Quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube: Doanh nghiệp phải nộp thay thuế nhà thầu
Doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube ngày càng nhiều và do Facebook, Google, YouTube không có trụ sở tại Việt Nam nên doanh nghiệp trực tiếp giao kết hợp đồng quảng cáo với các tổ chức này sẽ không có hóa đơn để cân đối đầu vào, đầu ra mặc dù có chi phí thực.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có Công văn 2501/TCT-CS (Công văn 2501) hướng dẫn khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube.
Cụ thể, theo Công văn 2501, mặc dù Facebook, Google, YouTube không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng dịch vụ quảng cáo với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các tổ chức này thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 103/2014/TT-BTC (Thông tư 103) và phải nộp thuế nhà thầu (bao gồm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp -TNDN) theo quy định pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại điều 11 của Thông tư 103, việc nộp thuế trong trường hợp này được thực hiện thông qua doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube (nộp thuế thay).
Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định tại Thông tư 103 trước khi thanh toán phí dịch vụ cho Facebook, Google, YouTube. Sau khi nộp thuế thay cho Facebook, Google, YouTube, doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng chứng từ nộp thuế GTGT thay cho các tổ chức nước ngoài này để khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Cần lưu ý, Công văn 2501 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật nên không đưa ra các quy phạm mới, mà chỉ hướng dẫn cách thức áp dụng quy định tại Thông tư 103 vào một trường hợp cụ thể. Trên thực tế, cơ quan thuế đã từng có những công văn hướng dẫn khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp này, như Công văn 1550/TCT-CS ngày 24-4-2018 của Tổng cục thuế, Công văn 22454/CT-TTHT ngày 23-4-2018 của Cục thuế thành phố Hà Nội… nhằm giải quyết những thắc mắc, băn khoăn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng kịp thời cập nhật và biết cách thức xử lý các vấn đề liên quan tới thuế của các hợp đồng quảng cáo giao kết với Facebook, Google, YouTube dù đã có các quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức khấu trừ và nộp thuế thay. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về vấn đề khấu trừ và nộp thuế thay này trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng với các tổ chức không có hiện diện tại Việt Nam để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình.
Số thuế nhà thầu phải nộp = (Doanh thu tính thuế GTGT x Thuế suất thuế GTGT) + (Doanh thu tính thuế TNDN x Thuế suất thuế TNDN)
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ quảng cáo chịu thuế GTGT/TNDN mà Facebook, Google, YouTube nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản chi phí do doanh nghiệp Việt Nam trả thay Facebook, Google, YouTube (nếu có). Cần lưu ý rằng không phải trường hợp nào doanh thu tính thuế GTGT cũng bằng doanh thu tính thuế TNDN (xem chi tiết phần thuế suất bên dưới).
– Thuế suất áp dụng cho hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo (theo mục 1, điểm a, khoản 2, điều 12; mục 2, điểm a, khoản 2, điều 13 của Thông tư 103):
- Đối với thuế GTGT: 5%. Cần lưu ý nếu dịch vụ quảng cáo không được sử dụng ở Việt Nam thì dịch vụ này không chịu thuế GTGT.
- Đối với thuế TNDN: 5% bất kể dịch vụ quảng cáo được sử dụng tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
Cần lưu ý trong trường hợp hợp đồng bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau hoặc một phần giá trị hợp đồng không thuộc diện chịu thuế, doanh nghiệp Việt Nam cần phân tách doanh thu tính thuế đối với từng hoạt động kinh doanh theo quy định tại hợp đồng để áp dụng mức thuế suất phù hợp. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế trên doanh thu cao nhất đối với ngành nghề kinh doanh cho toàn bộ giá trị hợp đồng.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành nộp thay thuế nhà thầu thông qua ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước là đơn vị được ủy quyền thu ngân sách nhà nước.
Nguyễn Mai Phương
Nguồn: Kinh Tế Sài Gòn