Grab, Gojek và các startup tỷ USD chật vật sống sót sau cuộc đốt tiền

Tháng Bảy 30, 2020by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_startup_chat_vat_song_sot_trong_mua_dich_covid_19.jpg

Với Gojek, Grab và hàng loạt startup kỳ lân ở Đông Nam Á, việc tìm kiếm lợi nhuận giờ trở thành cuộc chiến sinh tồn trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch COVID-19.

Theo Nikkei Asian Review, startup cho thuê xe Smove rất phổ biến ngay cả ở một đất nước đắt đỏ và nhiều luật lệ như Singapore. Chỉ cần quẹt thẻ, bất cứ ai cũng có thể lên một chiếc xe ngoài đường, khởi động và sử dụng với giá chỉ 4 USD/tiếng.

Khi những gã khổng lồ gọi xe như Uber Technologies và Grab mở rộng thần tốc ở Đông Nam Á, nhà sáng lập Tom Lokenvitz cố tìm cách ăn theo. Năm 2015, ông đạt được thoả thuận cung cấp ô tô cho tài xế Uber. Thời điểm đó, Grab và Uber liên tục tung ra các chương trình giảm giá sâu và trợ cấp để giành thị phần trong khu vực.

Canh bạc của Lokenvitz đã thành công. Smove phát triển mạnh trong 6 tháng sau khi đạt được thoả thuận với Uber. Số lượng xe tăng gấp 10 lần, nhân sự mở rộng 300%. Có lúc công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất ở loại hình kinh doanh này tại Châu Á.

Nhưng sau đó, hoạt động kinh doanh của startup Singapore trật bánh. Uber tháo chạy khỏi thị trường Đông Nam Á, mối quan hệ đối tác sụp đổ. Smove buộc phải tái cấu trúc, đàm phán lại với các nhà cung cấp, đóng cửa văn phòng tại Australia và sa thải nhân viên ở Singapore.

Grab và Gojek đang tranh giành thị phần ở Đông Nam Á. Ảnh: Getty

Trọng thương vì dịch bệnh

Đến đầu năm 2020, Lokenvitz cho rằng đây là thời điểm có thể xoay chuyển tình thế. Họ bắt đầu tập trung mở rộng và chuyển sang các thị trường mới. “Vào 2 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã trở lại đúng hướng”, ông nói với Nikkei.

Nhưng khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở Singapore hồi tháng 5, việc di chuyển bị giới hạn, doanh thu của công ty lao dốc 85%. Smove buộc phải thanh lý tài sản, trong đó có tài sản trí tuệ của công ty mẹ.

“Chúng tôi bị thương từ trước dịch COVID-19, và rồi chúng tôi đã hồi phục. Nhưng với túi tiền ít ỏi, chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không có thanh khoản dù được chính phủ hỗ trợ. Số tiền đó không đủ để vượt qua quãng thời gian phong toả”, Lokenvitz tuyệt vọng.

Smove chỉ là một trong số các công ty khởi nghiệp non trẻ bị “chảy máu tiền mặt” vì dịch bệnh ở Đông Nam Á. Nhiều năm qua, những startup này đã được hỗ trợ hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ Vision Fund của Tập đoàn SoftBank.

Giờ đây, các khe nứt trong mô hình kinh doanh bị phơi bày. Định giá lao dốc, vốn huy động giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua, các startup kỳ lân (giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD) buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu và đưa ra những quyết định khó khăn.

“Đây là một thời khắc rung chuyển. Nhiều nhà đầu tư đã không để tâm đến các chỉ số. Họ nhận định một ngành công nghiệp ‘nóng, có thể phát triển’ chỉ vì dễ kiếm tiền từ đó”, Nikkei Asia Review dẫn lời chuyên gia Chandra Firmanto tại Indogen Capital (Jakarta, Indonesia) nhận định.

Trong khi đó, các startup kỳ lân ở Indonesia bắt đầu đổ máu sau những thành công vang dội. Năm 2010, công ty nhỏ có tên Gojek bắt đầu hoạt động với tư cách một trung tâm cuộc gọi với số nhân viên ít ỏi. Đến năm 2015, Gojek đã phát triển thành ứng dụng kiểu Uber và trở thành startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia.

Ảnh: Internet

Năm 2019, công ty vượt mức định giá 10 tỷ USD và đang trên đường trở thành siêu ứng dụng, cung cấp mọi thứ từ dịch vụ gọi xe, thanh toán kỹ thuật số đến dọn dẹp nhà cửa.

Vung tiền thâu tóm các công ty nhỏ

Gojek và các nhà sáng lập đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ngành thương mại năng động của Indonesia đến với ngành kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ. Những tên tuổi lớn như Google, Tencent Holdings và Facebook đồng loạt rót tiền vào startup này.

Năm 2019, nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia ước tính đạt 40 tỷ USD, tăng 500% so với hồi năm 2015. “Bất cứ thứ gì mà tầng lớp trung lưu của Indonesia muốn mua, chúng tôi đều đưa vào ứng dụng này”, nhà sáng lập Nadiem Makarim nhấn mạnh về tham vọng siêu ứng dụng hồi năm 2018.

Công ty đã xem xét chi hàng triệu USD tiền đầu tư để mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực từ giao thực phẩm đến massage. Một phần của chiến lược mở rộng là thâu tóm những công ty khởi nghiệp nhỏ và yếu hơn.

