Lĩnh vực nào đang thu hút đầu tư tại Việt Nam?
FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh vĩ mô 10 tháng đầu năm 2023.
Riêng trong tháng 10, tổng vốn FDI đăng ký đạt 5,55 tỉ USD, tăng 49,85% so với cùng kỳ, và là tháng có lượng vốn FDI đăng ký lớn nhất kể từ năm 2019 tới nay, giúp vốn FDI lũy kế từ đầu năm đạt 25,76 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng lũy kế so với cùng kỳ lớn nhất kể từ năm 2020 cho tới nay.
Về lĩnh vực, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là ngành được quan tâm nhất trong tháng 10, khi tổng vốn đăng ký vào ngành này chiếm tới 87,02% tổng vốn đăng ký FDI.
Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng vốn đăng ký vào ngành này tăng 45,84% so với cùng kỳ, trong đó, vốn đăng ký cấp mới tăng tới 147,2% so với cùng kỳ, đạt 13,27 tỉ USD, cao hơn nhiều so với lượng đăng ký cả năm trong khoảng 8 năm trở lại đây. Kết quả này kỳ vọng sẽ tạo động lực tích cực đối với xuất khẩu trong dài hạn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,2%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm
Về đối tác, Singapore tiếp tục là quốc gia có vốn đăng ký vào Việt Nam lớn nhất trong 10 tháng đầu năm với 4,65 tỉ USD được “rót” vào Việt Nam, chiếm 18,05%. Trong khi đó, nếu chỉ tính riêng trong tháng 10, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan mới là những đối tác FDI lớn nhất, với tổng tỉ trọng lên tới hơn 70%
Về địa phương, nhờ việc thu hút 2,27 tỉ USD chỉ riêng trong tháng 10, chiếm gần 41% tổng vốn FDI đăng ký cả nước, Quảng Ninh vươn lên trở thành địa phương thu hút lượng vốn FDI đăng ký lớn nhất từ đầu năm tới nay, ở mức 3,09 tỉ USD, chiếm 11,99%. Theo sau là Hải Phòng và Hà Nội.
Nguồn: BVSC.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với lợi thế về chi phí, bao gồm phí vận hành, phí thuê đất và phí nhân công cạnh tranh, nền kinh tế mở với nhiều hiệp định thương mại xuyên biên giới (16 FTA) và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và công nhận, Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn để thu hút vốn FDI trong dài hạn.
“Việc Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ từ tháng 9 vừa qua cũng cho thấy tiềm năng thu vốn FDI rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuỗi sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây sẽ tiếp tục là nền tảng giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới”, BVSC nhận định.
Việt Hà
Nguồn: nhipcaudautu