dù vậy, hầu hết các thông tin được cung cấp đều ở mức cơ bản, không có sự xác nhận của bên thứ 3, ngoại trừ một số lượng khiêm tốn các công ty có chứng chỉ quốc tế. Do các tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam chưa có hoặc chưa chính thức triển khai, các tổ chức tài chính như HSBC phải dùng tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này có thể quá cao đối với hầu hết các công ty, khiến họ không thể tiếp cận được nguồn tài chính bền vững.

“Chỉ 5-10% doanh nghiệp có nền tảng đủ các yếu tố thành phần để theo đuổi lộ trình ESG. Điều đáng lo là nhiều doanh nghiệp đang tìm đến công ty tư vấn với mong muốn “xào nấu” dữ liệu, tạo ra các báo cáo ESG theo kiểu “mì ăn liền”, đại diện TUV NORD Việt Nam nói.

Sự tỉ mỉ trong ghi chép

Dù doanh nghiệp chưa đạt chứng nhận ESG nhưng ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết ông học được quá nhiều điều từ việc ghi chép, thống kê dữ liệu của bạn hàng nước ngoài.
Hơn 10 năm trước, đối tác mua hàng của Nhật đã yêu cầu doanh nghiệp ghi chép chi tiết nhật ký sản xuất, họ phỏng vấn ngẫu nhiên lao động trong nhà máy để thẩm tra tính chính xác số liệu. Không chỉ nhìn vào thành phẩm đầu ra mà người Nhật còn muốn hiểu quy trình, công đoạn đằng sau thành phẩm. Từ đó, nếu có vấn đề phát sinh, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tìm được đúng điểm tạo lỗi, ngăn chặn kịp thời. Đó là lối tư duy dữ liệu hóa không thể đại khái và không chấp nhận chắp vá các con số.

Hiện GC Food sản xuất khoảng 30.000 tấn nha đam và thạch dừa thành phẩm mỗi năm, xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó, bạn hàng ở các nước nhập khẩu mong doanh nghiệp tuân thủ lộ trình thực hành ESG, cùng tạo thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất bền vững của họ, giúp hệ sinh thái có lợi khi bán hàng. Đó là lý do vì sao đối tác phải tới doanh nghiệp, tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất cũng như quản trị của GC Food. “Quy trình trên cho thấy sự chuẩn hóa, khắt khe của doanh nghiệp quốc tế khi theo dõi thực hành ESG tại bất kỳ mắt xích nào có liên quan trong hệ sinh thái của họ”, ông Thứ nói với NCĐT và cho rằng ESG là chặng đường dài thách thức của giới doanh nghiệp.

Có thể thấy, cái khó khi hệ thống hóa, logic hóa chính xác dữ liệu trong báo cáo ESG lại thúc đẩy mạnh tính minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm giải trình, đồng thời nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng và nhà đầu tư. Do đó, có tới 82% người tham gia khảo sát của PwC từ các ngành khác nhau đã chọn hình ảnh thương hiệu và danh tiếng chính là lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG.

Bà Vũ Thị Liễu, sáng lập kiêm CEO của Ecosoi, công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu sợi thiên nhiên từ lá dứa, khẳng định, những doanh nghiệp thực hành ESG liêm chính cần thời gian để chuẩn hóa, kết nối các dòng dữ liệu thực tế. Đây là chặng đường dài nhưng quả ngọt sẽ được gặt hái trong tương lai. “Khó mấy doanh nghiệp cũng phải làm, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, bà Liễu nói.

Trần Chung

Nguồn: nhipcaudautu

MINH


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button