Nghịch lý đào tạo nghề
Nghịch lý của thị trường đào tạo nghề nghiệp là thừa lao động giản đơn nhưng lại thiếu lao động có trình độ tay nghề cao và có những kỹ năng mới.
Pouyuen Việt Nam năm qua đã cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cũng cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tự động hóa sản xuất và số hóa dữ liệu, doanh nghiệp và quá trình này sẽ cần tuyển dụng số lượng lớn lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin…
Thừa nhiều, thiếu cũng nhiều
Xu hướng tuyển dụng lao động của những doanh nghiệp như Pouyuen đang cho thấy một bài toán lớn “vừa thừa, vừa thiếu” của thị trường lao động Việt Nam. Đó là thừa lao động giản đơn nhưng lại thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, thiếu lao động có kỹ năng mới trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Cùng với tăng trưởng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khu vực FDI thu hút bình quân mỗi năm 360.000 lao động mới. Ngoài tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động, hiện tỉ trọng lao động ở doanh nghiệp FDI trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng có xu hướng tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề hơn là các sinh viên đại học vốn chỉ giỏi lý thuyết hơn thực hành.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động trong nước chỉ có khoảng 11% lao động có kỹ năng nghề cao và hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN.
Vì thế, hậu quả là sau hơn 2 thập kỷ vừa qua, dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện năng suất lao động, song đến nay năng suất lao động của nước ta vẫn được đánh giá là thấp khi đặt trong mối tương quan với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, trong thực tế, năng suất của Việt Nam chỉ bằng 11,3% so với Singapore, bằng 23% năng suất của Hàn Quốc, bằng 33% năng suất của Malaysia, 60% Trung Quốc và 86,5% Philippines…
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục, khẳng định, trước yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra thời cơ, thách thức mới đối với giáo dục nghề nghiệp.
Nghề nghiệp 4.0
Vài năm trở lại đây có hiện tượng nổi bật là số lượng cử nhân, thạc sĩ tăng vọt khiến thị trường lao động lo ngại cung vượt quá cầu. Đây cũng là vấn đề nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới phải đối mặt, khoét sâu vào nghịch lý dai dẳng là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo ý muốn. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Điển hình như công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến nhiều công việc trở nên lỗi thời nhanh hơn.
Vì vậy, nếu không có chiến lược tuyển sinh cho các trường dạy nghề, cũng như các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như khó cải thiện năng suất lao động, tụt hậu về công nghệ.
Hàng loạt rào cản của hoạt động giáo dục nghề nghiệp được chỉ ra cần được giải quyết: không tương xứng với sự phát triển thực tế; quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu nghề đào tạo chưa bao quát toàn bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những ngành nghề mới cần kỹ năng mới…
Theo ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường còn một số bất hợp lý. Việc kết nối giữa 2 bên hiện nay đến từ sự năng động của nhà trường và tính tự nguyện của doanh nghiệp.
Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết Thành phố sẽ sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản, tăng cơ sở giáo dục chất lượng cao, giảm chồng chéo, ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học…
Kinh nghiệm tại nền kinh tế hàng đầu về đào tạo nghề như Đức cho thấy tầm quan trọng của hệ thống đào tạo nghề gắn với thực tế của doanh nghiệp. Chẳng hạn, hệ thống dạy học Dual System của nước này vừa học lý thuyết vừa thực hành ở những nhà máy sản xuất, bệnh viện hoặc nhà hàng đang kinh doanh… giúp người học khi ra trường làm việc được ngay. Hay tại Hàn Quốc, giáo dục nghề nghiệp là một trong những định hướng để đẩy mạnh quá trình đổi mới của nền kinh tế nước này. Trên thực tế, ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc chuyển sang học cao đẳng nghề do thiếu việc làm nghiêm trọng đối với người tốt nghiệp đại học
Lam Hồng
Nguồn: nhipcaudautu