NFT nhìn từ Hàn

Tháng Mười Hai 15, 2022by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_thi_truong_nft-e1672072364647.jpg

Thị trường tài sản số ở Việt Nam có viễn cảnh nóng như Hàn Quốc hiện nay.

Tại Việt Nam, công chúng chỉ mới biết đến khái niệm NFT (tài sản mã hóa được lưu trữ trên blockchain) qua những câu chuyện đình đám của game Axie Infinity, hay tin tức các nghệ sĩ bán bộ sưu tập NFT thu về hàng triệu USD. Nhưng tại xứ sở kim chi, NFT đã đi vào đời sống qua những khía cạnh thực tế như truyền hình, game, âm nhạc, ID kỹ thuật số…

Khi NFT bùng nổ

Mối quan hệ giữa công nghệ và ngành giải trí Hàn Quốc đang rất chặt chẽ. Bởi công nghệ giúp ngành giải trí giải quyết những bài toán về vận hành, kinh doanh, trong khi ngành giải trí góp phần phổ cập kiến thức công nghệ đến khán giả phổ thông nhờ âm nhạc, game, truyền hình…

Tận dụng sức ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông giải trí, Hàn Quốc đã thành lập NBN TV, là kênh truyền hình về blockchain đầu tiên tại nước này. Kênh NBN chuyên phát những nội dung liên quan đến blockchain như phỏng vấn chuyên gia trong ngành, các chương trình đào tạo hay phân tích thị trường để mọi người có thể tiếp cận kiến thức về blockchain một cách dễ hiểu nhất.

Trong khi đó, các tên tuổi lớn trong ngành âm nhạc, như Hybe – cơ quan quản lý của các siêu sao Kpop trong đó có nhóm nhạc nổi tiếng BTS – cũng đang đổ xô vào thị trường NFT. Năm 2021, Hybe tuyên bố hợp tác với nhà điều hành tiền mã hóa lớn nhất Hàn Quốc để xây dựng những sản phẩm NFT và mở NFT Marketplace.

Trong lĩnh vực thể thao như bóng chày, thẻ đại diện của các cầu thủ nổi tiếng hay những khoảnh khắc đáng nhớ trong trận đấu cũng được giao dịch dưới hình thức NFT. Điều tương tự xảy ra ở lĩnh vực game với sự bành trướng của trào lưu P2E (play-to-earn), tức là chơi để kiếm tiền thông qua mua bán các vật phẩm ảo.

Nhiều công ty game nổi tiếng đang phát triển metaverse tích hợp P2E. Họ góp phần thay đổi văn hóa trò chơi bằng cách xem xét lĩnh vực này như một ngành công nghiệp nội dung (content). Trong nghệ thuật cũng vậy. Trước đại dịch COVID-19 và sự phát triển của blockchain, việc bán các tác phẩm nghệ thuật chỉ tập trung trong cộng đồng nhỏ, nhưng hiện nay các dịch vụ như Define Arts hay Artnomics cho thuê tác phẩm nghệ thuật đã mở rộng rầm rộ hơn.

Khi mua NFT, người mua sẽ không sở hữu trực tiếp tác phẩm tại nhà mà có thể cho các quán ăn, khách sạn thuê lại để kinh doanh, đánh dấu sự chuyển hướng từ thị trường tập trung vào bộ sưu tập sang những mô hình kinh doanh mới.

Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch kênh tin tức NBN (kênh tin tức blockchain số 1 tại Hàn Quốc), nhận định, xu hướng chuyển đổi sang tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới. Thị trường tiền mã hóa toàn cầu hiện ở mức 900 tỉ USD. Riêng thị trường Hàn Quốc được ước tính trị giá lên đến 23 tỉ USD với hơn 7 triệu người dùng giao dịch mỗi ngày.

“Với tiềm năng lớn như vậy, cần nhắm đến việc khai thác thị trường vốn này như giải pháp để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn”, ông Choi Kang Yong cho biết.

Viễn cảnh tại Việt Nam

Trong năm 2021, công nghệ blockchain bùng nổ rất mạnh. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 2025, 10% GDP sẽ lưu trữ trên blockchain. 81/100 doanh nghiệp của thế giới ứng dụng blockchain, trong đó có 27 doanh nghiệp hiện đã có sản phẩm đưa vào triển khai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro mà các doanh nghiệp nói chung phải đối mặt khi ứng dụng công nghệ blockchain. Rủi ro lớn nhất vẫn là vấn đề pháp lý, đặc biệt ở Việt Nam chưa có khung pháp lý dành cho doanh nghiệp khi sử dụng blockchain. Ngoài ra, khi ứng dụng blockchain sẽ cần hệ thống về hạ tầng, với rất nhiều mạng lưới về máy chủ, đặc biệt là nhiều bên tham gia để tạo ra một hệ thống. Cuối cùng, khi triển khai, cần nhất là con người, với các chuyên gia có năng lực cao để có thể áp dụng blockchain. Khi có sản phẩm, cần giáo dục người dùng để có thể tiếp cận được công nghệ một cách dễ dàng.

Theo ông Trần Quang Chiến, sáng lập ONUS Chain, một trong những rào cản để các doanh nghiệp có thể ứng dụng blockchain là do việc ứng dụng blockchain đòi hỏi hạ tầng lớn, những chuyên gia giỏi…

Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, mặc dù Hàn Quốc mới áp dụng blockchain cách đây không lâu, nhưng đã vấp phải hàng loạt vấn đề, nhất là về kiến thức, tài chính tiền tệ, trong cả khoa học công nghệ, đào tạo, nhân sự… Do đó, việc phổ cập blockchain trên các kênh thông tin đại chúng rất quan trọng để người dân hiểu rõ về công nghệ chuỗi khối.

Ông Choi Kang Yong cho rằng, thị trường tài sản số ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, sẽ rất “nóng” trong tương lai và còn phải trải qua nhiều bài học kinh nghiệm. Giáo dục, phổ cập kiến thức là điều cần thiết để vượt qua những biến động thị trường.

Trong năm 2021, công nghệ blockchain bùng nổ rất mạnh. Ảnh: annexcloud.com

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, tốc độ chuyển đổi từ thế giới thực sang ảo ở nước này diễn ra rất nhanh sau đại dịch. Các cơ quan quản lý về tài chính gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ. Điều này góp phần gây ra thảm họa Luna, càng khiến niềm tin vào tiền điện tử của các nhà quản lý và người dùng bị xói mòn. Do đó, thị trường Hàn Quốc đang chuyển sang thời kỳ thu hẹp và thắt chặt quá trình phát triển.

Ông Mark Hwang, Chủ tịch Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc (KONCA), cho rằng quy định tại Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình rà soát, hoàn thiện. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm và quan sát, Việt Nam có thể tách bạch các quy định về tiền mã hóa và quy định NFT riêng biệt để dễ áp dụng cho thị trường.

Nhã Uyên

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button