Kinh tế ban đêm – sức hút khó cưỡng với Việt Nam

Tháng Tám 5, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_kinhtebandem.jpg

Nền kinh tế ban đêm đóng góp 66 tỷ bảng cho Anh mỗi năm, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản không ngừng đưa ra chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên suốt.

“Khi mặt trời lặn ở Hà Nội, cũng là lúc Tạ Hiện lên đèn. Nếu bạn muốn thực sự hòa mình vào nhịp sống của thành phố này, đặc biệt là văn hóa của người dân, hãy đi bộ vào các con phố nhỏ, ngồi ghế đẩu và gọi một cốc bia” – phần mở đầu video của CNN Travel giới thiệu về Tạ Hiện, một “phố bia” sầm uất về đêm tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Tạ Hiện chỉ là một trong bảy trải nghiệm về đêm, được CNN tư vấn cho khách du lịch khi đến Hà Nội. “Sau một vòng dạo bộ Hồ Gươm, bạn có thể đi từ phía nam tới phía tây của hồ để đến Nhà hát lớn Hà Nội” – lời giới thiệu về trải nghiệm “di dạo qua những di sản”. Tiếp sau đó, khách du lịch có thể hòa mình vào văn hóa bản địa, khám phá ẩm thực về đêm, xem một show nghệ thuật, “nhấm nháp” vị đêm trên những con phố cổ…

Những hoạt động này được xem là ví dụ điển hình thể hiện rõ nhất mô hình hoạt động của kinh tế ban đêm – nơi những hoạt động kinh doanh chỉ thực sự “bùng nổ” sau khi mặt trời lặn.

“Night-time Economy” là gì?

Ba năm gần đây, Kinh tế ban đêm (Night-time economy) bắt đầu thu hút sự quan tâm từ những nhà lập pháp, kéo theo đó là hàng loạt chính sách thúc đẩy. Bắc Kinh cho biết sẽ tối ưu hóa dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh; Nhật Bản đề xuất thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông, các quy định liên quan đến địa điểm, điều kiện làm việc; Canada tìm lời giải cho bài toán “phát triển kinh tế ban đêm ngoài các quán bar và câu lạc bộ”…

Có nhiều cách để định nghĩa, nhưng phổ biến nhất “Kinh tế ban đêm” được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Tại Việt Nam, khái niệm này bắt đầu được chú ý khi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế đêm của Trung Quốc.

Một tuyến phố bên Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi về đêm. Ảnh: CNN

Mọi người không đến London vì thời tiết

Nói đến sự phát triển của “kinh tế ban đêm” không thể không nhắc đến nỗ lực của những thành phố châu Âu.

Tại Anh, theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động.

Những nét chính về kinh tế ban đêm của London. Nguồn: London’s 24-Hour Economy, E&Y

Để “khuấy động” khu vực “kinh tế ban đêm”, từ năm 2016, thành phố này đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ.

Cuối năm 2016, Sadiq Khan, thị trưởng London đã bổ nhiệm bà Amy Lame giữ chức vụ “Night Czar” (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới.

“Thị trưởng Đêm”, “Nữ hoàng đêm” hay bất kỳ cái tên tương tự nào khác phụ trách hoạt động “kinh tế về đêm”, thực tế, đã tồn tại từ trước đó tại nhiều thành phố khác của châu Âu. Paris, Toulouse (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) hay Amsterdam (Hà Lan) đã có những chức danh tương tự từ nhiều năm trước. Marik Milan, “thị trưởng đêm” của Amsterdam cho biết, một ngành công nghiệp về đêm sôi động không chỉ mang lại tính cộng đồng, văn hóa, mà còn tạo ra tác động không nhỏ đến kinh tế thành phố.

“Trên phương diện kinh tế, khi một công ty có nhu cầu tìm một trụ sở mới, họ không chỉ nhìn vào các vấn đề như nhà ở, trường học, các công trình công cộng mà còn là những hoạt động khác trong khu vực. Mọi người không chuyển đến London vì thời tiết. Nếu bạn muốn thành phố trở nên hấp dẫn hơn, hãy nhìn về cách hưởng thụ và những lĩnh vực giải trí”, Thị trường đêm của Amsterdam nhận định.

Một báo cáo gần đây của London First và E&Y ước tính, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu 2030, cao hơn 15% so với hiện nay.

Nhật Bản và Trung Quốc tìm lời giải cho sự “phàn nàn của khách du lịch”

Nếu châu Âu đã có những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp về đêm từ nhiều năm trước thì tại châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đã nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp này.

“Cuộc sống về đêm của Nhật Bản thật nhàm chán”.

“Không có nhiều việc để làm sau khi trời tối”.

Những bình luận của một số du khách nước ngoài khiến giới chức trong ngành du lịch Nhật Bản phải lo lắng, theo NHK.

