FPT tìm động lực mới từ chuyển đổi số
FPT M&A để nhanh chóng thúc đẩy mảng dịch vụ chuyển đổi số.
FPT vừa cùng với Base.vn ký kết thương vụ M&A. Theo đó, FPT sẽ tham gia đầu tư chi phối vào Base.vn, chính thức đưa doanh nghiệp này trở thành công ty con của mình. Đây không phải là lần đầu tiên FPT thực hiện M&A. Năm 2018 FPT từng M&A với Intellinet. Kết quả, như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, chia sẻ, thương vụ đã giúp công ty mang về hợp đồng trị giá 150 triệu USD tại Mỹ. Trước đó, FPT ký kết thoả thuận với Tập đoàn RWE để mua RWE IT Slovakia và biến công ty này thành FPT Slovakia, thuộc 100% vốn của FPT Software.
Với thương vụ M&A lần này, Base.vn không phải tên tuổi ngoại mà là nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện (Platform), do 6 cá nhân trong nước sáng lập. Đây cũng là một công ty còn non trẻ, ra đời năm 2016. Dù vậy, theo ông Phạm Kim Hùng, Sáng lập và CEO của Base.vn, Công ty hiện có 5.000 khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 100%/năm.
Sau 5 năm, Base.vn cũng đã phát triển 50 ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, từ tăng hiệu suất, quản trị nhân sự, cho đến quản trị thông tin… Đã có 5 quỹ đầu tư gồm Nextrans, Beenext, Alpha JWC, VIISA và 500 Startups rót vốn vào Base.vn.
Về phía FPT, mọi tập trung hiện tại đều dồn vào chuyển đổi số. Bởi đến tận năm 2017, hơn một nửa doanh thu của FPT đến từ phân phối, bán lẻ. Nhưng sau năm 2018, khi FPT đã thoái vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading, tập đoàn bị mất nguồn thu này và cơ cấu doanh thu, lợi nhuận phải thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng mảng công nghệ. Năm 2020, công nghệ chiếm 56% tổng doanh thu FPT, còn viễn thông chiếm 39% tổng doanh thu. Công ty vẫn chịu sức ép tìm động lực tăng trưởng mới.
3 năm qua, FPT chưa thể đạt trở lại con số hơn 42.000 tỉ đồng doanh thu như năm 2017. Cả năm 2020, doanh thu chỉ đạt hơn 29.000 tỉ đồng, tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, FPT đã có những nỗ lực để lợi nhuận ròng từ năm 2019 vượt năm 2017 (3.428 tỉ đồng) và tăng trưởng hơn 12,6% vào năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh, trong khi các công ty cùng ngành như Infosys, TCS, Wipro (Ấn Độ) chỉ tăng dưới 5% về doanh thu.
FPT cũng đứng trước giai đoạn chuyển dịch trong chuỗi giá trị công nghệ từ xuất khẩu phần mềm cho khách hàng (làm thuê) sang tự tạo ra các sản phẩm Made by FPT (làm chủ) và FPT đã tìm thấy cơ hội từ xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19. Theo khảo sát của Gartner, nếu năm 2018, tỉ lệ dự án chuyển đổi số ở giai đoạn nhân rộng, hoàn thiện chỉ 17% thì đến năm 2020, con số này là 40%. Gartner cũng dự phóng với xu hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tối ưu hoá chi phí, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt ưu tiên các đối tác có năng lực công nghệ cao và chi phí hiệu quả.
FPT đã hành động và đạt được một số thành tựu nhờ tận dụng làn sóng này. Chẳng hạn, tập đoàn mở rộng thêm 4 văn phòng, trung tâm phát triển tại Canada, Trung Đông, Ấn Độ, Costa Rica; thành lập FPT Digital để cung cấp dịch vụ tư vấn lộ trình chuyển đổi số; thành lập FPT Smart Cloud để tập trung vào dịch vụ điện toán đám mây. Đặc biệt, FPT đã phát triển các sản phẩm Made by FPT như akaBot, akaDoc, akaTrans…
Năm 2020, theo báo cáo thường niên, dịch vụ chuyển đổi số ở FPT đã tăng trưởng 31% về doanh thu, đạt 3.219 tỉ đồng. Riêng nhóm hơn 77 sản phẩm/giải pháp chuyển đổi số Made by FPT đạt 500 tỉ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ. Chuyển đổi số hiện có 3 mảng quan trọng gồm chính quyền số, kinh tế số, công dân số. Nhưng những năm qua, FPT chủ yếu thực hiện các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp lớn. Mảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME còn yếu. Đây là lý do để FPT phải gấp rút hơn nữa trong định hướng mở rộng khách hàng, làm sao để doanh thu chuyển đổi số từ khối SME trở thành nguồn thu bền vững cho FPT.
Base.vn trở thành mảnh ghép quan trọng trong sứ mệnh chuyển đổi số của FPT. Trước mắt, trở thành người một nhà với FPT, Base.vn có thể hoàn thiện hơn nữa hệ sinh thái của mình. Công ty cũng được thừa hưởng, tích hợp những công nghệ lõi, mới nhất từ Tập đoàn FPT như FPT.AI, Blockchain, Cloud, chữ ký số điện tử… để cho ra các giải pháp hiệu quả hơn. Ngoài ra, Base.vn có thể quảng bá sản phẩm đến khách hàng FPT và nhờ mạng lưới chi nhánh tại 26 nước của FPT để vươn ra toàn cầu.
“Chúng tôi có thể nhanh chóng đưa vào những mô-đun mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp số. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp Việt Nam gần như được sống trong thế giới số”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Lãnh đạo Base.vn cho biết, với sự trợ giúp của FPT, công ty có thể tiết kiệm ít nhất 10 năm để vươn lên trở thành một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện. Base.vn đang nhắm tới cung cấp dịch vụ cho hơn 800.000 doanh nghiệp SME ở Việt Nam. Theo IDC, khoảng 72% số doanh nghiệp SME đang tìm cách chuyển đổi số.
Sau M&A với Base.vn, FPT dự tính đồng hành cùng các startup, để đưa trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên bình dân hơn. Bởi ngoài 800.000 doanh nghiệp SME, còn có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là nơi để các doanh nghiệp như Base.vn, FPT mở ra thị trường mới.
Ngọc Thủy
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư