Rủi ro của các doanh nghiệp thường đến từ đâu?
Sau những biến động mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi cùng nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, những rủi ro từ bên ngoài vẫn còn hiện hữu khi kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Điển hình như kinh tế Mỹ đã có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, rồi lạm phát, lãi suất tăng và những rủi ro chính trị trên thế giới. Ngoài ra, những vấn đề lạm phát toàn cầu có thể là sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và câu chuyện về lãi suất, về tỉ giá hối đoái cũng đang có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ở chiều tích cực thì nhiều ý kiến đánh giá sau những bài học từ các khủng hoảng kinh tế trước đây, các hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào việc quản trị rủi ro để phòng, chống tối đa các rủi ro.
Các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với những thách thức gì?
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho rằng thực tế thì chúng ta vừa mới ra khỏi đại dịch và các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất là nhiều và chưa kể là các biến cố liên quan đến những biến động ở trên thị trường và trên thế giới, ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế trong nước cũng như của các doanh nghiệp.
Ví dụ như lạm phát trên thế giới biến động, đồng USD lên giá mạnh và lãi suất khi mà trong những tháng gần đây FED đã tăng lên rất là cao. Thêm vào đó là những vấn đề về địa chính trị. Trong bối cảnh này, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đều tăng lên, gây sức ép nhất định lên lạm phát ở trong nước. Điều này dẫn đến việc Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Theo ông Nguyễn Hưng, đó là cả một chuỗi các sự kiện xảy ra và sẽ có những ảnh hưởng nhất định cũng như gây khó thêm cho các doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, vị đại diện của TPBank cho hay chúng ta cũng có thể hy vọng các tháng cuối năm có thể tình hình sẽ tốt lên. Bởi vì theo Ngân hàng Thế giới cũng như một số các tổ chức uy tín khác, kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng trưởng cao hơn với tỉ lệ khoảng từ 6,9-7,5%.
Vậy rủi ro của các doanh nghiệp đến từ đâu?
Theo chia sẻ của ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS), sau khi đại dịch trôi qua thì nền kinh tế thế giới đã xảy ra rất nhiều sự kiện và Việt Nam của chúng ta cũng chịu sức ép từ những biến động trên thế giới.
COVID-19 qua đi, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được bình thường hóa trở lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn với những năm trước đó, điều này dẫn đến nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế lớn lên và nguy cơ lạm phát ở trong nội tại cũng như là của thế giới tác động đến Việt Nam sẽ lớn lên rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước của chúng ta có những chính sách điều hành đến tỉ lệ tăng trưởng tín dụng nằm trong một khuôn khổ, đảm bảo được cả hai yếu tố là ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Điều này đâu đó dẫn đến việc các doanh nghiệp khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn để phát triển trong giai đoạn vừa qua.
Theo ông Minh Tuấn, rủi ro đối với doanh nghiệp thì thường đến từ ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất là rủi ro thị trường. Thứ hai là rủi ro hoạt động vận hành của doanh nghiệp. Thứ ba là rủi ro tài chính của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Trong suốt một quá trình chúng tôi làm tư vấn, hầu hết các doanh nghiệp thì năng lực về vốn thường rất là yếu. Sau 1 quá trình sản xuất kinh doanh lõi đạt được những thành công nhất định. Người ta mở rộng sang các hoạt động đầu tư khác nhưng nguồn vốn thì lại cơ cấu không được chặt chẽ. Người ta cơ cấu những nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất cũng như trong các lĩnh vực bất động sản thường thì gặp phải vấn đề này dẫn đến mất cân đối và mất cơ cấu các hoạt động tài chính”, ông Tuấn nói thêm.
Nhật Anh
Nguồn: nhipcaudautu