Dòng người tại Shibuya dịp Halloween. Ảnh: NHK

Là nền văn hóa có phần bảo thủ và đối mặt với sự khan hiếm lao động, nhưng Nhật đang cho thấy sự quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế.

Đất nước này đã chứng kiến sự tăng vọt của khách du lịch nước ngoài trong những năm gần đây, với 30 triệu du khách vào năm 2018, sau khi vượt qua ngưỡng 20 triệu lần đầu vào năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ nước này còn đặt mục tiêu cao hơn, với 40 triệu du khách vào năm 2020, khi Tokyo đăng cai Thế vận hội mùa hè.

Khi số lượng du khách nước ngoài tăng lên, chính phủ Nhật cũng đặt mục tiêu cao hơn về chi tiêu của khách du lịch, dự kiến tạo ra 8.000 tỷ yen, tương đương khoảng 74 tỷ USD vào năm 2020. Con số này cao hơn gần 80% so với hiện tại.

“Chúng tôi phải tìm mọi cách khuyến khích khách du lịch chi tiêu nhiều hơn và các hoạt động ban đêm là một cách để làm điều này”, Yuya Ota, một quan chức tại Cơ quan Du lịch Nhật Bản nói với NHK. “Nếu không làm được, chúng tôi có thể không đạt mục tiêu đã đề ra”.

Những doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí và khách sạn tìm cách phát triển thị trường ngách nhắm tới các sự kiện giải trí từ khoảng 20h đến 3h sáng hôm sau. Chính phủ Nhật cũng đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm, chủ yếu giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng giao thông, các quy định liên quan đến thời gian và điều kiện làm việc.

Một khu chợ đêm tại thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Chinadaily

Tại Trung Quốc, những chính sách tương tự cũng đang được hướng tới.

Theo Xinhua, đầu năm nay, kinh tế ban đêm trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị của Bắc Kinh. So với các thành phố ở phía Nam và Đông Trung Quốc, Bắc Kinh có ít địa điểm mua sắm, giải trí vào ban đêm vì đa phần dừng hoạt động sau 22h. Tuy nhiên mới đây, Thị trưởng Trần Cát Ninh tuyên bố sẽ khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm.

Thành phố cũng cho biết sẽ tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh… Theo lãnh đạo Văn phòng Thương mại Bắc Kinh, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động 24/24. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh cũng bắt đầu kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng.

Không riêng Bắc Kinh, nhiều thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc… cũng lên kế hoạch tương tự để thúc đẩy “kinh tế ban đêm”.

Tháng 5, Thượng Hải ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy ngành công nghiệp ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h. Thành phố này cũng đề cử hơn 10 “CEO về đêm” – những người có kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm.

Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí.

Thạch Gia Trang – thủ phủ của tỉnh Hà Bắc đã giảm giá điện khoảng 0,2 NDT mỗi kWh cho các cửa hàng hoạt động muộn hơn. Động thái này góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước… cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện.

Thành phố Thượng Hải buổi đêm. Ảnh: Xinhua

Kinh tế ban đêm: Không đơn thuần chỉ là thúc đẩy

Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm không chỉ là những giải pháp một chiều về thúc đẩy các ngành dịch vụ mở cửa lâu hơn, hoặc nhiều hơn.

“Đi dạo vào ban đêm có nguy hiểm không?”, một khách du lịch hỏi Shogo Nomura – hướng dẫn viên tour du lịch ban đêm tại Tokyo (Nhật Bản).

“Hầu hết các nơi ở Nhật Bản đều an toàn,” Nomura nói, nhưng cho biết, giống như ở hầu hết các quốc gia, có một số khu vực cần thận trọng.

An toàn là một trong những mối quan tâm được nhiều du khách nhắc đến khi tham gia những tour du lịch đêm – những giải pháp được nhiều thành phố đưa ra để thúc đẩy ngành kinh doanh này.

Shibuya, một trong những quận đặc biệt tại Tokyo và cũng là một địa điểm nổi tiếng cho những người thích tiệc tùng tụ tập trên đường phố. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đang xem xét lệnh cấm tiêu thụ rượu tại nơi công cộng, một giải pháp được xem là hạn chế sự “sôi động” của địa điểm. Halloween năm ngoái, một nhóm quá khích đã lật và làm hỏng một chiếc xe tải nhỏ trước nhà ga Shibuya.

“Nhật Bản đã an toàn hơn hầu hết các quốc gia”, Yuya Ota, một quan chức tại Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để phát triển ngành công nghiệp ban đêm, an toàn là một yếu tố cần quan tâm. “Thị trưởng đêm” có thể là bước tiếp theo của quốc gia này để mở rộng các điểm du lịch vào ban đêm. “Nếu Nhật Bản làm tốt, nó có thể giảm những phàn nàn về buổi tối nhàm chán và thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch”, Ota cho biết.

