Mỗi ngày Việt Nam thu gần 2.800 tỉ đồng từ xuất khẩu máy móc
Bình quân mỗi ngày cả nước thu về khoảng 113 triệu USD, tương đương gần 2.800 tỷ đồng từ xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/2, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt kim ngạch 5,2 tỉ USD. Như vậy, bình quân mỗi ngày xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng thu về khoảng 113 triệu USD (tương đương gần 2.800 tỉ đồng).
So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 11,92% (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 500 triệu USD). Hiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước (sau 2 nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện), đến 15/2, riêng nhóm hàng này chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,57 tỉ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 39% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong tháng 1.
Các thị trường lớn khác nằm ở châu Á như: Hàn Quốc với 278 triệu USD, tăng 40,8%; Trung Quốc với 271 triệu USD, tăng 50%…
Con số xuất khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỉ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam đạt 16,5% so với năm 2021.
Cụ thể, đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn chưa nhiều; những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỉ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 15 lần so với năm 2010.
Trong đó, thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI ước đạt 42,58 tỷ USD, tăng 19,74% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng gần 93% (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).
Cẩm Tú
Nguồn: nhipcaudautu