“Khôn ngoan” như Starbucks
Đồ uống của Starbucks vốn dĩ đã khá đắt đỏ, giờ đây khách hàng tại Mỹ có khi còn phải “mất” thêm tiền cho các dịch vụ của họ.
“Gã khổng lồ” đồ uống của Mỹ gần đây đã triển khai một hệ thống tiền boa mới cho dịch vụ drive-through (dịch vụ mua hàng tận nơi mà không cần rời khỏi xe). Theo đó, khi người dùng thanh toán đơn hàng bằng thẻ ngân hàng, hệ thống của Starbucks sẽ đưa ra một số gợi ý đề xuất khách hàng của họ chọn số tiền họ muốn boa cho nhân viên của hãng.
Tính năng tiền boa mới được triển khai trên khắp Bắc Mỹ, nhắc những khách hàng thanh toán bằng thẻ có các tùy chọn để lại 1 đô la, 2 đô la, “số tiền khác” hoặc “không có gì”, sau khi họ đã cắm thẻ để thanh toán đồ uống hoặc món nướng của mình.
Hệ thống mới đang gây nhiều tranh cãi, người dễ tính thì bỏ qua, người khó tính thì cảm thấy không hài lòng, trong khi ngay cả các nhân viên thì cũng cảm thấy bất tiện.
Không phải ai cũng hài lòng về hệ thống tiền boa mới, bao gồm cả nhân viên của chính Starbucks, họ nói rằng thật khó xử khi hỏi khách hàng xem họ có chọn để lại tiền boa hay không. Câu hỏi không khác gì một cách để “vòi vĩnh” thêm tiền từ khách hàng.
Một số người đã sử dụng TikTok để bày tỏ sự khó chịu mà họ cảm thấy. Người dùng TikTok @greenfanclub đã đăng một video hiện đã bị xóa vào ngày 21 tháng 11 cho thấy cô ấy đang làm việc tại cửa sổ drive-thru của Starbucks và giấu máy quẹt thẻ khi màn hình tính tiền đang mở.
Đoạn video có nội dung “Khi hệ thống tính tiền mới ra mắt”, và cô ấy đã chú thích cho video bằng một hagtag “#baristaproblems – sự lo lắng xã hội”. Với hơn 6,7 triệu lượt xem, độ lan truyền của video đã thúc đẩy một cuộc thảo luận về việc boa cho nhân viên của các dịch vụ ăn uống nói chung và Starbucks nói riêng.
Trong một bài đăng lan truyền trên mạng xã hội khác, một người dùng Reddit và nhân viên pha chế của Starbucks đã chia sẻ lý do tại sao hệ thống tính tiền boa mới lại khó xử đối với nhân viên và khách hàng. “Tôi ghét cái kiểu thanh toán mới, thật khó xử khi đưa tay ra và đợi họ nhận ra những gì nó nói trên màn hình…”, ý người này là nói về việc các khách hàng của Starbucks chợt nhận thấy các yêu cầu boa khi vừa nhận đồ uống từ nhân viên.
Nhiều người cho rằng Starbucks nên trả lương cao hơn cho nhân viên của họ thay vì dựa vào tiền boa của khách hàng.
“Starbucks thực sự đã thêm dịch vụ tiền boa sao?!?! Họ chỉ cần trả nhiều tiền hơn cho nhân viên của mình thông qua các sản phẩm đắt đỏ đến nực cười của họ”, một người dùng viết. Trong khi một người khác cho rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ hệ thống boa này, miễn là nó là một doanh nghiệp nhỏ mà không phải là Starbucks”.
Cách Starbucks “móc túi” khách hàng
Việc mở rộng tiền boa kỹ thuật số là một phần trong “kế hoạch tái tạo” tổng thể của “gã khổng lồ” đồ uống của Mỹ, nhằm tăng doanh thu của công ty và cả dấu chân kỹ thuật số và vật lý trong suốt ba năm tới.
“Bố già” Howard Schultz của Starbucks.
Giám đốc điều hành Starbucks, Howard Schultz cho biết trong một tuyên bố của công ty vào đầu năm nay : “Khi chúng tôi thực hiện kế hoạch đổi mới của mình, chúng tôi đang dựa trên lịch sử 51 năm đổi mới dẫn đầu thị trường để định vị doanh nghiệp và thương hiệu của chúng tôi cho chương tăng trưởng tiếp theo”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Starbucks cho biết chuỗi cà phê nổi tiếng này đang có kế hoạch tung ra thẻ tính tiền trên khắp nước Mỹ. “Starbucks đang triển khai hệ thống tiền boa cho các giao dịch thẻ tín dụng tại quầy đăng ký ở quán cà phê và tính năng lái xe qua cửa hàng. Khả năng này đã bắt đầu tại một số cửa hàng chọn lọc ở Mỹ vào tháng 9 năm 2022 và sẽ tiếp tục triển khai tại tất cả các cửa hàng cho đến cuối năm”, chuỗi cà phê cho biết.
Trên thực tế, số tiền boa chỉ là 1 cho đến 2 hoặc là 3 đô la cho một tách đồ uống nhưng nên nhớ một cốc cà phê nhỏ của Starbucks có giá khoảng trên 3 USD, vị chi khách hàng sẽ phải trả một số tiền không nhỏ cho một món đồ uống vốn đã khá đắt đỏ của Starbucks.
Không giống như kiểu viết tiền boa trên biên lai hoặc bỏ vào lọ đựng tiền boa, khi boa cho nhân viên bằng hệ thống trên máy tính bảng, khách hàng của Starbucks phải thể hiện một cách công khai sự hào phóng hoặc “kẹt xỉ” của mình với những người phục vụ và những khách hàng khác.
Theo Giáo sư Zhu của Đại học Johns Hopkins, đây là một “chiêu trò” của Starbucks, việc yêu cầu khách hàng boa có thể khuyến khích một số người khác cũng sẽ làm như vậy.
Theo ông, phương pháp này có thể đặc biệt có lợi khi một giao dịch kinh doanh đã xảy ra. “Lời nhắc về tiền boa cũng được thiết kế để thúc đẩy khách hàng không chỉ để lại tiền boa mà còn để lại số tiền mà doanh nghiệp “đề xuất”. Đó là cách mà khách hàng của Starbucks có thể nhận được gợi ý để lại thêm 3 đô la cho một chiếc bánh sừng bò sô cô la 3,75 đô la, đây thực sự là 80% tiền boa”. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát gần đây do CreditCards.com thực hiện, 26% số người boa nhiều hơn khi đề xuất số tiền trên máy.
Chưa rõ ngoài nước Mỹ, Starbucks có triển khai việc này trên toàn cầu hay không, nhưng có thể thấy, đây lại thêm một chiêu “móc túi” khách hàng một cách chính thống của Starbucks.
Nguồn: bizlive