Phát triển startup tỉ đô la từ nền tảng thương mại điện tử
Những ngành kinh tế trên nền tảng công nghệ trực tuyến đang hình thành như thương mại điện tử và tài chính công nghệ (fintech), được kỳ vọng sẽ mang lại hàng tỉ đô la cho nền kinh tế nội địa. Đây cũng chính là “mảnh đất” màu mỡ cho các “kỳ lân” (startup có trị giá hàng tỉ đô la) của Việt Nam ra đời và phát triển.
Thương mại điện tử: lợi thế từ sự tăng trưởng ổn định
Được đánh giá là một trong những ngành kinh tế có thể tận dụng nhiều cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thương mại điện tử đang góp phần tích cực vào thúc đẩy giao thương xuyên biên giới và thị trường tiêu dùng trong nước. Đây cũng là ngành có sự tăng trưởng cao và đều đặn từ năm 2015 cho đến nay.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ngành kinh tế này đã có sự phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30% vào năm 2018. VECOM tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ về doanh thu đối với phân khúc B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) vào năm 2020, đã được đưa ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.
Từ quy mô 7,5 tỉ đô la của năm 2018, dự báo quy mô của ngành thương mại điện tử sẽ tăng lên 15 tỉ đô la trong năm 2025, với sự góp phần tích cực của một loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Adayroi.
Trong năm 2018, tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã đầu tư thêm 2 tỉ đô la vào Lazada Đông Nam Á, tổng cộng Alibaba đã rót 4 tỉ đô la vào công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á này. Còn Shopee, được hậu thuẫn bởi công ty mẹ SEA (có nhà đầu tư lớn là Tập đoàn Tencent của Trung Quốc, chiếm khoảng 40% cổ phần của SEA) đã tăng thêm 50 triệu đô la vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam. Đến nay, Shopee được Tencent đầu tư 500 triệu đô la để mở rộng mạng lưới tại các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Đài Loan.
Hai doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước là Sendo đã nhận 51 triệu đô la từ 8 nhà đầu tư (gồm 4 nhà đầu tư cũ là FPT, eContext Asia, BeeNext, Beenos và 4 nhà đầu tư mới là SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures); còn Tiki vào đầu năm 2018 đã xác nhận khoản đầu tư 44 triệu đô la từ nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc là JD.com.
Adayroi chính là sàn thương mại điện tử duy nhất trong số năm cái tên nổi bật nhất hiện nay trên thị trường bán lẻ trực tuyến không được hậu thuẫn bởi các quỹ ngoại. Những cổ đông của Lazada, Shopee, Tiki, Sendo đều là các doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm chinh chiến ở các lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử. Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ với Adayroi. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này lại sở hữu một lợi thế mà không một đối thủ nào dễ dàng có được – đó chính là hệ sinh thái của Vingroup.
Với hệ sinh thái trải dài trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế, ẩm thực và cả điện thoại thông minh, công nghiệp ô tô – xe máy, Adayroi có cơ hội sở hữu một tập khách hàng khổng lồ và cực kỳ tiềm năng. Cùng với đó, các chương trình thành viên của Adayroi có thể giúp khách hàng nhận được ưu đãi từ những đơn vị khác trong hệ sinh thái của Vingroup cũng là một lợi thế cạnh tranh mà các đối thủ khác khó lòng có được.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ngày càng nóng lên, khi những gương mặt nổi bật của thế giới và châu Á như Amazon, Grab, Go-jeck nhập cuộc. Cuộc chiến dành thị phần vẫn đang nóng lên từng ngày trong thị trường quy mô 15 tỉ đô la vào năm 2025.
Fintech: lợi thế từ xu hướng bùng nổ toàn cầu
Tài chính công nghệ (fintech) có thể được xem là ngành kinh tế mới nổi đáng chú ý nhất ở Việt Nam trong thời gian gần đây, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các “ông lớn” trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê, tổng giá trị thị trường fintech Việt là 4,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017 và ước tính đến năm 2020, con số này sẽ đạt 7,8 tỉ đô la. Số lượng các công ty fintech từ 40 công ty cuối năm 2016, lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó, lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với hơn 30 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động. Tiếp đó là lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) với sự góp mặt của khoảng 10 công ty trên thị trường. Các công ty còn lại cung ứng các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng như bảo mật, e-KYC, quản lý tài sản…
Fintech tại Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT tham gia vào thị trường qua cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp fintech…
Vừa qua, ví điện tử Momo đã làm một cuộc khảo sát, dựa trên các báo cáo của các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Smartlink và các bưu điện về những khoản chuyển tiền có giá trị dưới 5 triệu đồng, qua đó dự báo quy mô thị trường lên đến 35 tỉ đô la. Đây cũng là mục tiêu mà các fintech tại Việt Nam hướng tới. Các giải pháp fintech có thể lấp vào khoảng cách lớn giữa số dân chưa có tài khoản ngân hàng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đó chính là cơ hội dành cho các doanh nghiệp công nghệ, startup Việt Nam hợp tác với các tổ chức tín dụng, nhưng cũng là thách thức lớn khi các đại gia nước ngoài như Grab, Alibaba, WechatPay đang nỗ lực thâm nhập thị trường, cạnh tranh với các fintech Việt như Momo hay Zalo.
Năm 2018, đã có 117 triệu đô la đầu tư vào các startup về fintech tại Việt Nam và trong thời gian tới, dự báo sự cạnh tranh trên thị trường sẽ rất khốc liệt.
Tận dụng cơ hội từ xu hướng phát triển của fintech, vào trung tuần tháng 9 này, FPT Software đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu giải pháp chuyển đổi số trong ngành tài chính – akaFintech. Dẫn báo cáo của công ty kiểm toán PwC về công nghệ dịch vụ tài chính năm 2020 và trong tương lai, đại diện FPT Software cho hay công nghệ trí tuệ nhân tạo, Blockchain và tự động hóa sẽ là những xu hướng chủ chốt làm thay đổi môi trường cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính.
Việc ứng dụng các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các mô hình kinh doanh mới để bứt phá trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Tổng giám đốc FPT Software, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có rất nhiều cơ hội được mở ra cũng như hàng loạt công ty nước ngoài tìm đến đầu tư. Tuy nhiên chỉ trong khoảng 5-10 năm tới, nếu doanh nghiệp Việt không thay đổi, bắt kịp sự phát triển thì cơ hội sẽ biến mất.
Hiện FPT Software đang tập trung phát triển một số nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số như akaChain, akaBot. Dựa trên nền tảng akaChain, FPT Software và Công ty Cổ phần Thương mại điện tử Bảo Kim đã phát triển, triển khai iCredit – dịch vụ liên quan đến chấm điểm tín dụng khách hàng, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiểu khách hàng rõ hơn và đánh giá chính xác những rủi ro tiềm ẩn từ khách hàng cá nhân.
Ở góc độ khác, tuy các công nghệ đã sẵn sàng nhưng theo các chuyên gia, vấn đề khó khăn nhất để phát triển fintech chính là chia sẻ dữ liệu.
Bà Estele Gonzalez, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của hãng công nghệ ThinkPower (Đài Loan) cho hay lĩnh vực fintech tại Đài Loan xuất hiện từ sớm, tuy nhiên tốc độ còn chậm so với tiềm năng. Một số nguyên nhân có thể kể đến như các ngân hàng, cá nhân chưa sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân, thiếu sự kết hợp giữa các bên tham gia.
Ngọc Ánh
Nguồn: Saigon Times