Lực đẩy Apple cho tham vọng Make in Vietnam

Tháng Mười 11, 2023by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_luc_day_apple_cho_tham_vong_made_in_viet_nam-e1697648975613.jpg

Sự dịch chuyển quy mô lớn của chuỗi cung ứng sản xuất cho Apple tiếp tục trở thành chất xúc tác mạnh cho tham vọng kinh tế số Make in Vietnam.

Cùng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, như một thông điệp khẳng định mối quan tâm của giới đầu tư Mỹ, Apple hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Trùng hợp là cùng thời điểm, nhiều thông tin Apple sẽ giảm sự hiện diện tại Trung Quốc khi nước này sẽ cấm sử dụng iPhone trong các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước.

Xu hướng dịch chuyển 

Căng thẳng Mỹ – Trung kéo dài đang thúc đẩy sự dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Theo CNN, Apple cùng nhiều tập đoàn toàn cầu đang có xu hướng đổ về Đông Nam Á. Trong 3 năm qua, Mỹ, với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (14%) để trở thành nước đầu tư FDI lớn nhất tại đây.

Dữ liệu được Bloomberg tổng hợp từ hơn 370 nhà cung ứng cho thấy chuỗi cung ứng mới của Apple đã thay đổi đáng kể. Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ được hưởng lợi lớn nhất, cùng với một số điểm nóng khác có quy mô nhỏ hơn đang nổi lên ở châu Á.

Sau 1 thập kỷ, số lượng công ty lắp ráp sản phẩm cho Apple ở Việt Nam đã tăng gấp 4 lần. Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, 25 nhà cung ứng đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh, thành Việt Nam như Lens Technology, LG Display, LG Innotek, Luxshare Precision, Murata Manufacturing, Samsung Electronics, Sharp… Họ bao gồm các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe không dây, cũng như các nhà cung ứng chip, kính, khung nhôm, cáp, bảng mạch và linh kiện khác.

Trước đó, theo Reuters, trong 5 năm tính đến năm 2019, Trung Quốc là trung tâm của các nhà cung ứng cho Apple, chiếm từ 44-47%. Tỉ lệ này giảm còn 41% năm 2020 và 36% năm 2021. Ngược lại, Việt Nam tăng từ 2,2% lên 3,7% trong cùng kỳ. Thậm chí, JP Morgan dự báo Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Có nhiều lý do cho sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng Apple qua Việt Nam. Trong bài báo tiêu đề “Apple đặt cược vào một thị trường mới nổi tại châu Á”, trang tin Quartz nhận xét Apple đang tìm kiếm tăng trưởng tại các quốc gia dân số trẻ và bùng nổ về kỹ thuật số như Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế số hằng năm là 40%, giá trị kinh tế số năm 2022 đạt 23 tỉ USD.

Năm 2022 Việt Nam là 1 trong 3 thị trường có kết quả kinh doanh tốt nhất của Apple trên toàn cầu với tổng giá trị các sản phẩm của Apple bán ra tại Việt Nam đạt ngưỡng 2 tỉ USD. Không chỉ xuất hiện như một thị trường tiêu thụ mới nổi, Việt Nam đang trên đường trở thành công xưởng sản xuất mới của Apple. 3 đối tác hàng đầu của Apple gồm Foxconn, Luxshare và Goertek đã tăng tốc mở nhiều nhà máy tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… Năm 2021 tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp này lên đến gần 300.000 tỉ đồng, tương đương gần 13 tỉ USD. Compal Electronics, đối tác trong dây chuyền sản xuất iPad và Apple Watch, đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đăng ký 260 triệu USD, ước tính khi đi vào hoạt động, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỉ USD vào năm 2029 và 6,8 tỉ USD vào năm 2037.

CEO của Apple Tim Cook trực tiếp bày tỏ mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, đồng thời sẽ tích cực xem xét việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỉ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple.

Lợi ích của Việt Nam 

Nếu dòng chảy doanh thu vẫn tiếp tục mang lại lợi ích cho các đối tác của Apple thì Việt Nam về lâu dài sẽ hưởng lợi khi “nền kinh tế Apple” thâm nhập sâu hơn. Xét về quy mô tài chính, Apple đạt vốn hóa thị trường 3.000 tỉ USD, vượt qua GDP của nhiều nền kinh tế. Vì vậy, sự xuất hiện tập trung của chuỗi cung ứng sản xuất do Apple đứng sau có thể thay đổi cả một nền kinh tế như đã từng diễn ra với Trung Quốc.

Để biến Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của mình, Apple đã đổ hàng tỉ USD cùng vô số tài nguyên để xây dựng một mạng lưới cung ứng, sản xuất phức tạp, có chiều sâu. Apple đã gửi những kỹ sư công nghệ và nhà thiết kế hàng đầu đến đây, đào tạo và phát triển các nhà xưởng…, tạo tiền đề cho sự bùng nổ công nghệ sau này của Trung Quốc. “Sự cạnh tranh của ngành công nghệ Trung Quốc hiện nay không phải tự nhiên mà có. Tất cả là nhờ sự đầu tư và thành công của Apple đã thúc đẩy tính cạnh tranh đó”, chuyên gia nghiên cứu Kevin O’Mara nhận định.

Làn sóng dịch chuyển của Apple hứa hẹn sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở bên ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2022 số nhân công làm việc trong ngành điện tử đã đạt 1,3 triệu người, tăng gấp 4 so với năm 2013. Theo Jeffrey Jaensubhakij, CIO Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, chuỗi cung ứng được sắp xếp lại của Apple thực sự mang đến cơ hội rất lớn cho những công ty và khu vực địa lý có thể bắt kịp xu hướng.

Trong một phân tích về “nền kinh tế iPhone”, ước tính Apple trả cho các công ty Đài Loan từ 100-150 USD mỗi chiếc iPhone cho chi phí linh kiện và lắp ráp. Chỉ riêng hoạt động sản xuất iPhone mang lại doanh thu từ 17,9-26,9 tỉ USD cho các công ty Đài Loan. Tương tự như vậy là khoản tiền khổng lồ cho các đối tác đến từ Nhật, Hàn Quốc với những đơn hàng về màn hình, chip…

Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng tại khu vực. Phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam với hàng chục tỉ USD vốn đầu tư. Vì vậy, thêm sự dịch chuyển sản xuất của tập đoàn công nghệ Apple sang Việt Nam sẽ ảnh hưởng tích cực đến hệ sinh thái gia công phần cứng, chuỗi cung ứng cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam, trở thành chất xúc tác mạnh cho tham vọng Make in Vietnam và nền kinh tế số mà Việt Nam đang theo đuổi.

Trực Thanh

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button