Không chỉ Gojek, đối thủ Grab cũng thâu tóm ít nhất 10 startup nhỏ hơn trong vòng 3 năm qua. Năm 2019, cả hai công ty đều không có lãi. Họ bị mắc kẹt vào trận chiến giảm giá và trợ cấp nhằm thu hút cả khách hàng và tài xế.

Nikkei Asian Review nhận định Gojek vẫn còn đất để phát triển. Các dịch vụ cốt lõi của Gojek đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người Indonesia. Và họ vẫn muốn nhiều hơn nữa. Nhưng hồi cuối tháng 6, nhu cầu lao dốc vì dịch COVID-19, công ty tuyên bố sa thải 9% lực lượng lao động và đóng cửa GoLife, dịch vụ làm sạch và massage tại nhà, và GoFood Festival.

Startup kỳ lân Traveloka phải sa thải nhân viên. Ảnh: Reuters

Công ty cũng dừng GoGlam, dịch vụ đặt phòng làm đẹp và GoFix, dịch vụ sửa chữa đồ gia dụng hồi tháng 1. Điều này đe doạ sinh kế của hàng nghìn người Indonesia. “Tôi bị sốc. Tôi nghĩ Gojek là một công ty lớn, chắc chắn họ sẽ tiếp tục mở rộng các loại dịch vụ”, bà Asri Sulastri, một người dọn dẹp từng làm việc cho GoClean, chia sẻ.

Đây cũng là tình hình chung của hàng loạt startup Đông Nam Á trong thời kỳ dịch bệnh. Các quốc gia vẫn đang đắn đo giữa việc mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục giãn cách xã hội. Trong khi đó, người tiêu dùng Đông Nam Á đã cắt giảm chi tiêu.

Traveloka buộc phải sa thải khoảng 100 người, 10% nhân viên, hồi đầu tháng 4 khi ngành du lịch toàn cầu trọng thương vì dịch COVID-19. Grab của Singapore cũng đề nghị nhân viên tự giác nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm việc hồi tháng 4. Trong tháng 6, công ty sa thải khoảng 360 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động.

Không còn sự lựa chọn

“Tôi hiểu họ. Họ rất khổ sở vì điều đó. Nếu không cần thiết, họ sẽ không làm vậy. Tôi cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác”, Chua Kee Lock, CEO Vertex Holdings, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Grab, chia sẻ.

Thiếu tiền, nhiều startup nhỏ hơn buộc phải đóng cửa vĩnh viễn. Stoqo Teknologi Indonesia, một nền tảng trực tuyến chuyên cung cấp nguyên liệu tươi cho các cửa hàng thực phẩm, đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 4.

Một startup khách sạn giá rẻ khác cũng dừng hoạt động hồi cuối tháng 5 “sau sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và số lượng lớn yêu cầu hoàn tiền từ phía người dùng”. Startup giao hoa BloomThis chứng kiến doanh thu sụt giảm 90%. Công ty buộc phải cắt giảm chi phí tiếp thị, xem xét giảm lương và tìm kiếm hỗ trợ từ các ngân hàng.

Sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp ở Đông Nam Á giờ mất đi nhiệt lượng. Giới đầu tư trở nên cảnh giác hơn sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của WeWork sụp đổ, trong khi giá cổ phiếu Uber và Slack Technologies lao dốc sau IPO.

Theo dữ liệu của Deal Street Asia, vốn huy động tại khu vực này chứng kiến mức sụt giảm 30% trong năm ngoái, đặc biệt là nửa cuối năm. Nhiều startup lớn, bao gồm Gojek, đã sẵn sàng chuyển đổi trước khi đại dịch diễn ra. Họ tập trung hướng tới lợi nhuận thay vì triết lý “tăng trưởng bằng mọi giá” như vài năm trước đây.

Bê bối WeWork khiến giới đầu tư toàn cầu thay đổi dần cái nhìn về thị trường startup. Ảnh: Shutterstock

“Cuộc khủng hoảng vì COVID-19 cho thấy sự tăng trưởng là rất mong manh. Định giá công ty cần phải song hành với giá trị được tạo ra. Không sai nếu các công ty và nhà đầu tư muốn tìm kiếm tăng trưởng và định giá cao hơn, nhưng họ cũng cần phải tạo ra giá trị tương xứng”, ông Amit Anand, nhà sáng lập Jungle Ventures (Singapore), bình luận.

“Dịch COVID-19 đến vào một thời điểm cực kỳ tồi tệ đối với chúng tôi”, nhà sáng lập của một startup thương mại điện tử ở Indonesia than thở. Giờ, thay vì chạy đua tăng định giá, các công ty đang được điều chỉnh để duy trì tiền mặt càng lâu càng tốt. Họ cũng tranh giành để được đảm bảo cam kết từ nhà đầu tư đối với vốn mới.

Dịch COVID-19 khiến ngay cả những người chơi lớn nhất cũng phải thích nghi với “thực tại mới”. “Giống hầu hết công ty khác, các startup, đặc biệt ở Đông Nam Á, cần tập trung vào việc đề phòng trong ngắn hạn, nhất là khi họ không có nhiều tiền”, giáo sư Amit Joshi tại IMD Business School (Lausanne, Switzerland) nhận xét.

“Mục tiêu là vượt qua cơn bão này. Tuy nhiên, đối với những công ty có tiềm lực tài chính mạnh, đây là một cơ hội tuyệt vời để thâu tóm các công ty nhỏ hơn và củng cố vị thế”, ông nói thêm. Theo ông, các quỹ đầu tư cũng nên xem giai đoạn này là một giai đoạn để đầu tư vào những startup triển vọng.

Thảo Cao
Nguồn: BizLive

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button