QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG
Tiền mặt là sức sống của một doanh nghiệp. Khi sức sống này suy giảm đồng nghĩa với việc công ty cũng gặp khó khăn trong việc cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh, tái đầu tư và thanh toán. Khi ra quyết định đầu tư, việc đánh giá được sự ổn định của dòng tiền của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Một cách hiệu quả để nắm được tình hình tiền mặt của doanh nghiệp đó là tìm hiểu thực tế quản lí vốn lưu động của doanh nghiệp ấy.
VẬY VỐN LƯU ĐỘNG LÀ GÌ?
Vốn lưu động là tiền mặt được sử dụng phục vụ cho hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, cụ thể hơn, là được dùng cho việc biến đổi các nguyên liệu thô sang thành phẩm để bán ra thị trường. Những yếu tố quan trọng nhất của vốn lưu động bao gồm: mức tồn kho, khoản phải thu và khoản phải trả. Các nhà phân tích sẽ nghiên cứu các yếu tố này để đánh giá mức độ hiệu quả và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.
Hãy tìm hiểu một ví dụ đơn giản như sau: Một công ty nước sốt mì ống sử dụng 100 đô la để xây dựng nhà kho để chứa cà chua, hành tây, tỏi và các gia vị khác. Một tuần sau, công ty chế biến các nguyên liệu trên để sản xuất ra nước sốt rồi chuyển cho khách hàng. Một tuần tiếp sau nữa, công ty nhận được tiền chuyển khoản từ khách hàng. Như vậy, 100 đô la “đọng” trong 2 tuần nói trên chính là vốn lưu động của công ty. Nếu công ty càng bán nhanh được lượng nước sốt mì ống, họ sẽ thu được tiền để tái sản xuất nhanh hơn. Nếu như các nguyên liệu bị tồn lại trong kho nghĩa là lượng tiền mặt dùng để mua chúng bị “mắc kẹt” lại ở công ty và không giúp công ty mở rộng hoạt động kinh doanh mì ống. Tồi tệ hơn, công ty sẽ gặp phải trường hợp thiếu hụt tiền mặt để thanh toán các khoản chi và đầu tư sinh lời. Vốn lưu động cũng bị “kẹt” lại khi khách hàng không thanh toán các khoản chi đúng hạn hay nhà cung cấp yêu cầu thanh toán gấp.
Công ty quản lí vốn lưu động càng tốt thì nhu cầu vay vốn sẽ càng ít đi. Kể cả các công ty có dư tiền mặt cũng cần quản lí vốn lưu động của mình để đảm bảo rằng lượng tiền dư ra ấy được đầu tư một cách thích hợp nhất.
KHÔNG PHẢI CÁC CÔNG TY ĐỀU GIỐNG NHAU
Một số doanh nghiệp có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác. Ví dụ các công ty bảo hiểm nhận được các khoản thanh toán phí bảo hiểm trước khi phải chi trả bất kì khoản nào. Tuy nhiên, họ có thể phải chi trả nhiều khoản trong tương lai nếu có phát sinh các quyền đòi bồi thường bảo hiểm từ khách hàng.
Thông thường, các công ty bán lẻ lớn như Wal-Mart (Mã giao dịch: WMT) không phải quan tâm nhiều đến khoản phải thu vì khách hàng của họ thanh toán ngay tại chỗ. Như vậy, tồn kho là vấn đề lớn nhất của một doanh nghiệp bán lẻ và họ phải thực hiện những phán đoán phân tích tồn kho rất nghiêm ngặt nếu không muốn bị đánh bật ra khỏi thị trường trong một thời gian ngắn.
Thời gian thanh toán cũng là một vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp. Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất phải chịu chi phí trả trước rất lớn trước khi bắt đầu có thu nhập. Hầu hết thời gian họ tiêu chứ không tạo ra tiền.
