Giá nhiều loại hàng hóa được dự báo tiếp tục tăng
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra những cú sốc trong cả phía cung và phía cầu qua đó khiến giá hàng hóa thế giới biến động mạnh.
Tại Việt Nam, kết quả kinh doanh nhiều ngành nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá hàng hóa, đặc biệt tại các ngành có cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào lớn.
Mới đây, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã có báo cáo nghiên cứu về diễn biến giá hàng hóa hiện nay và triển vọng 6 tháng cuối năm; thông qua đó đưa ra kỳ vọng về những nhóm doanh nghiệp hưởng lợi/bị ảnh hưởng.
Theo Agriseco Research, thị trường hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt từ giữa năm 2022 với chỉ số Refinitiv CoreCommodity CRB Index, chỉ số tổng hợp giá cả của 22 loại hàng hóa chính đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh năm ngoái. Sau khi hình thành xu hướng tăng kể từ năm 2020 và đạt đỉnh vào giữa năm 2022, giá hàng hóa đã chịu áp lực giảm từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Điều này có tác động lớn đến nhiều ngành kinh doanh đặc biệt là cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
“Giá hàng hóa có thể tiếp tục biến động khó lường trong phần còn lại của năm 2023. Mặc dù đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng giá hàng hóa vẫn đang cao hơn mức trước đại dịch COVID-19. Trong nửa cuối năm 2023, giá các loại hàng hóa có thể biến động trái chiều nhưng nhìn chung sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm khi nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái”, Agriseco Research nhận định.
Cũng theo dự báo của công ty chứng khoán này, giá nhiều loại hàng hóa có thể tăng trong thời gian tới, bao gồm: giá đường, giá heo hơi, giá gạo và giá vàng.
Cụ thể, giá đường có thể tiếp tục xu hướng tăng và duy trì ở mức cao bởi nguồn cung đường toàn cầu thắt chặt. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường dự trữ sẽ giảm 13% trong niên vụ 2022/2023 chủ yếu do sản lượng của cả Ấn Độ và Trung Quốc sụt giảm bởi tình hình thời tiết không thuận lợi.
Trong khi đó, giá heo cũng được dự báo có thể tiếp tục xu hướng phục hồi lên vùng 60.000 – 70.000 đ/kg bởi nguồn cung sụt giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi cá thể đã treo chuồng sau thời gian dài thua lỗ. Đồng thời, ngành du lịch, dịch vụ phục hồi là động lực giúp cho nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng lên hỗ trợ đà tăng của giá heo.
Trong khi giá gạo bình quân năm 2023 được dự báo có thể cao hơn 17% so với năm 2022 do sản lượng sụt giảm bởi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.
Khánh An
Nguồn: nhipcaudautu