Người lãnh đạo cần làm gì trong kỷ nguyên A.I?
Khi A.I phát triển đến mức gần như thay thế con người, người lãnh đạo và bộ máy vận hành công ty cũng cần phải có những thay đổi để thích ứng.
Mới đây, sự kiện Năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên GenAI đã diễn ra trên nền tảng Zoom với sự tham gia của các diễn giả: bà Đỗ Thùy Dương, CEO Talent Pool; bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Công ty Global Leaders Crestcom Việt Nam; ông Bung Trần, Nhà sáng lập A.I Education, giảng viên Udemy.
Sự kiện xoay quanh các chủ đề về bộ năng lực quản lý lãnh đạo về huấn luyện đào tạo năng lực quản lý lãnh đạo hàng đầu thế giới; siêu năng lực trong thời đại số; phẩm chất và tư duy nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên GenAI.
Kỹ năng giao tiếp, thích ứng với sự thay đổi rất quan trọng trong thời A.I
Ông Bung Trần, nhà sáng lập A.I Education, Giảng viên Udemy nói sự ra đời của GenAI đã làm thay đổi cục diện kinh doanh của các tập đoàn lớn. Generative A.I (GenAI) còn gọi là trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Nó là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (A.I) sở hữu khả năng tạo ra nội dung hoàn toàn mới dựa trên dữ liệu mà nó được đào tạo. Khác với các mô hình A.I truyền thống tập trung vào việc phân tích và dự đoán, GenAI mô phỏng quy trình sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới mẻ, độc đáo ở nhiều định dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, mã code…
“Các công ty công nghệ Mỹ theo đuổi trào lưu công nghệ phục vụ con người. Các lĩnh vực ứng dụng A.I nhiều nhất là y học và sức khỏe. Công nghệ có thể đo lường chính xác các chỉ số về sức khỏe. Nhưng khi công nghệ phát triển đến đỉnh cao đến mức có thể thay thế công việc của các bác sĩ thì các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận rằng đôi khi chỉ cần một ánh mắt động viên thì cũng sẽ có giá trị rất nhiều so với những bảng báo cáo vô hồn”, ông Bung Trần nhận định. Theo ông Bung Trần, trong thời GenAI, nhà lãnh đạo cần có kỹ năng thích ứng cao với thay đổi, quản trị sự thay đổi, thậm chí cần phải sẵn sàng cho mọi sự thay đổi tiếp theo sau thời A.I.
Website của Crestcom thống kê 50% nhân sự sẽ phải thay đổi năng lực cho năm 2025. Bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Công ty Global Leaders Crestcom Việt Nam đã mô tả về hành trình phát triển bộ năng lực lãnh đạo của Crestcom.
Bộ kỹ năng mềm thiết yếu 2024 từ Crestcom
Từ năm 2008-2012, Crestcom đúc kết thành 10 nhóm năng lực, bao gồm: khả năng tạo động lực; quản lý thay đổi; huấn luyện và cố vấn; giao tiếp; dịch vụ khách hàng; đàm phán; quản lý mức độ hoàn thành công việc; xác định mục tiêu và lập kế hoạch; tuyển dụng, đào tạo, giữ nhân tài; quản lý căng thẳng. Và trong đó, kỹ năng huấn luyện và cố vấn là quan trọng nhất.
Nếu trong giai đoạn trước, các nhóm năng lực được sắp xếp dưới dạng skill (kỹ năng) thì đến năm 2018-2023, chúng được tổng hợp dưới các từ khóa như: thúc đẩy hướng đến kết quả; xây dựng đội ngũ phù hợp; tạo ảnh hưởng lên người khác; thấu hiểu công việc kinh doanh; triển khai tầm nhìn; khuyến khích sự xuất sắc; phát triển các mối quan hệ tích cực; phát triển trọng điểm khách hàng; thúc đẩy sáng tạo; xây dựng mô hình phát triển cá nhân.
Sau đại dịch COVID-19, xu hướng lựa chọn môi trường làm việc linh hoạt ngày càng phổ biến. Và khi lựa chọn làm việc linh hoạt thì việc có môi trường giao tiếp bị hạn chế hơn nhiều. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải tự rèn giũa kỹ năng giao tiếp.
Trong tương lai, bà Bích cũng khẳng định việc người lãnh đạo xây dựng được cho mình bộ kỹ năng mềm là điều rất quan trọng, cần thiết trong bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào.
Văn hóa sẽ “nhậu” chiến lược vào buổi sáng, “ăn gỏi” công nghệ vào buổi tối
Đó cũng chính là khẳng định của bà Đỗ Thùy Dương, CEO Talent Pool trong việc tạo ra văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa, tư duy sử dụng công nghệ trong doanh nghiệp.
Bà Dương cho biết: “Nếu cộng đồng không có tư duy sử dụng công nghệ thì cho dù có học bao nhiêu khóa học về A.I, công nghệ thì cũng không có hiệu quả”.
Một báo cáo của trường đại học Berkeley cho biết A.I không chỉ thay đổi công cụ làm việc mà nó còn thay đổi cả bản chất của doanh nghiệp.
“Nếu thay đổi bản chất thì phải thay đổi cả hệ thống, văn hóa ở bên trong. Những người định hướng chiến lược vận hành cho doanh nghiệp cần ngồi lại với CEO để quyết định dùng A.I một cách đúng lúc, đúng mực. Và cũng cần xác định chỉ chọn lọc để học và ứng dụng những thứ chủ chốt, cốt lõi từ A.I”.
Trong thời A.I, người lãnh đạo không thể thiếu kỹ năng tư duy chiến lược, định hướng phát triển, khai phá những tiềm năng con người để xây dựng đội ngũ qua việc xây dựng một hệ thống toàn diện, sẵn sàng thích ứng với A.I.
Ví dụ, có thể xây dựng những chính sách giảm thiểu giờ làm cho những nhân viên biết sử dụng A.I. Điều này sẽ khuyến khích nhân viên tự trau dồi kỹ năng A.I.
Mộc Lam
Nguồn: nhipcaudautu