ĐÁNH GIÁ DOANH NGHIỆP
Nhà đầu tư nên ưu tiên các công ty chú trọng vào quản lý chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng các điều khoản thương mại được tối ưu hóa. Thời gian thu hồi tiền hàng tồn đọng (DSO) là một chỉ số tốt về phương thức quản lý vốn lưu động. DSO là số ngày trung bình mà một công ty cần để thu hồi lại tiền bán hàng sau khi đã bán được hàng. Công thức tính như sau:
KHOẢN PHẢI THU/DOANH SỐ BÁN HÀNG TRONG NĂM/365 NGÀY
DSO tăng là một dấu hiệu cho thấy công ty đang gặp vấn đề, cụ thể là công ty đang mất nhiều thời gian hơn để thu lại số tiền bán chịu. Thêm nữa công ty cũng sẽ không có đủ tiền mặt để chi trả các khoản nợ ngắn hạn vì chu kì tiền mặt bị kéo dài ra. Vấn đề DSO tăng cao sẽ càng nghiêm trọng hơn đối với các công ty đang thiếu tiền mặt.
Tỉ lệ quay vòng hàng tồn kho là cũng là một công cụ rất tốt trong việc đánh giá độ hiệu quả của công tác quản lí vốn lưu động. Tỉ lệ vòng quay hàng tồn kho là số lần mà hàng hóa tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ (tức là tốc độ quay vòng hàng tồn kho). Công thức tính như sau:
GIÁ VỐN HÀNG BÁN/HÀNG TỒN KHO
Nhìn chung, tỉ lệ quay vòng hàng tồn kho cao là dấu hiệu tốt cho kinh doanh. Sản phẩm ở trong kho sẽ không tạo ra tiền cho công ty. Nếu như vậy, tỉ lệ này tăng có nghĩa là nhà quản lí đang kì vọng doanh số bán hàng tăng và sẽ đưa hàng vào kho để chuẩn bị trước.
Với các nhà đầu tư, tỉ lệ quay vòng hàng tồn kho có ý nghĩa nhất khi được so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, một thị trường mà các công ty có tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho là 6 lần/năm thì công ty nào chỉ đạt được 4 lần/năm nghĩa là kém hiệu quả.
Dell, tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới, đã sớm nhận ra rằng để tăng giá trị cho cổ đông thì tốt hơn hết là phải quản lí vốn lưu động thật hiệu quả. Chuỗi cung ứng đẳng cấp quốc tế của Dell giúp họ luôn giữ DSO ở mức thấp. Cải tiến trong quay vòng hàng tồn kho khiến dòng tiền gia tăng và loại trừ rủi ro thanh khoản, điều ấy giúp Dell có nhiều tiền mặt hơn trên bảng cân đối để phân phối cho các cổ đông hoặc các kế hoạch tăng trưởng vốn ngân sách.
Khả năng quản lí vốn lưu động tuyệt vời của Dell chắc chắn là tốt hơn các nhà quản lí khác vì họ không quan tâm đúng mức đến những vấn đề cốt lõi của công việc này. Một số lãnh đạo công ty thường cho rằng vay vốn hoặc phát hành cổ phiếu là cách duy nhất để cải thiện dòng tiền. Vì thế khi gặp trường hợp thiếu tiền mặt, thay vì tập trung vào thiết lập mức quay vòng hàng tồn kho và giảm DSO, thì họ lại thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và tái cấu trúc tràn lan làm cho vấn đề càng thêm nghiêm trọng về sau.
KẾT LUẬN
Tiền mặt là vua – điều này lại càng đúng trong bối cảnh quá trình tìm vốn ngày càng trở nên khó khăn. Bỏ ngoài tai câu nói này có lẽ là một sơ suất không thể tha thứ được đối với bất cứ nhà đầu tư nào. Phân tích quản lí vốn lưu động sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách một công ty quản lí tiền mặt tốt như thế nào và liệu rằng họ có đủ vốn để phát triển và phân phối cho nhà đầu tư hay không.