Gọi xe không còn là dịch vụ quan trọng nhất của Grab
Grab trong nhiều năm qua được biết đến là một dịch vụ vận tải hành khách. Tuy nhiên, lúc này dịch vụ gọi xe không còn giữ vai trò động lực phát triển chính.
Theo Tech in Asia, vài năm gần đây, những sản phẩm khác của Grab như dịch vụ tài chính hay dịch vụ giao đồ đã chiếm tới 50% tổng giá trị sản phẩm của startup này. Điều này cũng được ông Lim Kell Jay, người đứng đầu mảng dịch vụ giao hàng thực phẩm của Grab xác nhận.
7 năm trước, Grab bắt đầu hoạt động như một dịch vụ giúp người dùng gọi taxi với chi phí phù hợp và thuận tiện hơn. Nhưng lúc này, công ty trị giá 14 tỷ USD đang đặt niềm tin vào dịch vụ tài chính và giao đồ ăn.
Ông Lim cho biết, việc cung cấp dịch vụ gọi xe đã tạo ra một nền tảng tốt để công ty này có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho người dùng. Nhờ vào việc có nhiều dịch vụ hơn, họ có thể có nhiều khách hàng hơn và số lượng giao dịch trên nền tảng cũng sẽ tăng.
Với chiến lược xâm nhập thị trường qua nền tảng là dịch vụ vận tải, Grab đã vượt ra khỏi ngành kinh doanh ban đầu, nổi tiếng với việc lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ.
Tại Indonesia, GoJek cũng đang đi theo chiến lược này, từ cung cấp dịch vụ tin nhắn đến chuyển phát nhanh trong cùng một nền tảng.
Hồi tháng 11, một công ty tại Trung Quốc là Me Meuan đã chứng minh mô hình siêu ứng dụng có dịch vụ giao thực phẩm là mô hình kinh doanh có lãi. Họ công bố lợi nhuận sau thuế của mình đạt 184,6 triệu USD trong kết quả kinh doanh quý III.
Đầu năm 2018, khi Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, họ đã triển khai dịch vụ giao đồ ăn ở 6 nước gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với hơn 220 thành phố.
Nhưng đối thủ GoJek với tên Việt Nam là GoViet cũng đang làm điều tương tự.
Để có thể giao đồ ăn, các công ty trung gian thường phải chấp nhận chi một phần doanh thu của mình cho các nhà hàng. Quy trình khi đặt hàng món ăn của Grab là đơn hàng sẽ hiện trên ứng dụng của nhà hàng, sau đó là trên ứng dụng của lái xe. Cuối cùng lái xe mới tới nơi nhận hàng và giao.
Nhưng Grab cho biết, lãi từ việc giao đồ ăn vẫn cao hơn lãi từ vận chuyển hành khách. Tất nhiên ở từng thị trường khác nhau sẽ có một đặc điểm riêng nhưng có thể trong vài năm nữa, doanh thu của việc giao hàng cũng sẽ cao hơn.
Giao đồ ăn cũng giúp cho các mảng như dịch vụ thanh toán của Grab tăng được doanh số. Khách hàng khi đã quen với nền tảng sẽ tiếp tục ở lại nền tảng đó mà không muốn dùng thêm ứng dụng khác.
Đây cũng sẽ giúp hình thành các dữ liệu để cung cấp cho khách hàng dịch vụ tín dụng bằng cách ứng tiền cho khách hoặc cho khách vay những khoản nhỏ. Khách hàng sẽ là những cá nhân bị ngân hàng từ chối với lý do khoản vay quá nhỏ hoặc không có gì thế chấp. Lúc đó Grab hoàn toàn có thể tính lãi rất cao.
Ở một số thị trường, Grab cũng đang hoạt động ở dạng công ty quản lý quỹ. Theo đó người dùng có thể bỏ tiền vào để Grab mang đi đầu tư. Ngoài ra họ cũng đã ra mắt thẻ có chức năng hoạt động y như thẻ ngân hàng cho phép người dùng mua hàng trực tuyến hay sử dụng ở những điểm thanh toán có máy POS. Dự kiến thẻ Grab sẽ được phát hành tại các thị trường khác trong năm 2020.
Tùng Linh
Nguồn: BizLive