Khó đặt hộ kinh doanh vào “khung khổ” như doanh nghiệp

Tháng Tư 9, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_doanhnghiep-e1554795219691.jpg

Dù liên tục được bàn thảo để có giải pháp đưa hộ kinh doanh vào khung khổ pháp luật như doanh nghiệp nhưng hiện còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất.

Hộ kinh doanh khó tiếp cận chính sách

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chỉ xác định 2 loại chủ thể pháp luật là cá nhân và pháp nhân. Nhưng tại Việt Nam, do điều kiện lịch sử nên có thêm thành phần hộ kinh doanh. Thống kê đến nay, Việt Nam có khoản 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu trên thế giới, một pháp nhân kinh doanh sẽ được gọi là công ty, nếu một cá nhân kinh doanh thì gọi là cá nhân kinh doanh hoặc DN một chủ, song tại Việt Nam, điều này lại khá “ngổn ngang”, bởi pháp nhân kinh doanh được là công ty, hộ gia đình kinh doanh lại gọi là “hộ kinh doanh”, cá nhân kinh doanh thì gọi là “hộ kinh doanh cá thể”.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Fushihara Hirota, chuyên gia pháp lý Công ty Uryu & Itoga Việt Nam cho hay, thực chất, hộ kinh doanh tại Việt Nam vẫn có địa vị pháp lý, nhưng lại không có đủ năng lực, điều kiện để vươn lên như về việc vay vốn, kế toán… Trong khi tại Nhật, không có loại hình “hộ kinh doanh” mà là kinh doanh cá nhân, với chế độ kế toán, sổ sách rất đơn giản, linh hoạt. Với loại hình này, Nhật Bản không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, được tự do kinh doanh nhưng phải thông báo với cục thuế để họ xem xét sổ sách kế toán, từ đó đưa ra mức đánh thuế phù hợp.

Tại Việt Nam, khái niệm “hộ kinh doanh” luôn là vấn đề gây “nhức đầu” cho các nhà quản lý, từ việc làm thế nào để quản lý, thu thuế cho tới những chính sách hỗ trợ để “thúc” các hộ kinh doanh này tiến lên thành DN. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Công ty Economica Vietnam cho rằng, những quy định mới, những nội dung mới liên quan đến việc quản lý kinh doanh của các thành phần kinh tế cần phải có tầm nhìn dài hạn, tránh gây khó khăn cho môi trường kinh doanh. Vốn dĩ hiện trong Luật DN đã có DN tư nhân, đáng lẽ nên được gọi tên một cách chính xác hơn là doanh nghiệp một chủ hay doanh nghiệp cá thể; nên nếu đưa thêm quy định pháp lý cho hộ doanh doanh cá thể thì sẽ là một thách thức lớn đối với Ban soạn thảo đang tiến hành sửa đổi Luật DN để giải trình về sự khác biệt giữa hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện tại với hình thức doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật DN còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho các hộ kinh doanh tại vùng sâu, vùng xa. “Nếu hộ kinh doanh được đưa vào Luật DN, đây chắc chắn sẽ là một “phát minh” riêng và độc đáo của Việt Nam”, ông Bình nhấn mạnh.

Phải có lộ trình, không nên bắt buộc

Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh ÚC (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế Thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Về số lượng, tính chung toàn châu Âu, có tới 60% số lượng đăng ký theo hình thức cá nhân kinh doanh, ở Mỹ là 61%, ở Pháp là 90%, ở Malaysia là 65%. Còn tại Nhật Bản, số lượng DN và cá nhân kinh doanh tương đương nhau, nhưng cá nhân kinh doanh được điều chỉnh bởi Luật Dân sự, pháp nhân kinh doanh được điều chỉnh bởi Luật Công ty. Vì thế, theo ông Fushihara Hirota, phải tách biệt rõ ràng hành lang pháp lý cho 2 chủ thể để có sự phân biệt rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh vấn đề trên, nhiều người còn lo ngại, đưa cá nhân, hộ kinh doanh thành DN thì sẽ bị quản lý như một công ty, như phải có kế toán, sổ sách, phải đóng bảo hiểm, bị thanh tra, kiểm tra. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, các hộ kinh doanh hiện chưa thực hiện giữ sổ sách kế toán, hoặc nếu có thì chỉ ghi chép đơn giản; hầu hết các hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ, trình độ quản lý đơn giản… Vì thế, cơ quan thuế khó kiểm soát về tình hình thu chi, khó áp dụng các chính sách ưu đãi về Thuế cho các hộ này. Do đó, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, bên cạnh việc đưa ra cơ chế pháp lý hợp lý để quản lý loại hình hộ kinh doanh, phải có cơ chế để không những giúp các hộ kinh doanh này hoạt động thuận lợi mà còn phải góp phần “thúc” các hộ này tiến lên DN.

Theo đó, ông Lê Duy Bình cho rằng, mục tiêu phải là nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng của các hộ kinh doanh; phải làm thế nào để chính thức hóa hoạt động của các hộ kinh doanh; phải cải cách một loạt chính sách về: Bảo hiểm xã hội, thuế, điều kiện kinh doanh… để “dọn đường” cho các hộ kinh doanh tiến lên chuyển đổi thành DN, phải có lộ trình, không nên là bắt buộc để bảo đảm các hộ kinh doanh chuyển đổi thành công và hoạt động tốt.

Nhìn chung, dù vẫn còn ý kiến trái chiều về việc đưa hộ kinh doanh vào chung khái niệm “doanh nghiệp”, nhưng điều quan trọng là phải tìm được sự phù hợp cho các hình thức DN, để giúp các cá nhân và tổ chức đều có quyền tự do kinh doanh theo đúng pháp luật quy định. Hộ kinh doanh và DN dù khác nhau bao nhiêu nhưng cũng phải có một tiêu chuẩn nền tảng hay một mặt bằng cơ sở.

Hương Dịu

Theo Báo Hải quan

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button