Kết nối nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn
Gần đây, các công ty nghiên cứu thị trường nói nhiều về người tiêu dùng kết nối – những người trẻ tuổi với khả năng kết nối thường xuyên (qua sử dụng Internet, công cụ giao tiếp qua mạng) và dùng điện thoại thông minh để mua sắm và theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đây chính là thế hệ người tiêu dùng ưa thích của doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến.
Connected spenders, tạm dịch là người tiêu dùng kết nối, hay người tiêu dùng liên kết – theo định nghĩa của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen – là những người tiêu dùng trẻ, có thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu.
Về cơ bản, người tiêu dùng kết nối đến từ tất cả các nhóm thu nhập. Tuy nhiên, Nielsen cho rằng cần phải xác định rõ rằng, họ là những người có mức thu nhập vừa đủ để có thể chi tiêu tùy ý theo cách riêng của họ. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng phần lớn lực lượng tiêu dùng thế hệ mới nhất đến thời điểm này có nhiều khả năng là đến từ các nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao.
Thế hệ tiêu dùng mới
Theo Nielsen, tại Việt Nam có hơn 3/4 số người tiêu dùng kết nối đến từ tầng lớp dân chúng có mức thu nhập cao (76%) và khoảng 2/3 đến từ tầng lớp trung lưu (62%) và 43% đến từ nhóm có thu nhập thấp hơn.
Theo nghiên cứu của Nielsen, đến năm 2025, người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực có mức độ tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng kết nối cao nhất toàn cầu; đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam quý 1 năm nay do Nielsen công bố đã tăng bảy điểm so với quý cuối năm 2018; Việt Nam vượt qua Indonesia để vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới (129) với chỉ số niềm tin người tiêu dùng chỉ đứng sau Philippines và Ấn Độ (với số điểm tương ứng là 133 và 132). Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là tác động của sự lạc quan đối với cơ hội việc làm và tài chính cá nhân, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, sự gia tăng điểm số này cho thấy người tiêu dùng tiếp tục thay đổi theo hướng tích cực cho bản thân và gia đình họ. Các nhà sản xuất và bán lẻ cần nắm bắt các xu hướng mới nhất trong thị trường tiêu dùng và cần hành động nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thế hệ người tiêu dùng mới.
Phong cách mua sắm đa kênh
So với những người sử dụng Internet khác, người tiêu dùng kết nối là những người có xu hướng mua sắm đa kênh. Khoảng 80% số người tiêu dùng kết nối nghĩ rằng mua sắm trực tuyến là thuận tiện và tìm thấy sự thích thú với phương thức đó.
Trước khi mua, họ thường sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo từ cả hai nguồn thông tin trên mạng (online) và qua các cửa bán hàng (offline). Nielsen cho biết, bốn trong số năm người tiêu dùng kết nối sẽ tham khảo các nhận xét về sản phẩm trên các kênh trực tuyến (83%) và đặc biệt họ sẽ tìm kiếm nhận xét từ mạng xã hội (74%) trước khi quyết định có mua sảm phẩm đó hay không. Trong khi đó, có 66% số người tiêu dùng kết nối, tức là trong ba người thì có hai người, sẽ trực tiếp xem sản phẩm tại cửa tiệm thực tế trước khi đặt hàng trên các kênh mua sắm trực tuyến.
Người tiêu dùng kết nối rất quan tâm đến vấn đề giá, họ luôn tìm kiếm những đơn hàng giảm giá, các chương trình khuyến mãi: hơn một nửa trong số họ sử dụng các ứng dụng di động để tìm kiếm các đơn hàng giảm giá tốt nhất dù là khi họ dự định mua sắm hay thậm chí là đang mua sắm tại cửa tiệm.
Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội ngày càng gia tăng. Theo báo cáo từ dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết, điện thoại thông minh luôn được dùng để mua sắm trực tuyến (chiếm 63%). Trong đó có đến 47% số người dùng sử dụng các ứng dụng có sẵn trên điện thoại để mua sắm và chỉ có 16% số người dùng sử dụng trình duyệt web trên điện thoại để tìm kiếm và đặt hàng.
Cũng có kết quả theo hướng tương tự, bản khảo sát của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), có đến 49% số người tiêu dùng có thói quen mua sắm bằng điện thoại di động hằng tháng. Điều này cho thấy việc dùng ứng dụng trên thiết bị di động, hay gọi chung là mua sắm qua thiết bị di động đã trở thành một thói quen của người tiêu dùng ngày nay. Và đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, rõ ràng người tiêu dùng kết nối là nhóm khách hàng quan trọng, cần tập trung quảng cáo và truyền thông sản phẩm. Môi trường mua sắm, làm việc, giao tiếp… của nhóm khách hàng chính là môi trường Internet với hàng loạt công cụ kết nối, giao tiếp, như Facebook, Instagram, YouTube, Zalo, Viber…
40 triệu người tiêu dùng kết nối trong năm 2025
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 ở Việt Nam là 23 triệu và sẽ tăng lên 40 triệu người trong năm 2025. Cùng với số người tiêu dùng kết nối tăng, chi tiêu hằng năm của họ tại Việt Nam cũng sẽ tăng từ 50 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015 lên đến 99 tỉ đô la trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính đóng góp doanh thu của người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hàng năm.
Chí Thịnh
Nguồn: Saigon Times