Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên tạm ngưng để đánh giá lại

Tháng Mười 29, 2018by VinhKhang0
kinhdoanhdichvudoinodoanhnhansaigon-1539916330.jpg

Chia sẻ quan điểm với Doanh Nhân Sài Gòn, một số chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận với kiến nghị của UBND TP.HCM về việc đưa loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Song, cũng có ý kiến cho rằng trước mắt cần rà soát và tạm ngưng hoạt động kinh doanh này.

Từ góc độ doanh nhân, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành chia sẻ câu chuyện chính doanh nghiệp mình vướng phải. Theo đó, công ty của ông từng là nạn nhân của đòi nợ thuê bất hợp pháp. Cụ thể, Công ty Lê Thành có ký hợp đồng thi công cổng kiểm soát vào khu vui chơi của dự án khách sạn tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), bao gồm 2 cổng vào và 2 cổng ra. Theo hợp đồng thì việc thanh toán được chia thành 3 đợt, đợt đầu và đợt 2 tổng cộng đã thanh toán 60%, còn lại đợt 3 là 35% sẽ thực hiện khi công trình được nghiệm thu và giữ lại 5% hết bảo hành mới thanh toán.

“Sau khi thi công đợt 3 thì giữa Công ty Lê Thành và đối tác có phát sinh tranh chấp. Cụ thể, ngày 10/9, đại diện đơn vị thi công có mang biên bản nghiệm thu đến gặp nhân viên Công ty Lê Thành để yêu cầu ký biên bản nghiệm thu nhưng chúng tôi không đồng ý vì còn nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện. Do lúc đó tôi đang đi công tác nước ngoài nên nhân viên của Lê Thành chỉ ký văn bản ghi nhận buổi làm việc với bên thi công, đồng thời bác bỏ toàn bộ nội dung trong biên bản nghiệm thu. Cũng trong ngày 10/9, lãnh đạo đơn vị thi công này tự ý ký một văn bản xác nhận công nợ của Công ty Lê Thành và 5 ngày sau thì thuê công ty đến đòi nợ thuê”, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết.

Việc làm này của đơn vị thi công theo ông Lê Hữu Nghĩa là làm sai hoàn toàn nội dung hợp đồng đã ký với Công ty Lê Thành, đồng thời cũng sai quy định pháp luật vì chưa làm đúng theo quy định của pháp luật về đòi nợ. Hợp đồng quy định là sau khi hoàn thành thi công thì hạn thanh toán là 45 ngày, nếu chậm thanh toán thì chịu lãi phạt.

“Thực tế là Công ty Lê Thành không có nợ quá hạn, tuy nhiên bên đòi nợ thuê đến gặp tôi và tuyên bố chỉ biết có người thuê đòi nợ chứ không cần biết đến quy định trong hợp đồng. Đồng thời quá trình đòi nợ của công ty đòi nợ thuê theo tôi cũng không đúng quy định pháp luật về đòi nợ mà mang hình thức là xã hội đen, nhân viên đòi nợ không đeo thẻ, xăm trổ, có biểu hiện đe dọa hành hung, mang hung khí… Các đối tượng xã hội đen cũng sẽ lợi dụng hình thức này để làm tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Như vậy, việc kiểm tra giám sát và chế tài đối với những vi phạm của kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là gần như không thể tiến hành. Do đó, từ góc độ doanh nhân, tôi cho rằng nên chấm dứt loại hình kinh doanh này theo như kiến nghị vừa qua từ UBND TP.HCM”, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Trung Tâm Tư vấn pháp luật – Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định, dưới góc độ pháp lý thì có một số vấn đề cần xem xét về dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay.

Thực tế, đây là loại hình kinh doanh được Nhà nước cho phép, trước khi tổ chức loại hình kinh doanh này thì các Bộ ngành chức năng cũng có quá trình nghiên cứu đánh giá thực tế đây là loại hình ra đời với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn toàn dân sự. Do đó cũng cần tôn trọng quy trình pháp lý này và ủng hộ các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ này đang hoạt động đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Thắng thì qua thực tiễn đã xảy ra những vi phạm của công ty đòi nợ thuê như trường hợp tại Công ty Lê Thành vừa qua rất cần có sự đánh giá toàn diện lại loại hình kinh doanh này. Cụ thể là các quy định của pháp luật hiện hành đã đủ mạnh để giám sát thực thi và chế tài đối với hành vi sai trái trong loại hình kinh doanh này hay chưa?

