Mảnh ghép giao nhận của TikTok
Sẽ không có gì bất ngờ nếu TikTok tham gia vào lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử.
Giữa tháng 10 chị Ngọc Phương (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đặt đơn hàng điện tử từ TikTok Shop, thời gian giao nhận dự kiến gần 4 ngày dù đơn vị bán hàng cùng thành phố đã làm chị Phương đổi ý. Sau đó chị đặt cùng món hàng đó trên một sàn thương mại điện tử khác với cùng mức giá và nhận được hàng sau 2 ngày.
Điều bắt buộc
Giao nhận luôn là vấn đề đối với các sàn thương mại điện tử có lượng đơn lớn, nhất là TikTok Shop (trực thuộc mạng xã hội video ngắn TikTok) khi đã vượt mặt Lazada trở thành sàn thương mại điện tử có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam hồi quý II/2023, theo Metric. Nhìn ra khu vực, theo Momentum Works, TikTok Shop có thể chiếm 13,2% thị phần Đông Nam Á vào cuối năm nay, bám sát Tokopedia (dự báo chiếm 13,9% thị phần), không cách quá xa Lazada (ước chiếm 17,7%) dù mới tham gia thị trường 1 năm.
Có thể thấy phần lớn các đối thủ của TikTok Shop đều đầu tư công ty giao nhận trực thuộc như Shopee có Shopee Express, Lazada có Lazada Logistics. Thậm chí đối thủ xếp áp chót bảng xếp hạng thương mại điện tử Việt Nam về thị phần là Tiki cũng có đội ngũ giao nhận riêng là TikiNOW. Trong khi đó, TikTok Shop hiện chỉ sử dụng J&T Express là đối tác giao nhận duy nhất, hiện xử lý đến 90% đơn hàng của TikTok Shop ở Đông Nam Á.
Có rất nhiều lý do để các sàn thương mại điện tử buộc phải sở hữu công ty giao nhận vì ngoài lý do tối ưu chi phí, còn là giảm tỉ lệ hủy đơn hàng nhờ nâng cao chất lượng phục vụ.
Statista đưa ra báo cáo về các lý do ảnh hưởng đến khả năng “chốt đơn” ở Việt Nam năm 2021 là giá dịch vụ giao nhận và chất lượng dịch vụ giao hàng, chiếm lần lượt 40% và 30% lý do người được khảo sát đưa ra. Báo cáo cũng chỉ ra tỉ lệ hoàn trả theo phần trăm của lượng đặt hàng trực tuyến ở Việt Nam năm 2023 là 6,4%, giảm gần 2 điểm phần trăm so với năm 2021 và hơn 3 điểm phần trăm so với mức đỉnh năm 2018. Lưu ý rằng khảo sát này được lấy từ các đơn vị chiếm phần lớn thị phần thương mại điện tử Việt Nam và hầu hết đều có đơn vị giao hàng.
Tỉ lệ hoàn trả đơn của nhóm livestream, nhánh mà TikTok Shop đang dẫn đầu thị trường, vẫn chưa có thống kê cụ thể vì quá mới và con số có thể không chính xác do ảnh hưởng bởi chính sách trợ giá thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Nhưng cuối cùng, khả năng chốt đơn hàng vẫn nằm ở thời gian và dịch vụ giao hàng. Do đó, việc đầu tư vào đơn vị giao nhận để cải thiện là bước đi có thể đoán trước của TikTok, nhất là khi việc tăng trưởng quá nhanh ở Trung Quốc và Đông Nam Á đang gây áp lực cho khâu vận chuyển của hãng này. Trả lời Tech In Asia, Ông Roshan Raj, đối tác tại Redseer Strategy Consultants, nói: “Bất kỳ nỗ lực thương mại điện tử nghiêm túc nào cũng cần có năng lực hậu cần nội bộ”.
Thực tế, ở Trung Quốc, theo website Pandaily, Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) đã đầu tư vào hạ tầng thương mại điện tử thử nghiệm với tên gọi là Jisuda từ năm 2020 nhằm hiện thực hóa việc giao hàng trong nội thành trong 1 ngày và giao hàng ở ngoại vi thành phố trong 2 ngày. Nguyên do là dịch vụ hậu cần của các công ty như Douyin đang bị bỏ khá xa bởi JD.com và Alibaba.
Những cái tên tiềm năng
Tốc độ tăng trưởng quá nhanh trong thời gian ngắn là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của TikTok Shop vì quỹ thời gian để đầu tư vận hành một đơn vị giao nhận lớn theo thời gian như Shopee hay Lazada từng làm rất hạn hẹp. Thay vào đó, đầu tư chiến lược sẽ có lợi thế hơn.
Điển hình như ByteDance, công ty mẹ TikTok, đã đầu tư 40 triệu USD vào iMile Delivery (trụ sở Dubai) để phục vụ thị trường giao nhận ở Trung Đông vào năm 2021, theo Bloomberg. Đó cũng là lý do gần đây rộ lên tin đồn TikTok đầu tư vào một đơn vị giao nhận thực phẩm đang đuối sức ở thị trường Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc TikTok mở rộng mảng giao đồ ăn ở 30 thành phố lớn ở Trung Quốc sau thời gian thử nghiệm.
Tuy nhiên, điều này có thể không đúng ở thị trường Việt Nam và Đông Nam Á vì 2 lý do. Thứ nhất thị trường Trung Quốc là tập trung với tiềm năng lẫn áp lực rất rõ ràng. Theo website Silicon, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu mảng giao đồ ăn của Douyin đạt 13,8 tỉ USD. Dù khá ấn tượng nhưng nó chưa bằng một nửa so với Meituan – đơn vị sở hữu 6,4 triệu người giao đồ ăn và 9,3 triệu người bán trên nền tảng của mình, tính đến tháng 4/2023.
Quan trọng hơn, Meituan đang nỗ lực mở rộng sang lĩnh vực bán hàng livestream nhằm đối đầu trực tiếp với Douyin. Chính vì thế, công ty này buộc phải lấn sân sang mảng giao đồ ăn để tận dụng lợi thế khách hàng và bảo vệ thị phần của mình ở thị trường Trung Quốc.
Thứ 2, để cạnh tranh với các đối thủ như Lazada, Shopee ở Đông Nam Á, TikTok đang cần một đơn vị giao hàng thương mại có quy mô khu vực hơn là các công ty phục vụ thị trường giao thức ăn vốn phân mảnh và kém hấp dẫn hơn so với Trung Quốc.
Nhìn lại 3 năm trở lại đây, thị trường Đông Nam Á đã chứng kiến các công ty giao nhận luôn đặt mục tiêu mở rộng sang khu vực là Best, Ninja Van và J&T Express. Năm 2021 J&T Express đã mua lại phần hoạt động của Best ở Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở thị trường này. Ngoài ra, trong số đó chỉ có J&T Express còn mở rộng dịch vụ sang thị trường Mỹ từ cuối năm ngoái. Vài tháng trước, theo Reuters, TikTok cũng triển khai chương trình bán hàng đến thị trường Mỹ cho các thương nhân Trung Quốc.
Do đó, không có gì bất ngờ nếu một ngày nào đó TikTok công bố bước chân vào thị trường giao nhận. Tuy nhiên, đại diện TikTok Việt Nam từ chối bình luận về vấn đề này.
Huy Vũ
Nguồn: nhipcaudautu