Làm thương hiệu: Kể một câu chuyện đủ hay và mọi thứ sẽ thay đổi
Không phải là Logo, cũng không phải là Slogan… Một câu chuyện hay ngay từ những bước đi đầu tiên sẽ mang lại những thay đổi lớn trên chặng đường dài. Tại sao tôi nên chọn bạn? Tại sao tôi nên tin tưởng bạn? Tại sao tôi nên quan tâm đến những gì bạn đang làm? Tại sao?
Câu chuyện hay sẽ xuyên suốt tất cả những gì bạn làm. Gọn gàng hơn thì, tất cả những gì bạn đang cố gắng làm hoặc thể hiện trong Marketing, đều hướng đến một câu chuyện mà khiến mọi người phải nhấc mông dậy, mua sản phẩm và không ngừng lan truyền nó khi có cơ hội.
Hãy ghi nhớ những điều này, nó vô cùng quan trọng:
Một câu chuyện được gọi là thành công khi có thể “bắt” và “thu hút” trí tưởng tượng của phần đông khán giả (khách hàng) mục tiêu;
Một câu chuyện hay phải “thật”. Nó không nhất thiết phải thực tế, nhưng nó phải phù hợp, nhất quán và phải là “authentic”. Người tiêu dùng bây giờ quá thông minh, họ dễ dàng nhận ra câu chuyện thương hiệu có “mùi” của sự mâu thuẫn, và mọi thứ mà thương hiệu đang xây dựng có thể sẽ biến mất không còn dấu vết gì. Hãy nhất quán trong câu chuyện thương hiệu;
Câu chuyện “ra tiền” thì phải có lời hứa rõ ràng. Có thể là: mang đến sự vui vẻ, an toàn, nhanh gọn, thời thượng… Miễn là nó phải được thể hiện một cách rõ ràng, táo bạo; hoặc phải thực sự hay một cách đặc biệt, hoặc tệ đến mức chẳng buồn nghe;
Những câu chuyện tuyệt vời luôn nhận được sự tin tưởng. Niềm tin là thứ “hiếm hoi” nhất chúng ta còn lại trong thời đại này. Chả ai tin tưởng ai cả. Thậm chí giờ người ta còn đang nghi ngờ cả những người nổi tiếng trong các quảng cáo, đang tuyên bố một điều gì đó rất chung chung trong đoạn video 30s (Họ biết là những người này được trả tiền để làm điều đó). Mọi người hoài nghi mấy cô gái xinh đẹp đang tiếp thị sản phẩm ở đâu đó, như quán bar. Mọi người còn không tin cả những đơn vị sản xuất dược phẩm nữa… Kết quả là, không có Marketer nào thành công trong việc kể một câu chuyện trừ khi có được sự tin tưởng để kể câu chuyện đó;
Câu chuyện hay khi nó được kể một cách “tinh tế”, “mượt mà”. Ngạc nhiên một điều là, càng thể hiện ít chi tiết, câu chuyện lại càng trở nên mạnh mẽ trong tâm trí khán giả. Marketer tài năng thì hiểu rằng: tốt hơn hết là hãy tạo cơ hội để mọi người tiếp tục câu chuyện theo hướng họ muốn, hãy để họ cùng sáng tạo câu chuyện, sẽ hiệu quả hơn nhiều là tuyên bố thẳng tuột mọi thứ ra;
Những câu chuyện tốt được thể hiện nhanh gọn. Nên hiểu rằng, ấn tượng đầu tiên luôn là quan trọng nhất
Những câu chuyện bắt tai có vẻ sẽ không hấp dẫn theo hướng logic, nhưng nó lại hấp dẫn các giác quan, cảm nhận và trí tưởng tượng của chúng ta;
Những câu chuyện tuyệt vời thì hiếm khi nhắm vào tất cả mọi người. Nhắm đến chung chung thì chả đi đến đâu. Cái chung chung đó thì là số đông, mà số đông thì lại có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc sống, khác cả về mức độ hài lòng. Nếu bạn cần hạ thấp câu chuyện của thương hiệu chỉ để thu hút tất cả mọi người, nó sẽ chẳng thu hút ai hết. Những câu chuyện hiệu quả nhất phù hợp với thế giới quan của một nhóm khán giả, và sau đó nhóm này sẽ lan truyền câu chuyện. Một cách tự nhiên, câu chuyện sẽ tiếp cận đến nhiều khán giả mục tiêu hoặc tiềm năng;
Câu chuyện hợp tình hợp lí khi nó không tự “vả” vào chính nó. Cửa hàng của bạn mà đúng địa điểm nhưng không đúng thực đơn, bạn thua chắc. Nếu phòng trưng bày nghệ thuật của bạn mang đến cho khán giả những tay bút trứ danh, nhưng nhân viên giám sát thì không, bạn thua. Người tiêu dùng rất thông minh, họ sẽ nhìn thấu “Đầu voi đuôi chuột” của bạn ngay lập tức, *whoosh*, nhãn hàng sẽ bay màu theo cách không tưởng;
Quan trọng nhất, câu chuyện tuyệt vời là câu chuyện phù hợp với cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới này. Những câu chuyện hay nhất không hề dạy mọi người bất cứ điều gì mới. Thay vào đó, những câu chuyện hay nhất đồng ý với những gì khán giả đã tin tưởng và khiến họ cảm thấy như thể là những gì họ làm, ngay từ đầu đã là điều đúng đắn.
Hoàng Minh Nhật
Nguồn: Brands Vietnam