Vì hành vi đòi nợ thuê không đúng quy định như không xác định đúng khoản nợ, có bản án hay khi đi thu hồi nợ thì không thông báo trước cho cơ quan Công an (cụ thể là PC64), phối hợp với chính quyền địa phương thì có thể là biểu hiện của hành vi gây rối an ninh trật tự, thậm chí là có dấu hiệu hoạt động xã hội đen trá hình.

“Hiện tượng đòi nợ thuê theo hình thức xã hội đen không chỉ xảy ra tại TP.HCM mà còn phổ biến ở các tỉnh thành khác và hiện nay Bộ Công an cũng đang thu thập chứng cứ để xác lập chuyên án với các đối tượng này. Theo tôi thì các cơ quan Nhà nước cũng cần nhanh chóng có sự đánh giá toàn diện lại loại hình kinh doanh này, khi đã có đầy đủ số liệu thì có thể đình chỉ nếu thấy chưa đủ chế tài quản lý”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Thắng, về phía UBND TP.HCM nên có thông báo đến tận quận huyện, xã phường về những doanh nghiệp, đối tượng vi phạm khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Người dân và doanh nghiệp cũng cần nhận thức, tìm hiểu về những hành vi sai trái của doanh nghiệp đòi nợ thuê và khi thấy sai phạm thì bình tĩnh thông báo, phối hợp với công an, chính quyền để xử lý ngay lập tức. Tránh tình trạng để cho các đối tượng đòi nợ thuệ vi phạm luật hình sự nhưng chỉ bị xử lý phạt hành chính.

Còn PGS.TS. Nguyễn Văn Trình – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đánh giá lại loại hình kinh doanh đòi nợ thuê và văn bản pháp luật liên quan là Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Vì hiện nay các quy định pháp luật về giao dịch dân sự và lực lượng chức năng như tòa án, thi hành án cũng đã có đầy đủ công cụ để thực hiện quy trình thu hồi nợ theo đúng pháp luật. Vậy có nên cho tồn tại loại hình kinh doanh đòi nợ thuê tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn cho môi trường kinh doanh hay không?

Đồng thời, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Trình thực tiễn cũng có tình trạng đánh tráo khái niệm giữa đòi nợ thuê và hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 Quốc hội về xử lý nợ xấu.

“Hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh nguồn tín dụng hợp pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hình thức tín dụng đen, cho vay nặng lãi là mầm móng cho hình thức đòi nợ thuê theo hình thức xã hội đen. Ở các nước trên thế giới điển hình là Mỹ, dịch vụ đòi nợ thuê có quy đinh chặt chẽ về thời gian, cách thức, quy trình phối hợp với cơ quan chức năng và sẽ bị xử lý nghiêm nếu có hình thức khủng bố, đe dọa sự an toàn của người dân”, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình kiến nghị.

Ông Nguyễn Vinh Huy – Chủ tịch HĐQT Hệ thống luật Thịnh Trí nêu quan điểm, trước khi Chính phủ có quyết định cuối cùng về loại hình đòi nợ thuê thì nên giao cho cơ quan Công an quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Đồng thời cơ quan Nhà nước có liên quan cũng nên nhanh chóng rà soát lại về loại hình này vì tình trạng xã hội đen núp bóng dịch vụ đòi nợ thuê ngày càng phổ biến.

“Câu chuyện xã hội đen núp bóng dịch vụ đòi nợ thuê cũng phản ánh một phần bất cập về pháp luật dân sự. Từ kinh nghiệm của tôi thì pháp luật dân sự cũng chưa có chế tài đủ mạnh bảo vệ quyền lợi của người đi đòi nợ hợp pháp. Ví dụ có những khoản nợ vài chục triệu đồng nhưng chi phí để kiện ra tòa án dân sự và thi hành án thì gấp nhiều lần mới đòi được. Do đó, hoàn thiện pháp luật dân sự chính là giải pháp giải quyết tận gốc của vấn đề dịch vụ đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen và tiến đến bãi bỏ ngành kinh doanh này”, ông Nguyễn Vinh Huy chia sẻ.

KHÁNH ĐINH

Theo DNSG

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button