He Jianmin – nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho rằng, kinh tế ban đêm có thể kéo dài thời gian khách du lịch ở lại các thành phố. Tuy nhiên, học giả này cũng cho rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khi phát triển kinh tế ban đêm.

Zhao Jingqiao – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế dịch vụ và ăn uống (thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nhận định, kích thích phát triển kinh tế ban đêm là một chính sách rất tổng thể, đòi hỏi việc lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp toàn diện. “Một môi trường an ninh tốt rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt với kinh tế ban đêm”, ông nói.

Tại Anh, khi nhắc đến kế hoạch toàn diện thúc đẩy kinh tế đêm, thị trưởng London Sadiq Khan cho rằng, điều quan trọng nhất là “mọi người đều phải hạnh phúc”.

“Trên thực tế, tôi muốn biến London trở thành thành phố hàng đầu thế giới về cuộc sống đêm. Nhưng để làm điều này, chúng tôi phải giữ tất cả mọi người đều vui vẻ. Điều đó có nghĩa là phải cân bằng nhu cầu của những người làm việc vào ban đêm, những người muốn tiệc tùng và những người chỉ muốn một đêm ngon giấc. Điều này cũng đặt ra những câu hỏi, về cách chúng ta giữ mọi người an toàn, vào mọi thời điểm kể cả ban ngày và ban đêm”, thị trưởng Sadiq Khan nói.

Cảnh buôn bán trên một con phố Hà Nội khi về đêm. Ảnh: CNN Travel

Việt Nam “thắp sáng” kinh tế ban đêm thế nào?

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, cũng như “kinh tế ngầm”, “kinh tế ban đêm” chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung.

Hoạt đông kinh tế về đêm, ngoài sự chú ý gần đây, trước nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP HCM).

“Tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ tập trung 7h sáng đến 17h chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng, thì đã thu được. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18h tối đến 2h sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nói.

Theo CEO Vietravel, hiện nay nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên “không mang lại hiệu quả như mong muốn”.

“Sản phẩm ban đêm là sản phẩm gì, sao chúng ta sợ nó, vì chúng ta cứ nghĩ sản phẩm ban đêm là nhạy cảm. Tại sao các sản phẩm văn hóa buổi tối chúng ta lại ít như vậy. Ngay ở Sài Gòn này, ban đêm dẫn khách đi xem các chương trình văn hóa thì kiếm thử có chương trình nào khách nước ngoài xem được. Khách Việt Nam thì cũng có nhưng cho khách nước ngoài thì hiếm lắm. Cuối cùng cũng chỉ có rối nước”, ông Kỳ nhận xét.

Ông Nguyễn Khắc Giang, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Đại học Victoria Wellington, New Zealand cho rằng vấn đề không phải chúng ta cho phép hàng quán mở cửa đến bao nhiêu giờ mà ngành du lịch sẽ có những sản phẩm gì đặc sắc để thu hút du khách hay không.

“Có hai điều mà Việt Nam cần làm để phát triển kinh tế đêm. Đầu tiên là cân nhắc kỹ nhu cầu của khách du lịch, không áp đặt tư duy của nhà quản lý vào hoạt động kinh tế. Thứ hai là cần triển khai thí điểm, có thể tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, trước khi triển khai rộng rãi”, ông Giang nói.

Nghiên cứu của E&Y cũng chỉ ra rằng, một trong những yếu tố thúc đẩy “kinh tế ban đêm” của London là yếu tố văn hóa. “Làm cho văn hóa về đêm của London đa dạng hơn, đi kèm với những hoạt động về đêm phong phú giúp cho thành phố trở nên hấp dẫn”, nghiên cứu của London First và E&Y cho biết.

Với kinh nghiệm làm du lịch, ông Kỳ cho rằng, nếu Việt Nam có thể xây dựng được chiến lược phù hợp, với sự phong phú và đa dạng hơn về các loại dịch vụ thì việc tăng chi tiêu của khách du lịch, đặc biệt là từ những hoạt động ban đêm, là điều không khó.

“Chúng ta phải hiểu khách du lịch đi tour ban ngày có thể trả tiền tour 150 USD, thì ban đêm họ cũng có thể trả con số tương tự, hoặc hơn. Chúng ta phải thay đổi quan điểm làm du lịch, phải hướng tới nhu cầu của họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cái gọi là ‘du lịch lòng máng’, tức là vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu vào nền kinh tế và người dân địa phương”, CEO Vietravel nói và nhấn mạnh, ngành du lịch phải thay đổi quan điểm nếu thực sự muốn phát triển, muốn đẩy mạnh “kinh tế ban đêm”.

Minh Sơn
Nguồn: VnExpress

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button